In bài này
Vì sao Biển Đông trở nên nóng hơn?
Thứ Ba, 07/09/2010 - 10:26 AM
Những rủi ro khi các nước không chịu tìm kiếm sự dàn xếp hòa bình một cách nghiêm túc hơn đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Mấy tháng qua, Mỹ đã gia tăng quan hệ quân sự và ngoại giao với Việt Nam

Thử tưởng tượng có vụ chạm súng giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông.

Hay chỉ một sự va chạm tình cờ giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc.

Hay khi hải quân Trung Quốc bắt giữ hàng trăm, chứ không phải hàng chục, ngư dân Việt Nam ở vùng biển tranh chấp, khiến Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ Hà Nội - hoặc ngược lại.
Những kịch bản hoàn toàn tưởng tượng? Đúng vậy.

Nhưng tác động của một cuộc xung đột lên vùng biển - mà ngoài bão ra thì chẳng có gì đặc biệt - sẽ vô cùng lớn.

Vận chuyển dầu từ Trung Đông đến Nhật Bản sẽ gặp rủi ro, các nền kinh tế Đông Bắc Á có thể trì trệ, giao thương giữa Trung Quốc và Đông Nam Á có thể bị ngăn chặn vì những vụ trả đũa và còn nhiều hơn thế nếu hai cường quốc lớn nhất thế giới giao chiến.

Báo động

Vì thế sự gia tăng căng thẳng thấy rõ đã làm thu hút giới chuyên gia theo dõi vấn đề Biển Đông.

Khi Ngoại trưởng Mỹ phát biểu ở Hà Nội hồi tháng Bảy, bà đặt cách tiếp cận của Mỹ về phía Đông Nam Á trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Để đáp trả, Trung Quốc mô tả Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", chỉ trích sự "bao vây" và lên án sự can thiệp của Mỹ.

"Hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng rạn nứt với Việt Nam và gây ảnh hưởng cho quyền lợi chiến lược của Mỹ".
GS Carl Thayer

Một loạt bước đi của các tay chơi trong khu vực đã khiến "tình hình lâu nay không còn có thể duy trì", theo lời Ian Storey, nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore.

Ông nhận xét có thay đổi "về giọng điệu" và lo ngại trong khu vực "đã gia tăng đáng kể".

Carl Thayer, giáo sư chính trị học ở Học viện Quốc phòng Úc tại Canberra, đồng ý.

Trung Quốc "đã có những hành động khiêu khích để bày tỏ lo ngại an ninh quốc gia. Hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng rạn nứt với Việt Nam và gây ảnh hưởng cho quyền lợi chiến lược của Mỹ."

Ông nói tiếp: "Hoa Kỳ đã phản ứng bằng cách xác định quyền tự do đi lại và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam."

Không tiến triển

Dĩ nhiên Trung Quốc không nhìn như thế.

Nước này vốn đã giận dữ về hoạt động của tàu quân sự Mỹ trong Đặc khu Kinh tế của Trung Quốc (EEZ).

Tuy nhiên, chủ quyền ở toàn bộ Biển Đông là vấn đề lớn hơn nữa, không chỉ vì nghi ngờ, dù chưa được chứng minh, về trữ lượng dầu và khí đốt.

Nhiều nước hy vọng tìm thấy dầu ở Biển Đông

Quan trọng hơn là ngành đánh cá và vấn đề tự do đi qua tuyến đường bận rộn - 80% năng lượng nhập vào Trung Quốc đi qua vùng biển này.

Hồi năm 2002, Trung Quốc và Asean ký Tuyên bố Hành xử để giải quyết tranh chấp.

Nhưng kể từ đó, trong một loạt các cuộc họp, họ không thể thi hành các biện pháp xây dựng lòng tin.

Một nhóm chuyên gia Trung Quốc-ASEAN về Tuyên bố Hành xử đã chỉ gặp nhau 4 lần kể từ 2004, nhưng riêng trong năm nay có thể gặp nhau thêm lần thứ hai.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng sẽ đến dự cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng Asean trong tháng 10. Trung Quốc được mời nhưng chưa nói rõ sẽ dự hay không.

Một số phân tích gia hy vọng các cuộc gặp này sẽ giúp tạo ra quy tắc hành xử thật sự trên biển - nhưng vẫn tồn tại khác biệt căn bản giữa Trung Quốc và ASEAN.

Mặc dù Trung Quốc vui vẻ khi có quan hệ kinh tế với ASEANtrong tư cách một khối - ca ngợi thành công của Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) có hiệ lực từ 2010 - nhưng họ muốn giải quyết các vấn đề chính trị theo cách khác.

Trung Quốc luôn nói tranh chấp chủ quyền cần được giải quyết song phương.

Cả Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng hoạt động hải quân trong vùng

Các thành viên ASEAN không đồng ý, vì biết nó đưa họ vào thế yếu khi họp với một đại cường đang có vai trò quan trọng cho hầu hết các nền kinh tế trong vùng.
 
Trong khi các đại cường, Mỹ và Trung Quốc, tranh đua bằng ngôn từ hiếu chiến và một loạt các cuộc tập trận, các nước chính của Asean đang quan sát trong lo ngại.

Với Việt Nam trong tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, vấn đề Biển Đông đã thành nổi bật và ASEAN đã có một tầm mức đồng thuận mới.

"Đông Nam Á đã từng, và vẫn tiếp tục, nhận thức đầy đủ về cả lời hứa và nguy hiểm mà Trung Quốc đại diện - nên nhớ biểu tượng truyền thống của nước này vẫn là con rồng," theo lời Dewi Fortuna Anwar, giáo sư nghiên cứu ở Viện Khoa học Indonesia.

"Trong giai đoạn chiến tranh lạnh, Trung Quốc bị xem là đe dọa lớn. Nhưng ngày nay, ASEAN tin rằng, cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc, với sức mạnh quân sự gia tăng và tiềm năng kinh tế của họ, là đối thoại và đưa nước này hòa nhập vào trật tự khu vực," bà viết trên tờ Jakarta Post.

Các chuyên gia đồng ý rằng cán cân quyền lực ở Đông Á đang dịch chuyển.

"20 năm trước, không ai có khả năng thực hành tuyên bố chủ quyền nào. Ngày nay, Trung Quốc có điều kiện để theo đuổi ngoại giao đe dọa hơn," theo lời ông Ian Storey.

"Một khi quân đội Trung Quốc trở nên mạnh hơn, Đông Nam Á nhận thức rõ hơn khoảng cách giữa ngôn từ và thực tế. Kết quả là những lời hoa mỹ của Trung Quốc đang trở nên ít thuyết phục hơn."

Những rủi ro khi các nước không chịu tìm kiếm sự dàn xếp hòa bình một cách nghiêm túc hơn đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

  • Nguồn: BBC, 3.9.2010.
Vaudine England