In bài này
Các đô đốc Nga muốn trở lại Cam Ranh
Thứ Năm, 07/10/2010 - 2:39 PM
Hải quân Nga muốn trở lại Cam Ranh để hạn chế tham vọng địa-chính trị của Trung Quốc.
Cảng Cam Ranh, 1985 (Edward L. Cooper)
Bộ Tư lệnh Hải quân Nga đề xuất khôi phục hoạt động của căn cứ quân sự tại cảng Cam Ranh (Việt Nam), một nguồn tin trong Bộ Tư lệnh Hải quân Nga cho hay. Các chuyên gia cho rằng, những tuyên bố trước hết là dành cho Bắc Kinh vì họ đang rất quan tâm đến các khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga.

“Bộ Tư lệnh Hải quân đã xem xét xong các văn kiện, trong đó luận cứ và tính toán sự cần thiết khôi phục Trạm bảo đảm vật chất-kỹ thuật (PMTO) Cam Ranh để bảo đảm các tàu Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, một nguồn tin trong Bộ Tư lệnh Hải quân Nga nói với hãng tin Interfax-AVN. Theo ông này, “nếu quyết định chính trị được đưa ra thì Hải quân sẵn sàng khôi phục hoạt động của căn cứ trong vòng 3 năm”.

Tuy nhiên, không hề có tin tức gì về các cuộc đàm phán chính trị giữa Moskva và Hà Nội về vấn đề căn cứ này trong những năm gần đây. Năm 2003, Việt Nam đã đàm phán cho Mỹ thuê căn cứ, song đàm phán kết thúc không kết quả và hiện nay căn cứ chỉ do Việt Nam sử dụng.

“Việc thuê căn cứ hải quân ở Cam Ranh nói cho cùng với Nga cũng rẻ hơn là bảo đảm thường xuyên cho các chiến hạm trên khu vực đại dương”

Các nhà quan sát không loại trừ những tuyên bố về khả năng quay lại Cam Ranh của tàu chiến Nga vang lên không phải tình cờ chỉ vài ngày sau những cảnh báo công khai của Tổng tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ phía Trung Quốc, quốc gia mà theo lời vị đô đốc đang ngày càng quan tâm tới các khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga ở khu vực như Bắc Cực.

Hải quân Nga muốn trở lại Cam Ranh để hạn chế tham vọng địa-chính trị của Trung Quốc
Có lẽ triển vọng người Nga quay lại “yếu huyệt phía Nam” của chính Trung Quốc, vào vùng ảnh hưởng lịch sử của chính họ là nhằm làm nguội bớt những kế hoạch quá bạo dạn của các chiến lược gia ở Bắc Kinh. Việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường trong những năm gần đây hải quân của họ và phái các tàu nổi và tàu ngầm đến những vùng xa xôi, nơi trước đây họ chưa từng có mặt thì ai cũng biết rõ.

“Trạm bảo đảm PMTO ở Cam Ranh cần để hỗ trợ các tàu chiến Nga thường xuyên phải tham gia chống cướp biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, - một đại diện Bộ tham mưu Hải quân Nga nói.

Vị đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân Nga nhắc lại rằng, Moskva và Hà Nội ngày 2.5.1979 đã ký hiệp định thời hạn 25 năm về việc sử dụng Cam Ranh làm căn cứ của Hải quân Liên Xô, sau này làm Trạm PMTO 922 của Hạm đội Thái Bình Dương. Theo văn kiện này, Liên Xô được phép bố trí cùng lúc 10 tàu nổi, 8 tàu ngầm với một căn cứ nổi và 6 hỗ trợ của Hải quân Liên Xô.


Trạm PMTO ở Cam Ranh nằm cách Vladivostok 2.500 hải lý, làm các nhiệm vụ bảo đảm hậu cần và kỹ thuật cho các tàu thuộc Hải đội 17, Hạm đội Thái Bình Dương, phục vụ nghỉ ngơi cho các thủy thủ đoàn làm nhiệm vụ chiến đấu ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Dung tích các kho dầu là 7.000 tấn. Tại Cam Ranh đã triển khai một căn cứ vũ khí chống ngầm và tên lửa, và một đơn vị khai thác kỹ thuật. Nhiệm vụ bảo vệ và phòng thủ các mục tiêu quân sự ở đây do các đơn vị bộ binh hải quân Liên Xô đảm nhiệm.

10 quốc gia đứng đầu thế giới về chi tiêu quân sự (tỷ USD): Mỹ - 636,3; Trung Quốc - 78; Anh - 58,3; Nhật Bản - 51,8; Đức - 45,6; Nga - 41; Pháp - 37,6; Ấn Độ - 30; Hàn Quốc - 24; Italia - 20,3 (Nguồn: Vzglyad).

Đóng thường xuyên tại sân bay là một trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập, được biên chế 4 máy bay Tu-95, 4 Tu-142, 1 phi đội Tu-16, 1 phi đội MiG-25, 2 máy bay vận tải An-24 và 3 trực thăng Mi-8.


Nằm trong khu vực trách nhiệm của Hải đội 17 có phần phía Nam Thái Bình Dương và toàn bộ Ấn Độ Dương.

Sau khi được hiện đại hóa cơ sở hạ tầng vào những năm 1980, Cam Ranh đã trở thành căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Liên Xô. Các chiến hạm Xô-viết thực hiện các cuộc hành quân đại dương (kể cả đến Ấn Độ Dương và khu vực Vùng Vịnh Persique) được tiếp liệu, bổ sung thực phẩm, nước uống, sửa chữa tại đây.

Đài tưởng niệm các phi công 3 máy bay Su-37 thuộc nhóm bay biểu diễn Russkye Vityazi hy sinh khi hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh ngày 12.12.1995


Cuối thập niên 1980, Liên Xô bắt đầu giảm sự hiện diện quân sự tại Cam Ranh. Đến đầu thập niên 1990, tại sân bay căn cứ chỉ còn một đơn vị không quân có biên chế luân phiên (chỉ vẻn vẹn có gần 10 máy bay), phần lớn bến tàu và các công trình cảng chuyển sang cho Việt Nam sử dụng. Do không có kinh phí, căn cứ dần sa sút.

Năm 1995 đã diễn ra một thảm họa tại đây: ngày 12.12, khi vào hạ cánh, 3 tiêm kích Su-27 thuộc phi đội biểu diễn Russkye Vityazi trở về Nga từ triển lãm hàng không ở Malaysia đã bị nạn. Nguyên nhân thảm kích nhanh chóng được tìm ra: trang bị radar tại căn cứ lẽ ra phải dẫn các tiêm kích hạ cánh đã không hoạt động.

Năm 1998, Hà Nội công khai nhắc nhở Moskva rằng, thời hạn thuê căn cứ sẽ hết vào năm 2004. 


Năm 2000, Bộ Tổng tư lệnh Hải quân Nga chính thức cam kết sử dụng nhiều hơn Trạm PMTO. Bộ Tham mưu Hải quân Nga tuyên bố rằng, “việc này có liên quan đến việc nối lại hoạt động tích cực của các hạm tàu ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” và hứa hẹn rằng, “trong thời gian sới sẽ chi 500.000 ruble để sửa chữa cấp tốc tại PMTO”. Nhưng chỉ 1 năm sau, vào tháng 5.2001, đã có tin Nga sẽ không gia hạn hiệp định thuê Cam Ranh.

Ngày 24.7.2001, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov tuyên bố, Nga “cần rời khỏi Cam Ranh”. Ngày 2.5.2002 đã ký biên bản bàn giao căn cứ Nga cũ cho Chính phủ Việt Nam.

Đài tưởng niệm các phi công thuộc phi hành đoàn chiếc Tu-95RTs đóng tại Cam Ranh hy sinh ngày 14.2.1985 trong một tai nạn hàng không khi làm nhiệm vụ

Việc khôi phục Trạm PMTO của Hải quân Nga là cần thiết để hỗ trợ các tàu chiến Nga làm nhiệm vụ ở khu vực Thái Bình Dương, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Kravchenko tuyên bố.

“Trạm PMTO ở Cam Ranh trước đây đã đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm hoạt động của Hải quân. Ngày nay, Trạm này sẽ rất hữu ích để hỗ trợ các chiến hạm đang tham gia chống cướp biển ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”, - Đô đốc Kravchenko nói với hãng Interfax-AVN hôm thứ tư, 6.10.2010.

Theo Đô đốc Kravchenko, “không có hệ thống các căn cứ phân tán việc bảo đảm đầy đủ cho các tàu của Hải quân ở vùng biển xa là rất khó khăn”. “Các tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân cần được sửa chữa, bổ sung dự trữ và nghỉ ngơi cho các thủy thủ đoàn khi làm nhiều loại nhiệm vụ trên đại dương thế giới. Nếu như Nga vẫn coi mình là cường quốc hải quân thì việc khôi phục và thiết lập các trạm trú đóng như Cam Ranh là tất yếu”, - vị đô đốc nhấn mạnh.

Về phần mình, Chủ tịch Phân ban hợp tác kỹ thuật quân sự của Duma Quốc gia Nga Mikhail Nenashev nói với hãng Interfax-AVN rằng, “Việc thuê căn cứ hải quân ở Cam Ranh nói cho cùng với Nga cũng rẻ hơn là bảo đảm thường xuyên cho các chiến hạm trên khu vực đại dương bằng các tàu bảo đảm, tàu chở dầu và các xưởng sửa chữa nổi”.

Ngoài ra, theo ông Nenashev, “việc khôi phục căn cứ ở Cam Ranh sẽ củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam và các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà cả nhiều lĩnh vực khác”.

Các đô đốc Nga muốn gì?

VietnamDefence xin giả thiết một số khả năng:

- Các đô đốc Nga nói cho vui;

- Muốn Trung Quốc, Mỹ và các nước khác trong khu vực tính đến vai trò và lợi ích của Nga tại khu vực, nhất là khi Hội nghị ADMM+ đang đến gần;

- Một bài PR của Hải quân Nga khi dư luận đang đồn đại khả năng giải tán Bộ Tư lệnh Hải quân Nga trong quá trình cải cách quân đội Nga sắp tới;

- Nga đánh tiếng khuyên Việt Nam cho thuê hoặc mở cửa Cam Ranh cho hải quân nước ngoài ghé vào sửa chữa, tiếp vận...

Việt Nam nên làm gì?

Phải chăng Việt Nam nên mở trung tâm cung cấp dịch vụ sửa chữa, tiếp vận hậu cần-kỹ thuật cho hải quân các nước qua lại trên Biển Đông và tham gia chống cướp biển, bảo vệ an ninh hàng hải trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Như vậy, Việt Nam tham gia góp phần tích cực vào các hoạt động đối phó các mối đe dọa phi truyền thống, các nhiệm vụ nhân đạo, vừa tăng cường được quan hệ quốc phòng, vừa tạo ra nguồn thu ngoại tệ và tạo việc làm cho các cơ sở cung cấp dịch vụ của ta.  


Tượng đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô/Nga, Việt Nam hy sinh vì hòa bình, ổn định khu vực tại Cam Ranh 

  • Nguồn: Con vịt Bắc Kinh / Yuri Yugov // Vzglyad, 6.10.2010; camranh.ru.
Đông A