In bài này
Đĩa USB: Thủ phạm vụ đột nhập mạng lớn nhất lịch sử Lầu Năm góc
Thứ Sáu, 27/08/2010 - 9:56 AM
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William J. Lynn III đã viết bài báo về vụ đột nhập lớn nhất mạng máy tính của Lầu Năm góc đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 9-10.2010.

Cảnh trong phim Hackers
Theo ông Lynn, vụ đột nhập diễn ra năm 2008 thông qua một đĩa USB chứa mã độc do tình báo nước ngoài cài sẵn. Đĩa USB này đã được cắm vào 1 máy notebook của quân đội Mỹ tại một căn cứ ở Cận Đông và phần mềm gián điệp đã tự tải lên một mạng máy tính của Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ.

Gọi đây là vụ đột nhập máy tính lớn nhất trong lịch sử Lầu Năm góc, ông Lynn không tiết lộ chi tiết về số lượng chính xác máy tính và mạng máy tính bị tổn hại, song lại nói rằng, việc tiết lộ thông tin về vụ đột nhập đã làm thay đổi triệt để chiến lược bảo vệ mạng của Lầu Năm góc. Chiến dịch đối phó mà Lầu Năm góc đưa ra có tên Operation Buckshot Yankee, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược phòng vệ điều khiển học của Mỹ.

Ông Lynn cho biết, phần mềm gián điệp đã qua mặt hệ thống bảo vệ phát tán trên các mạng bảo mật và thông thường của Bộ Quốc phòng Mỹ, tạo ra đầu cầu số để từ đó các dữ liệu trên các mạng của Lầu Năm góc có thể đã được truyền tự do tới các server do nước ngoài kiểm soát.

Ông Lynn không nêu ra kẻ chủ mưu vụ đột nhập mà chỉ nói rằng, vụ đột nhập do cơ quan tình báo một quốc gia tổ chức. Ông Lynn cũng không cho biết những thông tin nào đã bị đánh cắp.

Hệ thống máy tính của Lầu Năm góc gồm tổng cộng 15.000 mạng máy tính được bảo vệ và mạng truy cập mở. Kết nối với các mạng này là 7 triệu máy tính nằm rải rác trên lãnh thổ mấy chục quốc gia.

Cuối năm 2008, Lầu Năm góc đã chính thức cấm sử dụng đĩa USB đối với tất cả nhân viên của mình. Tuy nhiên, không có thông tin chính thức khẳng định mối liên hệ giữa quy định cấm sử dụng USB với vụ đột nhập.

Trước đó, có tin quân đội Hàn Quốc và có thể cả Nhật Bản đã cấm nhân viên và quân nhân của mình sử dụng đĩa USB.

Đây không phải là lần đột nhập mạng thành công duy nhất. Các hackers nước ngoài đã lấy được hàng ngàn file từ các mạng của Mỹ và đồng minh, các đối tác công nghiệp, kể cả các dự án vũ khí, kế hoạch tác chiến và dữ liệu giám sát.

Để đối phó với nguy cơ chiến tranh điều khiển học gia tăng đối với an ninh và kinh tế Mỹ, Lầu Năm góc đã xây dựng các hệ thống phòng vệ nhiều tầng, vững chắc và thành lập Bộ chỉ huy điều khiển học (U.S. Cyber Command) để thống nhất các hoạt động phòng thủ điều khiển học trong toàn quân đội.

Lầu Năm góc cũng đang hợp tác với Bộ An ninh nội địa Mỹ và đồng minh để bảo vệ các mạng chính phủ và hạ tầng thiết yếu.

  • Nguồn: Theo Popsci, 25.8.2010, Lenta, 26.8.2010.
PM