In bài này
Moskva chuẩn bị tái hiện diện quân sự tại Đông Nam Á
Thứ Hai, 18/10/2010 - 4:30 PM
Hiệp ước liên quan đến căn cứ Cam Ranh có thể được ký trong thời gian TT Nga Dmitri Medvedev thăm Việt Nam vào cuối tháng 10.2010, Báo Độc lập (Nga) dẫn lời một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga đưa tin.

Những người lính Nga cuối cùng rời Cam Ranh
vào tháng 5.2002 (ITAR-TASS)

Nga sẵn sàng khôi phục căn cứ hải quân của mình ở Cam Ranh, nơi Liên Xô từng triển khai miễn phí các tàu chiến, tàu ngầm (kể cả tàu ngầm nguyên tử) và máy bay (kể cả máy bay chiến lược tầm xa).

Xem thêm: Các đô đốc Nga muốn trở lại Cam Ranh

Căn cứ này đã tồn tại 23 năm, từ năm 1979. Lần này, cơ sở quan trọng về phương diện địa-chính trị này sẽ được Nga thuê của Việt Nam ít nhất 25 năm, có thể gia hạn.

Một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ với Báo Độc lập (Nezavisimaya Gazeta, Nga), hiệp ước liên quan có thể được ký trong thời gian TT Nga Dmitri Medvedev thăm Việt Nam vào cuối tháng 10.2010.

Thông tin từ nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga này được xác nhận gián tiếp bởi tin của hãng Interfax ngày 6.10.2010, theo đó, một nguồn tin trong Bộ tham mưu Hải quân Nga đã nói rằng, “Bộ tư lệnh Hải quân Nga đã hoàn tất các văn bản, trong đó luận cứ và tính toán sự cần thiết khôi phục trạm đóng quân để bảo đảm cho các tàu Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, “nếu quyết định chính trị được đưa ra thì Hải quân Nga sẵn sàng khôi phục hoạt động của căn cứ trong vòng 3 năm”.

Nếu nhớ lại lịch sử mới đây, quyết định rút trước thời hạn hải quân và không quân Nga ở Cam Ranh chính là do TT Nga khi đó Vladimir Putin đưa ra 8 năm trước. Tháng 2.2002, trả lời phỏng vấn báo Mỹ Wall Street Journal, ông Putin khẳng định rằng, việc Nga từ bỏ căn cứ ở Cam Ranh là “tuyệt đối đúng đắn” và là “quyết định chính trị-quân sự có cân nhắc”.

“Đây không phải là những quyết định duy ý chí của một cá nhân, - ông Putin nhấn mạnh. - Đây là những quyết định chính trị-quân sự có cân nhắc, dựa trên thực tế và những quan điểm không chỉ của các chính trị gia, mà của cả giới quân sự, trước hết là Bộ Tổng tham mưu”.

Nếu như lại có thể trở lại Cam Ranh, thì đó sẽ là một thắng lợi địa-chính trị lớn của nước Nga -Thượng  tướng Ivashov

Thượng tướng Leonid Ivashov, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế (GUMVS) thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã nói với Báo Độc lập rằng, chính Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga hồi đó Anatoly Kvashnin đích thân đưa ra đề xuất với ông V. Putin đóng cửa căn cứ ở Cam Ranh và trạm trinh sát kỹ thuật ở Cuba. Mặc dù nhiều chuyên gia, đặc biệt là ở Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế và chính Bộ trưởng Quốc phòng Nga Igor Sergeyev (ông là Bộ trưởng cho đến năm 2001) đều phản đối đề xuất này.

Nguồn tin của Báo Độc lập nhắc lại rằng, ông từng mấy năm trời tham gia đàm phán và tư vấn với phía Việt Nam về số phận tương lai của căn cứ ở Cam Ranh và “người Việt nam đã phản đối chúng tôi rút khỏi nước này. Mặc dù họ cũng đòi tiền thuê căn cứ”.

Theo tướng Ivashov, khoản tiền thuê căn cứ do Việt Nam đưa ra tương đối nhỏ (gần 300 triệu USD/năm) và cơ bản có thể trừ vào số tiền Việt Nam nợ Nga mà theo đánh giá của Moskva lên tới 10 tỷ USD.

Căn cứ quân sự của Liên Xô và LB Nga ở Cam Ranh

Vịnh Cam Ranh là một trong những vịnh nước sâu tốt nhất thế giới. Nó có diện tích 60 km2, độ sâu đạt tới 20 m. Vịnh được những ngọn núi che chắn gió.

Từ thập niên 1950, Cam Ranh từng là một trong những căn cứ trọng yếu nhất của Hạm đội 7 Mỹ, nhất là trong thời kỳ chiến tranh Việt-Mỹ 1964-1973.

Các kỹ sư Mỹ đã xây dựng ở đây một sân bay quân sự và một quân cảng.

Năm 1972, với việc rút quân dần khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ đã chuyển giao toàn bộ các cơ sở quân sự ở Cam Ranh cho quân đội Sài Gòn.

Ngày 3.4.1975, trong cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn, căn cứ Cam Ranh đã bị Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh chiếm.

Năm 1979, sau cuộc chiến tranh ngắn giữa Việt Nam và Trung Quốc, Liên Xô và Việt Nam đã ký hiệp ước về việc sử dụng Cam Ranh làm trạm bảo đảm vật chất-kỹ thuật cho Hải quân Liên Xô trong 25 trên cơ sở miễn phí.

Sau đó, tại Cam Ranh đã xây dựng căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài với tổng diện tích 100 km2.

“Nhưng rõ ràng là dưới áp lực của Mỹ, ban lãnh đạo Nga hồi đó đã thông qua một quyết định duy ý chí rút khỏi Việt Nam. Nếu như bây giờ chúng ta lại có thể đứng chân ở đất nước này, thì thiết nghĩ đó sẽ là một thắng lợi địa-chính trị lớn của nước Nga”, - tướng Ivashov nói.

Sau khi Nga rời Cam Ranh, cả Trung Quốc và Mỹ đề đưa ra đề nghị cho phép họ hiện diện hải quân tại căn cứ Cam Ranh. Họ đã sẵn sàng trả tiền thuê đến 500 triệu USD/năm. Nhưng Hà Nội đã từ chối họ. Ở cấp độ chính thức, người ta nói rằng, Cam Ranh sẽ không trở thành căn cứ của nước ngoài.

Giám đốc Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới Igor Korotchenko nói với Báo Độc lập rằng, Nga và Việt Nam đã ký các hợp đồng trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự trị giá hơn 1 tỷ USD. Ông không loại trừ, một số loại vũ khí Nga bán cho Việt Nam sẽ được tập trung tại vịnh Cam Ranh: “Phương án đóng quân chung ở Cam Ranh của hải quân Việt Nam cũng như các tàu chiến nổi và tàu ngầm của Nga là hoàn toàn có khả năng”.

Đại biểu Duma Quốc gia Nga, nguyên Tư lệnh Hạm đội Biển Đen Vladimir Komoedov thì lại lo vấn đề là có thể sẽ chẳng có gì để mà triển khai ở Cam Ranh. “Hạm đội Thái Bình Dương mà các hạm tàu của nó có nhiệm vụ kiểm soát vùng biển Đông Nam Á đã hai chục năm nay hầu như chẳng được bổ sung các tàu chiến mới. Vậy thì chúng ta sẽ triển khai cái gì ở Cam Ranh?” - vị đô đốc đặt câu hỏi. Theo ông Komoedov, trong chương trình vũ khí 2020 mới không trù tính đóng cho hải quân các tàu sân bay mà có thời chúng đã bảo vệ lợi ích địa-chính trị của Liên Xô ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

  • Nguồn: Moskva chuẩn bị tái hiện diện quân sự thường xuyên tại Đông Nam Á / Vladimir Mukhin // NG, 7.10.2010.
Đông A