In bài này
Đơn đặt hàng tên lửa BrahMos lên tới 13 tỷ USD
Thứ Bẩy, 11/09/2010 - 1:53 AM
Tổng lượng đơn đặt hàng tiềm năng mua tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do liên doanh Nga-Ấn BrahMos Aerospace sản xuất đã lên tới 13 tỷ USD, tờ Economic Times (Ấn Độ) dẫn nguồn một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ.

Theo nguồn tin này, “hiện tại, BrahMos là tên lửa tốt nhất thế giới, vạn năng và rất tin cậy” và nhiều nước Mỹ Latinh, Cận Đông, châu Phi và châu Á muốn mua tên lửa BrahMos, trong số đó có “Brazil, Nam Phi, Malaysia, Chile và nhiều nước khác”. Dự kiến, BrahMos chỉ được xuất khẩu sau khi thỏa mãn các nhu cầu của Không quân Ấn Độ (IAF).

Tổng giá trị các hợp đồng tính đến nay cung cấp các biến thể BrahMos cho quân đội Ấn Độ là trên 3 tỷ USD. Một đại diện Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói rằng, Ấn Độ “đã có đơn đặt hàng trị giá 3 tỷ USD trong giai đoạn 6-7 năm”. BrahMos hiện đã được trang bị cho Hải quân và Lục quân Ấn Độ.

Hệ thống tên lửa BrahMos triển khai trên mặt đất (drdo.org)

Lục quân Ấn Độ đã thành lập một trung đoàn trang bị BrahMos, mới đây đã ký hợp đồng mua biến thể tên lửa cải tiến BrahMos Block II có khả năng nhận dạng và tiêu diệt mục tiêu cỡ nhỏ nằm trong môi trường đa mục tiêu.

Trung đoàn BrahMos của Lục quân Ấn Độ được trang bị: 5 bệ phóng cơ động lắp trên khung gầm ô tô Tatra 12x12, 67 tên lửa và 2 đài điều khiển cơ động. Lục quân Ấn Độ cũng dự định đưa vào biên chế 2 trung đoàn trang bị BrahMos Block II.

Tháng 3.2010, chính phủ Ấn Độ đã ký hợp đồng mua cho IAF các hệ thống tên lửa BrahMos biến thể đất-đối-đất.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, sở dĩ nhu cầu đối với tên lửa hành trình mới này tăng cao là do mặc dù hiện nay, trong trang bị quân đội các nước trên thế giới đang có gần 60.000 tên lửa hành trình, nhưng phần lớn trong số đó được phát triển trong thập niên 1970.

Tuy vậy, quyết định bán BrahMos cho các nước thứ ba chưa được thông qua. Theo tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ А.К. Anthony, hiệp định liên chính phủ về thành lập liên doanh phát triển BrahMos quy định tên lửa có thể được nhận vào trang bị của quân đội Ấn Độ, Nga, cũng như xuất khẩu cho các quốc gia thân hữu. 

Tên lửa BrahMos phóng thẳng đứng từ chiến hạm INS Ranvir
Hiện chính phủ Nga và Ấn Độ đang tham vấn nhằm lên danh sách các nước có thể nhập khẩu tên lửa này để bảo đảm an ninh của cả 2 nước.

Theo tuyên bố trước đây của Giám đốc điều hành BrahMos Aerospace Sivathanu Pillai, mọi giao dịch bán tên lửa ra nước ngoài đều không được xem như một dự án thương mại mà đúng hơn là một phương tiện củng cố các quan hệ chiến lược.

Một hạn chế nữa là tuyên bố của chính phủ Ấn Độ rằng, việc xuất khẩu BrahMos dự định chỉ bắt đầu sau khi thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu về tên lửa này của quân đội Ấn Độ.

BrahMos do BrahMos Aerospace (liên doanh của Tập đoàn “NPO Mashinostroenia” của Nga và Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng DRDO của Ấn Độ, ra đời sau khi ký kết hiệp định Ấn-Nga vào năm 1998) phát triển từ thập niên 1990 dựa trên tên lửa P-800 Onyx của Nga được thiết kế để phóng từ tàu ngầm.

Tên lửa hành trình 2 tầng BrahMos có chiều dài 10 m, đường kính 0,7 m, trọng lượng phóng gần 3,9 tấn cùng với contenơ. Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 290 km và bay với tốc độ 2,5-2,8М. Tên lửa mang một đầu đạn nặng đến 300 kg, bay ở độ cao từ 10-14.000 m.

Theo ông Ajey Lele, đại diện của Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng IDSA ở Dehli, chương trình BrahMos cực kỳ quan trọng để đào tạo các chuyên gia Ấn Độ các phương pháp thiết kế và phát triển công nghệ tên lửa hành trình.

Tham gia dự án về phía Ấn Độ có Phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển quốc phòng DRDL của DRDO, công ty BEML (Bharat Earth Movers Limited), các công ty tư nhân Larsen and Toubro và и Godrej.

Tên lửa BrahMos phóng từ máy bay (bharat-rakshak.com)
Hiện nay, BrahMos Aerospace đang tiếp tục phát triển các biến thể BrahMos phóng từ máy bay và tàu ngầm và tên lửa siêu vượt âm BrahMos-2.

Không quân Ấn Độ (IAF) đã chọn Su-30MKI làm phương tiện mang BrahMos, còn Bộ Quốc phòng Nga cũng đang xem xét khả năng nhận vào trang bị biến thể BrahMos phóng từ máy bay. Dự kiến, biến thể này bắt đầu được thử nghiệm vào năm 2012.

Tên lửa siêu vượt âm BrahMos-2 dự kiến có tốc độ tối đa 5-7М, nên hầu như không thể đánh chặn tên lửa này. BrahMos Aerospace dự định hoàn tất phát triển BrahMos-2 vào năm 2015-2016. Tên lửa này dự kiến sẽ trang bị cho các tàu khu trục mới lớp Project 15B.

Hiệp định hợp tác Nga-Ấn phát triển tên lửa siêu vượt âm BrahMos-2 dự kiến sẽ ký trong chuyến thăm Ấn Độ của TT Nga Dmitry Medvedev vào tháng 12.2010.

  • Nguồn: Lenta, 2.9.2010; Armstrade, 2, 6.9.2010.
Đại Việt