In bài này
Máy bay tiêm kích Nga - hiện trạng và xu hướng phát triển
Thứ Tư, 11/08/2010 - 9:52 AM
Ngày 12.7.2010, tạp chí quân sự uy tín Jane's Defense Weekly đã đăng bài về thực trạng và triển vọng phát triển không quân tiêm kích của các cường quốc hàng không thế giới, trong đó có Nga.

Nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh một thời của Nga trong mấy năm cắt giảm và thiếu vắng chính sách công nghiệp nhất quán đang trải qua một thời kỳ không lấy gì làm tươi sáng. 

Trong suốt thập niên 1990 và thập niên này, Nga vẫn còn tiếp tục hiện đại hóa các máy bay chế tạo trong những năm 1970-1980. Т -50 (hệ thống máy bay chiến thuật tiên tiến PAK FA) đối với nước Nga đã trở thành máy bay tiêm kích so với các máy bay khác có vẻ là một máy bay của thế kỷ XXI. Tuy vậy, khối lượng đầu tư và công nghệ chín muồi cần thiết để hoàn tất phát triển PAK FA nói lên rằng, tương lai của nó vẫn không rõ ràng.

Tiêm kích trên hạm MiG-29K

Tập đoàn chế tạo máy bay MiG của Nga, một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của hàng không thế giới hiện đang đặt mọi hy vọng vào việc xuất khẩu tiêm kích sang Ấn Độ. Mặc dù các máy bay cải tiến MiG-29SMT những năm gần đây đã được cung cấp cho Yemen, nhưng việc Không quân Algeria từ chối tiếp nhận các tiêm kích kiểu này đã đặt công ty vào tình trạng khó khăn. MiG đã phát triển thành công biến thể máy bay trên hạm mới MiG-29К và sẽ cung cấp gần 30 máy bay này cho Hải quân Ấn Độ để trang bị cho tàu sân bay (tuần dương hạm chở máy bay Đô đốc hạm đội Gorshkov trước đây).

Kinh nghiệm tốt từ chương trình MiG-29К và lịch sử quan hệ lâu dài của Không quân Ấn Độ với công ty MiG sẽ làm tăng cơ hội chiến thắng cho MiG-35 trong cuộc thầu MMRCA.

MiG-35 được trang bị động cơ RD-33K và radar mạng pha chủ động Zhuk-AE của hãng Fazotron. Máy bay có thể trang bị các loại thiết bị trên khoang do Nga và phương Tây sản xuất, trong đó có trạm gây nhiễu Elettronica ELT/568 (V) 2  và trạm định vị quang học OLS-UEM với các kênh truyền hình, hồng ngoại và laser.

Tiêm kích đa năng MiG-35

Các máy bay Sukhoi chủ yếu được xuất cảng. Việc hiện đại hóa liên tục biến thể cơ sở Su-27 Flanker đã dẫn tới sự xuất hiện của các máy bay tiêm kích siêu nặng Su-30МК. Máy bay này được chế tạo theo 2 biến thể tại các nhà máy Irkut và KnAAPO. 

Tiêm kích đa năng Su-30MK

Biến thể đa năng, 2 chỗ ngồi Su-30МК đã được bán với số lượng lớn cho Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Venezuela và Việt Nam. 309 tiêm kích Su-30МК các loại đang được sử dụng tại 7 quốc gia. Các máy bay thuộc các kiểu đời đầu Su-27SK/UBK với số lượng 198 chiếc đã được cung cấp cho không quân Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.

Tiêm kích đa năng Su-30MKI

Su-30МК tiếp tục được sản xuất cho không quân Algeria, Việt Nam và Ấn Độ, các quốc gia này đã đặt hàng tổng cộng 178 chiếc.

Ấn Độ đang là khách hàng chính mua Su-30МК và đang sản xuất theo giấy phép biến thể Su-30MKI tại nhà máy của tập đoàn HAL. Tháng 6.2010, nội các Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch mua thêm 42 Su-30MKI, nâng tổng số máy bay loại này của Không quân Ấn Độ lên con số 272 chiếc vào năm 2018.

Trung Quốc từng là khách hàng chính mua Su-30 và mặc dù không quân và hải quân Trung Quốc đã mua 100 chiếc Su-30MKK và Su-30MK2, nhưng hiện nay, sự quan tâm của Trung Quốc đã chuyển sang các lĩnh vực khác.

Tiêm kích đa năng Su-30MK2

Để thay thế máy bay ném bom chiến thuật Su-24 Fencer, Nga đã chế tạo máy bay tiến công Su-34.  Hiện nay, loại máy bay vốn mất rất nhiều thời gian để phát triển này đang được đưa vào trang bị cho Không quân Nga ở số lượng rất khiêm tốn.

Hãng Sukhoi đã phát triển biến thể Su-35S (trước đây gọi là Su-35BM) để khắc phục sự cách quãng giữa thời điểm loại khỏi trang bị số máy bay giành ưu thế trên không Su-27 và thời điểm đưa vào trang bị máy bay thế hệ 5 Т-50.

Không nên nhầm lẫn Su-35S với Su-35 lắp cánh ngang phía trước của thời thập niên 1990 (dự án Su-27М). Su-35 được trang bị biến thể mạnh hơn của động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có tăng lực AL-31F có tên 117S. Máy bay được trang bị radar mạng pha thụ động Irbis-E của hãng NIIP Tikhomirov.

Biến thể đầu tiên của Su-35S cất cánh vào tháng 2.2008 và đến nay Sukhoi đã chế tạo 3 mẫu chế thử, 1 trong số đó đã mất trong khi chạy tốc độ cao trên đường lăn mặt đất.

Tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35S

Tháng 8.2009, Không quân Nga tuyên bố sẽ mua 48 Su-35 để trang bị cho 3 trung đoàn không quân. Cuối năm ngoái, Nga đã bắt đầu sản xuất chiếc Su-35 sản xuất loạt đầu tiên. Máy bay này sẽ là bước quan trọng trước khi chuyển sang T-50/PAK FA.

Nhiều hệ thống trên khoang của Т-50 đã được sử dụng thử trên Su-35S, trong đó có động cơ 117S, đây cũng là động cơ được lắp trên mẫu bay thử đầu tiên của tiêm kích thế hệ 5 T-50.

Nga cũng đang nỗ lực để xuất khẩu Su-35S và có tin máy bay này đang có một số khách hàng tiềm năng. Trước đó, Su-35S đã được chào bán cho Trung Quốc, song nước này không quan tâm đến việc mua nó và từ đó Nga chuyển sự chú ý sang Venezuela.

Tiêm kích Т-50 đã được phát triển cực kỳ bí mật và xuất hiện công khai lần đầu trong chuyến bay đầu tiên vào tháng 1.2010. Giống như mọi chương trình tiêm kích mới, tồn tại một khoảng cách lớn giữa tiêm kích ở thời điểm đạt tình trạng sẵn sàng sử dụng so với mẫu chế thử đang có hiện nay.

Tiêm kích thế hệ 5 T-50 PAK FA

Kinh nghiệm cũng chỉ ra rằng, con đường từ hiện tại đến tương lai cũng khó lòng mà bằng phẳng. Т-50 là một thiết kế phức tạp với một số đặc điểm mới và cách tiếp cận thú vị trong việc ứng dụng các công nghệ tàng hình và độ bộc lộ thấp.

Khi Т-50 được lắp radar mới kiểu anten mạng pha chủ động của NIIP Tikhomirov, hệ thống tác chiến điện tử mới, động cơ và vũ khí mới, tiêm kích này sẽ có tiềm năng trở thành hệ thống không chiến thống trị.

Công nghiệp hàng không-vũ trụ Nga hiện cần chứng minh họ có thể chế tạo và sản xuất toàn bộ gói các công nghệ cần cho tiêm kích này.

  • Nguồn: Jane's Defence Weekly, 12.7.10; defence.pk; MP, 9.8.10.
Nhân Vũ