In bài này
Mỹ đánh giá mối đe dọa quân sự Trung Quốc
Thứ Ba, 16/11/2010 - 8:23 AM
Trung Quốc có thể xóa sổ 5 trong 6 căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương: hủy diệt hoàn toàn các căn cứ Osan và Kunsan (Hàn Quốc) bằng 480 tên lửa đường đạn, 350 tên lửa hành trình; các căn cứ Kadena, Misawa và Yokota (Nhật Bản) bằng 80 tên lửa đường đạn, 350 tên lửa hành trình; và sắp tới có thể đe dọa cả căn cứ Guam.

Washington cho rằng, Bắc Kinh ngày càng thể hiện “sự hung hăng công khai” đối với Mỹ
và hiện nay về lý thuyết đã có khả năng tiêu diệt 5 trong 6 căn cứ quân sự Mỹ ở Đông Nam Á (REUTERS/Taiwan Military News Agency/Handout)

Ủy ban đánh giá quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (U.S.-China Economic and Security Review Commission) đã chuẩn bị cho Quốc hội Mỹ một báo cáo đặc biệt đánh giá nhịp độ phát triển quân đội Trung Quốc.

Theo các tác giả báo cáo, Mỹ đã mất ưu thế quân sự và trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự, Trung Quốc có khả năng tiêu diệt 5 trong 6 căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực, còn việc đẩy nhanh tái trang bị các đơn vị tên lửa của quân đội Trung Quốc trong vài năm tới có thể dẫn đến thay đổi cán cân sức mạnh ở toàn bộ Đông Nam Á (VietnamDefence: "Đông Nam Á" ở đây có lẽ tác giả muốn nói tới Thái Bình Dương, vì tôn trọng, xin giữ nguyên).

Các nhà phân tích tin rằng, báo cáo của Ủy ban có thể là một cái cớ nữa để mở rộng hợp tác quân sự của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Báo cáo hàng năm của Ủy ban này sẽ bắt đầu được thảo luận tại Quốc hội Mỹ vào sáng thứ tư tới, được các nhà phân tích gọi là báo cáo “bi quan nhất” trong thập kỷ gần đây. “Sự phát triển và tái trang bị quân giải phóng Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với chúng tôi nghĩ trước đây”, - Richard Fischer, chuyên gia Trung tâm Đánh giá chiến lược quốc tế ở Washington, nói với tờ Kommersant.

Theo đánh giá của tác giả báo cáo, “khả năng gia tăng của các đơn vị tên lửa và không quân Trung Quốc có khả năng cản trở các hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực” và hiện giớ đã tạo ra mối đe dọa tới “tự do di chuyển của các đơn vị Mỹ” ở Đông Nam Á. Đồng thời, trong những năm gần đây, ở biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông, đã ghi nhận sự gia tăng hoạt động của tàu chiến Trung Quốc, trong nhiều trường hợp “thể hiện sự hung hăng công khai”.

Ví dụ, tháng 3.2009, 5 tàu Trung Quốc đã đến gần cự ly nguy hiểm với tàu Impeccable của Hải quân Mỹ mà theo Lầu Năm góc, là “đang thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu trong khu vực”. Kết quả là hạm trưởng tàu Mỹ đã buộc phải sử dụng vòi rồng chống các thủy thủ Trung Quốc. Trong 2 năm trước đó, chính quyền Trung Quốc đã cấm tàu sân bay Mỹ Kitty Hawk và cụm tàu xung kích hộ tống tàu sân bay này đang tìm nơi trú bão không được vào vịnh Victoria ở Hong Kong. Trong năm nay, đã ghi nhận được một số trường hợp các tàu ngầm Trung Quốc bám theo tàu chiến Hải quân Mỹ và nổi lên mặt nước thị uy ở cự ly phóng ngư lôi.

REUTERS, Chaiwat Subprasom

Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại đối với “an ninh các tuyến đường biển” trong khu vực, tháng 10 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã công khai can thiệp vào cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vốn nhiều năm nay tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ở phía Bắc Đài Loan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng, Mỹ sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của Nhật Bản theo hiệp ước tương trợ quân sự song phương. Các chuyên gia khi đó coi những tuyên bố này là sự cảnh cáo mới rằng, Washington sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự chống Trung Quốc trong một cuộc xung đột. Thứ bảy vừa qua, trong cuộc gặp tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã cám ơn TT Mỹ Barack Obama vì sự ủng hộ này và nói rằng, “sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực đang trở nên ngày càng quan trọng”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của báo cáo đặc biệt, ngay trong thời gian tới, Mỹ có thể mất vị thế cường quốc quân sự chủ đạo ở Đông Nam Á. Tài liệu lưu ý rằng, sau một cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc, Mỹ có thể mất 5 trong 6 căn cứ quân sự của mình trong khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng, để tiêu diệt hoàn toàn các căn cứ không quân Osan và Kunsan ở Hàn Quốc sẽ cần tới 480 tên lửa đường đạn tầm ngắn và tầm trung, cũng như 350 tên lửa hành trình đất-đối-đất.

Để hủy diệt các căn cứ Kadena, Misawa và Yokota ở Nhật Bản sẽ chỉ cần 80 tên lửa đường đạn và 350 tên lửa hành trình. Ngoài ra, căn cứ trên đảo Guam hiện thời còn an toàn nhờ nằm xa lãnh thổ Trung Quốc sắp tới cũng “sẽ bị đe dọa do sự phát triển nhanh chóng của máy bay ném bom tầm xa của quân đội Trung Quốc”, báo cáo viết.

Theo tác giả báo cáo, trong 20 năm nay, Trung Quốc “đã cải cách hoàn toàn quân đội của mình”. Số lượng bệ phóng tên lửa tầm ngắn từ năm 2000 đã tăng từ 36 lên 252. Ngoài ra, hơn 500 tên lửa hành trình DH-10 có tầm bắn đến 1.500 km đã được nhận vào trang bị. Đang trong quá trình thử nghiệm là tên lửa chống hạm DF-21 mà các chuyên gia Mỹ cho là có thể bảo vệ hiệu quả bờ biển Trung Quốc chống mối đe dọa từ biển. “Việc phát triển vũ khí này cho thấy sự sẵn sàng ngăn cản sự can thiệp của thế lực thứ ba vào cuộc xung đột có thể giữa Trung Quốc và Đài Loan”, - báo cáo viết.

Đồng thời, tác giả báo cáo cũng thừa nhận rằng, đến nay, họ đã đánh giá thấp tốc độ phát triển của quân đội Trung Quốc. Tháng 6.2009, chẳng hạn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố rằng, các tiêm kích thế hệ 5 có thể được đưa vào trang bị quân đội Trung Quốc không sớm hơn năm 2025. Còn trong báo cáo của Ủy ban lại dẫn những số liệu nói rằng, để làm việc đó Bắc Kinh sẽ chỉ mất thời gian ngắn hơn 2 lần và máy bay mới có sử dụng công nghệ stealth sẽ được trang bị cho quân đội vào năm 2018.

  • Nguồn: Quân đội phản ứng nhanh. Mỹ đánh giá mối đe dọa quân sự Trung Quốc / Kirill Belyaninov, New York // Kommersant, N211 (4511), 16.11.2010.  
Nam Xương