In bài này
Bán máy bay Rafale cho Brazil: Khúc mắc về chuyển giao công nghệ
Thứ Hai, 15/11/2010 - 9:16 AM
Đề nghị chuyển giao công nghệ thì tất cả các công ty tham gia cuộc thầu FX-2 cung cấp 36 tiêm kích đa năng cho Không quân Brazil đều có đưa ra, nhưng tất cả đều có giới hạn của chúng. Những giới hạn này vẫn là bí mật. Có lẽ, những hạn chế trước hết sẽ liên quan đến hệ thống điều khiển vũ khí.

Chuyển giao công nghệ tiêm kích Rafale: Đối tượng cò kè giữa Brazil và Pháp

Pháp với tiêm kích Rafale đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ phía SAAB (Gripen) của Thụy Điển và Boeing (F/A-18 Super Hornet) của Mỹ. TT Brazil Lula da Silva đã công bố quyết định của ông mua máy bay chiến đấu Pháp và đồng ý với khối lượng công nghệ chuyển giao mà Paris đề xuất. Brazil có thể lắp ráp và bán máy bay Rafale cho các nước khác ở Mỹ Latinh.

Chuyển giao công nghệ là luận cứ mạnh mẽ của những nước bán vũ khí. “Pháp từ lâu đã có truyền thống trong lĩnh vực này, điều này hỗ trợ chiếm lĩnh thị trường, thực tiễn đó cho phép khách hàng sản xuất các linh kiện chứa đựng các bí mật công nghệ”, chuyên gia Pháp về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Jean-Paul Hébert nói.

Công ty Dassault Aviation có lịch sử hợp tác lâu dài với công nghiệp quốc phòng các nước khác, từ cung cấp vũ khí và tổ chức hợp tác sản xuất tiêm kích Mirage III từ thập kỷ 1960. Lập trường đó khác nhiều so với chính sách của tập đoàn Airbus (châu Âu) chẳng hạn khi họ có dây chuyền lắp ráp А320 ở Trung Quốc, song không định đào tạo các đối tác cách chế tạo các máy bay thương mại, vốn là đối tượng tham vọng lớn của công nghiệp Trung Quốc. Nhưng theo một nguồn tin trong chính phủ Pháp, “người Brazil đã đòi hỏi quá nhiều và chúng ta cần phải tìm ra sự cân bằng những lợi ích”.

Những lĩnh vực chuyển giao công nghệ nhạy cảm nhất là “những kiến thức kỹ thuật đặc biệt” liên quan đến hệ thống điều khiển vũ khí, các radar trên khoang, tên lửa, hệ thống chỉ thị mục tiêu trên mũ bay, hệ thống dẫn và thiết bị điện tử, một quan chức Không quân Pháp nói. Ngoài ra, mã nguồn phần mềm cũng có ý nghĩa đặc biệt vì nắm được nó có thể phong tỏa hoạt động của thiết bị trên khoang.

Việc phổ biến một số công nghệ như vũ khí hạt nhân và tên lửa chiến lược bị cấm bởi các hiệp ước quốc tế. Tập đoàn DCNS (Pháp) sẽ giúp Brazil chế tạo tàu ngầm nguyên tử, song việc chuyển giao công nghệ có giới hạn rõ ràng. “Chúng tôi sẽ không giúp Brazil làm chủ hoàn toàn chu trình hạt nhân”, một đại diện DCNS tuyên bố.

Ở Pháp, việc chuyển giao công nghệ có ứng dụng quân sự và tầm quan trọng chiến lược nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban liên ngành về xuất khẩu sản phẩm quân dụng CIEMS trực thuộc trực tiếp chính phủ Pháp. Nhưng các chính trị gia Pháp mềm dẻo hơn về mặt này so với chính phủ Mỹ vốn giữ gìn công nghệ quân sự của họ như con ngươi của mắt mình trước những con mắt tò mò vì họ quan tâm trước hết đến việc duy trì ưu thế quân sự và công nghệ của mình.

  • Nguồn: aereo.jor.br; MP 10.11.10.
PM