In bài này
Tên lửa phòng không: Các xu hướng phát triển
Thứ Bẩy, 07/08/2010 - 9:37 AM
Các hãng phát triển và sản xuất phương tiện phòng không ngày càng mở rộng về số lượng.

Các phương tiện tên lửa phòng không luôn đã và vẫn đang nằm trong số những loại kỹ thuật quân sự tiên tiến, trí tuệ, công nghệ cao và tương ứng là đắt tiền nhất. Bởi vậy, khả năng phát triển và sản xuất chúng, cũng như làm chủ các công nghệ tiên tién ở trình độ công nghiệp, có được các trường phái nghiên cứu và thiết kế tương ứng được coi là một trong những chỉ số quan trọng nhất nói lên trình độ phát triển công nghiệp quốc phòng của một quốc gia.

Phóng loạt tên lửa của hệ thống PAC-2

Giai đoạn phát triển tên lửa phòng không hiện nay có liên hệ với một loạt các đặc điểm.

Trước hết, cần lưu ý rằng, việc đẩy mạnh phát triển và mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không có quan hệ với sự gia tăng liên tục đặс trưng cho chiến tranh và xung đột hiện đại của không quân và các phương tiện tiến công đường không, cũng như sự gia tăng vũ bão nhu cầu về các phương tiện dùng để bảo vệ chống các cuộc tiến công bằng tên lửa đường đạn chiến thuật và tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật.

Đang diễn ra sự thay thế các hệ thống và tổ hợp thuộc các thế hệ trước do sự lạc hậu ồ ạt và hoàn toàn của chúng. Đồng thời, Các nhà phát triển và sản xuất phương tiện phòng không ngày càng mở rộng về số lượng. Các nghiên cứu về vũ khí phòng không sử dụng các phương tiện tiêu diệt mục tiêu bay mới, trước hết là laser, đang được tiến hành mạnh mẽ.

Phóng thử tên lửa của hệ thống THAAD
 
Đối với các phương tiện phòng không hiện tại và tương lai, vẫn duy trì cách phân chia ra các hệ thống tầm xa, tầm trung và tầm ngắn, cũng như tầm gần với sự khác biệt không chỉ về nhiệm vụ được giao và tính năng, mà cả về tính phức tạp và giá cả (thường là hàng chục lần).
Kết quả là ở nước ngoài, thực sự phát triển các hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung chỉ có có Mỹ có khả năng độc lập tiến hành. Đặc trưng cho các nước Tây Âu là các chương trình hợp tác, nhiều nước khác đang tiến hành các hoạt động này với sự hỗ trợ của các hãng Mỹ (Israel, Nhật Bản, Đài Loan) hay Nga (Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc).

Một trong những nhiệm vụ trung tâm đặt ra hiện nay trước các hệ thống tầm xa và tầm trung là sử dụng chúng để chống tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình. Còn việc cải tiến các hệ thống này thì đang được tiến hành theo hướng mở rộng khả năng tiêu diệt một số lượng tối đa các mục tiêu này.

Những yêu cầu đó đã dẫn tới sự gia tăng đột biến các hệ thống phòng không có tiềm năng chống tên lửa nổi trội. Ví dụ điển hình nhất là hệ thống phòng không cơ động THAAD của hãng Lockheed Martin (Mỹ) dùng để tiêu diệt tên lửa đường đạn có tầm bắn đến 3.500 km ở độ cao 40-150 km và ở cự ly đến 200 km.

Việc đạt được những tính năng cao như thế đã là một thử thách lớn lao đối với các nhà thiết kế khi họ bắt tay vào công việc vào năm 1992 và đòi hỏi sự tính toán, kiểm nghiệm lâu dài các giải pháp kỹ thuật tiên tiến sử dụng cho THAAD. Kết quả là phải đến tháng 8.2000, Lockheed Martin mới nhận được hợp đồng trị giá 4 tỷ USD, theo đó họ đã triển khai công tác nghiên cứu toàn quy mô và chuẩn bị sản xuất cho THAAD. Các vụ thử nghiệm hệ thống chế thử đã diễn ra năm 2005 và ngày 28.5.2008, đại đội đầu tiên đã được đưa vào sử dụng.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống THAAD, người ta đã thiết kế phần mềm mới cho nó, cho phép tăng gấp 3 lần diện tích khu vực hệ thống có thể bảo vệ.

Một hướng khác để nâng cao tính năng của hệ này là lắp động cơ mới cho tên lửa, nhờ đó kích thước khu vực sát thương sẽ tăng thêm hơn 3 lần nữa.
 
Phóng tên lửa phòng không hạm tàu SM-3
Chương trình chế tạo các hệ thống tên lửa phòng không hạm tàu tương tự tham vọng nhất của Mỹ dựa trên việc sử dụng hệ thống đa năng cải tiến Aegis và tên lửa Standard-3 (SM-3).

Những khác biệt chính của tên lửa này so với các biến thể tên lửa Standard trước đó là việc trang bị động cơ tầng 3 kiểu 2 lần khởi động và tầng chiến đấu kiểu động năng 23 kg.

Đến nay, người ta đã hoàn thành một loạt thử nghiệm SM-3, trong đó đã thực hiện đánh chặn thành công các bia bay tên lửa đường đạn chiến thuật đang ở giai đoạn khởi động và tăng tốc và lao xuống, cũng như trong khi phần đầu tên lửa bay tách khỏi tầng khởi động.

Tháng 2.2008, SM-3 đã đánh chặn vệ tinh USA-193 bị hỏng ở độ cao 247 km.

Nhà sản xuất SM-3 Raytheon đang cùng Hải quân Mỹ xây dựng phương án sử dụng tên lửa này kết hợp với radar băng Х trên mặt đất và bệ phóng hạm tàu VLS-41 triển khai trên mặt đất. Trong các kịch bản sử dụng SM-3 như vậy để đánh chặn tên lửa đường đạn, dự kiến triển khai các hệ thống như vậy ở hàng loạt quốc gia châu Âu.

Tiềm năng chống tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa phổ dụng nhất của Mỹ Patriot là các kiểu РАС-2 và РАС-3 vẫn được tiếp tục nâng cao.

Trong những năm gần đây, theo các chương trình GЕМ, GЕМ+, GЕМ-Т và GЕМ-С, các tên lửa РАС-2 đã có được hiệu quả cao hơn chống tên lửa đường đạn chiến thuật, cũng như máy bay có và không người lái có bề mặt tán xạ hiệu dụng nhỏ. Nhằm mục đích đó, các tên lửa series GEM được trang bị phần chiến đấu phá-mảnh cải tiến và ngòi nổ vô tuyến có khả năng tái lập trình trong khi bay.

Đồn thời, tên lửa РАС-3 của Lockheed Martin đang được sản xuất với tiến độ 15-20 quả/tháng.
РАС-3 có các đặc điểm là sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động và có tấm bắn không lớn - đến 15-20 km đối với mục tiêu đường đạn và 40-60 km đối với mục tiêu khí động. Mặt khác, để tối ưu hóa khả năng của Patriot và giảm tối đa chi phí hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, đại đội РАС-3 còn được biên chế các tên lửa kiểu cũ hơn (РАС-2).

Hiện nay, Lockheed Martin đang thực hiện hợp đồng trị giá 774 triệu USD sản xuất 172 tên lửa РАС-3, hiện đại hóa 42 bệ phóng, chế tạo phụ tùng...
 
Phóng tên lửa PAC-2 GEM
Tháng 7.2003, Lockheed Martin đã bắt đầu thực hiện chương trình РАС-3 MSE nhằm hoàn thiện tên lửa РАС-3, trong đó có việc tăng gấp 1,5 lần kích thước khu vực sát thương của chúng, cũng như thích ứng cho sử dụng trong thành phần các hệ thống phòng không khác, kể cả các hệ thống trên hạm tàu.

Để làm việc đó, người ta dự kiến trang bị cho РАС-3 MSE động cơ hành trình mới 2 lần khởi động có đường kính 292 mm của hãng Aerojet, lắp đặt hệ thống liên lạc 2 chiều giữa tên lửa với đài điều khiển hệ thống Patriot và thực hiện một số công việc khác. MSE lần đầu tiên được thử nghiệm ngày 21.5.2008.

Tháng 1.2008, Lockheed Martin ngoài hợp đồng trị giá 260 triệu USD để phát triển РАС-3 MSE đã nhận được thêm hợp đồng 66 triệu USD để nghiên cứu khả năng sử dụng tên lửa này làm phương tiện hỏa lực chủ yếu của hệ thống МЕАDS.

Hệ thống này được phát triển để thay thế hệ thống tên lửa phòng không tầm trung cổ điển Improved Hawk đang có trong trang bị của 20 quốc gia. Chương trình này được công-xooc-xiom MEADS Int (gồm Lockheed Martin của Mỹ, МBDA của Italia, EADS/LFK của Đức) tiến hành đã hơn 10 năm, do Mỹ, Đức và Italia tài trợ với tỷ lệ tương ứng là 58:25:17. Dự định bắt đầu sản xuất loạt МЕАDS vào năm 2011.

Họ hệ thống tên lửa phòng không SAMP/Т của công-xooc-xiom Pháp-Italia là Eurosam sử dụng tên lửa phòng không có điều khiển 2 tầng Aster cũng có tiềm năng chống tên lửa khá lớn.

Cho đến năm 2014, dự kiến sản xuất cho Pháp và Italia 18 hệ thống SAMP/Т, cũng như sản xuất các biến thể tên lửa Aster để trang bị cho các tàu sân bay của Pháp và Italia, cũng như cho hệ thống phòng không hạm tàu РААМS trang bị trên các tàu frigate Pháp-Italia Horizon/Orizzonte và tàu khu trục Type 45 (biến thể Sea Viper) của Anh. Trong những năm tới, dự kiến sản xuất cho các tàu này đến 300 bệ phóng thẳng đứng Sylver có thể dùng để phóng tên lửa phòng không có điều khiển và các loại tên lửa có điều khiển khác giống như bệ phóng VLS-41 của Mỹ.

Các hãng sản xuất tên lửa phòng không Israel cũng đang ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn mà thành tựu đáng kể nhất của họ là hệ thống Arrow có khả năng đồng thời đánh chặn đến 14 mục tiêu đường đạn có tầm bắn đến 1.000 km.

Mỹ tài trợ 70-80% cho chương trình này. Tham gia chương trình Arrow với công ty IAI của Israel, còn có hãng Lockheed của Mỹ. Từ tháng 2.2003, hãng Boeing trở thành nhà điều phối hoạt động thay mặt phía Mỹ. Boeing hiện sản xuất gần 50% linh kiện của tên lửa, gồm cả khối thiết bị, hệ thống động cơ và contenơ phóng.
 
Bệ phóng của hệ thống РАС-3
Các hãng Israel cũng tích cực tham gia thực hiện các chương trình phòng thủ tên lửa của Ấn Độ, nước đang phát triển hệ thống PAD-1 sử dụng tên lửa chống tên lửa Prithvi. Tên lửa này được thử nghiệm trong mấy năm nay.

Duy nhất trong các chương trình tên lửa phòng không của Ấn Độ đã hoàn thành là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Akash mà người ta phát triển từ năm 1983 theo đơn đặt hàng của Không quân Ấn Độ.

Một trong những xu hướng nổi bật trong lĩnh vực hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không mà hàng chục nước quan tâm là việc thay thế hệ thống Improved Hawk của Mỹ.

Ngoài hệ thống МЕАDS nêu trên, trong các phương án thay thế khác, người ta hay nhắc đến các hệ thống sử dụng tên lửa không-đối-không AIM-120 (AMRAAM).

Hệ thống đầu tiên trong số đó vào giữa thập kỷ 1990 là hệ thống NАSАМS của Nauy. Tuy vậy, chỉ vài năm trước thì việc nghiên cứu ráo riết hơn nhằm ứng dụng AMRAAM cho các hệ thống tên lửa phòng không khác nhau mới được bắt đầu (HAWK-AMRAAM, CLAWS, SL-АМRААМ).

Đồng thời, việc nghiên cứu-thiết kế nhằm cải tiến tên lửa này, kể cả làm cho nó có khả năng phóng từ nhiều loại bệ phóng cũng đang được tiến hành. Ngày 25.3.2009, trong khuôn khổ chương trình chế tạo bệ phóng tiêu chuẩn, đã tiến hành phóng thành công 2 tên lửa АМRААМ từ bệ phóng của hệ thống rocket phóng loạt HIMARS.

Người ta cũng đang nghiên cứu hiện đại hóa triệt để АМRААМ để tăng tầm bắn cho nó khi phóng từ mặt đất lên đến 40 km, tương đương tên lửa МIМ-23В của hệ thống Improved Hawk.

Đặc điểm của tên lửa có ký hiệu SL-АМRААМ ER này là sử dụng động cơ của tên lửa phòng không hạm tàu ЕSSМ (RIM-162), phần chiến đấu mạnh hơn, cũng như đầu tự dẫn radar chủ động có khả năng phối hợp hoạt động với các loại radar và hệ thống điều khiển lệnh khác nhau.

Giai đoạn đầu của chương trình này kết thúc ngày 29.5.2008 bằng việc phóng thử mẫu chế thử đầu tiên của tên lửa tại trường thử Andoja (Nauy) do Raytheon và các hãng Nauy là Kongsberg và Nammo tự tiến hành.

Theo các chuyên gia nước ngoài, trong tương lai, các nghiên cứu này có thể cho phép chế tạo một tên lửa phòng không có điều khiển tầm trung mới cho hệ thống phòng không mặt đất (có khả năng tương thích cả với hệ thống Patriot) và một tên lửa phòng không có điều khiển hạm tàu tương thích với hệ thống Aegis.
 
Bệ phóng tên lửa IRIS-T-SL
Nếu chương trình SL-АМRААМ ER thành công, nó có thể thu hút sự quan tâm lớn của các hãng đang phát triển hệ thống МЕАDS vì một trong các vấn đề khó khăn với họ là giá thành cao của tên lửa РАС-3.

Để giải quyết vấn đề, các hãng châu Âu đã đề xuất sử dụng các tên lửa khác cho МЕАDS, ví dụ như tên lửa hàng không IRIS-Т của hãng Diehl BGT Defence (Đức).

Hiện nay, người ta đang phát triển 2 biến thể của tên lửa này làm tên lửa phòng không có điều khiển phóng thẳng đứng là IRIS-T-SL có tầm bắn đến 30 km dành cho hệ thống МЕАDS và IRIS-T-SLS với tầm bắn hơn 10 km được đề xuất sử dụng cho các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn.

Tập đoàn MBDA của châu Âu và các công ty Rafael và IAI của Israel cũng tích cực xúc tiến các phương án sử dụng tên lửa hàng không làm tên lửa phòng không như MICA (MBDA) hệ thống tên lửa phòng không Spyder-SR với các tên lửa Python-5 và Derby (Rafael, IAI).

Tổ chức Phòng thủ tên lửa đường đạn BMDO (Mỹ) đang nghiên cứu vấn đề sử dụng các tên lửa triển khai trên mặt đất ТНААD và РАС-3 (ADVCAP-3) để lắp cho các máy bay F-15 để đánh chặn tên lửa đường đạn chiến thuật đang ở giai đoạn bay tích cực. Khái niệm tương tự đang được nghiên cứu để sử dụng để phóng tên lửa chống tên lửa KEI từ máy bay ném bom В-52Н.

Việc phát triển các hệ thống phòng không tầm gần và tầm ngắn chủ yếu đang đi theo hướng bổ sung cho chúng khả năng tiêu diệt vũ khí chính xác cao, cũng như đạn pháo và tên lửa tầm ngắn. Đồng thời, trong việc phát triển các hệ thống này cũng đang có sự trì trệ nhất định vốn là hậu quả của việc chiến tranh lạnh kết thúc, khi mà đa số các chương trình chế tạo các hệ thống phòng không này đã bị hủy bỏ hoặc đóng băng.

Một trong một số ít các mẫu hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn vốn đang được tiếp tục hoàn thiện là Crotal-NG của Pháp. Nước này đang thử tên lửa mới Мк.3 có tầm bắn đến 15 km, cũng như phóng thẳng đứng từ bệ phóng trên tàu Sylver cho hệ thống này.

Nền tảng của đa số các phương tiện phòng không lục quân tầm gần là các hệ thống sử dụng tên lửa của các hệ thống tên lửa phòng không vác vai. Ví dụ các hệ thống mang vác (ATLAS) và tự hành (ASPIC) đang dự kiến sử dụng các biến thể khác nhau của hệ thống tên lửa phòng không Mistral của Pháp.

Hệ thống RBS-70 của hãng Saab Bofors (Thụy Điển) trang bị hệ dẫn laser cũng đang được tiêu thụ mạnh. Biến thể Мк.2 của hệ thống tên lửa này có tầm bắn đến 7 km, còn nếu sử dụng tên lửa Bolide thì tầm bắn lên đến 9 km.

Từ năm 1988, Mỹ đã chế tạo hơn 1.500 hệ thống Avendger sử dụng tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger.

Hiện nay, Mỹ đang cải tiến để tăng gấp đôi hiệu quả tác chiến chống máy bay không người lái cho tên lửa Stinger nhờ lắp ngòi nổ cải tiến. Năm 2008, biến thể tên lửa này đã đánh chặn thành công 1 máy bay không người lái mini.
 
Tên lửa của hệ thống Arrow dùng để đánh chặn các mục tiêu đường đạn
Nằm trong số các dự án tiên tiến trong những năm tới có khả năng ảnh hưởng đến phân khúc thị trường này cần lưu ý đến hệ thống mặt đất tầm gần NG LeFla có tầm bắn đến 10 km và sử dụng tên lửa lắp đầu tự dẫn hồng ngoại. Dự án này được hãng LFK (MBDA Deutschland) thực hiện theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng CHLB Đức. Hệ thống tên lửa phòng không này được cho là có mọi cơ hội thay thế Stinger trong quân đội Đức và nhiều nước châu Âu khác.

Việc hoàn thiện các phương tiện phòng không hạm tàu ở mức độ đáng kể định hướng vào các kịch bản hiện tại sử dụng chiến đấu các hạm tàu vốn ít nhiều liên quan đến hoạt động tác chiến của các tàu này ở vùng ven biển. Trong số các công trình nghiên cứu đó cần chú ý đến tên lửa SM-6 được phát triển theo hợp đồng trị giá 440 triệu USD do Hải quân Mỹ ký với hãng Raytheon vào mùa thu năm 2004.

Trong thành phần của SM-6 dự kiến sử dụng hệ thống động cơ của tên lửa SM-2 Block IVA và đầu tự dẫn chủ động. Theo thông tin của Raytheon, các nhà thiết kế SM-6 tập trung vào việc đạt tầm bắn trên 350 km cho tên lửa, yếu tố này cho phép bảo vệ không chỉ hạm tàu mà cả các khu vực ven biển chống lại các cuộc tiến công của máy bay và tên lửa hành trình tiên tiến, cũng như đánh chặn tên lửa đường đạn chiến thuật. SM-6 được phóng lần đầu vào tháng 6.2008 và kết thúc bằng việc chặn đánh bia bay BQM-74.

Dần dần giành được vị trí áp đảo trong các phương tiện phòng không hạm tàu tầm trung là tên lửa ESSM (RIM-162) do một công-xooc-xi-om của các công ty thuộc 10 quốc gia phát triển để thay thế cho tên lửa phòng không có điều khiển đã có thâm niên phục vụ mấy chục năm Sea Sparrow. Tên lửa mới có thể phóng từ bệ phóng quay lẫn bệ phóng thẳng đứng.

Tên lửa tầm ngắn phóng thẳng đứng Barak đã trở thành một trong những sản phẩm thành công nhất thập kỷ gần đây của Israel và được nhận vào trang bị hải quân nhiều nước châu Á và Nam Mỹ. Bước phát triển tiếp theo của tên lửa này có thể là dự án hợp tác Israel-Ấn Độ phát triển tên lửa Barak-8 tầm bắn đến 70 km.

Trong quá trình nâng cấp một tên lửa phòng không hạm tàu tầm ngắn phổ dụng khác là RAM, hãng Raytheon đã bổ sung cho tên lửa này khả năng tác chiến chống mục tiêu mặt biển.

Tóm lại, có thể tính đa hướng trong việc hoàn thiện các tên lửa phòng không hiện đại. Các nhà thiết kế cố gắng tạo ra các phương tiện đánh chặn mục tiêu khí động và đường đạn nhỏ gọn, cao tốc và tầm xa. Ta cũng quan sát thấy xu hưỡng vạn năng hóa hàng loạt phương tiện phòng không, song đó là ngoại lệ hơn là quy luật.

  • Nguồn: Vladimir Nikolayevich Korovin, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dân sự // Oborona, 2009.
Nam Xương