In bài này
An ninh biển trên bàn nghị sự ADMM+
Thứ Năm, 07/10/2010 - 3:53 PM
An ninh biển, một trong những ưu tiên hợp tác của ASEAN với 8 đối tác lớn ngoài khối sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần đầu tiên tại Hà Nội (ADMM+) ngày 12/10 tới.

Họp báo quốc tế giới thiệu Hội nghị ADMM+, Hà Nội, 7.10.2010 (Nguyễn Hưng)

Sự kiện lịch sử


Bộ trưởng Quốc phòng 5 nước thăm chính thức Việt Nam

Nhân Hội nghị ADMM+ lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng 5 nước gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ có các cuộc hội đàm với người đồng cấp 5 nước đối tác để thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam.

Tại cuộc họp báo quốc tế chiều nay (7/10), đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam cho hay, Hội nghị ADMM+ lần đầu tiên do Việt Nam chủ trì diễn ra tuần tới có dự tham dự của tất cả các thành viên ASEAN và 8 nước đối thoại: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Australia, Nga, Mỹ.

Ngoài 2 nước trong ASEAN là Brunei và Myanmar cử cấp dưới bộ trưởng, 7 trong số 8 nước đối thoại đã xác nhận cử cấp bộ trưởng dự Hội nghị, trừ Nga đang chờ xác định chính thức cấp tham dự.
 
Hội nghị có chủ đề "ADMM+: Hợp tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực", tập trung vào 3 nhóm nội dung chính.

Nhóm thứ nhất đó là thông báo tiến trình hợp tác chung trong ASEAN và những phát triển hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng của khu vực.

Nhóm nội dung thứ hai là các nước ASEAN và các nước đối thoại đánh giá, nhìn nhận quan điểm tình hình an ninh trong khu vực cũng như trình bày chính sách quốc phòng đối với khu vực.

Nhóm nội dung thứ ba là thông qua các tài liệu, trong đó có dự thảo tuyên bố chung và thảo luận những lĩnh vực hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ADMM+. Việt Nam với tư cách nước chủ nhà sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch sau khi tham vấn các nước.
 
Ông Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viên Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho hay, ASEAN xác định 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong khuôn khổ ADMM+. Đó là hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và các hoạt động gìn giữ hòa bình.

ADMM+ đầu tiên này có ý nghĩa chính trị và lịch sử quan trọng, khẳng định sự quyết tâm của ASEAN mở rộng hợp tác quốc phòng ra bên ngoài vì mục tiêu hòa bình, ổn định trong khu vực, đánh dấu bước khởi đầu cho một cơ chế hợp tác quốc phòng-an ninh mới trong cấu trúc an ninh khu vực đang nổi lên hiện nay.
 
ADMM+ không "né" vấn đề nhạy cảm
 
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời các câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước.
 
Thưa Thứ trưởng, vấn đề Biển Đông có nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị ADMM+?
 
Vấn đề Biển Đông sẽ không được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị ADMM+. Tương tự, vấn đề cụ thể khác cũng không được đưa vào. Lý do đây là hội nghị đầu tiên nên không đủ thời gian bàn vấn đề cụ thể như vậy.

Tuy nhiên, trong phát biểu về chính sách an ninh của quốc gia mình và tình hình an ninh khu vực, các nước có thể nêu các vấn đề quan tâm. Chúng tôi tin rằng, những phát biểu về chính sách an ninh nêu ra tại hội nghị cũng trên tinh thần chung của ADMM+, đó là tìm ra điểm đồng để hợp tác và từ trao đổi chính sách an ninh dẫn đến hợp tác thiết thực trong tương lai.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam mong muốn có cuộc họp của các nhóm chuyên gia để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (LAD)

Hiện nay, Việt Nam đang yêu cầu Trung Quốc trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho các ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trái phép ở Hoàng Sa. Giả sử Trung Quốc không thả người ngay trước khi hội nghị bắt đầu thì đó có phải là sự kiện phủ bóng đen lên hội nghị không?
 
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang làm việc với Trung Quốc để yêu cầu Trung Quốc thả ngay các ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không gắn việc thả hay bắt giữ các thuyền viên này với Hội nghị ADMM+. Trong Hội nghị của ADMM+ có mục rất quan trọng là hợp tác về an ninh biển, khi triển khai có việc bảo vệ, giúp đỡ ngư dân, đặc biệt trong tình huống bão lũ, thảm họa thiên tai.
 
Với nội dung như Thứ trưởng đề cập, có nên hiểu Hội nghị ADMM+ né tránh những vấn đề nhạy cảm để tạo khởi đầu trôi chảy hay sẽ không tránh vấn đề nhạy cảm nào, thưa ông?
 
Chúng tôi không cho rằng, Hội nghị này nói riêng, cũng như cơ chế hợp tác ADMM+ là một diễn đàn né tránh những vấn đề nhạy cảm. Nhưng chúng tôi muốn lưu ý 3 đặc điểm mang tính đặc thù của diễn đàn này. Thứ nhất, đây là diễn đàn tìm ra được vấn đề chung, những thách thức chung, những vấn đề có tính phổ biến để cùng hợp tác. Thứ hai, chính vì tìm ra điểm đồng về mặt nhận thức, cũng như mong muốn của các nước mà tiến trình này đi từ trao đổi về an ninh đến hợp tác thiết thực trên thực tế.
 
Đây là điểm đặc trưng tạo ra sự khác biệt giữa diễn đàn này với một số diễn đàn an ninh khác trong khu vực. Với định hướng như vậy, tiến trình ADMM+ không né tránh bất cứ vấn đề gì. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cũng như các nước đối tác đồng thuận với nhau không để diễn đàn này thành nơi tranh cãi của các nước hay nhóm các nước với nhau.

Thứ ba, trong Hội nghị đầu tiên, Việt Nam mong muốn các nước khác dành nhiều thời gian cho việc bàn về tương lai của ADMM+. Trong tiến trình phát triển của ADMM+, nó sẽ lần lượt đề cập những vấn đề nhiều nước quan tâm và sẽ cùng nhau bàn giải quyết vấn đề mà tất cả các nước cùng quan tâm .
 
Trong phần nghị sự có phần các quốc gia trao đổi quan điểm về tình hình an ninh mà họ quan tâm. Vậy quan tâm hàng đầu của Việt Nam sẽ được trình bày là gì?
 
Quan tâm lớn nhất của Việt Nam, đó là với một cấu trúc an ninh mới, đầy tiềm năng thì làm sao có bước khởi đầu suôn sẻ và có định hướng đúng để sự hợp tác đem lại lợi ích đem lại hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực.
 
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines vừa qua có đề cập việc ASEAN và Trung Quốc xúc tiến thành lập Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Xin ông cho biết quan điểm của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN?
 
Trong các hội nghị ASEAN vừa qua, đặc biệt là các hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất với nhau sẽ tổ chức họp các nhóm làm việc của ASEAN và Trung Quốc để bàn việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Việt Nam mong muốn có cuộc họp của các nhóm chuyên gia để xây dựng COC. Chúng tôi nghĩ rằng, việc xây dựng này không phải dễ dàng và nhanh chóng, nhưng nếu chúng ta kiên trì, có thiện chí, chúng ta sẽ đến đích và chúng ta sẽ có được COC như nguyện vọng của các nước ASEAN, cũng như cam kết của Trung Quốc.

  • Nguồn: An ninh biển trên bàn nghị sự ASEAN và 8 đối tác / Xuân Linh // VNN, 7.10.2010.