In bài này
Tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Virginia
Thứ Ba, 03/08/2010 - 9:48 AM
Virginia (còn gọi là lớp SSN-774) là lớp tàu ngầm tiến công đa năng thế hệ mới, sử dụng động lực hạt nhân, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: chống ngầm, chống tàu nổi, yểm trợ cho lực lượng đặc biệt, giám sát, trinh sát và tác chiến thủy lôi.

Mặc dù trước đó tàu ngầm lớp Seawolf được phát triển để thay thế cho các tàu ngầm lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ, nhưng do những yêu cầu về thay đổi chiến lược và hạn chế về tài chính, Mỹ phải chuyển hướng sang chế tạo các tàu ngầm tiến công thế hệ mới cỡ nhỏ hơn. Theo yêu cầu của nhiệm vụ tác chiến trước mắt và lâu dài, Hải quân Mỹ cần tới 30 tàu ngầm lớp Virginia.

"Gia đình" Virginia

Để nâng cao khả năng chiến đấu, Hải quân Mỹ dự kiến đóng 30 tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia. Tàu ngầm đầu tiên của lớp Virginie là USS Virginia (SSN-774) do công ty Electric Boat thuộc tập đoàn General Dynamics, có trụ sở tại bang Connecticut thiết kế và đóng với tổng chi phí lên tới 2,5 tỷ USD. Chiếc thứ hai - USS Texas (SSN 775) do công ty Newport News thuộc tập đoàn Northrop Grumman đóng.

Tiếp đó, công ty Newport News đã đóng các tàu mới thuộc lớp Virginia gồm: USS North Carolina (SSN-777), USS New Mexico (SSN-779), USS California (SSN-781), USS Minnesota (SSN-783) và USS North Dakota (SSN-784).

Các tàu USS Hawaii (SSN-776), USS New Hampshire (SSN-778), USS Missouri (SSN-780), USS Mississippi (SSN-782) và USS John Warner (SSN-785) do Electric Boat đóng.

Các tàu ngầm lớp Virginia hiện được đóng theo 3 biến thể:

  • Block I gồm 4 tàu USS Virginia (SSN-774), USS Texas (SSN-775), USS Hawaii (SSN-776), USS North Carolina (SSN-777).
  • Block II gồm 6 tàu: USS New Hampshire (SSN-778), USS New Mexico (SSN-779), USS Missouri (SSN-780), USS California (SSN-781), USS Mississippi (SSN-782), USS Minnesota (SSN-783).
  • Block III dự kiến gồm 8 tàu từ SSN-784 đến SSN-791, trong đó có USS North Dakota (SSN-784), USS John Warner (SSN-785).

Tuy không phải tàu ngầm hiện đại và mạnh nhất,
nhưng lớp Virginia chiếm số đông trong lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ

Các tàu ngầm tiến công hạt nhân lớp Virginia:

  • USS Virginia (SSN-774), tàu đầu tiên của lớp Virginia, được hạ thủy tháng 8.2003 và đi vào hoạt động từ tháng 10.2004. Sau 3 năm chạy thử, tàu đã được chính thức đưa vào biên chế Hải quân Mỹ;
  • USS Texas (SSN-775), chiếc thứ hai của lớp Virginia, hạ thủy tháng 4.2005, chuyển giao tháng 6.2006 và đi vào hoạt động tháng 9.2006. Dự kiến, USS Texas cũng sẽ được bổ sung tới căn cứ tàu ngầm ở Trân Châu Cảng;
  • USS Hawaii (SSN-776) bắt đầu khởi công từ tháng 8.2004, hạ thủy tháng 6.2006, đi vào hoạt động tháng 5/2007, hiện được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương và đã đến Trân Châu Cảng thuộc quần đảo Hawaii ngày 23.7.2009. Hiện nay, tại căn cứ tàu ngầm Trân Châu Cảng, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ được biên chế 16 chiếc tàu ngầm loại cũ thuộc lớp Los Angeles. USS Hawaii sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh của hạm đội này.
  • USS North Carolina (SSN-777) hạ thủy tháng 5.2007, chuyển giao tháng 12.2007 và đi vào hoạt động tháng 5.2008;
  • USS New Hampshire (SSN-778) hạ thủy tháng 2.2008 và đi vào hoạt động tháng 10.2008;
  • USS New Mexico (SSN-779) khởi công tháng 4.2008, hạ thủy tháng 12.2008, bàn giao ngày 29.12.2009, đưa vào hoạt động ngày 27.3.2010;
  • Tàu USS Missouri (SSN 780) bắt đầu đóng tháng 9.2008, bàn giao cho Hải quân Mỹ ngày 31.7.2010.
  • USS Minnesota (SSN-783), dự kiến chuyển giao năm 2014.
  • USS North Dakota (SSN-784), dự kiến chuyển giao năm 2014.
  • USS John Warner (SSN-785), dự kiến chuyển giao năm 2015.

Tàu ngầm USS Texas (SSN-775)

Thiết kế kỹ thuật

Các chuyên gia kỹ thuật và thiết kế thuộc công ty Electric Boat đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Các hệ thống hải quân của Hải quân Mỹ sử dụng các thiết bị mô phỏng CAD/CAE để thiết kế kết cấu cho các tàu. Về kích thước, tàu ngầm có chiều dài 114,9m, tháp chỉ huy cao 10,3m, lượng giãn nước khi lặn 7.800 tấn.

Cấu tạo tàu ngầm lớp Virginia

Tàu có nút để điều khiển hệ thống bánh lái và thiết bị lặn, sử dụng cần lái theo cấu trúc của trục đôi, ứng dụng các thiết bị giảm ồn tiên tiến như: sử dụng vỏ bọc chống tiếng vọng, gia cố chắc chắn các cấu trúc trên khoang và được trang bị hệ thống chân vịt hiện đại. Nhờ đó, tàu ngầm lớp Virginia có độ ồn nhỏ hơn nhiều so với các tàu ngầm tấn công thế hệ thứ tư và tàu ngầm lớp Akula của Hải quân Nga.

Tàu được trang bị 1 lò phản ứng hạt nhân GE PWR S9G chuyên dụng cho tàu ngầm, 2 động cơ turbine hơi nước loại bơm hơi phản lực 29,84 MW. Tốc độ chạy ngầm của tàu lên tới 25 hải lý/h.

Hệ thống chỉ huy

Toàn bộ kết cấu của hệ thống chỉ huy và kiểm soát trên tàu do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế và chế tạo.

Hệ thống này được tích hợp với toàn bộ các hệ thống khác của tàu như: các hệ thống cảm biến, hệ thống phóng vũ khí, hoa tiêu, hệ thống điều khiển hỏa lực và tùy thuộc vào cấu trúc mở để tích hợp với hệ thống bảng chỉ thị điện tử Q-70.

Hệ thống điều khiển hỏa lực do tập đoàn Raytheon thiết kế và chế tạo bao gồm một hệ thống tác chiến CCS MK-2, hệ thống chỉ huy tác chiến AN/BYG-1.

Ngoài ra, tàu được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh đa băng tần, cho phép cùng lúc liên lạc có thể liên lạc ở các tần số siêu cao SHF và EHF.

Hệ thống vũ khí

Tàu ngầm lớp Virginia được trang bị 12 ống phóng tên lửa thẳng đứng, 4 ống lôi cỡ 533 mm, mang theo 16 tên lửa hành trình Tomahawk, 26 ngư lôi hạng nặng Mk-48 ADCAP mod 6 và các tên lửa chống hạm nổi Harpoon. Ngư lôi và tên lửa chống hạm đều có thể phóng từ ống phóng 21 inch; còn tên lửa Tomahawk được phóng từ ống phóng thẳng đứng. Ngoài ra. các tàu thuộc lớp Virginia này cũng được trang bị thêm các ngư lôi Mk-60 CAPTOR.

USS New Mexico (SSN-779) tại xưởng đóng tàu trước khi hạ thủy

Các tàu ngầm thuộc lớp này còn có khả năng đặc biệt khác là có thể yểm trợ cho các hoạt động tác chiến đặc nhiệm như: thả và đón các toán người nhái; phái đi và nhận về các tàu ngầm mini; thả các toán biệt kích, các đơn vị trinh sát hải quân làm nhiệm vụ chống khủng bố và yểm trợ cho các hoạt động tác chiến trên biển.

Hệ thống cảm biến

Các tàu lớp Virginia được trang bị hệ thống sonar gồm: thiết bị quét mạng chủ động và thụ động, các mạng quét chủ động sóng ngắn được lắp đặt bên sườn và sống tàu; thiết bị sonar TB 16, TB-29A của Lockheed Martin và hệ thống xử lý AN/BQQ-10(V4); hệ thống radar dẫn đường Sperry Marine AN/BPS-16(V)4.

Tàu cũng được trang bị 2 tàu ngầm không người lái có chiều dài 6 m do hãng Boeing sản xuất để dò tìm thủy lôi tầm xa, robot hỗ trợ điện tử và trinh sát dài 18 m.

  • Nguồn: Quang Minh // Đat Viet, 29.9.2009; Armstrade, 2.8.2010.