In bài này
Đối phó với nạn làm nhái: Nga xiết chặt luật xuất khẩu vũ khí
Thứ Sáu, 22/10/2010 - 3:30 AM
Chính phủ Nga đã trình Duma Quốc gia những điều chỉnh bổ sung cho luật về hợp tác kỹ thuật quân sự nhằm tăng cường đấu tranh bảo vệ bản quyền của Nga đối với vũ khí và công nghệ quân sự xuất khẩu.

Những điều chỉnh này do Bộ Tư pháp đưa ra với sự tham gia của hãng Rosoboronoexport và Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự.

Các điều khoản của luật nói đến mục đích hợp tác kỹ thuật quân sự và các nhiệm vụ của các chủ thể hợp tác (các nhà cung cấp vũ khí) được bổ sung điều khoản về sự cần thiết áp dụng các biện pháp bảo vệc ác quyền của Liên bang Nga đối với kết quả hoạt động trí tuệ.

Từ này, tất cả các hợp đồng cung cấp sản phẩm quân dụng phải có các điều khoản về điều kiện bảo vệ các quyền này.

Theo đại diện Rosoboronoexport Vyacheslav Davidenko, trước đây, vấn đề này không được coi trọng và việc thông qua các sửa đổi sẽ cho phép tăng cường kiểm soát việc tôn trọng các tác quyền của Nga trong lĩnh vực này.

Giữa thập niên đầu những năm 2000, Rosoboronoexport đã cố gắng đưa ra các biện pháp chống các nhà sản xuất súng AK ở Bulgaria và các nước Đông Âu, nhưng không thể làm gì về mặt luật pháp đối với các hãng đã nhận được tài liệu công nghệ sản xuất súng này mấy chục năm trước, một nguồn tin ở Bộ Quốc phòng Nga nói.

Nhưng vẫn đề còn đau đầu hơn là việc Trung Quốc sao chép trái phép tiêm kích Su-27 và biến thể trên hạm của nó (tương ứng là J-11В và J-15) được biết vào năm 2007, cũng như nhiều loại vũ khí Nga khác, một nguồn tin thân cận với lãnh đạo Rosoboronoexport cho biết. Su-27 và các máy bay chế tạo dựa trên Su-27 là một trong mặt hàng xuất khẩu vũ khí chủ lực của Nga.

Trên thực tế, những điều khoản bổ sung mới sẽ không thể ngăn cản người Trung Quốc khi họ đang chào bán các sản phẩm làm nhái của mình, mặc dù họ đã tiến hành thử nghiệm máy bay 5 năm nay mà không thể hoàn tất và vẫn không có loại động cơ tin cậy cho nó, một nhà quản lý một xí nghiệp thuộc Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất OAK (Nga) trao đổi.

Giám đốc Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới Igor Korotchenko thì cho rằng, trong tương lai nếu xảy ra tình huống Trung Quốc mua tiêm kích Su-35 thì những điều khoanr bổ sung này có thể đóng vai trò tích cực.

  • Nguồn: Aleksei Nikolsky // Vedomosti, 19.10.2010, 197 (2715).
VNH