In bài này
Mỹ xác lập lại vị thế ở Đông Nam Á
Thứ Năm, 05/08/2010 - 3:20 AM
Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mới đây được xem là tín hiệu về sự quan tâm trở lại của Mỹ với khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Mặc dù cuộc chiến Iraq và Afghanistan cũng như việc sao nhãng khu vực chiến lược quan trọng Đông Á lâu nay khiến Hoa Kỳ yếu đi phần nào. Nhưng hai động thái gần đây của Washington - cùng Hải quân Hàn Quốc tập trận chung trên biển và thực hiện nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do ở Biển Đông - đã thể hiện sự tái quan tâm và quan ngại mới về những lợi ích của Mỹ ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Cả hai hành động của Mỹ nói chung được hoan nghênh trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc.

Cuộc tập trận chung của Mỹ với Hàn Quốc nhắc nhở Trung Quốc về ưu thế vượt trội về hải quân mà Mỹ và các đồng minh thiết lập trong khu vực. Trong khi đó, tại một cuộc gặp tháng trước của diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội với sự tham dự của ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á cùng Mỹ, Trung Quốc và các quan chức khác, vấn đề Biển Đông đã trở lại trên bàn làm việc để được đem thảo luận ở các cuộc họp quốc tế.

Điều này khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc luôn muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng hình thức song phương giữa họ và những quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này. Đồng thời, Bắc Kinh không quên tái khẳng định chủ quyền của họ với vùng biển và đảo ở Biển Đông là không thể tranh cãi.

Cuộc tập trận chung của Mỹ với Hàn Quốc nhắc nhở Trung Quốc về ưu thế vượt trội về hải quân mà Mỹ và các đồng minh thiết lập trong khu vực


Tất nhiên, Bắc Kinh không thích sự can thiệp vào khu vực của một cường quốc xa xôi như Mỹ. Sự mở rộng quân sự của Trung Quốc, gia tăng áp lực với các nước láng giềng ở Biển Đông đã làm không khí quan ngại gia tăng. Giờ đây, phần lớn các nước trong khu vực ngày một chú tâm và lo lắng hơn về tham vọng bá chủ của Trung Quốc hơn là cách hành xử của Mỹ. Cuối cùng, rất nhiều người tin rằng, Bắc Kinh có mục tiêu xây dựng một "học thuyết Monroe" của riêng mình đã loại trừ các cường quốc không trong khu vực từ Đông Á.

Không phải tất cả nhà quan sát đều nhất trí rằng, Washington và Seoul đã khôn ngoan trong việc phản ứng vụ việc chìm tàu chiến Cheonan bằng một cuộc trình diễn lực lượng. Mỹ và Hàn Quốc đổ lỗi cho CHDCND Triều Tiên gây ra vụ chìm tàu. Nhưng Bình Nhưỡng đã mạnh mẽ bác bỏ. Hiện tại ở Hàn Quốc tồn tại các quan điểm khác nhau về cách giải quyết với Bình Nhưỡng: hoặc cứng rắng hơn, cấm vận nhiều hơn, hoặc phớt lờ các hành động gây hấn của Triều Tiên...

Cuộc tập trận chung đã chọc giận Trung Quốc và làm gia tăng các cam kết của nước này đối với Bình Nhưỡng. Và sự ủng hộ của Bắc Kinh với Triều Tiên sau vụ chìm tàu Cheonan (xuất hiện trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa) đã làm rất nhiều người Hàn Quốc thận trọng thêm về Trung Quốc. Quan hệ hai bên đang ấm lại nguội dần và rất nhiều người Hàn Quốc giờ đây lại lo lắng về việc có thể phụ thuộc quá nhiều vào thương mại Trung Quốc.

Ủng hộ Bình Nhưỡng cũng làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc tại Đông Nam Á, nơi nhiều nguồn vốn có quan hệ gần gũi với Seoul.

Nước Mỹ, với tuyên bố tại Hà Nội rằng, họ có lợi ích trong tự do hàng hải ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, đã tự đặt mình cùng Philippines, Malaysia cùng nhiều quốc gia khác liên quan. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở hầu hết các đảo, tài nguyên và quyền hàng hải ở Biển Đông. Họ đi theo "phiên bản" lịch sử coi mình là trung tâm và phớt lờ thực tế rằng, những thủy thủ Malay - tổ tiên của người Malaysia, Indonesia, Philippines... hiện đại mới chiếm vị trí nổi trội về thương mại ở vùng biển này nhiều thế kỷ trước người Trung Quốc.

Việt Nam gần đây đã thể hiện sự quả quyết hơn trong tranh luận với láng giềng, tăng cường phòng thủ các đảo và đặt mua 6 tàu ngầm từ Nga. Cách giải quyết của Mỹ và Việt Nam giờ đây đã khiến cho những nước liên quan sẵn sàng ủng hộ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Cuộc gặp tại Hà Nội đã đem Biển Đông trở lại tâm điểm chú ý của thế giới và nhắc nhở Nhật Bản, Nga cùng các quốc gia khác rằng, không ai "hứng thú" gì khi chứng kiến Bắc Kinh kiểm soát khu vực chiến lược quan trọng Biển Đông.

Học thuyết Monroe

Học thuyết Monroe là một trong số ít học thuyết mang tên tổng thống Mỹ gồm những tuyên bố về nền tảng của chính sách đối ngoại. Người ta chỉ đếm được hai (nhiều nhất là ba) học thuyết trong lịch sử 225 năm của nước Mỹ. Đó là học thuyết Monroe (1823) với mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của châu Âu đối với tây bán cầu; là học thuyết Truman (1947) với mục tiêu ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu thông qua chương trình trợ giúp kinh tế có tên gọi "Kế hoạch Marshall".

  • Nguồn: Thụy Phương (Theo NYT) // VNN, 5.8.2010.
PHILIP BOWRING