In bài này
Tàu sân bay trực thăng lớp Dokdo của Hàn Quốc
Thứ Hai, 09/08/2010 - 7:56 AM
Tàu đổ bộ lớp Dokdo là kết quả đầu tiên của dự án LPX (Landing Platform Experimental) do Hải quân Hàn Quốc triển khai và nhà thầu Haijin Heavy Industries thiết kế chế tạo để đáp lại chương trình đóng tàu sân bay của Trung Quốc và chương trình phát triển tàu đổ bộ Ososumi, Hyuga của Nhật Bản.

Tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Dokdo hạ thủy ngày 12/7/2005, chính thức đưa vào trang bị Hải quân Hàn Quốc tháng 7/2007.

Tàu đổ bộ chở trực thăng Dokdo

Với lượng giãn nước 18.000 tấn, Dokdo không những là chiến hạm lớn nhất của Hải quân Hàn Quốc mà còn lớn hơn tàu đổ bộ Ososumi (9.000 tấn) của Hải quân phòng vệ Nhật Bản.

Thân tàu được chia làm 4 khu vực, đầu tiên là boong bay cho phép 5 trực thăng UH-60 đỗ cùng lúc. Nếu tình trạng ngân sách cải thiện, Hàn Quốc có thể “tậu” trực thăng hiện đại của Châu Âu như NH-90, E-101. 

Trực thăng MH-60 hạ cánh trên Dokdo


Nếu trang bị thêm mô đun cầu dốc dài 15-20 m, Dokdo có thể sử dụng để triển khai các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng hoặc đường băng ngắn kiểu Harrier và F-35. Tuy nhiên, Hàn Quốc có kế hoạch cải hoán Dokdo từ tàu đổ bộ thành tàu sân bay hạng nhẹ.

Khu thứ hai gồm phòng ở, phòng hội họp dành cho sĩ quan chỉ huy, thủy thủ. Khu thứ ba là nơi chở trang thiết bị phục vụ cho các chiến dịch hải quân. Khu này chứa được 70 xe tăng hoặc 200 xe tải, 1 tiểu đoàn (700 lính) cùng trang thiết bị vũ khí. 

Một tàu đổ bộ đệm khí đang đi vào cửa đuôi tàu Dokdo

Khu thứ tư có một cửa lớn ở đuôi tàu dành cho tàu đổ bộ đệm khí ra vào. Tàu đổ bộ đệm khí có chiều dài 26,4 m, chiều rộng 14,3 m, trọng tải 60-75 tấn, tầm hoạt động tùy thuộc vào tốc độ hành trình: tầm hoạt động 320 km (tốc độ 74 km/h), 480 km/h (tốc độ 56 km/h).

Hệ thống phòng vệ của Dokdo gồm hệ thống tên lửa phòng không RIM-116 Rolling Airframe và hệ thống pháo phòng không tầm cực gần Goalkeeper.

Dokdo được trang bị 4 động cơ diesel S.E.M.T Pielstick 16PC 2.5 STC cho phép đạt tốc độ 22 hải lý/h.

Xe bọc thép chở quân lội nước rời tàu đổ bộ Dokdo tiến lên bờ

  • Nguồn: Tìm hiểu hai 'hung thần' khuấy đảo biển Nhật Bản / Hàm Rồng (tổng hợp) // Đất Việt, 27.7.2010.