In bài này
Mặc cả Nga-Israel: Công nghệ đánh đổi tên lửa Yakhont
Thứ Ba, 07/09/2010 - 7:18 AM
Thương vụ hợp tác sản xuất máy bay không người lái (UAV) và xuất khẩu Yakhont - những món hàng mặc cả chính giữa Nga và Israel.

Ông V. Putin và E. Barak tại Sochi, 6.9.2010

Ngày 6.9.2010, tại Sochi, Nga, Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đã đàm phán và thảo luận về triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự song phương.

Hai bên có đề cập đến khả năng trang bị kỹ thuật laser cho máy bay Israel, cũng như khả năng triển khai trên lãnh thổ Israel một trạm đo xa laser (để quan sát vệ tinh), ông V. Putin cho biết.

“Chỉ cần nói rằng, chúng tôi có những dự án khá tốt trong lĩnh vực máy bay vận tải quân sự. Chẳng hạn, chúng tôi đang thực hiện một dự án tốt cho Ấn Độ. Chúng tôi đã mua của Israel một số máy bay không người lái, phóng một số vệ tinh cho Israel”.

Nga và Israel đang hợp tác sản xuất máy bay chỉ huy báo động sớm Falcon (máy bay Il-76 lắp hệ thống radar Falcon) và А-50EI (lắp radar của ELTA Electronics Industries).

Ông Putin cũng nói: “Chúng tôi đang xem xét khả năng trang bị cho các máy bay Israel các thiết bị của chúng tôi, kỹ thuật vũ trụ và laser. Hiện đang bàn bạc với các chuyên gia Israel khả năng triển khai trên lãnh thổ Israel một trạm đo xa laser của chúng tôi, trạm này sẽ có thể làm việc trong khuôn khổ hệ thống (định vị vệ tinh toàn cầu) GLONASS”.

Một nhà quản lý doanh nghiệp quốc phòng Nga nói với tờ Vedomosti, trang bị thiết bị laser cho máy bay Israel có nghĩa là trang bị cho các UAV Israel dự định lắp ráp ở Nga các hệ thống liên lạc vệ tinh, định vị GLONASS và các máy đo xa laser của Nga.

Còn trạm đo xa laser thì quả thực là cần thiết cho hoạt động của các vệ tinh của hệ thống GLONASS và vấn đề này đang được thảo luận với phía Israel, một nhà quản lý khác của ngành công nghiệp quốc phòng giải thích.

Ông V. Putin và E. Barak tại Sochi, 6.9.2010
Ông V. Putin và E. Barak tại New York, 7.9.2000

Báo chí Nga cùng ngày đưa tin, trước khi bay đi Sochi gặp ông Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak và người đồng cấp Nga Anatoly Serdyukov tại Moskva đã ký hiệp định hợp tác kỹ thuật quân sự đầu tiên trong 15 năm nay, theo đó Israel sẽ cung cấp cho Nga các UAV, còn Nga cung cấp cho Israel thiết bị laser trong khuôn khổ hệ thống GLONASS.

Hiệp định hợp tác này có hiệu lực 5 năm, sau đó có thể gia hạn. Văn kiện này có tính khung và quy định những phương hướng chung hợp tác quân sự song phương, tạo cơ sở pháp lý cần thiết để ký kết các thỏa thuận tiếp theo về hợp tác kỹ thuật quân sự trong các lĩnh vực cụ thể và chuẩn bị, ký kết các hợp đồng hợp tác kỹ thuật quân sự.

Báo chí cho rằng, chính thương vụ liên doanh sản xuất UAV và vấn đề Nga bán tên lửa chống hạm Yakhont cho Syria nằm trong những chủ đề đàm phán chính.

“Đối với chúng tôi, trong giai đoạn chuyển đổi (quân đội) sang diện mạo mới, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của quân đội Israel là rất quan trọng”, ông Serdyukov nói. Còn ông Barak thì nói: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục trao đổi với quân đội Nga kinh nghiệm đấu tranh chống khủng bố, cách thức chúng tôi bảo đảm an ninh, trong đó có việc sử dụng UAV”. Trước đó, Nga đã mua của Israel 12 hệ thống UAV.

Ông Serdyukov ngày 6.9.2010 cho biết, 12 UAV này đã đến Nga và hiện có 50 binh sĩ Nga đang học cách sử dụng chúng.

Một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng cho hay, có khả năng sẽ có một hợp đồng mua UAV nữa, trị giá không dưới 50 triệu USD, cũng như xây dựng một liên doanh chế tạo UAV tại Nga trị giá ít nhất 250 triệu USD.

Sự lợi hại của UAV Israel đã thể hiện trong cuộc giao chiến ngắn ngủi Nga-Gruzia tháng 8.2008. Theo đuổi đường lối cải cách, hiện đại hóa quân đội, Nga càng khao khát có được

Trước đây, một vài tháng, báo chí Israel kháo nhau là dự án hãng IAI của Israel hợp tác với Nga xây dựng liên doanh sản xuất UAV trên lãnh thổ Nga đã bị đóng băng do chính phủ Israel can thiệp vì lo ngại Nga lấy được bí quyết công nghệ chế tạo UAV và công nghệ UAV có thể lọt vào tay khủng bố.

Bên cạnh đó, dư luận cũng ồn ào chuyện tháng 8.2010, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi điện cho Thủ tướng Nga Vladimir Putin đề nghị Nga không cung cấp tên lửa Yakhont cho Syria vì lo ngại các tên lửa này sẽ đe dọa an ninh quốc gia Israel.

Âu đây cũng là trò “ông thò chân giò, bà thò chai rượu”, chẳng ai chịu mất không cái gì. Xem chừng Nga sẽ có được công nghệ UAV Israel, còn Israel có ngăn chặn được Yakhont đến Trung Đông hay không thì phải chờ hạ hồi phân giải.

Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí quốc tế TsAMTO (Nga) cũng nhận định, khối lượng hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Israel có thể mở rộng rất nhiều, nhất là lĩnh vực UAV.

Hợp tác với Tel Aviv về UAV rất có lợi cho Nga vì Israel là quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực này trên thị trường thế giới và có những công nghệ hiện đại nhất cho tất cả các loại UAV.

Nga đã ký 2 hợp đồng lớn mua UAV của Israel. Theo hợp đồng ký tháng 4.2009, Israel trong năm 2009 đã cung cấp cho Nga 2 UAV Birdeye-400 (4 triệu USD), 8 UAV I-view Mk150 (37 triệu USD) và 2 UAV Searcher Mk2  (12 triệu USD).

Khoảng cuối năm 2009, đã ký hợp đồng thứ hai mua 36 UAV của Israel trị giá ước tính 100 triệu USD. Việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm nay. Chủng loại UAV Nga mua không được tiết lộ.

Không loại trừ khả năng Nga mua trực tiếp các loại vũ khí công nghệ cao của Israel, ví dụ vũ khí bộ binh cho lực lượng đặc nhiệm (Bộ Nội vụ Nga).

Phân khúc thị trường béo bở nhất đối với Israel là hiện đại hóa vũ khí trang bị do Liên Xô/Nga sản xuất trên thị trường các nước thứ ba. Hiện chưa thiết lập được mức độ hợp tác song phương cần thiết ở phân khúc này, mặc dù vào tháng 3.2003, Israel và Nga đã ký hiệp định khung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bắt buộc Tel Aviv huy động các hãng Nga tham gia tất cả các thương vụ hiện đại hóa vũ khí do Nga sản xuất.

Dẫn đầu phân khúc này là các công ty Elbit Systems và Israel Aerospace Industries (IAI) của Israel. Israel hiện có những giải pháp hiện đại hóa máy bay, trực thăng, tăng-thiết giáp, vũ khí phòng không Nga. Những các ví dụ hợp tác Nga và Israel trên thị trường các nước thứ ba chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vài năm trước, Nga và Israel hợp tác đề xuất cung cấp trực thăng tiến công Ka-50-2 Erdogan thiết kế theo yêu cầu kỹ-chiến thuật của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và các tiêu chuẩn của NATO tham gia cuộc thầu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Máy bay chỉ huy/báo động sớm Phalcon của Không quân Ấn Độ

Nga cùng với Israel đang thực hiện hợp đồng ký vào tháng 3.2004 cung cấp 3 hệ thống máy bay chỉ huy/báo động sớm Phalcon cho Ấn Độ trị giá 1,1 tỷ USD, theo đó 3 hệ thống radar EL/M-2075 Phalcon của công ty Elta (Israel) sẽ được lắp trên 3 máy bay Nga Il-76TD. Đây là dự án hợp tác Israel-Nga đầu tiên trên thị trường vũ khí Ấn Độ, trước đó Israel đơn mã độc hành trên thị trường này.

Không quân Ấn Độ nhận được máy bay đầu tiên ngày 25.5.2009, chiếc Il-76 với hệ thống Phalcon tới Ấn Độ ngày 25.3.2010. Chiếc thứ ba sẽ được cung cấp trước tháng 12.2010. Hiện Không quân Ấn Độ đang chuẩn bị cho việc mua thêm 2 Il-76 lắp Phalcon.

VP