In bài này
Lầu Năm góc xem thường lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc
Thứ Hai, 06/09/2010 - 2:54 PM
Báo cáo của Lầu Năm góc kết luận, việc phát triển tiềm lực hạt nhân của nước này đang vấp phải những khó khăn nghiêm trọng, có thể cản trở việc xây dựng lực lượng kiềm chế chiến lược thực sự hiệu quả.

Ngày 17.8.10, blog trên site fas.org của Liên đoàn khoa học gia Hoa Kỳ (Federation of American Scientists) đã nêu kết quả phân tích bản báo cáo của Lầu Năm góc về tiềm lực quân sự của Trung Quốc, trong đó có kết luận rằng, việc phát triển tiềm lực hạt nhân của nước này đang vấp phải những khó khăn nghiêm trọng, có thể cản trở việc xây dựng lực lượng kiềm chế chiến lược thực sự hiệu quả.

Dưới đây là nội dung rút gọn đôi chút của tài liệu.

…Cũng giống như Nga, nước đang vấp phải khó khăn trong phát triển tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm chế tạo một SLBM mới cũng song hành với hàng loạt vấn đề.

Mới đây, bản báo cáo thường niên của Lầu Năm góc về tiềm lực quân sự Trung Quốc được công bố tập trung chú ý vào tiến độ triển khai chậm chạp các tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) mặt đất, cơ động và hệ thống điều khiển các hệ thống vũ khí chiến lược trên mặt đất và trên biển còn thiếu hiệu quả.

Các chương trình hạt nhân hải quân 
 
Mặc dù có tin tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn (SSBN) thế hệ mới đầu tiên lớp 094 Tấn (Jin) đã đóng xong và có thể sẽ đóng “hơn 4 chiếc nữa”, việc phát triển SLBM JL-2 để trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược này “đang gặp nhiều khó khăn”. Báo cáo cho biết, JL-2 đã thất bại trong một phần các thử nghiệm cuối cùng (trên ảnh là vụ thử nghiệm maket tên lửa JL-2). 

 Hơn nữa, khó khăn vẫn là đặc trưng vốn có của toàn bộ chương trình hạt nhân hải quân của Trung Quốc. Họ chỉ đóng được vẻn vẹn 1 SSBN lớp Hạ (Xia) 092, chiêcs tàu này cũng chưa một lần ra khơi tuần tra chiến đấu. Thậm chí sau lần sửa chữa mới đây đối với SSBN này, Lầu Năm góc vẫn cho rằng, thông tin nói rằng tàu ngầm này được trang bị các tên lửa đã lạc hậu vô hình thế hệ trước JL-1 là “đáng ngờ”.

Chương trình đóng các tàu ngầm nguyên tử tấn công đa năng (SSN) cũng gặp không ít khó khăn. Trong trang bị của hải quân Trung Quốc hiện chỉ có 2 SSN lớp Thương (Shang) 093, trong đó chiếc thứ hai mới gia nhập hạm đội vào năm ngoái, và 4 tàu ngầm cổ lỗ lớp Hán (Han) 091. Có lẽ giờ đây, Trung Quốc trông mong vào việc chế tạo SSN mới lớp 095. Lầu Năm góc cho rằng, Trung Quốc có thể đóng “hơn 5 chiếc” tàu ngầm lớp này trong “những năm tới”.

Tên lửa hạt nhân triển khai trên mặt đất
 
Nhịp độ đưa vào trang bị các tên lửa đường đạn xuyên lục địa cơ động (7.200 km) DF-31 được đánh giá là “trì trệ” - số lượng các tên lửa này chết gí ở con số khoảng 10 bệ phóng (ở mức năm ngoái). Lực lượng ICBM cơ động DF-31A (xem ảnh) so với năm ngoái đã tăng lên vài tên lửa với “10-15 bệ phóng”. Do tốc độ trang bị chậm như rùa các tên lửa chiến lược cơ động mới mà số lượng các ICBM nhiên liệu lỏng, lạc hậu, triển khai cố định DF-3A và DF-4 có lẽ vẫn như vậy vì không có tên lửa thay thế.

Mặc dù Trung Quốc phô diễn hoành tráng tại cuộc duyệt binh năm 2009 các bệ phóng tên lửa tầm trung DF-21, số lượng tên lửa này so với năm ngoái không tăng đáng kể. Có lẽ số lượng các tên lửa này đạt 85-90 quả (so với 60-80 quả năm ngoái), có lẽ số tăng này là các tên lửa DF-21C trang bị đầu đạn thông thường.

Báo cáo cũng nêu các dự báo những năm trước rằng, Trung Quốc có thể đang phát triển ICBM cơ động mới DF-41 hoặc một hệ thống nào khác. Tên lửa mới được coi là có khả năng mang một số đầu đạn dẫn đường độc lập. Các báo cáo trước có nói đến việc рhát triển các công nghệ đầu đạn tự tách (MIRV), nhưng Lầu Năm góc kết luận rằng, đối với Trung Quốc, việc này quá tốn kém và phức tạo.

Trong báo cáo này, có nhiều từ nói thêm dạng “có thể, ở giai đoạn phát triển”, “có thể có khả năng mang MIRV”. MIRV một khi được chế tạo sẽ làm thay đổi lớn chiến lược hạt nhân của Trung Quốc.

Nga và Mỹ đã triển khai các tên lửa này để tiêu diệt một số lượng lớn các mục tiêu, cũng như tạo cho các ICBM và SLBM khả năng đột phá qua hệ thống phòng thủ tên lửa (đối với lực lượng chiến lược của Anh, vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa được xác định là nhiệm vụ hàng đầu).

Sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ (giai đoạn 4 của kế hoạch của chính quyền Barack Obama có nội dung triển khai vào năm 2020 các tên lửa chống tên lửa để tiêu diệt ICBM) có thể thúc đẩy Trung Quốc gia tăng nghiên cứu phát triển các tên lửa chiến lược mang phần chiến đấu MIRV.

Hệ thống chỉ huy/điều khiển các lực lượng hạt nhân
 
Giống như báo cáo năm 2009, trong báo cáo năm 2010 nhấn mạnh rằng, việc chế tạo hệ thống điều khiển lực lượng hạt nhân hiện đại vẫn là nhiệm vụ quan trọng đối với Trung Quốc. “Việc nhận vào trang bị nhiều tên lửa chiến lược cơ động hơn sẽ thúc đẩy Trung Quốc chế tạo hệ thống điều khiển mới cho các hệ thống này”. 

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, “hải quân Trung Quốc có khả năng hạn chế trong việc chỉ huy và liên lạc với các tàu ngầm, hạm đội không hề có kinh nghiệm chỉ huy hoạt động của các SSBN đang ở ngoài biển”.

Các SSBN của Trung Quốc chưa từng ra khơi tuần tra chiến đấu lấy một lần và việc thiếu vắng kinh nghiệm đó, những khả năng hạn chế của các hệ thống thông tin liên lạc, tính chuyên nghiệp kém và sự thiếu “hiểu biết” về thành phần chức năng quan trọng này của các lực lượng hạt nhân hải quân chiến lược  “có thể gây ra những khó khăn một khi có khủng hoảng”.

Báo cáo cũng nói rằng, những nhược điểm tương tự cũng có cả trong lĩnh vực điều khiển các hệ thống ICBM cơ động mặt đất. Lầu Năm góc kết luận rằng, “có ít bằng chứng nói rằng, giới chức quân sự và dân sự Trung Quốc có sự hiểu biết đầy đủ những thay đổi toàn cầu và hệ thống vấn đề sử dụng thành công vũ khí chiến lược”.

Bất chấp những tuyên bố “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên” của chính quyền Trung Quốc, báo cáo năm 2010 kết luận rằng, “không có những dấu hiệu khẳng định Trung Quốc thực sự tuân theo học thuyết đó”.

  • Nguồn: fas.org; MP, 19. 8.10.
Đại Việt