In bài này
Công nghệ tàng hình: Kỷ nguyên thống trị của Mỹ đã kết thúc?
Thứ Tư, 11/08/2010 - 4:09 AM
Vừa qua, chúng ta chứng kiến quân đội các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản... đua nhau phát triển công nghệ tàng hình (Stealth Technology). Vì sao họ phải lao vào cuộc chạy đua công nghệ tàng hình và quốc gia nào đang dẫn đầu về công nghệ này?

Máy bay tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ - tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên và duy nhất hiện nay


Năm 1895, nhà sáng chế người Nga Alexander Popov, khi đang làm việc tại Học Viện Quân sự Hoàng gia Nga, đã chế tạo thành công thiết bị cho phép xác định tọa độ vật thể từ xa dựa trên nguyên lý phản hồi của sóng điện từ đơn cực đồng nhất đẳng hướng (Coherent).

Chùm tia coherent, còn gọi là laser, có thể "bắn" đi rất xa mà không bị tán xạ. Thông thường các tia phản xạ từ một vật thể bị tản mát về các hướng khác nhau, còn chùm tia phản xạ của tia coherent vẫn giữ được đặc tính coherent. Đó chính là bản chất của nguyên lý Alexander Popov trong công nghệ radar (radar truyền thống "thu-phát", để phân biệt với radar thụ động chỉ thu các tín hiệu phản hồi các nguồn có sẵn lên mục tiêu).

Tuy người Nga đã phát minh ra nguyên lý radar, nhưng chính các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã làm chủ công nghệ này tốt hơn.

Song song với việc hoàn thiên công nghệ "phát hiện" là sự phát triển của công nghệ "ngụy trang". Công nghệ ngụy trang hay "tàng hình" một vật thể để tránh sự phát hiện của radar dựa trên nguyên lý cơ bản là làm sao cho chùm tia phản xạ từ vật thể ấy không đến được máy thu radar. Muốn vậy thì hoặc là làm cho đặc tính phản xạ của bề mặt vật thể bị yếu đi, hoặc chùm tia phản xạ bị chệch ra hướng khác...

Công nghệ tàng hình được các nước âm thầm phát triển, nhưng thành công đầu tiên có tính chất quân sự là vào năm 1970 sau khi hãng Lockheed Mỹ thử nghiệm thành công công nghệ này dựa trên lý thuyết của nhà vật lý Nga Pyotr Ufimtsev. Công trình nghiên cứu này được đăng trong tạp chí "Soviet Radio", Moskva, năm 1962.

Trong khi Ufimtsev và công trình nghiên cứu của ông bị lãng quên ở Liên Xô thì nay Nga đang phải đi những bước đi chập chững cùng hạng với Trung Quốc, Nhật,... trong lĩnh vực công nghệ tàng hình.

Bắt đầu với Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc đã triển khai một tàu tàng hình cao tốc mới mang tên DaoDanTing Type 022 trong cuộc tập trận quân sự vào tháng 7. Tàu này có khả năng mang 8 tên lửa với tầm bắn tối đa 200 km, tốc độ 36 hải lý/giờ trong khi vẫn tránh được hệ thống radar và trinh sát hồng ngoại. Hiện Trung Quốc đang sở hữu tới 80 tàu chiến này.

Tàu tàng hình Type 022 của Trung Quốc

Tiếp đó là Nga

Tháng 1.2010, Nga đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của máy bay tiêm kích tàng hình PAK FA T-50 của hãng Sukhoi tại Komsomolsk trên sông Amur thuộc Viễn Đông, Nga. Tháng 7.2010, chuyến bay thử nghiệm thứ hai đã thành công. Do đó, Moskva có kế hoạch sẽ triển khai các máy bay T-50 cho các đơn vị không quân thường trực từ năm 2015 để đối phó với F-22 Raptor của quân đội Mỹ.

Máy bay tiêm kích tàng hình PAK FA T-50 của Nga

và Nhật Bản

Có thể nói kỷ nguyên thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tàng hình đã kết thúc, và các cường quốc láng giềng của Hàn Quốc đã sở hữu công nghệ tàng hình đáng kể. Ví dụ, quân đội Nhật Bản đang sở hữu số lượng lớn các tàu tuần tra cao tốc Hayabusa có khả năng tàng hình, mặc dù không được hiện đại như Type 022 của Trung Quốc.

Nhật Bản cũng đang tìm cách mua máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, và đang phát triển máy bay Mitsubishi thì thành máy bay tiêm kích tàng hình gọi là ATD-X.

Wayne Ulman, Giám đốc Trung tâm Tình báo Không quân và Vũ trụ quốc gia Mỹ (NASIC) phát biểu trước Thượng viện hồi tháng 5.2010 rằng, tiêm kích tàng hình thế hệ mới J-XX của Trung Quốc sẽ được triển khai vào khoảng năm 2018.

Một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc đã có máy bay ném bom tàng hình.

Kể từ khi chứng kiến sức mạnh ghê gớm của máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Bắc Kinh đã làm tất cả để có được công nghệ này.

Và rồi, có vẻ như bản thiết kế khung máy bay ném bom tàng hình B-2 đã bị rò rỉ sang Trung Quốc năm 2005.

Tạp chí Wall Street cũng cho biết, tin tặc Trung Quốc đã lấy được các tài liệu mật liên quan đến máy bay tàng hình JSF F-35 khi tấn công, đột nhập máy chủ của Lầu Năm Góc vào tháng 4.2009.

Máy bay chiến đấu tàng hình ATD-X của Nhật

Được biết, Nga có tàu ngầm tàng hình hiện đại nhất trên thế giới. Được phát triển vào năm 2007, nó được đánh giá là có khả năng định hướng dưới nước và tránh thiết bị phát hiện tàu ngầm tốt nhất, ngoài loại tàu ngầm lớp Typhoon được phát triển từ thời Liên Xô.

Công nghệ tàu ngầm của Trung Quốc tuy không phải là tiên tiến nhưng phát triển rất nhanh chóng. Năm 2006, tàu ngầm diesel lớp Song của Trung Quốc đã tiếp cận tàu sân bay Mỹ Kitty Hawk (CV 63) trong phạm vi 9 km mà không bị các tàu ngầm và tàu chiến hộ tống cho tàu sân bay phát hiện. Điều này đã khiến cho các quan chức quân sự Mỹ “phát hoảng”. Vì đó là trong phạm vi tấn công hiệu quả của ngư lôi.

Trung Quốc và Nga luôn tích cực phát triển công nghệ để đối phó với máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ. Một nghiên cứu của Tập đoàn RAND cho thấy, lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ không thể ngăn chặn được cuộc tấn công giả định của Trung Quốc đối với Đài Loan vào năm 2020, vì máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ không có khả năng né tránh radar CETC Y-27 của Trung Quốc. Hệ thống radar hiện đại CETC Y-27, được phát triển theo công nghệ của Nga, hoạt động trên băng tần VHF.

Việ mô phỏng trên máy tính cho thấy, các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ không thể tấn công được các căn cứ quân sự Trung Quốc, trong khi các tàu sân bay Mỹ và căn cứ không quân Mỹ tại Okinawa có thể bị phá huỷ.

Vậy câu hỏi đặt ra là Tại sao Trung Quốc, Nga và Nhật Bản lại phải “lao tâm khổ tứ” đến thế  để theo kịp công nghệ tàng hình của Mỹ?

Câu trả lời đơn giản là không thể chiến đấu được với một kẻ thù vô hình.

Năm 2006, quân đội Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận giả định ở Alaska với sự tham gia của máy bay tàng hình F-22 Raptor và các máy bay chiến đấu thông thường F-15, F-16 và F-18. Kết quả là 108 máy bay chiến đấu thông thường bị tiêu diệt mà không có chiếc F-22 nào hề hấn gì.

  • Nguồn: Thời kỳ thống trị công nghệ tàng hình của Mỹ đã kết thúc? / Thành Long (Theo Chosun) // VIT, 10.8.2010.