In bài này
Trực thăng tiến công Ka-52 Alligator
Thứ Tư, 18/08/2010 - 10:44 AM
Ka-52 Alligator [Cá sấu], NATO gọi là Hokum B, là biến thể 2 chỗ ngồi của trực thăng tiến công sản xuất loạt Ka-50. Ka-52 khác với Ka-50 ở phần mũi mới với buồng lái 2 chỗ ngồi, các động cơ mới và hệ thống avionics thế hệ mới.

Được phát triển dựa trên Ka-50 Black Shark (Cá mập đen, NATO gọi là Hokum-A), trực thăng chiến đấu đa năng mọi thời tiết Ка-52 Alligator (Hokum-B) có thể tiêu diệt phương tiện bọc thép và không bọc thép, sinh lực và mục tiêu bay trên chiến trường, cả ban ngày và ban đêm, trong mọi mùa trong năm, sử dụng được tất cả các loại vũ khí của Ка-50.

Trực thăng tiến công Ka-52 (RIA Novosti - Anton Denisov)


Ngoài ra, Ка-52 còn là trực thăng chỉ huy của không quân lục quân, dùng để nâng cao hiệu quả tác chiến theo tốp của các trực thăng chiến đấu, làm các nhiệm vụ trinh sát địa hình, chỉ thị mục tiêu và điều phối hoạt động của tốp trực thăng chiến đấu. Alligator có khả năng chỉ huy tốp trực thăng với vai trò “trung tâm thần kinh” làm nhiệm vụ xác định và phân phối các mục tiêu cho toàn tốp bay.

 
Các đặc điểm:

- Buồng lái 2 chỗ ngồi và hệ thống avionics thế hệ mới.
- Các phi công ngồi sát vai cạnh nhau trên các ghế phóng thoát hiểm.
- Trang bị các động cơ cải tiến VK-2500 công suất 2 x 2.400 mã lực.

Chức năng:

- Tiêu diệt xe tăng đối phương.
- Tác chiến chống mục tiêu bay chậm.
- Trinh sát và yểm trợ lục quân.

Về tính năng bay và chiến đấu, uy lực vũ khí, Ka-52 không thua kém trực thăng tiến công Ka-50 Black Shark, АН-64 Apache của Mỹ, đồng thời vượt trội so với tất cả các trực thăng chiến đấu hiện có còn lại.

Buồng (cáp-xun) bọc giáp có thể phóng thoát hiểm ở độ cao từ 0-4.100 m. Cả 2 phi công đều có thể điều khiển bắn và lái máy bay.

Với đặc thù rotor nâng đồng trục với các lá cánh quay trái chiều nhau, Ka-52 có thể thực hiện các thao tác cơ động phức tạp để tấn công mục tiêu hoặc tránh đạn phòng không.

 

Vũ khí

Các vũ khí chủ lực của Ka-52 là tên lửa chống tăng 9K121 Vikhr (AT-16 Scallion) mang đầu đạn kép (tandem) có tầm bắn 8 km, khả năng xuyên giáp 900 mm; tên lửa không-đối-không tự dẫn hồng ngoại R-73 (AA-11 Archer) có thể diệt mục tiêu bay ở độ cao từ 20 m trở lên với tốc độ bay đến 2500 km/h ở cự ly 700-11.000 m; tên lửa không-đối-không tự dẫn hồng ngoại Igla-V có độ cao tác chiến từ 10-3.500 m, tầm bắn 800-5.200 m; các loại rocket, bom.

Ở Ka-52 vẫn giữ lại pháo lắp bên cạnh như Ka-50. Trong tương lai, Ka-52 có thể sử dụng cả tên lửa không-đối-đất có điều khiển.

Avionics

КА-52 được trang bị hệ thống radar Arbalet, hệ thống ngắm TV/ảnh nhiệt ngày/đêm Samshite và có buồng bọc giáp cho tổ lái 2 người. Hệ thống ngắm Samshite đặt trong 2 tháp hình cầu (1 bên trên buồng lái và 1 bên dưới mũi máy bay).

Hệ thống radar Arbalet:

Hệ thống radar kết hợp Arbalet dùng để trang bị cho trực thăng hoạt động ngày/đêm, trong mọi thời tiết. Radar có 2 anten (1 lắp trên cột dùng cho nhiệm vụ đối không, 1 lắp ở mũi dùng cho nhiệm vụ đối đất.

Arbalet có các chức năng cơ bản sau:

• Lập bản đồ
• Hỗ trợ tấn công bằng vũ khí có điều khiển và không điều khiển chống các mục tiêu mặt đất, mặt nước và trên không.
• Hỗ trợ bay độ cao nhỏ
• Phát hiện máy bay, trực thăng, tên lửa đối phương tấn công
• Phát hiện các hình thế khí tượng nguy hiểm
• Hiệu chỉnh hệ thống đạo hàng và hỗ trợ hạ cánh

Arbalet có thể có thêm module độc lập thứ hai là Arbalet-L. Module này có các chức năng cơ bản sau:
 
• Phát hiện máy bay, trực thăng, tên lửa đối phương tấn công
• Nhận dạng loại mục tiêu tấn công
• Xác định mức độ đe dọa của các mục tiêu bay phát hiện được
• Bảo đảm phòng vệ vòng tròn cho tốp và trực thăng đơn lẻ

Arbalet được thiết kế để trang bị cho trực thăng chiến đấu. Đây là radar xung kết hợp 2 băng tần hoạt động ở băng Ka và L.

Trong điều kiện thời tiết bình thường hoặc phức tạp, khi có nhiễu tự nhiên hoặc nhân tạo, Arbalet bảo đảm:

- ở chế độ không-đối-diện: phát hiện và nhận dạng mục tiêu mặt đất/mặt nước, xác định tọa độ của chúng; chỉ thị mục tiêu động mặt đất/mặt nước; sử dụng tên lửa có điều khiển và pháo; lập bản đồ địa hình.
- ở chế độ không-đối-không: phát hiện và nhận dạng mục tiêu bay, xác định tọa độ của chúng; sử dụng tên lửa có điều khiển và pháo chống mục tiêu bay; phòng vệ chống tên lửa.
- ở chế độ bay độ cao nhỏ: phát hiện các vật cản mặt đất và bay bám địa hình độ cao nhỏ.
- ở chế độ khí tượng: phát hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm và xác định khu vực của chúng, mức độ nguy hiểm.

 
 
Chế độ không-đối-diện:

Tầm phát hiện mục tiêu, km:
- Cầu: 25
- Xe tăng: 12
Cự ly lập bản đồ tối đa, km 32
Góc quét theo phương vị, độ: 120

Chế độ không-đối-không:

Tầm phát hiện mục tiêu, km
Máy bay tấn công: 15
Tên lửa: 5
Thời gian phát hiện tên lửa, s: 0,5
Góc quét (khu vực phát hiện), độ: 120
- theo phương vị: 360
- theo góc ngẩng: ±30

Chế độ bay độ cao nhỏ:

Tầm phát hiện, km
- đường dây tải điện: 0,4
- sườn dốc (trên 10 độ): 1,5
Trọng lượng, kg: 140

Arbalet-D là radar sóng dm, chuyên dùng cho trực thăng. Trong điều kiện thời tiết bình thường hoặc phức tạp, Arbalet-D bảo đảm: phát hiện và đo các thông số của các mục tiêu tiếp cận trực thăng, trong đó có hỗ trợ thông tin tên lửa có điều khiển để tổ lái chặn đánh tên lửa có điều khiển tấn công, truyền thông tin về kẻ địch tấn công tới tổ lái và lực lượng mặt đất, cũng như tới máy ghi trên khoang; hỗ trợ thông tin cho các hệ thống cảnh báo quang học, quang-điện tử và các hệ thống cảnh báo trên không khác để nâng cao khả năng phát hiện mục tiêu tiếp cận.

Cự ly phát hiện mục tiêu tối đa, km:
- Tên lửa: 3
- Máy bay tấn công: 10
Góc quét (khu vực phát hiện), độ:
- thep phương vị: 360
- theo góc ngẩng: -45 đến +15
Thời gian phát hiện và khóa mục tiêu tiếp cận, s: 1
Số lượng mục tiêu có thể bám đồng thời: 10
Trọng lượng, kg: 30

 

Lịch sử phát triển:

Ka-52 bắt đầu được phát triển năm 1994, mẫu thử nghiệm Ka-52 được chế tạo năm 1996. Chiếc Ka-52 đầu tiên của lô thử nghiệm thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào ngày ngày 25.6.1997.

Ka-52 đã vượt qua tất các loại thử nghiệm của OKB Kamov và ngày 29.10.2008, Công ty cổ phần chế tạo máy bay Progress mang tên Sazykin ở thành phố Arsenev, vùng Primorie bắt đầu sản xuất loạt nhỏ Ka-52.

Tình hình sản xuất, trang bị:

Trực thăng tiến công mới Ка-52 Alligator hiện đang được Nga sản xuất loạt.

Hiện chưa rõ số lượng cụ thể Ka-52 đã được chuyển giao cho Không quân Nga. Theo các nguồn khác nhau thì ước tính có khoảng trên dưới 10 chiếc đang được sử dụng cho các lực lượng đặc nhiệm Tổng cục Tình báo GRU của quân đội Nga, chủ yếu tại khu vực Bắc Kavkaz.

Trong tương lai, Ka-52 và Mi-28N là 2 loại trực thăng tiến công cơ bản của quân đội Nga, trong đó, Mi-28N là trực thăng tiến công chủ yếu của không quân lục quân, còn Ka-52 dùng cho nhiệm vụ tác chiến đặc biệt.

Tháng 11.2009, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, từ năm 2007, Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được 7 Ка-52; và Ка-52 sản xuất loạt sẽ bắt đầu chuyển giao cho Không quân Nga và xuất khẩu vào năm 2012. Đơn giá của trực thăng này là khoảng 480 triệu rouble. Tháng 1.2010, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong năm 2010, họ sẽ nhận vào trang bị một số Mi-28N và Ка-52. Theo kế hoạch, đến năm 2012, quân đội Nga sẽ nhận được 30 Ka-52.

Vào năm 2015, gần 40% trực thăng của quân đội Nga là các loại mới hoặc cải tiến. Không quân Nga sẽ đưa vào trang bị gần 400 trực thăng chiến đấu mới (Mi-28N và Ka-52) và trực thăng vận tải-đổ bộ cải tiến (Mi-8). Tất cả đều có khả năng tác chiến ban đêm và trang bị hệ thống chống tên lửa phòng không vác vai.

Ngoài ra, ngày 14.8.2010, Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Aleksandr Zelin cho biết, trực thăng Ka-52 sẽ được triển khai trên các tàu đổ bộ vạn năng (tàu sân bay trực thăng) lớp Mistral mà Nga dự định mua của Pháp. “Các trực thăng Ka-52 của chúng tôi sẽ được triển khai trên các tàu Mistral”, ông Zelin nói.

Nga dự định mua của Pháp 4 tàu lớp Mistral, trong đó 2 chiếc do hãng DCNS (Pháp) đóng tại Pháp, 2 chiếc còn lại đóng tại Nga theo giấy phép để trang bị cho các hạm đội Biển Bắc và Thái Bình Dương. Hợp đồng mua Mistral dự kiến ký vào cuối năm 2010.

Tàu Mistral có thể chuyên chở và triển khai 16 trực thăng, 4 xuồng đổ bộ, 70 xe bọc thép, trong đó có 13 tăng chủ lực và 450 lính.

Ngoài ra, Ka-52 Alligator còn cùng với Mi-28N Night Hunter tham gia cuộc thầu cung cấp 22 trực thăng chiến đấu cho Ấn Độ.

 

Tính năng kỹ-chiến thuật:

Tổ lái: người: 2
Kích thước: chiều dài (kể cả cánh quạt) x chiều cao x sải cánh (thân máy bay), m: 14,2 (16,0) x 4,9 x 7,3
Đường kính lá cánh rotor nâng, m: 14,5
Trọng lượng cất cánh tối đa/thông thường, kg: 10.800 / 10.400
Tốc độ bay tối đa / hành trình, km/h: 310 / 250
Tốc độ bay cạnh / bay lùi, km/h 80 / 90
Trần bay tĩnh / động, m: 3.600 / 5.500
Tầm bay thực tế, km: 520
Tốc độ tối đa đạt được, km/h: 350
Động cơ: Chủng loại x số lượng x công suất (mã lực): VK-2500 x 2 x 2.400 mã lực.
Tốc độ leo cao, m/s: 10
Quá tải tối đa, g: 3,5

Vũ khí

- 1 pháo 30 mm 2А42 cơ số đạn 500 viên;
- 12 tên lửa chống tăng có điều khiển siêu âm Vikhr dẫn bằng tia laser;
- các thùng contenơ chuẩn hóa gắn súng máy và pháo;
- 80 rocket 80 mm S-24;
- các tên lửa có điều khiển không-đối-không R-73, Igla-V;
- (trong tương lai) các tên lửa có điều khiển không-đối-đất;
- các loại bom;
- Tải trọng chiến đấu 2.000 kg gắn trên  4 điểm treo.

  • Nguồn: Theo PM, Rian, 29.10.08, 14.8.10; Lenta, 2.11.09, 17.11.09, 13.5.10, 20.5.10; warfare.ru; enemyforces.net, wikipedia; flankers-site.co.uk, phazotron.com, rus-helicopters.ru, kamov.ru, roe.ru.
Đại Việt