In bài này
Guam: Điểm tựa chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương
Thứ Tư, 17/11/2010 - 6:55 AM
Lãnh đạo Mỹ cho rằng, châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực đặc biệt quan trọng, có tác động trực tiếp tới lợi ích sống còn của Mỹ cả về an ninh và kinh tế.

Ngay sau khi lên nắm quyền, TT Obama đã đánh giá: châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD) là một trong những khu vực có dân số đông nhất thế giới, khu vực có nền kinh tế phát triển khá sôi động, chứa nhiều khoáng sản, khu vực có lực lượng quân sự lớn nhất, đặc biệt là khu vực đang nổi lên vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới và sự lớn mạnh của Trung Quốc đang đe dọa tới vị trí siêu cường của Mỹ.

Khu vực CA-TBD đang là một thị trường xuất khẩu béo bở về hàng hóa và dịch vụ của các công ty Mỹ (khoảng 320 tỷ USD), là khu vực tạo cơ hội việc làm thu nhập cao cho hàng trăm nghìn người Mỹ.

Hoạt động "nhộn nhịp" của chính giới Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương
tập trung vào nhiệm vụ kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc

Bên cạnh đó, xuất khẩu của khu vực CA-TBD chiếm 30% tổng lượng xuất khẩu của thế giới, kim ngạch thương mại mỗi năm giữa khu vực CA-TBD và Mỹ vượt 1.000 tỷ USD, dự trữ ngoại hối chiếm 2/3 tổng lượng của thế giới.

Chỉ với những lý do trên đã buộc người Mỹ phải có quan tâm đặc biệt vào khu vực này, đẩy mạnh sự hiện diện và gia tăng ảnh hưởng vào khu vực này và tìm cách kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Để thực hiện cho chiến lược trên, Mỹ đã bắt đầu có những bước điều chỉnh quan trọng cả về tăng cường lực lượng quân sự, đẩy mạnh ngoại giao, xây dựng liên minh với những nước chủ chốt và thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế vào khu vực.

Chiến lược củng cố an ninh khu vực

Quân đội Mỹ không ngừng gia tăng lực lượng tiền phương trong khu vực, củng cố mối liên minh quân sự với các nước thông qua các hoạt động hợp tác quân sự và diễn tập chung, củng cố các công trình ở các căn cứ quân sự

Trong bước đi của chiến lược tăng cường lực lượng quân sự, tháng 7/2010, Mỹ quyết định đầu tư trên 11 tỷ USD và tiến hành xây dựng lại căn cứ quân sự trên đảo Guam, dự kiến sẽ trở thành một siêu căn cứ quân sự vào năm 2014. Đây sẽ trở thành trung tâm sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực CA-TBD.

Từ Guam, thời gian triển can thiệp quân sự của Mỹ tới nhiều nơi trên thế giới chỉ tính bằng giờ

Khu căn cứ trên đảo Guam có vị trí chiến lược đặc biệt, là trung tâm điều động lực lượng linh hoạt trên toàn cầu, sẵn sàng triển khai lực lượng tới bất kỳ nơi nào trong khu vực chỉ trong vài giờ, bảo đảm cơ động nhanh tác chiến và chiến lược, đặc biệt có thể phong tỏa, kiểm soát và kiềm chế toàn khu vực bằng các lực lượng có sẵn tại Guam.

Từ ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, các nhà hoạch định chiến lược quân sự Mỹ đã vạch ra một kế hoạch xây dựng tổng thể quy mô lớn trên khu vực 16.000 ha (chiếm 30% diện tích mặt bằng đảo Guam).

Công trình bao gồm các hạng mục như: Xây mới và sửa chữa cầu cảng cho các hàng không mẫu hạm; xây dựng khu cảng chiến lược cho hải quân, tạo nơi neo đậu cho các tàu chiến lớn, tàu xuồng tiến công hạng nhẹ, nơi hoạt động của các tàu vận tải đổ bộ hạng nặng và nhẹ; xây dựng trung tâm huấn luyện cho cả Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến; xây dựng các trung tâm giám sát của tình báo, trinh sát và cảnh báo; xây dựng các các hệ thống phòng thủ, công trình phòng ngự chiến lược; bố trí các hệ thống tên lửa đạn đạo và hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược...

Việc xây dựng khu siêu căn cứ trên có liên quan tới việc thay đổi lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Okinawa của Nhật Bản.

Địa thế của Guam sẽ trở nên quan trọng với Mỹ trong tương lai gần

Cùng với việc xây dựng siêu căn cứ tại đây, quân đội Mỹ đã có động thái điều chỉnh lực lượng không quân chiến lược và lần đầu tiên bố lực lượng máy bay không người lái RQ-4 tới Guam.

Kế hoạch trước mắt, không quân Mỹ sẽ triển khai 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng hơn 200 quân nhân, gồm cả phi công và các nhân viên bảo dưỡng từ Phi đội ném bom chiến lược số 69 đóng tại căn cứ Minot tới Guam trong tuần này.

Hoạt động triển khai này nằm trong chương trình triển khai máy bay ném bom luân phiên của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ. Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên Liên đội ném bom số 5 (Phi đội 69 và 23) có căn cứ ở Minot triển khai nhiệm vụ luân phiên của các máy bay ném bom tới Guam;

Về xây dựng và củng cố liên minh quân sự, Mỹ đã liên tiếp thúc đẩy các hoạt động ngoại giao quân sự; tổ chức nhiều cuộc diễn tập song và đa phương với quân đội các nước trong khu vực.

Điển hình là các cuộc diễn tập quy mô lớn như Cobra Gold (Hổ mang Vàng), CARAT (Hợp tác sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện trên biển), BALIKATAN (Đồng đội)...

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác chống khủng bố, gìn giữ hòa bình quốc tế, viện trợ quân sự, trợ giúp nhân đạo, an ninh hàng hải cũng đều nằm trong chiến lược củng cố và xây dựng liên minh quân sự trong khu vực của quân đội Mỹ, tạo bước đi quan trọng củng cố an ninh khu vực, bảo vệ quyền lợi lâu dài cho Mỹ.

Chiến lược ngoại giao

Mỹ ngày càng thể hiện rõ sự đề phòng trong ngoại giao với Trung Quốc, củng cố liên minh chiến lược với Nhật Bản và Hàn Quốc, tăng cường ủng hộ và hợp tác với Đài Loan; xây dựng đồng minh ngoài NATO với Thái Lan và Philippines; gia tăng ảnh hưởng vào Lào và Campuchia; tham gia tích cực vào các thể chế khu vực như ASEAN; coi trọng ngoại giao với các nước Đông Nam Á và châu Úc; kéo dãn khoảng cách giữa các nước châu Á bằng phương thức hợp tác “Tập đoàn nhỏ”, làm cho môi trường an ninh của Trung Quốc thêm phức tạp và không minh bạch.

Về tổng thể tại Đông Bắc Á, Mỹ đang đẩy mạnh hình thành hình thái chính trị khu vực “Bắc cương Nam hoạt” (Cứng rắn với Triều Tiên, linh hoạt với Hàn Quốc), lợi dụng Nhật Bản và Hàn Quốc để khống chế Triều Tiên.

Các bước đi ngoại giao của Mỹ sẽ nhằm vào việc khống chế Trung Quốc; lợi dụng vấn đề Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc, làm cho vấn đề Đài Loan ngày càng khó giải quyết.

Châu Á - Thái Bình Dương là trọng tâm trong nhiệm kỳ của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Trong đường lối ngoại giao, Mỹ đã thể hiện rõ nét chính sách của chủ nghĩa đơn phương George W. Bush. Phạm vi tư duy của chiến lược này là chủ nghĩa tự do mới, tức là nhấn mạnh hợp tác ngoại giao, hiểu biết lẫn nhau, thừa nhận lợi ích chung của nhau, nhấn mạnh việc phát triển cơ chế đa phương, không đe dọa bằng vũ lực, không đối kháng cô lập, không phủ nhận mâu thuẫn và xung đột, không thuần thúy dựa vào liên minh quân sự song phương. Mục tiêu cuối cùng là tăng cường quyền lãnh đạo và khống chế của Mỹ ở khu vực CA-TBD.

Khu vực ASEAN, được Mỹ coi là điểm nhấn trong chiến lược ngoại giao đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

Khi đề cập tới khu vực này, trong buổi họp báo chung Việt Nam-Mỹ ngày 30/10/2010, Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton cho biết, Mỹ xem ASEAN là điểm tựa cho cấu trúc khu vực đang nổi lên ở châu Á. Diễn đàn Cấp cao Đông Á (EAS) là cấu trúc không thể thiếu trong việc xử lý các vấn đề chiến lược, kinh tế và chính trị của khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Mỹ cam kết tham gia vào EAS trong thời gian dài phía trước, bởi chúng tôi tin tưởng Hội nghị là một diễn đàn lớn về chính trị và an ninh CA-TBD. EAS cũng là nơi tạo cơ hội thảo luận trực tiếp với các nhà lãnh đạo khắp khu vực”. Đồng thời khuyến nghị EAS nên đưa ra một chương trình nghị sự tích cực, trong đó bàn đến các vấn đề có ảnh hưởng lớn, bao gồm cả an ninh trên biển.

  • Nguồn: Đảo Guam sẽ trở thành siêu căn cứ của Mỹ / Tuấn Anh (tổng hợp) / Đất Việt, 16.11.2010.