In bài này
Chiến tranh mạng là tất yếu
Thứ Sáu, 08/10/2010 - 1:14 PM
Lầu Năm góc tuyên bố không gian ảo là chiến trường

Lầu Năm góc ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến tranh trong không gian điều khiển học

Giới quân sự Mỹ bắt đầu chú ý đến các vấn đề bảo vệ các hạ tầng điều khiển học của mình từ 20 năm trước. Ngày 23.9.2010, Tư lệnh Bộ chỉ huy Điều khiển học (U.S. Cyber Command  - USCYBERCOM) của quân đội Mỹ, đồng thời là Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Trung tướng Keith Alexander nói như vậy tại cuộc điều trần tại Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ.

Những căn nguyên khiến Mỹ lo lắng

Tướng Keith Alexander, Tư lệnh Bộ chỉ huy Điều khiển học đang chuẩn bị tư thế chiến đấu (executivegov.com) 

Các mạng máy tính và cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ liên tục bị tấn công từ phía các cơ quan đặc vụ nước ngoài, các tổ chức muốn thu thập thông tin quân sự bí mật và cả đám tin tặc (hacker) và hooligan.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm về an ninh thông tin coi các cơ quan tình báo Nga và Trung Quốc là các đối thủ chính của mình.

Họ đã nhiều lần nêu điều đó trong các báo cáo về vấn đề đánh cắp bí mật quốc gia bởi các cơ quan đặc vụ nước ngoài.

Cuối tháng 8.2010, Lầu Năm góc chính thức thừa nhận rằng, vào năm 2008 một trong những mạng nội bộ của họ đã bị tấn công quy mô lớn. Kết quả là các kẻ thù của Lầu Năm góc Lầu Năm góc đã biết được nhiều bí mật quân sự của Mỹ.

Điều đó đã được nêu trong báo cáo tiêu đề “Quản trị Internet trong kỷ nguyên mất an ninh điều khiển học” (Internet Governance in an Age of Cyber Insecurity) do các chuyên gia Hội đồng quan hệ quốc tế, một tổ chức độc lập đã nhiều năm tư vấn cho Bộ Ngoại giao, Quốc hội và các cơ quan liên bang, các hãng tư nhân của Mỹ soạn thảo.

Trong báo cáo này, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Mỹ William J. Lynn, người phụ trách tất cả các vấn đề an ninh điều khiển học ở Lầu Năm góc, đã thông báo rằng, ban đầu một máy tính xách tay (notebook) tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Cận Đông đã bị tấn công. Loại virus đặc biệt đã lọt vào máy tính quay đĩa USB và nhanh chóng xâm nhập các mạng quân sự.

Theo ông Lynn, bằng cách tiến công này, thông tin lấy được đã bị chuyển cho các điệp viên tình báo nước ngoài. Trong các văn bản chính thức của Lầu Năm góc có nói rằng, sự cố này đã dẫn đến “việc rò rỉ dữ liệu quy mô lớn nhất từ các hệ thống quân sự Mỹ”, mà kết quả là các cơ quan đặc vụ nước ngoài đã nhận được các thông tin kỹ thuật, tác chiến và tình báo không chỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ mà còn của các đối tác NATO của họ.

Cuộc tấn công này chính là nguyên nhân để xem xét lại các cách tiếp cận của Bộ Quốc phòng Mỹ đối với việc bảo vệ các mạng máy tính và cơ sở dữ liệu. Lầu Năm góc và Bộ An ninh nội địa (Department of Homeland Security) đã tổ chức hợp tác xây dựng các biện pháp bảo vệ chống các loại xâm nhập như vậy vào các mạng và cơ sở dữ liệu quốc gia.

Dưới sự lãnh đạo của NSA, đã thiết kế các phương tiện loại trừ khả năng sử dụng trái phép USB trong các mạng của các cơ quan liên bang. Hiện nay, chúng hoạt động hầu như trong tất cả các cơ quan nhà nước của Mỹ.

Những ý đồ của ông tướng điều khiển học 

Bộ chỉ huy Điều khiển học USCYBERCOM với quân số 1.100 người
có nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho các mạng máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ và đối phó với các cuộc tấn công điều khiển học từ bên ngoài

Mệnh lệnh thành lập Bộ chỉ huy Điều khiển học do Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates ký từ tháng 6.2009. Bộ chỉ huy này được giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các mạng máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ và đối phó với các cuộc tấn công điều khiển học từ bên ngoài.

Nhiệm vụ chính của tổ chức mới này của Lầu Năm góc, theo lời Tướng Alexander nói với các nghị sĩ Mỹ dẫn lời ông William J. Lynn, là “tập hợp dưới một mái nhà” các đơn vị của cộng đồng tình báo Mỹ, cũng như các lực lượng tiến công và phòng thủ.

Cơ quan mới bắt đầu làm việc từ tháng 10.2009 với trụ sở đặt tại căn cứ quân sự Fort Mead. Đến tháng 10.2010, biên chế và tổ chức của nó phải xây dựng xong và theo lời Tướng Alexander nói với các nghị sĩ, quân số của các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy này sẽ là 1.100 người.

Làm việc trong cơ quan này chủ yếu là các chuyên gia quân sự của quân đội Mỹ, song cũng có một số chuyên gia dân sự làm việc theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Các nhiệm vụ khác của Bộ chỉ huy mới vốn hoạt động dưới sự giám sát của siêu gián điệp điện tử Mỹ NSA là tiến hành do thám trên không gian ảo, ngăn chặn các cuộc tấn công điều khiển học nhằm vào Mỹ và thực hiện các đòn đánh phòng ngừa nhằm vào những đối phương đang chuẩn bị tiến hành các hành động như vậy.

Theo tướng Alexander, Bộ chỉ huy do ông lãnh đạo có một khu vực trách nhiệm đặc biệt, liên tục thay đổi. Từ năm 2000, số lượng người dùng Internet đã tăng 400%. Năm 2009, mạng toàn cầu có 1,8 tỷ người dùng và 4,6 tỷ chủ sở hữu điện thoại di động. Tất cả số đó hàng ngày gửi đi gần 90.000 tỷ thông điệp qua thư điện tử. Không gian điều khiển học liên tục mở rộng và cấu trúc của nó đang thay đổi một cách cực kỳ khó lường.

Ông cũng nhận xét rằng, hiện nay đang diễn ra sự sát nhập giữa điện thoại và máy tính và thực tế là toàn bộ khối lượng thông tin giao dịch giữa các máy tính đi qua các kênh khác nhau của các mạng thông tin quốc gia.

Theo ông Alexander, không gian điều khiển học hiện đại có thể so sánh với chiến trường. Tuy vậy, sự tự do hành động trong môi trường này không cho phép sử dụng hiệu quả các lực lượng hiện có của Mỹ để tiến hành đấu tranh hiệu quả trên tất cả các bộ phận trong  không gian ảo của Mỹ. Hơn nữa, cơ quan do ông cầm đầu với sự tham gia tích cực của tất cả các cơ quan liên bang của Mỹ mà vấn đề bảo vệ dữ liệu là nhiệm vụ cực kỳ bức thiết đang áp dụng mọi biện pháp cần thiết để hạn chế “sự tự do” ấy ở mức độ tối đa có thể.

“Tất cả các cơ quan hoạt động trong không gian điều khiển học và các người dùng cá nhân có thể trở thành nạn nhân của những hành động có chủ ý xấu”, - viên tướng nói. Ông cũng lưu ý là nếu như trước đây, để bắt đầu cướp bóc, “binh sĩ trước hết phải đánh chiếm thành phố nào đó”, thì nay, khi mà nhiều giá trị có tính chất công nghệ, quân sự, kinh tế và trí tuệ và các loại khác đang tồn tại dưới dạng điện tử, việc trộm cắp thông tin mang lại những thu nhập thực diễn ra hằng ngày. Một số lượng ngày càng lớn các quốc gia đang dịch chuyển các phương pháp đấu tranh truyền thống với đối phương sang môi trường ảo.

“Nói cách khác, sự đối kháng và thậm chí các cuộc xung đột trong không gian điều khiển học ngày nay đang là một thực tế thường nhật”, - tướng Alexander nói. Ông cho biết, cơ quan của ông trong một giai đoạn tồn tại chưa lâu đang hoạt động hằng ngày và làm tất cả những gì có thể để loại trừ khả năng đe dọa an ninh quốc gia.

Các mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ được kiểm soát liên tục. Mỗi giờ diễn ra gần 250.000 kiểm tra để phát hiện khả năng kết nối trái phép của các quốc gia thù địch với Mỹ và những cơ quan tổ chức của các quốc gia đó, cũng như các cá nhân vào các mạng và cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo Tướng Alexander, các cuộc xung đột trong thế giới ảo có thể mang tính phi đối xứng. Ông lưu ý các nghị sĩ rằng, mới đây ở châu Âu đã bắt giữ một nhóm nhỏ các chuyên gia đã tạo ra cái gọi là botnet (viết tắt từ robot và network), một mạng máy tính gồm 13 triệu máy tính. Phần mềm tự hoạt đặc biệt từ hệ thống này bí mật được cài đặt vào các máy tính bị tấn công và cho phép bọn tội phạm sử dụng các tài nguyên của các máy tính bị nhiễm. Các tin tặc này hoạt động hầu như ẩn danh.

Chi phí cho tổ chức các mạng như vậy là rất không đáng kể, nhưng việc phát hiện và vô hiệu hóa nó đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí. Tất cả những cái đó, theo ông Alexander, làm phức tạp đáng kể cuộc đấu tranh của Bộ chỉ huy của ông với những cuộc tấn công tương tự.

Kết luận phát biểu của mình, Tướng Alexander trấn an các nghị sĩ rằng, cơ quan do ông phụ trách đang hoạt động theo 3 hướng.

Trước hết, nó bảo đảm bảo vệ mạng thông tin toàn cầu của Bộ Quốc phòng để Lầu Năm góc có thể giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra.

Hai là, nó tạo ra những lực lượng và phương tiện để khi có các mệnh lệnh tương ứng sẽ có khả năng tiến hành hiệu quả các chiến dịch trong không gian ảo.

Và cuối cùng, Bộ chỉ huy Điều khiển học hoạt động trên hướng tạo ra mọi điều kiện cần thiết để bảo đảm sự tự do hành động của các cơ quan tương ứng của Bộ Quốc phòng Mỹ, bảo đảm bảo vệ thông tin trong không gian điều khiển học của Mỹ.

Sẵn sàng cấp 1

Giới quân sự Mỹ cho rằng, chiến tranh trong không gian ảo là không tránh khỏi và họ đang chuẩn bị ráo riết cho nó. Khả năng tấn công vào các mục tiêu quân sự được trù tính hầu như trong tất cả các kế hoạch tác chiến của bộ não của Lầu Năm góc là Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân.

Trong bài báo đăng trên số tháng 9.2010 của tạp chí Foreign Affairs, ông William Lynn tuyên bố rằng, từ này Mỹ sẽ coi không gian điều khiển học cũng là một chiến trường tiềm tàng như các chiến trường khác mà hiện nay quân Mỹ đang hoạt động.

Tháng 12.2010, theo tiết lộ của ông Lynn, sẽ ra đời chiến lược điều khiển học mới của Mỹ mà các chính trị gia và giới quân sự gọi không chính thức là “Chiến lược điều khiển học 3.0”. Chiến lược này trù định việc bảo đảm từng giai đoạn việc bảo vệ điều khiển học tất cả các mục tiêu quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ, các cơ quan liên bang và các công ty lớn đang thực hiện các đơn hàng quân sự. Trong tương lai sẽ cùng với các đồng minh NATO thành lập một hệ thống an ninh điều khiển học tập thể thống nhất.

Giữa tháng 9.2010, ông Lynn đã tới Brussels và phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức với sự bảo trợ của trung tâm nghiên cứu và phân tích độc lập SDA (Security & Defence Agenda). Các đại diện EU, NATO, các quan chức chính phủ, đại diện các ngành công nghiệp, giới khoa học và các tổ chức khác thường xuyên tham dự các phiên họp của diễn đàn này.

Ông Lynn đã thảo luận với những người tham dự vấn đề về khả năng hợp tác với các đồng minh và bạn bè của Mỹ thực hiện sáng kiến của Mỹ nhằm thành lập hệ thống phòng thủ điều khiển học thống nhất. Theo ông, NATO phải thiết lập một lá chắn điều khiển học để bảo vệ liên minh xuyên Đại Tây Dương và những bạn bè của mình chống mọi mối đe dọa.

Theo ông Lynn, vấn đề an ninh điều khiển học của 28 nước thành viên NATO sẽ là một trong những chủ đề chính mà các nhà lãnh đạo các nước NATO sẽ thảo luận tại cuộc gặp thượng đỉnh của liên minh dự kiến tổ chức ngày 19-20.11.2010 tại Lisbon.

“Liên minh phải đóng vai trò chính trong mở rộng sự bảo vệ các mạng của chúng ta. NATO có lá chắn hạt nhân, đang xây dựng lá chắn phòng thủ ngày càng mạnh và bây giờ nó cần cả một lá chắn điều khiển học”, - ông Lynn nhận định.

Cựu cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh máy tính Richard Clark khẳng định rằng, việc máy tính hóa toàn cầu quân đội Mỹ là gót chân Achilles của nó.

Trong một lần phỏng vấn mới đây, ông nói rằng, hiện nay Lầu Năm góc đơn giản là không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh điều khiển học. Ông nhắc lại tất cả những thất bại gần đây của các cơ quan hữu quan của Mỹ trong việc bảo vệ các bí mật quốc gia, trong đó có vụ đánh cắp tài liệu về tiêm kích F-35, các hệ thống máy tính của Bộ Ngoại giao, Lầu Năm góc, Bộ Tài chính Mỹ và trụ sở Liên Hiệp Quốc bị tê liệt.

Ông Richard Clark cũng nhận xét là người Mỹ cảm thấy mức độ mối đe dọa lơ lửng trên đầu họ “chỉ khi thảm họa toàn cầu diễn ra”.

Giám đốc Viện Triển vọng chiến lược Mỹ (U.S. Strategic Perspective Institute) ở Washington David Gewirtz  tin rằng, cuộc chiến điều khiển học là tất yếu. Theo ông, “vũ khí điều khiển học quá dễ kiếm và hiệu quả để không sử dụng nó”.

Cựu nhân viên NSA Charles Miller, người hiện nay cũng thực hành hoạt động tin tặc, cho rằng, chỉ cần vẻn vẹn 98 triệu USD để thành lập một cơ quan điều khiển học có khả năng tấn công nước Mỹ và làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của Mỹ, còn để tổ chức tấn công các mạng máy tính của Nga thì còn ít hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2013,  Washington sẽ phải chi 10,7 tỷ USD để bảo vệ chống các cuộc tấn công điều khiển học.

Năm 2008, Mỹ đã phải chi cho các mục đích này 7,4 tỷ USD. Trong thời gian gần nhất, Nhà Trắng sẽ phải chi số tiền gần như thế cho việc bảo đảm bảo vệ điều khiển học cho các mạng điện lực và các mục tiêu hạ tầng dân sự quốc gia khác.

  • Nguồn: Vladimir Ivanov // NVO, 1.10.2010.
VP