In bài này
Những đồn đoán: Indonesia, Việt Nam đã có Bastion và Yakhont, sắp tới là Syria
Thứ Ba, 21/09/2010 - 12:59 PM
Đúng như P2 dự báo, Nga đã xác nhận sự tồn tại hợp đồng bán hệ thống tên lửa bờ biển cơ động K-300P Bastion-P cho Syria.

Tên lửa Yakhont và xe bệ phóng của Bastion-P

Trước hết, người nói đến ý định ngăn chặn việc bán tên lửa này là Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak, người đã đến Moskva đầu tháng 9.2010 với mục đích này. Một tuần sau, chính Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov trong chuyến thăm Mỹ đã công bố ý định của Nga vẫn thực hiện thương vụ này. P2 xin khái quát những thông tin hiện có về các hợp đồng bán hệ thống tên lửa và tên lửa Yakhont. 

Hợp đồng với Syria tồn tại và sẽ được thực hiện

Ngày thứ sáu, 17.9.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã nói với các phóng viên trong chuyến thăm Washington: “Đó là hợp đồng năm 2007, vấn đề cung cấp các hệ thống này cho Syria đã được nêu lên trong cuộc đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, trước đó nó không được nêu ra. Hiển nhiên, hợp đồng sẽ được phía Nga thực hiện” (trích tin của RIA Novosti).

Ngày chủ nhật, hãng Interfax dẫn một nguồn không nêu tên trong công nghiệp quốc phòng Nga cho biết: “Damascus hy vọng nhận được không dưới 2 hệ thống Bastion, cơ số đạn của một hệ thống có thể gồm tới 36 tên lửa Yakhont. Trị giá hợp đồng được nguồn tin ước tính 300 triệu USD. Như vậy, sự tồn tại của hợp đồng đã được chính thức thừa nhận, năm ký kết, trị giá hợp đồng đã được nêu ra, ý định thực hiện hợp đồng cũng được tuyên bố chính thức.

Thông tin đầu tiên về hợp đồng đã xuất hiện trên báo chí Israel vào tháng 10.2009. Hồi đó, báo chí đưa tin, Nga “đã đồng ý bán” cho Syria một lô tên lửa Yakhont trong khuôn khổ hiệp định mở rộng hiện diện quân sự Nga ở Tartus. Phía Nga đến nay vẫn im lặng về vấn đề này. Tháng 6.2010, P2 phỏng đoán rằng, việc cung cấp Bastion cho Syria là “rất có khả năng”.

Phản đối của Israel và “cán cân sức mạnh trong khu vực”

Chuyến thăm Nga mới đây của Ehud Barak đi kèm với những bình luận của báo chí Israel, theo đó phía Israel đã phát hiện hợp đồng tên lửa Syria và dự định yêu cầu Nga không thực hiện nó. Các nguồn tin quan chức Israel lập luận rằng, các hệ thống Bastion có thể lọt vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan của Hezbollah hoạt động ở miền Nam Li-băng và đã có kinh nghiệm sử dụng tên lửa chống hạm chống tàu chiến Israel.

Tuy vậy, Bộ trưởng Serdyukov thì phản bác rằng, Syria hiện đã có các hệ thống tên lửa chống hạm do Liên Xô cung cấp vào năm 1983 - đó là các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Redut-E, nhưng cho đến nay, chúng đâu có rơi vào tay các phần tử vũ trang nào. “Nga quy định khá rõ các điều kiện cung cấp và sử dụng các loại vũ khí, trong đó có nếu rõ chứng nhận người sử dụng cuối cùng và họ (người Syria) chấp nhận những nghĩa vụ đó”.

Bastion dĩ nhiên không phải để lọt vào tay quân nổi dậy và du kích. Tên lửa Yakhont của hệ thống này được cung cấp trong contenơ vận chuyển kiêm ống phóng, trọng lượng kể cả tên lửa suýt soát 4 tấn. Bệ phóng tự hành mang 2-3 contenơ chứa tên lửa và nặng gần 40 tấn. Tùy theo yêu cầu của bên đặt hàng, hệ thống có thể bao gồm cả các xe vận tải-tiếp đạn, 1-2 xe điều khiển chiến đấu, máy móc thiết bị kết nối thông tin-kỹ thuật cho các phương tiện chiến đấu với sở chỉ huy, hệ thống điều khiển chiến đấu tự động hóa, hệ thống các phương tiện bảo dưỡng kỹ thuật, các xe bảo đảm trực chiến, các phương tiện huấn luyện.

Về lý thuyết, có lẽ có thể tổ chức một cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm Yakhont với danh nghĩa Hezbollah. Nhà sản xuất chỉ ra rằng, các bệ phóng có thể hoạt động độc lập khi nhận nhiệm vụ chiến đấu và thông tin chỉ thị mục tiêu theo kênh liên lạc vô tuyến điện sóng ngắn hay thông qua vệ tinh.

Người Syria về nguyên tắc có thể huấn luyện các phần tử thánh chiến kỹ năng điều khiển bệ phóng tự hành và bí mật đưa đến địa điểm cần thiết 1 hay 2 bệ phóng. Bởi lẽ, các tên lửa hoạt động theo nguyên lý bắn-quên nên cơ hội tiêu diệt thành công một mục tiêu không cơ động và không được bảo vệ đúng mức là có. Tuy vậy, để làm việc đó, cần có sự trùng hợp của quá nhiều yếu tố - các xe phải bí mật vượt qua được quãng đường đã định mà không bị tắt máy trên đường, các phần tử thánh chiến phải không lầm lẫn gì và bấm đúng các nút, mục tiêu phải hành xử khá ngờ nghệch để tên lửa phát hiện chắc chắn và tiêu diệt được nó.

Tất cả những điều đó là rất khó và xa lạ đối với Hezbollah, dĩ nhiên là nếu không có chuyện cải trang bộ đội tên lửa chính quy Syria và không xây dựng một chiến dịch đặc biệt quy mô.

Như vậy, những phát biểu của Tel Aviv về khả năng Bastion lọt vào tay Hezbollah tạo cái cớ tốt để báo chí và công luận Israel lo lắng không ít. Bởi vì, cho đến gần đây, các cơ quan tình báo Israel vẫn còn có khả năng theo dõi một cụ già tàn tật bình thường ngồi trên xe lăn và tiêu diệt chính xác ông ấy bằng 1 quả tên lửa phóng từ một trực thăng bất thần xuất hiện, thì nay giả sử có thể không phát hiện ra mấy chục tấn thép nhỏ gọn ngay trước mũi mình.

Bastion hiển nhiên không phải là một tên lửa phòng không vác vai hay một hệ thống tên lửa chống tăng, không thể xếp nó vào mấy cái thùng trên xe tải được.

Nó thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình trong một hệ thống, chứ không phải ở các bệ phóng đơn lẻ du kích. Để có hiệu quả tối đa khi mà một bầy tên lửa phân công nhau các mục tiêu và tiêu diệt chúng kể cả khi có đối kháng radar và phòng không mạnh, điều rất cần thiết là có nguồn thông tin chỉ thị mục tiêu độc lập (ví dụ một radar ngoài đường chân trời phát hiện mục tiêu bay/mặt nước và chỉ thị mục tiêu Monolit-B hay hệ thống chỉ thị mục tiêu lắp trên trực thăng 1К130Е với radar I-801 Oko).

Cho đến nay, cả Hezbollah, HAMAS hay các lực lượng nổi dậy khác trong khu vực có cái gì tương tự cả. Chỉ có thể sử dụng những phương tiện chỉ thị mục tiêu phù hợp để chống tàu chiến Israel khi mà quân đội Syria tham chiến mà điều đó thì chẳng phải là chuyện “các tên lửa có thể lọt vào tay các phần tử khủng bố”.

Các hệ thống này cũng chẳng cần cho Syria ngoại trừ mục đích phòng thủ. Để không trở thành nạn nhân của một bầy tên lửa Yakhont, các tàu chiến Israel chỉ cần ở xa bờ biển Syria - mà việc gì chúng phải lại gần bờ biển Syria? Tính năng của tên lửa Yakhont cho phép phỏng đoán rằng, Damascus cần chúng để phòng vệ trước cụm tàu sân bay Mỹ khi xảy ra một cuộc xâm lược hơn là trước hải quân nước láng giềng Israel.

Việc thực hiện hợp đồng của Syria và những phản đối của Israel tạo ra lý do để nhấn mạnh rằng, Tel Aviv quả thực tham lam quá độ: dưới áp lực của Israel (và Mỹ), Nga đã từ chối cung cấp các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-E cho Syria và các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran.

Nhất là khi Nga chẳng hề nghe thấy lời cảm ơn chính thức nào, mà đổi lại là việc ráo tiết hỗ trợ chuẩn bị cho quân đội Gruzia để giải quyết dứt điểm vấn đề Ossetya - rõ ràng là cuộc tương tàn ở biên giới phía Nam nước Nga đối với Tel Aviv chẳng đe dọa gì cho “cán cân sức mạnh trong khu vực” cả. Nay thì các chính trị gia Israel không ngại ngần đe dọa “nối lại hợp tác quân sự với Tbilisi”.

Trong khi đó, Mỹ đang chuẩn bị những hợp đồng mấy chục tỷ USD với Saudi Arabia - một quốc gia chẳng phải là thân thiện nhất với Israel trong khu vực. Tự hỏi, Nga đã được gì đổi lại việc làm lợi cho Israel và Mỹ khi đánh mất uy tín của một nhà cung cấp vũ khí tại Cận Đông - thị trường vũ khí béo bở nhất thế giới?

Việt Nam đã chuẩn bị ít nhất một căn cứ cho Bastion

Trong năm 2010, hợp đồng xuất khẩu hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bastion đầu tiên đã trở nên rõ ràng - dự đoán Việt Nam đã nhận được một hệ thống. Việc chuyển giao các xe đã diễn ra cuối tháng 5.2010 tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó các xe lập tức rời cảng và đi ra ngoài thành phố (P2 đã đưa tin trước đây).

Theo dõi số phận sau đó của số vũ khí được cung cấp, P2 đã phát hiện thông tin cho thấy, các xe của hệ thống Bastion có lẽ đã được chụp ảnh trên đường tới căn cứ gần thành phố ven biển Phan Thiết, cách Thành phố Hồ Chí Minh vài trăm kilômet. Mới đây, tại một nguồn ảnh trên internet đã xuất hiện một chỉ dấu gián tiếp xác nhận giả thiết này:
 
Các bức ảnh cũ chụp vị trí này từ vũ trụ trong tháng 4.2009 và tháng 5.2006 cho thấy một cái gì đó giống một căn cứ quân sự quả thực đã xuất hiện chỉ mới đây và tính đến tháng 4.2010 thậm chí có thể đã hoàn toàn sẵn sàng.
 
Một bằng chứng gián tiếp khác xác nhận việc chuyển giao Bastion cho Việt Nam là thông tin trên các mạng xã hội về sự hiện diện tại thành phố nhỏ Phan Thiết những chuyên gia Nga và Belarus nào đó.

Bastion ở Việt Nam?

P2 trước đó đưa tin, dựa trên bức ảnh dưới đây, có cơ sở để cho rằng, Việt Nam đã nhận được 2 hệ thống Bastion. Các nỗ lực nhằm khẳng định thông tin này hiện nay cho phép khẳng định Nga chắc chắn đã chuyển giao cho Việt Nam 1 hệ thống, mặc dù vẫn chưa rõ các chi tiết của hợp đồng.
 
Trên bức ảnh bên dưới là Bastion không phải dành cho Việt Nam mà dành cho Hạm đội Biển Đen của Nga. Ảnh được chụp mùa xuân năm 2010 tại bãi thử Rayevskaya.

Hệ thống được nhận vào trang bị Lữ đoàn pháo-tên lửa bờ biển độc lập số 11 (làng Utash, vùng Krasnodar, gần Anapa).

Cũng tại nguồn ảnh nêu trên có một bức ảnh có chú thích  tiếng Nga chụp căn cứ của lữ đoàn. 

Vũ khí chủ lực của Lữ đoàn là các hệ thống tên lửa bờ biển chống hạm Rubezh và Redut. Ở hậu cảnh bức ảnh trước có một hệ thống pháo tự hành phòng thủ bờ biển 130 mm А-222 Bereg. Sau khi kết thúc chiến sự ở bờ Biển Đen thuộc khu vực Kavkaz vào tháng 8.2008 dự đoán Nga đã quyết định khẩn cấp trang bị lại  bộ đội pháo-tên lửa bờ biển của Hạm đội Biển Đen bằng Bastion.

Tháng 10.2009, được biết các kíp chiến đấu đang được huấn luyện sử dụng Bastion tại Trung tâm đào tạo-khoa học Hải quân Nga ở St. Petersburg (việc đào tạo cho Việt Nam bắt đầu vào tháng 2.2009, còn về các chiến binh Hezbollah thì không có thông tin gì).

Indonesia - thêm một khách hàng mua Yakhont?

Khách hàng thứ ba nhập khẩu tên lửa Yakhont chắc chắn là Indonesia - nhưng không phải là biến thể hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bastion, mà là kiểu lắp trên tàu.

Việc Indonesia có thể nhận các tên lửa này từ Nga được báo chí Ấn Độ đưa tin tháng 7.2008 trong bối cảnh chuyến thăm ngắn của lãnh đạo Cơ quan Nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ DRDO đến Moskva. Ấn Độ đã lo ngai về kế hoạch của Nga bán cho Indonesia các tên lửa chống hạm không nêu tên, điều này theo DRDO sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường của tên lửa BrahMos.

Việc đàm phán với Indonesia, theo thông tin báo chí, đến thời điểm đó đã diễn ra được 3 năm. Tháng 10.2008, Tư lệnh Hải quân Indonesia tuyên bố rằng, “Hải quân Indonesia rất muốn mua thanh toán bằng ngoại tệ (chứ không dùng tín dụng) các tên lửa chống hạm Yakhont. Một năm sau có tin nói Indonesia đã nhận được một số lượng không xác định tên lửa chống hạm Yakhont.

Luận điểm thứ hai chắc chắn là không đúng. Nhiều khả năng hơn là Indonesia với chính sách hợp tác kỹ thuật quân sự không logic và nhất quán chỉ đến mới đây mới nhúc nhích trong vấn đề này (mua Yakhont) cực kỳ chậm chạp và chưa nhận được tên lửa nào. Tuy vậy, trong những tháng gần đây, phông thông tin hơi thay đổi một chút. 

Tháng 2.2010, báo chí Indonesia dẫn các nguồn quân sự nói rằng, việc lắp ráp 4 tên lửa Yakhont lên tàu frigate Oswald Siahaan (mua của Hà Lan vào giữa thập niên 1980 và được trang bị tên lửa biên chế RGM-84 Harpoon).

Việc chuyển giao bản thân các tên lửa Yakhont dự kiến vào tháng 4, công việc hoàn thành dự kiến vào tháng 6, song trong suốt mùa hè không tin tức nào nói về kết quả. Báo chí cho hay, công việc đang do hãng PT PAL của Indonesia tiến hành, nhưng cũng giống như với BrahMos, đóng vai trò hàng đầu vẫn là nhà sản xuất NPO Mashinostroenia.  

Tháng 5.2010, xuất hiện những thông tin lặt vặt có tính giật gân nói rằng, dường như có 6 frigate và 10 tàu corvette của Indonesia đang được trang bị Yakhont tương ứng 8 và 4 tên lửa mỗi tàu. Tổng số tên lửa mua sắm phải không dưới 120 quả.

Đầu tháng 8.2010, có tin 32 trong 56 tàu dự kiến tái trang bị vào năm 2010 đã được trang bị lại, trong đó có 6 frigate và 14 corvette được trang bị Yakhont. Xét tới việc trong trang bị Hải quân Indonesia có gần 10 frigate, 25 tàu corvette và 40-50 xuồng tên lửa thì những con số đó có vẻ đáng tin, nếu bỏ qua một bên vấn đề giá cả.

PT PAL có đôi chút kinh nghiệm trang bị tên lửa mới mua của nước ngoài cho tàu chiến. Hải quân Indonesia hiện có các tên lửa chống hạm С-802 của Trung Quốc lắp trên 5 xuồng tên lửa FPB-57 series 5. Các xuồng này được đóng ở Indonesia theo giấy phép dựa trên thiết kế Albatros của Đức vốn có vũ khí biên chế là tên lửa chống hạm Exocet. Việc lắp đặt Yakhont lên tàu chiến cũng do bộ phận của PT PAL từng lắp ráp tên lửa Trung Quốc lên xuồng FPB-57. 
 

Indonesia chưa tính Yakhont hiện có trong trang bị 3 loại tên lửa chống hạm: Exocet, Harpoon và C-802. P2 không thấy có logic nào ở đây. Hơn nữa, nếu việc mua sắm hàng loại Yakhont cho Hải quân Indonesia là thật thì điều đó sẽ có nghĩa có sự tiêu chuẩn hóa vũ khí nào đó.

  • Nguồn: P2, 20.9.2010, tempointeraktif.com, maju-indonesia-ku.co.cc, fyjs.cn, npomash.ru, wikimapia.org, earth.google.com.
Nam Xương