In bài này
Chiến lược Thái Bình Dương mới của Obama
Thứ Sáu, 03/12/2010 - 11:19 AM
Trở lại với chiến lược “kiềm chế Trung Quốc”, Washington đang thay đổi khuôn khổ sự hiện diện trong khu vực. Mỹ sẵn sàng hậu thuẫn một số nước trở thành cường quốc khu vực để đối trọng với Trung Quốc

Máy bay ném bom chiến lược B-2 được điều đến
các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương (af.mil)

Vào giữa nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Barack Obama đã bắt đầu xem xét lại chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD).

Ngày 27.10.2010, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt đầu chuyến công du châu Á: tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội (Việt Nam), đảo Hải Nam (Trung Quốc), Campuchia, Malaysia, Papua-New Guinea, New Zealand và Australia. Ngày 6.11.2010, TT Barack Obama lên đường đi thăm các nước CA-TBD: Ấn Độ và Indonesia. Điểm cuối của chuyến đi là việc Barak Obama tham dự Hội nghị thượng đình G20 ở Seoul (Hàn Quốc) và Diễn đàn APEC ở Yokohama (Nhật Bản).

Những chuyến thăm này là để chứng tỏ vai trò ngày càng tăng của CA-TBD trong chiến lược đối ngoại của Washington. Ở mỗi thủ đô, các vị khách Mỹ đều nói về quan hệ của Mỹ với nước chủ nhà. Nhưng thông điệp chung của những tuyên bố của họ vẫn không thay đổi. Cả Hillary Clinton và Barack Obama đều nói về sự cần thiết đổi mới khuôn khổ sự hiện diện của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Washington sợ hãi điều gì?

Hệ thống hiện diện của Mỹ ở CA-TBD được thiết lập trong thập niên 1950. Thời đó đã ký kết một tập hợp các hiệp ước đồng minh giữa Mỹ với Australia, New Zealand, Philippines và Hàn Quốc. Sau này, chúng được bổ sung thêm Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ (1960) và Đạo luật quan hệ với Đài Loan (1979).

Các thỏa ước này là nhằm:
1) bảo đảm tính chất hòa bình của chính sách của Nhật Bản;
2) bảo đảm sự hiện diện của Mỹ ở CA-TBD và
3) kiềm chế sức mạnh quân sự của Liên Xô và Trung Quốc.

Kẻ nào thống trị Thái Bình Dương: Rồng Tàu hay Đại bàng Mỹ?

Cuối những năm 2000, luận thuyết về mối đe dọa kinh tế từ phía Trung Quốc nổi lên hàng đầu. Tháng 11.2009, Barack Obama đề nghị Bắc Kinh đối thoại về các vấn đề kinh tế toàn cầu, không phổ biến vũ khí hủy diệt lớn và biến đổi khí hậu. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ ý tưởng “thế giới đa cực” và khó chịu với thể thức G2 của Mỹ. Những mâu thuẫn còn sâu sắc thêm do sự thâm hụt thương mại gia tăng của Mỹ đối với Trung Quốc. Chính quyền Obama đã bắt đầu trở lại với chiến lược “kiềm chế Trung Quốc” được hình thành từ năm 1995.

Một vấn đề khác là sự vững mạnh của ASEAN. Trong 20 năm qua, tổ chức này đã nỗ lực vươn tới vai trò một trung tâm hội nhập. Đã xuất hiện một hệ thống các hoạt động tư vấn đặc biệt của Hiệp hội với các đối tác với thể thức ASEAN+1 (Trung Quốc), ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và ASEAN+6 (ASEAN+3 + Ấn Độ, Australia, New Zealand). Trên cơ sở ASEAN+6, năm 2005 đã ra đời Hội nghị Cấp cao Đông Á như một nền tảng cho “cộng đồng Đông Á” tương lai. Người Mỹ lo ngại rằng, quan hệ đối tác đặc biệt ASEAN-Trung Quốc sẽ tạo ra một hệ thống an ninh mới ở Đông Á mà không có sự tham gia của Mỹ.

Những dự án triển vọng

Đối phó với các xu hướng này trong khuôn khổ hệ thống các liên minh quân sự cũ là không thể. Bởi vậy, phe Dân chủ Mỹ bắt đầu thực hiện hàng loạt dự án mới.

Một là, Washington tăng cường hợp tác quân sự với Australia và New Zealand. Ngày 4.11.2010, đã ký kết Tuyên bố Wellington về đối tác chiến lược Mỹ-New Zealand. Văn kiện nêu ý định của các bên phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, khắc phục hậu quả thiên tai và không phổ biến vũ khí hủy diệt lớn. Ngày 8.11.2010, đến lượt hiệp định ở Melburn giữa Mỹ và Australia về việc tăng quân số các lực lượng quân sự. Các bên cũng thảo luận dự thảo hiệp định Mỹ-Australia về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ.

Thời chiến tranh lạnh, Hiệp ước ANZUS (1951) không có ý nghĩa quân sự lớn. Nay thì tình hình đang thay đổi. Trên lãnh thổ Australia và New Zealand, với sự hỗ trợ của Mỹ, đang xây dựng một mạng lưới các trạm theo dõi các vụ thử hạt nhân. Canberra và Wellington với sự giúp đỡ của Mỹ đang hiện đại hóa tiềm lực tên lửa của họ. Từ năm 2007, Australia tham gia triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ. Ta nên trông đợi sự tham gia của cả New Zealand vào dự án này.

Hai là, Mỹ dự định mở rộng sự hiện diện ở Đông Dương. Ngoại trưởng Clinton đã nêu lên sự cần thiết tăng cường các quan hệ quân sự với Thái Lan và Philippines trong lĩnh vực chống khủng bố và thiên tai.

Điều không kém quan trọng, theo lời bà Clinton, là việc củng cố sự hiện diện quân sự Mỹ ở Singapore, tức là ở eo biển Malacca. Người ta nên trông đợi những nỗ lực của Mỹ đẩy mạnh hợp tác với Malaysia và Indonesia trong lĩnh vực tên lửa-vũ trụ.

Sự phát triển quan hệ Mỹ-Việt có thể sẽ đóng vai trò đặc biệt. Hiện thời chưa nói đến quan hệ đối tác trong lĩnh vực quân sự. Nhưng ngày 29.10, bà Clinton tuyên bố về ý định mở rộng quan hệ với Hà Nội. Bộ Ngoại giao Mỹ hy vọng rằng, Việt Nam sẽ giúp Mỹ tham dự hoạt động của Cấp cao Đông Á và thậm chí hình thành thể thức tham vấn đặc biệt mới giữa Mỹ với ASEAN.

Ba là, Mỹ đang mở rộng tiếp xúc chính trị-quân sự với Ấn Độ. Hiện nay, Dehli đã có hệ thống hợp tác rộng lớn với Washington: từ Hiệp định Mỹ-Ấn trong lĩnh vực sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử (2006) cho đến Hiệp định phân chia sản phẩm quân dụng (2009).

Hiện nay, sự hợp tác Mỹ-Ấn đang tiến lên cấp độ chính trị. TT Barack Obama ngày 8.11.2010 đã hứa hậu thuẫn Ấn Độ giành vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Lần đầu tiên kể từ đầu thập kỷ 1990, Nhà Trắng bắt đầu rời xa chiến lược ngăn cản việc cải cách tổ chức này.

Bốn là, Mỹ đang xem xét các kịch bản thành lập một tổ chức thay thế ASEAN. Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương ký giữa Singapore, Brunei, Chile và New Zealand (2005) có thể là sự khởi đầu. Tại Washington phổ biến các quan điểm về việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế ở Bắc Thái Bình Dương giữa Mỹ, Canada, Nhật Bản và vùng Viễn Đông của Nga.

Trung Quốc không muốn chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ?

Chiến lược Thái Bình Dương mới của Obama đang thay đổi bản chất của chiến lược “kiềm chế Trung Quốc”. Trước hết là nói về việc tiến hành những hành động phô trương sức mạnh gần biên giới Trung Quốc. Hiện nay, chính quyền Obama đang dựa vào sự nổi lên các trung tâm ảnh hưởng đối trọng với Trung Quốc. Mỹ sẵn sàng cung cấp cho họ những nguồn lực nhất định để đạt vị thế các cường quốc khu vực thực sự. Trung tâm lợi ích Mỹ đang dịch chuyển từ tam giác Trung Quốc-Đài Loan-Nhật Bản sang Nam Thái Bình Dương.

Hội chứng Nhật Bản

Đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược Thái Bình Dương của Mỹ là Nhật Bản. Sau Thế chiến II, quốc gia này đã bị tước bỏ chính sách quân sự độc lập. Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật năm 1960 chỉ cho phép Tokyo có Lực lượng Phòng vệ nhỏ. Nhưng Nhật Bản bị cấm sử dụng lực lượng đó ở bên ngoài quần đảo Nhật Bản. Quân đội Mỹ đảm trách nhiệm vụ bảo vệ Nhật Bản.

Gần như tất các các chính phủ ở Nhật Bản đều muốn viết lại Hiệp ước 1960 theo hướng tăng cường sự độc lập quân sự của Tokyo. Năm 1992, nghị viện Nhật Bản đã thông qua luật cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia các chiến dịch kiến tạo hòa bình của LHQ. Năm 2004, đã ký kết Hiệp định Tokyo về các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Năm 2006, Mỹ không phản đối việc chuyển Cục Phòng vệ Nhật Bản thành Bộ Quốc phòng.

Đến cuối năm 2010, trong quan hệ Mỹ-Nhật hình thành tình thế nước đôi. Chính phủ hiện nay của đảng Dân chủ do ông Naoto Kan đứng đầu ủng hộ hết sức phát triển quan hệ quân sự với Washington. Nhưng chính quyền Barack Obama hiện chưa khuyến khích sự gia tăng tính độc lập quân sự của Nhật Bản.

Trong các cuộc khủng hoảng mới đây xung quanh quần đảo Nam Kurile và đảo Senkaku (Điếu Ngư), Nhà Trắng đã giữ lập trường lẩn tránh. (Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận cam kết của Mỹ theo Hiệp ước 1960, nhưng không nói đến sự ủng hộ trực tiếp đối với Tokyo trong các cuộc khủng hoảng). Chủ đề đàm phán tương lai Mỹ-Nhật rõ ràng sẽ là việc mở rộng hạn chế thẩm quyền của Tokyo trong lĩnh vực chính sách vũ trụ quân sự và hải quân.

Những triển vọng đối với Nga

Đối với Nga, chiến lược Thái Bình Dương mới của Mỹ hàm chứa cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Sự quan tâm của Washington đối với vùng Viễn Đông của Nga sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư của Mỹ vào kinh tế khu vực này. Các dự án kinh tế chung trong khuôn khổ APEC có thể có lợi cho Nga có thể được đẩy nhanh. Trong tương lai, có thể nói đến việc thành lập khu vực thương mại tự do ở vùng Viễn Đông Nga.

Nhưng hiện nay Nga đã có tổ hợp quan hệ chính trị với Trung Quốc. “Đại” hiệp ước Nga-Trung năm 2001 quy định một dải rộng lớn những cam kết lẫn nhau của Moskva và Bắc Kinh. Việc bị lôi cuốn vào hệ thống hiện diện đổi mới của Mỹ có thể tạo cho Bắc Kinh cảm giác Nga thay đổi định hướng.

Để có một chính sách hiệu quả ở Thái Bình Dương, điều quan trọng với Nga là thu hút được đầu tư của Mỹ. Nhưng điều quan trọng không kém là khôn khéo né tránh những vòng tay thừa của Mỹ để ngăn ngừa những xung đột tiềm tàng với Bắc Kinh.

  • Nguồn: Aleksei Valerievich Fenenko, nghiên cứu viên chính Viện Các vấn đề an ninh quốc tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga // NG, 15.11.2010.
Đại Việt