In bài này
Khẩu súng nhỏ báo hiệu một sự thay đổi lớn?
Thứ Năm, 30/09/2010 - 2:34 PM
Trong những bức ảnh chụp các hoạt động luyện tập của Quân đội Việt Nam cho lễ diễu binh 10.10.2010 mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, khẩu súng M-18 do Mỹ chế tạo trên tay những chiến sĩ đặc công và cảnh sát biển Việt Nam tạo ra một ấn tượng đặc biệt.

Đây là lần hiếm hoi một loại vũ khí do Mỹ chế tạo (vũ khí hệ 2) xuất hiện chính thức trong một lễ diễu binh quốc gia với các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhất là với lực lượng đặc biệt tinh nhuệ - Đặc công.

Phải chăng đây là một dấu hiệu đáng mừng thể hiện tư duy cởi mở và đa phương hóa, hội nhập quốc tế của nền quốc phòng Việt Nam?

Quả thực, trong một thời gian dài sau kháng chiến chống Mỹ, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, chúng ta chưa có điều kiện đầu tư nhiều cho mua sắm vũ khí trang bị hiện đại. Đơn giản là cái ăn, cái mặc của bộ đội cũng còn chưa ngon, chưa đẹp, chưa chuyên nghiệp. Bộ đội còn đi giày vải, đội mũ cát (bột giấy ép), sĩ quan, chiến sĩ quân phục còn nghèo nàn và chưa đẹp. Trong khi thiên hạ, binh sĩ đi giày da, đội mũ trận, quân phục đa dạng cho từng loại hoạt động, trông vừa khỏe, vừa đẹp, mạnh mẽ và tôn nghiêm. 

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội và thành quả của hơn 20 năm Đổi Mới, nhiệm vụ xây dựng quân đội được chú trọng hơn theo phương hướng “Tập trung xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại,…, lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở, nền tảng”.

Quân đội là bộ mặt của quốc gia, là thể hiện cao nhất của sức mạnh quốc phòng của một nước. Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng vì hòa bình, chúng ta xây dựng quân đội đủ mạnh để phòng thủ, để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Nhìn những hình ảnh bộ đội luyện tập diễu binh, có thể có những bạn buồn khi không thấy có những vũ khí hiện đại như máy bay tiêm kích Su-30MK2 hay tên lửa phòng không S-300PMU1 xuất hiện. Tuy nhiên, chúng ta phải mừng khi thấy các sĩ quan, chiến sĩ của chúng ta - yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, hơn cả vũ khí, được mặc trang phục đẹp, chuyên nghiệp, trang bị đa dạng hơn.

Những đôi giày da đen, trắng, những chiếc mũ nồi, mũ trận, những bộ đồ trận rằn ri và khẩu súng Mỹ cho thấy quân đội chúng ta đang từng bước chính quy, hiện đại, sự cởi mở hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế.

Việt Nam xây dựng quân đội chính quy, hiện đại vì chúng ta muốn có hòa bình, vì “muốn có hòa bình, phải chuẩn bị cho chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum), vì “không có quân đội mạnh thì không được kính trọng”. Sa hoàng Nga Aleksandr III từng nói: “Nước Nga không có đồng minh nào khác ngoài quân đội và hải quân của mình”.

Còn chúng ta nói, “Việt Nam dựa vào sức mình là chính để bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh lớn nhất giúp Việt Nam giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược là sức mạnh chính nghĩa”.

Truyền thống của chúng ta lấy hòa hiếu, hòa bình làm trọng. "Lấy đại nghĩa, thắng hung tàn", dân tộc ta đã buộc phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh cũng chỉ để đem lại hòa bình cho đất nước, nhân dân chúng ta. 

Quốc phòng Việt Nam chú trọng nhất yếu tố chính trị, tinh thần, con người vì đây yếu tố tạo sự khác biệt quan trọng nhất, quyết định kết cục chiến tranh, chúng ta đang đầu tư nhiều hơn cho vũ khí trang bị, cho công nghiệp quốc phòng vì “vũ khí là trụ cột của hòa bình” (Arma Pacis Fulcra). 

Dù còn khó khăn, chúng ta đang và sẽ dần dần trang bị cho quân đội ta những vũ khí tiên tiến nhất hiện nay như máy bay Su-27SK, Su-30MK2, tên lửa chống hạm Uran-E, Bastion-P/Yakhont, tàu chiến Gepard 3.9, tàu ngầm Kilo Projekt 636... bởi lẽ Tổ quốc chỉ có một, chủ quyền là vô giá!

Một tin mừng là trong những phát biểu gần đây của các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước và trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, công nghiệp quốc phòng được nhắc đến, được dành cho vị trí thật quan trọng. Lạc quan nhìn về tương lai, hy vọng chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng manh mún, thiếu nhất quán và quyết tâm để đi tới một nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh, có tầm nhìn, huy động được tiềm năng sức mạnh của tất cả các thành phần kinh tế, kết hợp được nội lực và hợp tác quốc tế. 
 
Chính trị gia Anh, Huân tước Palmerson nói: “Các quốc gia không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn, họ chỉ có những lợi ích vĩnh viễn”.

Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô từng dùng súng pháo, phi cơ, xe tăng của Mỹ, Anh để đánh Đức phát xít, du kích Việt Nam có thể từng dùng súng Mỹ để đánh Nhật, Trung Quốc có thể mua máy bay Nga, ngư lôi của Mỹ, hay mới đây Nga đã mua bán, liên doanh sản xuất vũ khí với Mỹ, NATO, Israel.

Điều đó cho thấy, hợp tác quốc phòng thời nào cũng vậy trước hết phải phục vụ lợi ích của các quốc gia hữu quan. Đó là quy luật và là xu thế quốc tế hiện nay.

Từ góc nhìn đó, khẩu súng M-18 (mà nhìn bề ngoài có lẽ thuộc họ AR-15/M-16 và tiền thân của carbine M4 Colt của Mỹ sau này) trong tay bộ đội Việt Nam, những người đã đối đầu với quân Mỹ trên chiến trường đẫm máu, đánh dấu một sự thay đổi có tính cởi mở, thực tiễn của quân đội chúng ta.

Nước Mỹ phải cảm thấy hãnh diện khi khẩu súng M-18 và có thể cả những vũ khí khác nữa của họ xuất hiện trong trang bị của quân đội Việt Nam, cũng như người Nga tự hào khi những AK-47, SAM-2, MiG-21, RPG-7, Strela-2 lập công tại Việt Nam.

Chiếc mũ sắt, bộ đồ rằn ri, áo gilê chống đạn, đôi giày cổ cao, khẩu súng… không phải là biểu tượng ý thức hệ. Chúng giúp cho những người lính của chúng ta bớt đổ máu và chiến đấu tốt hơn với kẻ thù trên chiến trường.

Đa phương hóa quan hệ quốc phòng phục vụ lợi ích quốc gia của chúng ta, đa dạng hóa vũ khí củng cố sức mạnh của quân đội chúng ta.

Đông A