In bài này
Nga cảnh cáo Trung Quốc: Muốn làm bạn, cần xử sự đàng hoàng
Chủ Nhật, 03/10/2010 - 10:43 AM
Nga cân nhắc trừng phạt Trung Quốc vì tội làm nhái vũ khí.

Tiêm kích trên hạm J-15 làm nhái Su-33

Tạp chí Kanwa Defence Review xuất bản ở Hongkong đã đăng một bài báo thú vị về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung. Trong đó có dẫn các “nguồn ẩn danh” trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga khẳng định rằng, những nỗ lực gần đây của Trung Quốc sao chép kỹ thuật hàng không Nga đã hủy hoại lòng tin giữa Nga và Trung Quốc.

Kanwa cho rằng, phía Nga biết việc Trung Quốc sao chép máy bay tiêm kích trên hạm Su-33. Để làm việc đó, họ đã mua từ Ukraine một trong các mẫu chế thử Su-33 và mẫu chế thử mà Trung Quốc làm ra được gọi là J-15. Ngoài ra, Moskva cũng biết Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất lô thứ hai loại tiêm kích làm nhái Su-27SKK có tên J-11B.

Ra đòn cẩn trọng, nhưng phải mạnh

Người Trung Quốc rất hay mua của các nhà sản xuất Nga giấy phép sản xuất các tổng thành và hệ thống mà họ cần. Sau đó, họ sử dụng chúng để sản xuất mẫu vũ khí dường như hoàn toàn là của họ như pháo tự hành, xe chiến đấu bộ binh, hệ thống tên lửa phòng không, tàu chiến. Hơn nữa, việc hoàn thiện các mẫu vũ khí lai tạp này có thể do các chuyên gia Nga thực hiện.

Cả hai bên đều không muốn quảng cáo sự kiểu hợp tác này. Dĩ nhiên, hầu như không bao giờ loại hàng nhái đó sánh được với hang gốc nguyên bản. Nhưng được cái là người Trung Quốc có cái tiếng là làm ra hàng của mình.

Tuy vậy, việc mua sắm trung thực giấy phép nhiều khi chỉ xảy ra sau khi mưu đò đánh cắp và sao chép đổ vỡ. Nhưng đôi khi, trò sao chép cũng thành công. Chính vì chính sách này mà tỷ trọng Trung Quốc trong doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga đang giảm đi.

Tình thế đó khiến ban lãnh đạo chính trị và công nghiệp quốc phòng Nga đặc biệt quan ngại. Cuối năm 2008, hai bên đã ký hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Nhưng các bạn Trung Quốc thực hiện nó một cách có lựa chọn và Nga không chấp nhận việc đó. Bởi vậy, dường như sắp tới chờ đón họ là sự nôn nao mệt nhọc sau những thành công choáng váng.

Moskva chắc chắn sẽ ra đòn vào những yếu huyệt đau đớn nhất. Trước hết, các hợp đồng chuyển giao cho Bắc Kinh các dây chuyền công nghệ   sản xuất các bộ phận, linh kiện cho Su-27SKK có thể bị hủy bỏ. Các đồ nhái của Trung Quốc hiện giờ phụ thuộc nặng nề vào các bộ phận, linh kiện do Nga cung cấp. Để sản xuất các bộ phận tương tự sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc.

J-11B sao chép Su-27SK

Yếu huyệt thứ nhất - động cơ máy bay

Yếu huyệt nguy hại nhất của công nghiệp hàng không Trung Quốc là động cơ máy bay. Họ đơn giản là không có các động cơ hiện đại, còn việc tổ chức sản xuất chúng vẫn chưa làm được. Tạm thời cơ bản họ vẫn bay bằng động cơ Nga. Vì thế, ngừng hoặc hạn chế cung cấp động cơ có nghĩa cái chết vì tắc thở đối với công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Tiêm kích J-10, loại máy bay vốn là sửa đổi sáng tạo máy bay Lavi của Israel, lắp động cơ AL-31FN của Nga. Trên tiêm kích hạng nhẹ xuất khẩu sang Pakistan JF-17 là động cơ RD-93 của Nga. Mới đây, Nga đã dọa dừng cung cấp các động cơ này nếu họ bán JF-17 cho Ai Cập.

Trên máy bay huấn luyện L-15 đang được Trung Quốc thử nghiệm lắp động cơ Ukraine. Máy bay này được thiết kế với sự hỗ trợ của Viện thiết kế (OKB) Yakovlev dựa trên máy bay Yak 130.

Mẫu chế thử trực thăng tiến công hạng nhẹ WZ 10 xài động cơ của phân hãng Pratt&Whitney ở Canada được mua cho một loại trực thăng dân sự hoàn toàn khác. Bên kia đại dương, người ta lập tức làm om xòm lên và dừng cung cấp động cơ. Trung Quốc hiện chưa có động cơ của mình cho loại trực thăng này.

Nếu người Mỹ có hành động theo những cách đó thì tại sao Nga lại không thể? Muốn làm bạn thì không được láo xược. Động cơ máy bay có thể chỉ là một trong những cách răn dạy những đối tác ‘chơi trò giả dối’. Ngoài ra, còn có những “điểm yếu hại” khác như trong lĩnh vực phòng không, vũ khí hải quân và thậm chí cả tăng-thiết giáp.

Quả thực, Trung Quốc và Liên bang Nga ràng buộc với nhau bằng quan hệ đối tác đặc biệt. Chính điều đó tạm thời ngăn Moskva ra các đòn trừng phạt. Hơn nữ, ở thị trường bên ngoài, người Trung Quốc với những loại hàng nhái của họ hiện vẫn chưa phải là đối thủ cạnh tranh của Nga. Tuy vậy, khả năng Nga đánh đòn làm gương ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Hiện thời, người ta đang cân nhắc các lý lẽ chính trị, nhưng chắc chắn là không lâu.

Xử lý kiểu gì?

Một khi quyết định đó được đưa ra, máy bay ném bom Trung Quốc có thể trở thành “ăn đòn” đầu tiên. Từ thập niên 1960, “những người anh em nhỏ phương Đông” đã mua của Liên Xô giấy phép sản xuất loại máy bay ném bom phản lực tầm xa đầu tiên của Liên Xô Tu-16. Trung Quốc gọi máy bay này do họ chế tạo là Н-6.

Từ đó, nó được hiện đại hóa vô số lần, nhưng dẫu sao nó cũng đã lạc hậu. Chế tạo một máy bay ném bom tầm xa hoàn toàn nội địa người Trung Quốc không làm nổi. Còn bán máy bay loại này như Tu-22М3 thì Moskva không muốn.

Bởi vậy, hiện nay, Bắc Kinh muốn bắt đầu sản xuất máy bay ném bom tầm trung mới Н-6К. Biến thể này được trang bị thiết bị avionics hiện đại, có tầm bay xa hơn và mang đến 6 tên lửa hành trình tầm xa. Tên lửa này do người Trung Quốc copy từ các mẫu thuộc biến thể đầu tên lửa Kh-55 của Nga mà họ mua được từ Ukraine. Với vũ khí này, máy bay mới sẽ có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ.

Nhưng lại có một vấn đề - động cơ cho máy bay đó, ngoài Nga, không ai chịu bán cho Trung Quốc. Người Trung Quốc mong nhận được các động cơ này theo hợp đồng ký năm 2006. Hợp đồng bao gồm việc cung cấp 38 máy bay vận tải Il-76, Il-78 và 240 động cơ máy bay.

Nhờ các “đối tác Uzbekistan”, Nga đã phá vỡ thành công hợp đồng bán máy bay vận tải Il - nhà máy sản xuất Il-76/Il-78 ở Tashkent không có khả năng sản xuất đúng hạn số lượng máy bay cần thiết. Nhưng 32 động cơ thì dẫu sao người Trung Quốc sẽ vẫn nhận được. Khoảng một nửa số đó họ có thể sẽ lắp cho máy bay ném bom mới của mình chứ không phải cho các máy bay Il.

Nga có thể dễ dàng coi sự vi phạm hợp đồng như vậy làm cớ để “búng mũi”. Việc này rất thuận lợi vì giá trị hợp đồng không lớn và nó không đụng chạm các thỏa thuận chính về hợp tác kỹ thuật quân sự. Mặt khác, 16 động cơ chỉ đủ cho 8 máy bay - đúng là nước bỏ biển. Moskva có thể cũng nhắm mắt làm ngơ với chuyện này, nhưng cũng có thể “phạt vạ”.

  • Nguồn: Muốn làm bạn thì không nên láo xược / Yaroslav Vyatkin // AN, 29.9.2010.

Đại Việt