In bài này
Buôn bán vũ khí: Tàu thách thức Nga
Thứ Sáu, 05/11/2010 - 3:38 PM
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc mới đây của TT Nga Dmitri Medvedev, không có hợp đồng hợp tác kỹ thuật quân sự nào được ký kết.

Trung Quốc đe dọa tràn ngập thế giới bằng tiêm kích rẻ tiền J-11B

Trợ lý TT Nga Sergei Prikhodko đã tuyên bố ngày 24.9 rằng, Moskva và Bắc Kinh tạm thời sẽ chưa ký kết các hiệp định mới trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, mặc dù theo lời ông, “cũng có một số dự án đang được bàn thảo, trong đó có không quân và hải quân”.

Ông Prikhodko thừa nhận có sự sút giảm doanh số xuất khẩu vũ khí Nga sang Trung Quốc, cũng như có vấn đề cạnh tranh giữa Nga và Trung Quốc trên thị trường các nước thứ ba.

Đã qua rồi kỷ nguyên mua sắm ồ ạt

Từ đầu thập kỷ 1990, Trung Quốc trong một thời gian dài cùng với Ấn Độ là khách hàng lớn nhất mua vũ khí Nga. Các thương vụ mua sắm quy mô đã được thực hiện trong lĩnh vự vũ khí trang bị không quân, hải quân và phòng không.

Theo số liệu của Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), Trung Quốc đã trở thành khách hàng lớn nhất mua các máy bay họ Su-27/Su-30. Tổng cộng, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc 178 tiêm kích họ Su-27/Su-30, trong đó có 38 tiêm kích một chỗ ngồi Su-27SK và 40 máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi Su-27UBK, 76 tiêm kích đa năng Su-30МКК và 24 Su-30МК2. Tính cả 105 chiếc Su-27SK lắp ráp ở Thẩm Dương theo giấy phép thì tổng số tiêm kích Su của Trung Quốc là 283 chiếc.

Liên quan đến việc lắp ráp Su-27SK ở Thẩm Dương theo giấy phép của Nga, cần lưu ý rằng, từ năm 1996, Trung Quốc đã mua giấy phép sản xuất 200 Su-27SK mà không có quyền tái xuất sang các nước thứ ba.

Cuối năm 2007, Trung Quốc đã lắp ráp 105 máy bay bằng linh kiện nhập từ Nga. Sau đó, việc thương lượng cung cấp thêm 95 bộ linh kiện để lắp Su-27SK bị bế tắc. Thực tế, Bắc Kinh từ chối thực hiện tiếp chương trình lắp ráp theo giấy phép sau khi đã làm được sản phẩm nhái Su-27 là J-11.

Trung Quốc trong một thời gian dài là khách hàng lớn nhất mua các hệ thống phòng không Nga. Các hệ thống này bắt đầu được cung cấp cho Trung Quốc vào đầu thập niên 1990.

Năm 1993, Nga lần đầu tiên cung cấp cho Trung Quốc hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU với số lượng 2 tiểu đoàn.

Năm 1994, hợp đồng thứ hai được ký kết, theo đó năm 1996, quân đội Trung Quốc nhận được hệ thống S-300PMU-1 với số lượng 4 tiểu đoàn.

Theo 2 hợp đồng, Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc 35 hệ thống tên lửa phòng không Tor-М1 chia thành mấy đợt: 14 hệ vào năm 1997, 13 hệ vào năm 1999-2000 và 8 hệ vào năm 2001.

Năm 2002, Nga đã ký hợp đồng bán 2 hệ thống phòng không hạm tàu S-300FM Rif-М và giao hàng năm 2002-2003.

Năm 2004, Nga hoàn thành hợp đồng nữa ký năm 2001 cung cấp cho Trung Quốc hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-1 với số lượng 4 tiểu đoàn tên lửa.

Tháng 8.2004, Rosoboronoexport đã ký với Trung Quốc hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không 300PMU-2 Favorit. Đây là hợp đồng đầu tiên xuất khẩu Favorit mà Nga bắt đầu xúc tiến ra thị trường thế giới từ năm 2001.

Trong khuôn khổ hợp đồng này, Trung Quốc vào năm 2007-2008 đã nhận được 2 đài điều khiển 83М6Е2, 8 hệ thống tên lửa phòng không 90Zh6Е2, 1 cơ số tên lửa phòng không có điều khiển 48N6Е2 và các phương tiện bảo đảm kỹ thuật.

Tháng 12.2005, Nga đã ký hợp đồng cung cấp cho Trung Quốc lô thứ hai S-300PMU-2 Favorit trị giá khoảng 1 tỷ USD và giao hàng năm 2008-2010.

Ở phân khúc vũ khí trang bị hải quân, nửa cuối thập kỷ 1990, Trung Quốc đã nhận 2 tàu ngầm diesel-điện Projekt 877EKM. Năm 1997-1998, Nga chuyển giao cho Trung Quốc 2 tàu ngầm diesel-điện Projekt 636 Kilo.

Tháng 5.2002, Rosoboronoexport đã ký hợp đồng cung cấp cho hải quân Trung Quốc 8 tàu ngầm diesel-điện Projekt 636 Kilo trang bị hệ thống tên lửa Club-S. Phần lớn các tàu ngầm này được bàn giao năm 2005. Tàu cuối cùng, tàu thứ tám được bàn giao mùa xuân năm 2006.

Năm 1999-2000, Trung Quốc nhận được 2 tàu khu trục Projekt 956E lớp Sovremenny trang bị tên lửa chống hạm siêu âm 3М-80Е Moskit. Theo hợp đồng thứ hai, năm 2005-2006, Nga chuyển giao cho hải quân Trung Quốc thêm 2 tàu khu trục cải tiến Projekt 965EM.

Nga cũng đã cung cấp cho Trung Quốc một số lượng lớn trực thăng các loại, cũng như vũ khí lục quân, trong đó có các hệ thống rocket phóng loạt Smerch, đạn pháo có điều khiển Krasnopol-М, các hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Metis, Konkurs và các vũ khí khác. Hợp đồng cung cấp 9 trực thăng trên hạm Ка-28 và 9 trực thăng Ка-31 đang ở giai đoạn thực hiện.

Việc Bắc Kinh hiện nay hạn chế mua sắm vũ khí Nga là do những năm gần đây, khả năng của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc được nâng cao căn bản và bên cạnh các thiết kế tự lực, họ đang sao chép thành công nhiều mẫu vũ khí Nga.

Hiện tại, ngoại lệ chỉ có động cơ RD-93 dùng để trang bị cho các tiêm kích hạng nhẹ FC-1 (JF-17 Thunder) của Trung Quốc và động cơ AL-31FN do hãng MMPP Salyut bán cho Trung Quốc để thay thế các động cơ tiêm kích Su-27 hết hạn sử dụng, cũng như  để trang bị cho các tiêm kích J-10 (việc phát triển động cơ AL-31FN cho tiêm kích J-10 hoàn thành vào năm 2000).

Sau này, không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ mua tiêm kích trên hạm Su-33 cho các tàu sân bay tương lai của họ nếu như máy bay làm nhái Su-33 là J-15 của Trung Quốc không đáp ứng các tính năng cần thiết, cũng như mua tiêm kích đa năng Su-35. Trung Quốc cũng sẽ mua tên lửa hàng không để trang bị cho các tiêm kích Su-27/Su-30 hiện có trong biên chế không quân nước này.

Trung Quốc cần có các tiêm kích dạng Su-33 do họ có kế hoạch đóng tàu sân bay. Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán mua Su-33 với Nga mấy năm trước. Ban đầu, họ đòi mua 2 chiếc Su-33 để đánh giá tính năng. Nga không chấp nhận thì Bắc Kinh đề nghị mua 12-14 chiếc. Sau một hồi tính toán, Moskva thấy phương án này cũng không ổn. Với đơn đặt hàng đó thì khởi động một dây chuyền sản xuất là không có lợi. Hơn nữa, phía Nga lại sợ thất thoát công nghệ vì Trung Quốc khét tiếng về tài sao chép vũ khí Nga.

Đề nghị cuối cùng của công ty Sukhoi là bán cho Trung Quốc lô đầu gồm 12-14 Su-33 ở cấu hình chuẩn đề hải quân Trung Quốc dùng làm phi đội huấn luyện, và 36 chiếc trở lên tiêm kích trên hạm cải tiến. Kết quả thương lượng vẫn lâm vào bế tắcTrong khi thương lượng mua Su-33 với Nga, Trung Quốc đồng thời ráo tiết phát triển J-15, bản sao chép Su-33.

Tháng 11.2010, dự kiến sẽ diễn ra phiên họp tiếp theo của ủy ban liên chính phủ Nga-Trung về hợp tác kỹ thuật quân sự. Có thể tại phiên họp này, sẽ đề cập vấn đề J-15 (sao chép Su-33) và J-11 (sao chép Su-27SK). Phía Nga có ý định giải quyết các vấn đề này trong khuôn khổ các hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã ký giữa Nga và Trung Quốc.

Nga cũng có thể tiếp tục bán cho Trung Quốc các động cơ RD-93 và AL-31FN nếu các động cơ tương tự của Trung Quốc không đáp ứng tính năng cần thiết.

Ngoài xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc bị giảm sút, trong tương lai gần, Nga sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ phía Trung Quốc trên thị trường nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, những nước không có điều kiện mua vũ khí đắt tiền của phương Tây.

Trước đó, Nga đã cạnh tranh thành công với Trung Quốc ở phân khúc giá này. Nhưng nay thì vũ khí Nga về giá cả đang tiến sát vũ khí phương Tây. Vì thế, Bắc Kinh sẽ dần dần đẩy Nga khỏi thị trường nhiều nước có ngân sách hạn hẹp. Cần lưu ý là giá cả các loại vũ khí Trung Quốc bán chạy nhất có giá hạ hơn 20-40% so với các loại tương tự của Nga mà họ sao chép hay chế tạo dựa trên đó.

Hơn nữa, Trung Quốc còn mời chào các điều kiện tính toán ưu đãi, tài trợ, tín dụng, định thời hạn trả dần.

Những ưu tiên của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc

Trung Quốc đang thực hiện một số chương trình lớn về máy bay quân sự. Đó là các tiêm kích thế hệ 4 và 5, trực thăng tiến công và trực thăng đa dụng, máy bay chỉ huy/báo động sớm, máy bay huấn luyện/huấn luyện chiến đấu L-15 và máy bay vận tải. Ngoài ra, họ cũng đang phát triển các kiểu máy bay không người lái.

Trung Quốc tính toán đến năm 2020 hoàn thành phát triển tiêm kích thế hệ 5. Hiện chưa rõ tính năng kỹ thuật của máy bay này.

Tháng 12.2009, họ đã thử nghiệm lần đầu thành công tiêm kích trên hạm J-15 (sao chép Su-33).

Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch marketing ráo riết nhằm xúc tiến tiêm kích J-10 ra thị trường thế giới. Khách hàng mua J-10 đầu tiên là Pakistan với số lượng 36 chiếc. Trong tương lai, Islamabad sẽ mua thêm một lô J-10.

Trung Quốc và Pakistan cũng đang thực hiện chương trình sản xuất theo giấy phép tiêm kích hạng nhẹ JF-17 Thunder (Trung Quốc gọi là FC-1), loại máy bay này trong những năm sắp tới sẽ là chủ lực của không quân Pakistan. Pakistan dự định sản xuất tổng cộng đến 250 tiêm kích này.

Đáng chú ý là chính phủ Ai Cập cũng đã bắt đầu đàm phán với Pakistan về việc liên doanh sản xuất tiêm kích Trung Quốc JF-17 (FC-1). Khối lượng máy bay Ai Cập mua sắm có thể không dưới 48 chiếc.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Hồng Đô (HAIC) đã hoàn tất phát triển máy bay huấn luyện/huấn luyện chiến đấu phản lực siêu âm, 2 chỗ ngồi L-15 và đã bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn sản xuất loạt nhỏ. Trên thị trường thế giới, L-15 sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Hawk Mk.128, М-346, Т-50 Golden Eagle và Yak-130UBS.

Tập đoàn quốc doanh AVIC dự định đến cuối năm nay giới thiệu mẫu thử nghiệm máy bay vận tải hạng nặng cỡ 220 tấn. Chịu trách nhiệm về dự án này là công ty Xian Aircraft, công ty con của AVIC.

Tháng 3.2010, mẫu thử nghiệm trực thăng hạng nặng AС313, do tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc AICC (Aviation Industry Corporation of China) phát triển đã thực hiện chuyến bay đầu. Máy bay có trọng tải 13,5 tấn, trong tương lai có thể nâng lên 15 tấn.

Hãng AVIC tháng 8.2010 đã giới thiệu mẫu chế thử đầu tiên của trực thăng tiến công Z-19 dùng để tác chiến chống tăng. Trực thăng này được chế tạo dựa trên thiết kế trực thăng tiến công Z-9W, vốn là biến thể của trực thăng chế tạo theo giấy phép của Pháp AS-365N.

HQ-9 (FD-2000) đối thủ cạnh tranh của S-300 của Nga

Trung Quốc cũng chào bán các loại vũ khí hiện đại ở các phân khúc khác. Cụ thể, tập đoàn quốc gia xuất nhập khẩu sản phẩm chế tạo máy chính xác Trung Quốc CPMIEC (China National Precision Machinery Import and Export Corporation) đang đưa hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (tên xuất khẩu là FD-2000) tham gia cuộc thầu mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc thầu này, Trung Quốc cạnh tranh với Nga và nhóm công ty Lockheed Martin/Raytheon.

Trung Quốc đang chào bán ra thị trường thế giới các hệ thống vũ khí có sức cạnh tranh ở các phân khúc vũ khí hải quân, tăng-thiết giáp, hệ thống rocket phóng loạt, radar phòng không, tên lửa phòng không vác vai, tên lửa chống hạm, tên lửa chống tăng có điều khiển, pháo tự hành.

Ví dụ, công ty Trung Quốc Poly Technologies đang chào bán cho các khách hàng nước ngoài biến thể cải tiến của hệ thống rocket phóng loạt 122 mm Type-81 do hãng NORINCO phát triển.

NORINCO cũng phát triển xe bọc thép bánh xích VR1, nó góp phần mở rộng mặt hàng xuất khẩu của công ty này.

Công ty Poly Technologies đang tiến hành chiến dịch marketing nhằm xúc tiến ra thị trường thế giới xe bọc thép chở quân WZ-523 bánh lốp 6x6 với ký hiệu Type-05R.

NORINCO đã bắt đầu chương trình tiếp thị nhằm xúc tiến ra thị trường thế giới hệ thống rocket phóng loạt mới AR3. Hệ thống này sử dụng khung gầm xe tải việt dã cao bánh lốp 8х8, cũng dùng cho các hệ thống rocket phóng loạt đã được nhận vào trang bị trước đó và đang được chào bán là AR1A và AR2. 

Chương trình pháo tự hành PLZ-45 155 mm có thể được xem là một dự án thành công. Khách đặt mua PLZ-45 là Kuwait và Saudi Arabia.

Trung Quốc cũng có thể lần đầu tiên trở thành đối thủ cạnh tranh thật sự trên thị trường tàu ngầm thông thường thế giới. Theo thông tin hiện có, Trung Quốc và Pakistan đang thảo luận ở cấp chính phủ khả năng cung cấp cho hải quân Pakistan một số tàu ngầm. Loại tàu ngầm và thời hạn chuyển giao chưa được tiết lộ.

Trong lĩnh vực vũ khí hải quân, Trung Quốc đã chiếm giữ vị trí khá vững chắc ở các phân khúc xuồng tên lửa và tuần tra, cũng như tàu frigate.

Vị thế của Trung Quốc trên các thị trường vũ khí thế giới

Theo số liệu của TsAMTO, Pakistan sẽ chiếm gần ½ lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc. Đồng thời, tỷ lệ của các nước khác cũng tăng lên trong tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Trung Quốc.

Thuộc thê đội 2 những nước nhập khẩu nhiều nhất vũ khí Trung Quốc trong tương lai gần có thể là Myanmar, Venezuela và Ai Cập. Thị trường Iran vẫn còn là dấu hỏi.

Cấu thành nhóm khách hàng thứ ba nhập khẩu vũ khí Trung Quốc là Maroc, Saudi Arabia và Equador.

Trung Quốc sẽ mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường các nước như Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Thái Lan, Kenia, Nigeria, Đông Timor, Peru, Bangladesh, Ghana và Argentina.

Hiện tại, cơ cấu vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc cũng tương tự của Nga cách đây 10 năm. Khác với Nga với Trung Quốc và Ấn Độ chiếm phần áp đảo, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trước hết hướng vào Pakistan. Đứng thứ hai về nhập khẩu vũ khí Trung Quốc, nhưng cách khá xa Pakistan, là Ai Cập.

Sự mất cân đối này cũng được khẳng định khi phân tích xuất khẩu vũ khí Trung Quốc ở cấp độ khu vực. Trong 8 năm gần đây (2002-2009), tỷ lệ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Trung Quốc là 56%, Cận Đông - 25,4%, các nước châu Phi “đen” (các nước nằm phía Nam sa mạc Sahara) - 12,9%, Nam Mỹ - 4,3%, Bắc Phi và Đông Bắc Phi - 1,4%. Trong 8 năm nay, Trung Quốc đã không thể xúc tiến vào 5 khu vực là Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Âu, các nước ở không gian hậu Xô-viết và các nước Trung Mỹ, Caribe.

Theo số liệu của TsAMTO, giai đoạn 2002-2009, kim ngạch xuất khẩu vũ khí xác định được của Trung Quốc đứng thứ 12 thế giới (4,665 tỷ USD.).

Nước mua khối lượng áp đảo vũ khí Trung Quốc xuất khẩu giai đoạn này là Pakistan với 1,979 tỷ USD, chiếm 42,4% tổng kim ngạch vũ khí Trung Quốc xuất khẩu. Đứng thứ hai là Ai Cập (502 triệu USD, 10,8%), thứ ba là Iran (260,5 triệu USD, 5,6%).

Trong nhóm nước này, Nga không cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường Pakistan vì Nga không cung cấp hàng quân dụng cho nước này, trừ trực thăng vận tải. Trên thị trường Ai Cập, Nga và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trực tiếp về nhiều hệ thống vũ khí, trong đó có máy bay.

Đối với Iran thì ngày 9.6.2010, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết 1929, áp đặt lệnh cấm bán cho nước này tất cả 7 loại vũ khí thông thường theo phân loại của Cơ quan đăng ký LHQ. Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này.

Nằm trong nhóm khách hàng lớn thứ hai mua vũ khí Trung Quốc giai đoạn 2002-2009 là Nigeria (251,4 triệu USD), Bangladesh (221,1 triệu USD), Zimbabwe (203 triệu USD), Kuwait (200 triệu USD), Jordanie (185 triệu USD), Venezuela (140 triệu USD) và Malaysia (100 triệu USD). Trong nhóm này, Trung Quốc vượt Nga ở Nigeria, Bangladesh, Zimbabwe và Kuwait, thua xa Nga ở Jordanie và Malaysia.

Nhóm 3 giai đoạn 2002-2009 gồm có Thái Lan (81,3 triệu USD), Campuchia (80 triệu USD), Myanamar (65,3 triệu USD), Sri Lanka (57,1 triệu USD), Sudan (50 triệu USD), Namibia (42 triệu USD), Bolivia (35 triệu USD), Ghana (30 triệu USD), Oman (28 triệu USD) và Zambia (15 triệu USD). Trong nhóm này, Trung Quốc vượt Nga ở Thái Lan, Campuchia, Sri Lanka, Namibia, Bolivia, Oman và Zambia. Nga có ưu thế ở thị trường Myanmar, Sudan và Ghana. Cần lưu ý là Trung Quốc và Nga hầu như đồng thời ký các hợp đồng lớn cung cấp máy bay cho Myanmar. Việc chuyển giao hàng theo các hợp đồng này dự kiến vào năm 2010 và sau đó, bởi vậy không được đưa vào tính toán này. Tóm lại, trên thị trường Myanmar đã nổ ra cuộc cạnh tranh rất ác liệt giữa Moskva và Bắc Kinh.

Thuộc nhóm 4 trong giai đoạn 2002-2009 có Mexico (14 triệu USD), Nepal (14 triệu USD), Indonesia (13,2 triệu USD), Ruanda (11 triệu USD), Tanzania (11 triệu USD), Peru (10,5 triệu USD), Algeria (10 triệu USD), Iraq (10 triệu USD), Kenia (10 triệu USD) và Congo (10 triệu USD). Trong nhóm này, Trung Quốc vượt Nga ở Ruanda, Tanzania, Kenia và Congo. Nga có ưu thế ở Mexico, Indonesia (áp đảo), Peru, Algeria (áp đảo) và Iraq. Nga và Trung Quốc ngang bằng nhau về khối lượng vũ khí xuất khẩu sang Nepal.

Nhóm 5 trong giai đoạn 2002-2009 gồm có Gabon (9 triệu USD), Uganda (6 triệu USD), Chad (5 triệu USD), Cameroon (4 triệu USD), Mauritania (1 triệu USD), Niger (1 triệu USD). Trong nhóm này, Trung Quốc vượt Nga ở Gabon, Cameroon và Mauritania. Nga có ưu thế ở Uganda, Chad và Niger.

Xét theo lượng đơn đặt hàng cung cấp vũ khí giai đoạn 2010-2013, đứng đầu trong cơ cấu xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc là Pakistan (4,421 tỷ USD), chiếm 68,2% tổng số đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc giai đoạn 2010-2013 trị giá 6,481 tỷ USD. Đứng thứ hai là Myanmar (700 triệu USD, hay 10,8%). Đứng thứ ba là Venezuela (492 triệu USD, hay 7,6%).

Các vị trí tiếp theo về nhập khẩu vũ khí Trung Quốc giai đoạn 2010-2013 là Maroc (300 triệu USD), Saudi Arabia (200 triệu USD), Equador (120 triệu USD), Bolivia (57,9 triệu USD), Indonesia (36 triệu USD), Thái Lan (35,7 triệu USD), Kenia (30 triệu USD), Đông Timor (28 triệu USD), Peru (24,2 triệu USD), Bangladesh (18 triệu USD), Ghana (15 triệu USD) и Argentina (2,8 triệu USD).

  • Nguồn: Xuất khẩu vũ khí Trung Quốc: Thách thức đối với công nghiệp quốc phòng Nga / Igor Yurevich Korotchenko, Giám đốc Trung tâm TsAMTO // NVO, 29.10.2010.
Đại Việt