In bài này
Đường lưỡi bò: Trung Quốc "gậy ông đập lưng ông"
Thứ Tư, 17/11/2010 - 9:10 AM
Trung Quốc hiện đang mang trên vai một gánh nặng là phải giải thích rõ với thế giới đường chữ U trên tấm bản đồ nghĩa là gì. Sớm hay muộn, họ cũng sẽ phải trả lời, bởi sức ép đối với họ sẽ ngày càng tăng thêm, nhất là sức ép chính trị - TS Robert Beckman, ĐHQG Singapore nói.

Trong pho truyện kiếm hiệp "Thiên Long Bát Bộ" của văn sĩ Kim Dung, với bối cảnh lịch sử thời Bắc Tống ở Trung Hoa (tương đương với thời Tiền Lê và thời Lý ở Việt Nam), có dòng họ Mộ Dung nổi tiếng với tuyệt nghệ "gậy ông đập lưng ông". Tức là hai cha con nhà Mộ Dung đã dùng các chiêu thức chân truyền của từng môn phái để giết người của họ, và chia rẽ võ lâm. Ngõ hầu phục hưng một triều đại đã không còn tồn tại trong ký ức của người đời là Đại Yên.

Kim Dung có dựa vào các nhân vật lịch sử để từ đó hư cấu hay không, và, nếu có, bao nhiêu phần trăm sự thật lịch sử trong đó? Thật khó có câu trả lời chính xác.

Có điều, một ngàn năm sau, tuyệt nghệ này, có thể do Kim Dung hư cấu, đã xuất hiện (lại?) trong thực tế của Trung Hoa hiện đại. Năm ngoái, Trung Quốc đã chính thức gửi lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ với đường chữ U đứt khúc, với quan điểm vùng nước bên trong đường này là "vùng nước lịch sử" mà họ đã thực thi chủ quyền cách đây hơn 2000 năm - điều mà không hề ai biết, chứ đừng nói đến lãng quên, như trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.

Ngõ hầu "đập lại" các đối thủ tranh chấp chủ quyền, nhất là Việt Nam - quốc gia đã chứng minh rằng họ có hàng trăm thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa, nằm bên trong cái đường chữ U đó.

Trong cuốn tiểu thuyết hư cấu của Kim Dung, người cuối cùng trong dòng họ Mộ Dung là Mộ Dung Phục cuối cùng đã trở thành "Hoàng đế tự phong của Đại Yên", trong trạng thái mất trí của mình.

Còn kết cục của câu chuyện thực tế, diễn ra sau đó khoảng một ngàn năm thì sao?

Xin mời độc giả tham khảo cuộc trao đổi giữa phóng viên Tuần Việt Nam và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật Quốc tế Robert Beckman, từ Đại học Quốc gia Singapore, để có những dự đoán cho riêng mình.

Phản đối Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc tự làm khó mình

Theo tiêu đề bài tham luận của mình "Đăng kí thềm lục địa  mở rộng và yêu sách chủ quyền ở Biển Đông", ông nhìn nhận việc đăng ký thềm lục địa mở rộng năm ngoái đã làm phức tạp thêm những tranh chấp vốn đã phức tạp ở Biển Đông. Có đúng vậy không?

Một mặt đúng như vậy. Nhưng, mặt khác, điều này lại giúp làm rõ lập trường về yêu sách thềm lục địa của những nước như Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Và cả Trung Quốc nữa?

Đối với Trung Quốc thì ở mức độ thấp hơn.

Tại sao, thưa ông?

Bởi để phản đối bản đăng ký chung về thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc đã dùng những từ ngữ khá nặng nề, và kèm theo đó là một tấm bản đồ có vẽ đường chữ U đứt khúc. Trung Quốc đã gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cùng với tấm bản đồ, và yêu cầu ông phải công bố rộng rãi nội dung công hàm và tấm bản đồ tới từng quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Một số quốc gia đã cho rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra tấm bản đồ này một cách chính thức, và họ hiểu rằng yêu sách chủ quyền đó của Trung Quốc được căn cứ vào tấm bản đồ.

Chính tấm bản đồ mập mờ, khó hiểu đó đã khiến nhiều nước lên tiếng phản đối Trung Quốc, bởi họ không chấp nhận nó.

Đặc biệt có những nước đã phản ứng khá mạnh mẽ, chẳng hạn như Indonesia. Họ cũng đã gửi công hàm yêu cầu Trung Quốc phải giải thích rõ về tấm bản đồ.

Cụ thể, Trung Quốc đã nêu yêu sách chủ quyền, tuy gián tiếp, như thế nào?

Trung Quốc nói rằng bản đăng ký chung của Việt Nam và Malaysia đã vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của học đối với Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa), cũng như vùng nước tiếp giáp hai quần đảo này. Họ còn nói là họ có quyền chủ quyền đối với cả vùng nước liên quan, cùng với việc đưa kèm tấm bản đồ.

Thế nhưng chẳng ai hiểu cái gọi là "vùng nước liên quan" và "vùng nước tiếp giáp", theo quan điểm của Trung Quốc, là gì. Đơn giản bởi vì chúng không được diễn giải bằng ngôn ngữ của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Hay nói cách khác, cũng như tấm bản đồ, cách dùng những thuật ngữ này của Trung Quốc để yêu sách, thậm chí khẳng định chủ quyền, quá mơ hồ.

Xin ông nói rõ hơn về "sự mơ hồ" trong cách sử dụng những thuật ngữ nói trên của Trung Quốc?

Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc có chủ quyền với những quần đảo này, thì vùng nước tiếp giáp cũng không kéo dài quá 12 hải lý. Tức là trong trường hợp đó, họ chỉ có thể đưa ra yêu sách chủ quyền với vùng nước rộng 12 hải lý, chứ không thể là cả vùng nước rộng lớn kéo dài đến đường chữ U đứt khúc trên tấm bản đồ đó.

Trung Quốc hoàn toàn không thể nói rằng họ đưa ra yêu sách chủ quyền như vậy là phù hợp với  Công ước Luật biển quốc tế của Liên Hợp Quốc UNCLOS. Và, giờ đây, họ phải làm rõ yêu sách này.

Theo quan điểm của tôi, Trung Quốc hiện đang mang trên vai một gánh nặng, hay chịu một sức ép lớn, là phải giải thích rõ với thế giới đường chữ U trên tấm bản đồ nghĩa là gì, nội dung công hàm nghĩa là gì.

Sớm hay muộn, họ cũng sẽ phải trả lời, bởi sức ép đối với họ sẽ ngày càng tăng thêm, nhất là sức ép chính trị, nhất là từ Mỹ, cường quốc đang thể hiện sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ đến khu vực Biển Đông.

"Vùng nước lịch sử" là câu chuyện hoang đường

Cách đây ít tháng, tôi có trao đổi với một học giả từ Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa. Vị học giả này khẳng định cái gọi là "vùng nước lịch sử" của Trung Hoa đối với Biển Đông. Ông nghĩ thế nào về cái gọi là "vùng nước lịch sử" theo quan điểm của Trung Quốc?

Không hề có cái thuật ngữ này trong công ước, hay luật pháp quốc tế. Điều Trung Quốc làm hoàn toàn tương tự với yêu sách chủ quyền mà Philippines đưa ra vào năm 1898. Lúc đó, người dân Philippines tin vào yêu sách này, cũng như giờ đây, nhiều người Hoa, cả ở đại lục lẫn Đài Loan, cũng tin vào điều tương tự. Rất tiếc là không có ai chia sẻ niềm tin này với họ.

Tức là khái niệm về "vùng nước lịch sử" chỉ là một câu chuyện hoang đường?

Nói như như vậy cũng được, vì nó chẳng có cơ sở gì cả. Có điều, đối với hầu hết người dân Trung Quốc và Đài Loan, câu chuyện còn đi xa hơn. Họ tin rằng họ có quyền lực, có ảnh hưởng rất lớn tại vùng biển này. Nhưng, họ phải nhớ rằng Trung Quốc cũng là một bên tham gia Công ước Luật Biển, và, vì vậy, họ phải tuân thủ công ước này.

Philippines cũng là nước đã từ bỏ yêu sách chủ quyền trên cơ sở tấm bản đồ năm 1898, được vẽ trên cơ sở Hoà ước Mỹ-Tây Ban Nha, khi tham gia Công ước Luật Biển.

Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng phải từ bỏ yêu sách về "vùng nước lịch sử" này, trừ phi làm rõ được một cách thuyết phục tấm bản đồ về đường chữ U đứt khúc.

Ông đã nói về mặt tích cực của việc đăng ký chủ quyền thềm lục địa mở rộng. Vậy xin ông nói rõ về mặt tiêu cực của nó, tức là khía cạnh làm phức tạp tình hình tranh chấp Biển Đông, đặc biệt giữa các thành viên ASEAN với nhau.

Rất tiếc là Philippines đã phản đối bản đăng ký chung của Việt Nam và Malaysia, và đã dùng những ngôn từ khá nặng, nhất là khi họ mở rộng vấn đề liên quan đến yêu sách "lịch sử" đối với phần phía Bắc của đảo Borneo - hiện là bang miền Đông có tên là Sabar của Malaysia. Và điều đó đã làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa hai thành viên ASEAN này.

Nhưng riêng đối với Philippines và Việt Nam, tôi nghĩ hai bên sẽ dễ dàng hơn trong việc thảo luận để tìm ra những lợi ích trong chiến lược chung về lâu dài. Tôi vẫn tin tưởng rằng, Việt Nam và Philippines ắt sẽ tìm được giải pháp giải quyết bất đồng. Ít ra cũng dễ dàng hơn nhiều so với việc giải quyết bất đồng giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Vì sao, thưa ông?

Bởi vì, thực ra, họ đã không có đủ thời gian để thảo luận về vấn đề này trước cái thời hạn cuối cùng cho việc đăng ký yêu sách chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng vào tháng 5.2009.

Nhất là với tân TT Aquino III, người đã có những tuyên bố xây dựng đối với quan hệ giữa hai nước trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng trước?

Tôi cũng hy vọng như vậy. Nhất là trong cuộc gặp với các quan chức Philippines trước khi đến Việt Nam, một người trong số họ đã khẳng định với tôi rằng, họ cần phải tìm ra cách giải quyết các bất đồng về lãnh hải với Việt Nam.

Tiền đồ của bản đăng ký chung giữa Malaysia và Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Tôi e rằng, theo nguyên tắc của mình, Uỷ ban về ranh giới ngoài thềm lục địa sẽ không xem xét trường hợp của Việt Nam và Malaysia, bởi sự phản đối chính thức của Trung Quốc và Philippines. Thế nhưng, Việt Nam và Malaysia vẫn có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền được khai thác dầu khí trong khoảng 200 hải lý bên ngoài thềm lục địa.

Tức là sao, thưa ông?

Tức là chuyện này vẫn có triển vọng được xem xét. Tôi mất khá nhiều thời gian để hiểu được rằng việc Uỷ ban không xem xét bản đăng ký chung của Việt Nam và Malaysia, sẽ không tước đi cái điều quan trọng này đối với hai nước ASEAN.

Giải pháp khả thi nhất là khai thác chung

Ngoài Hoàng Sa là chuyện tranh chấp chủ quyền song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa là câu chuyện đa phương. Nhưng liệu có cách nào giải quyết tranh chấp đối với Trường Sa không, khi Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng đàm phán song phương gần như là cách duy nhất?

Nếu anh nhìn vào tấm bản đồ tôi dùng khi trình bày tham luận của mình, anh sẽ thấy có khu vực là tranh chấp tay đôi, có khu vực là tranh chấp tay ba, và có khu vực là tranh chấp giữa năm quốc gia. Riêng về điểm này, tôi cũng đồng ý với ý kiến của học giả Trung Quốc trong hội thảo là "gác lại tranh chấp, cùng khai thác", và coi đó là giải pháp khả thi duy nhất.

Tại sao, thưa ông?

Bởi chắc chắn Việt Nam sẽ chẳng bao giờ từ bỏ yêu sách chủ quyền. Trung Quốc, Malaysia, hay Philippines cũng vậy. Do đó, giải pháp lâu dài là "gác lại yêu sách chủ quyền, và cố gắng cùng khai thác".

Tức là thế giới của chúng ta đã tiến đến giai đoạn mà chúng ta phải thoả hiệp với nhau. Từng dân tộc phải nhận thức rằng chúng ta phải chia sẻ với nhau các nguồn tài nguyên theo cách cùng nhau khai thác.

Theo ông, điều này có dễ không?

Tôi hiểu rằng, để đi đến quyết định thoả hiệp về chính trị này là điều rất khó khăn. Nhưng trong suy nghĩ của tôi, không có giải pháp nào khác khả dĩ hơn. Bởi, đối với mọi bên liên quan, thoả hiệp về chủ quyền là một vấn đề dễ gây kích động chủ nghĩa dân tộc, và, vì vậy, khó hơn thoả hiệp về nguồn lợi tài nguyên nhiều.

Thế còn việc kiện nhau ra toà án quốc tế, hay sử dụng trung gian hoà giải thì sao?

Nhưng, trước hết, các bên tranh chấp phải nhất trí cùng nhau ra toà. Tôi không tin rằng các bên liên quan sẽ đạt được thoả thuận về việc này. Bởi một bên thắng, tức là 3-4 bên sẽ thua. Quá rủi ro.

Còn trung gian hoà giải, theo tôi, may ra có thể có ích trong quyết định khai thác chung, khi một quốc gia không liên quan đưa ra các gợi ý về phương thức đàm phán để các bên liên quan tiến hành. Vả lại, đó cũng là cách giải quyết tranh chấp của Phương Đông.

  • Nguồn: Đường lưỡi bò: Trung Quốc "gậy ông đập lưng ông" / Huỳnh Phan // tuanvietnam.vietnamnet.vn, 17.11.2010.
Huỳnh Phan