In bài này
Biển Đông với mối quan hệ Mỹ - Trung
Thứ Năm, 29/07/2010 - 11:50 AM
Trường Sa từ lâu được những người đi biển biết đến với cái tên "vùng biển dữ" với nhiều dải đá ngầm và khu vực Biển Đông cũng đang trở nên nguy hiểm cho các hoạt động ngoại giao.

Do những xung đột trong tuyên bố chủ quyền, Biển Đông đã trở thành tâm điểm của các mối quan ngại giữa Trung Quốc, Đông Nam Á và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bày tỏ "lợi ích quốc gia" của Mỹ ở khu vực này trong chuyến thăm Hà Nội mới đây của bà.

Nhưng Biển Đông và quần đảo Trường Sa nói riêng không có vẻ là điểm lõi của sự chú ý. Nguyên do là khu vực này có sự chồng lấn về các tuyên bố chủ quyền và không có dân bản địa và cũng không có nguồn lực đáng kể dưới lòng đất. Trữ lượng dầu và khí ở khu vực này vẫn còn đợi để chứng minh và bất kể trong trường hợp nào thì các bên cũng sẽ gặp thách thức về công nghệ và hậu cần để có thể sản xuất dầu khí ở khu vực này.

Bất cứ nước nào, dù là Mỹ hay Trung Quốc, nếu có tham vọng chiếm giữ quần đảo Trường Sa bằng vũ lực, thì họ cũng sẽ gặp khó khăn để phát triển với các đường cung cấp dễ bị tổn thương và chi phí khổng lồ cho các mối quan hệ khu vực.

Bất kì nước nào sử dụng các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để cản trở việc qua lại không gây hại của thương mại quốc tế thì cũng sẽ vi phạm luật quốc tế. Cách tiếp cận hợp lý duy nhất để phát triển là cách thức đã được chỉ ra trong Tuyên bố về Ứng xử tại Biển Đông năm 2002: hợp tác hòa bình.

Vậy vì sao tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ngày càng trở nên gay gắt hơn kể từ năm 2008 và tại sao Mỹ lại gia tăng mối quan tâm đối với khu vực đang tranh cãi này?

Ảnh Lê Anh Dũng

Câu trả lời không nằm ở chi tiết của cuộc xung đột, mà nằm ở bức tranh lớn hơn của các mối quan hệ khu vực và toàn cầu kể từ khi khủng hoảng toàn cầu với sự bất định kinh tế bắt đầu.

"Sự trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc đã thực sự mạnh mẽ vào thời điểm năm 2008, nhưng với cuộc khủng hoảng, nền kinh tế Trung Quốc tạo được bước nhảy mới, cao hơn, một cách hòa bình. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống còn 8,7% vào năm 2009 nhưng đó là sự trình diễn tốt hơn nhiều so với rất nhiều nền kinh tế khác trong khủng hoảng, và khoản dự trữ tiền mặt khổng lồ giúp cho nước này có khả năng tiến hành gói kích thích kinh tế trong nước khổng lồ song song với việc mua các tài nguyên thiên nhiên ở nước ngoài trên quy mô lớn. Hơn nữa, viễn cảnh của sự tăng trưởng tiếp theo vẫn rõ ràng hơn cho Trung Quốc nếu so với bất kì nền kinh tế lớn mạnh nào khác.

Biển Đông không đóng vai gì trong sự thịnh vượng của Trung Quốc cũng như trong những khó khăn mà các quốc gia khác phải đối mặt. Tuy nhiên, bước nhảy mà Trung Quốc đạt được mang lại hai hiệu ứng. Một là, nó là gia tăng khoảng cách kinh tế giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giếng Đông Nam Á, khiến cho các nước cảm thấy bị đặt vào thế nguy hiểm và dễ bị tổn thương trước Trung Quốc. Hai là, cùng lúc đó, nó giúp rút ngắn khoảng cách kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, khiến cho Mỹ lo lắng nhiều hơn về việc Trung Quốc trở thành đối thủ và người thách thức tiềm năng.

Hai thay đổi này trong vị thế kinh tế tương đối của Trung Quốc cũng ảnh hưởng mạnh mẽ lên quan hệ chính trị, quân sự của nước này.

Sở hữu một mối quan hệ bất đối xứng với Trung Quốc không phải là điều gì mới mẻ với Đông Nam Á. Các mối quan hệ này dựa trên nền tảng là quan hệ triều cống mang tính lịch sử và kể từ 1990 một mối quan hệ hiện đại đã được phát triển, dù bất đối xứng nhưng mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Cả Trung Quốc và Đông Nam Á đã quản lý tốt mối quan hệ mới này. Trung Quốc cũng đã có nhiều điều chỉnh để xây dựng khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, và Đông Nam Á đã cẩn trọng với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và sẵn lòng can dự với Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị.

Tuy nhiên, kể từ năm 2008, Trung Quốc càng trở nên thu hút hơn bởi vì Trung Quốc giúp cân bằng tính dễ bị tổn thương của Đông Nam Á trước nền kinh tế toàn cầu mà trung tâm là Mỹ, và Trung Quốc hiện lên như một thực thể mạnh trong khi kinh tế toàn cầu lại gặp rắc rối.

Đông Nam Á thích thú với một Trung Quốc ở tầm khu vực với tư cách là láng giềng tốt, và khu vực này cũng lo lắng về khả năng trở thành sân sau của một Trung Quốc ở tầm toàn cầu.

Trong khi đó, các hoạt động ngoại giao của chính Trung Quốc lại không làm dịu đi những lo lắng. Trung Quốc đã quản lý hiệu quả và cẩn trọng các vấn đề cũng như nguồn lực của mình trong thập kỉ qua. Lúc này, sai lầm của quốc gia khác, nhất là Mỹ đã chứng tỏ sự khôn ngoan trong chính sách trước đây của Trung Quốc.

Sự cẩn trọng và nhún mình sau thời điểm 1989 mà Đặng Tiểu Bình khuyến nghị đang mang lại một thái độ tự hào và quyết đoán hơn. Tuyên bố Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" là một ví dụ quan trọng về thái độ mới này.

Ảnh Lê Anh Dũng
Hơn nữa, dự trữ của Trung Quốc trao cho nước này cơ hội đầu tư chưa từng có vào các nước Đông Nam Á. Dưới góc nhìn của Trung Quốc, các dự án này là cùng thắng và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Điều này không hẳn là không đúng nhưng mối lo ngại và tính dễ bị tổn thương gia tăng của các nước láng giềng khiến họ không sẵn lòng cam kết nhiều hơn về các nguồn lực của mình.

Điều mỉa mai là bởi vì Trung Quốc có nhiều điều để chào mời hơn, các đối tác của nước này càng ít sẵn lòng để chấp thuận những chào mới đó.

Sự khác biệt giữa lợi ích của các nước Đông Nam Á và các nước Trung Quốc được thể hiện rõ trong vấn đề Biển Đông và các đảo, quần đảo.

Biển Đông là không gian chung (common space) được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và căn cứ hải quân mới Yulin ở đảo Hải Nam đưa lại cho Trung Quốc khả năng tiếp cận quân sự để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền đó.

Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang trong tranh chấp và mỗi bên tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả Trung Quốc, đều sử dụng cụm từ "lãnh thổ bất khả xâm phạm" để mô tả tuyên bố chủ quyền và khẳng định rằng tuyên bố của bên còn lại là "hoàn toàn không có cơ sở". Những ngôn từ mang tính dân tộc chủ nghĩa này đã loại trừ khả năng thỏa hiệp về nguyên tắc và hàm ý về sự sẵn sàng sử dụng phương cách vũ lực bất chấp Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông năm 2002.

Sự không sẵn lòng của Trung Quốc trong việc đưa DOC trở thành một thỏa thuận mang tính ràng buộc cao hơn làm gia tăng mối nghi ngờ do những tuyên bố của nước này tạo ra.

Với việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh nhanh chóng, rất dễ dàng để Biển Đông trở thành điểm nóng xung đột, bất chấp việc sẽ không có gì nhiều để gặt hái từ xung đột ấy và gần đây không có khủng hoảng nào đáng kể ở khu vực này.

Mỹ không có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông và cũng chưa bao giờ ủng hộ một bên nào trong các nước tuyên bố chủ quyền để chống lại nước kia. Vậy điều gì đã khiến Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ lợi ích mới được tái lập ở đây?

Có hai nguyên do và cả hai đều gắn với sự thay đổi một cách tương đối vị thế và viễn cảnh của Trung Quốc kể từ năm 2008. Nguyên do trước hết và quan trọng nhất là năng lực của Trung Quốc đang tiến tới quá gần Mỹ. Trung Quốc không thể thách thức vai trò của Mỹ với tư cách một siêu cường, nhưng Trung Quốc đang trở thành hùng mạnh đủ để siêu cường Mỹ không thể thực hiện những gì họ muốn ở châu Á.

Quy mô sức mạnh quân sự là điều rõ ràng nhất. Những tàu ngầm, tên lửa mới khiến cho việc can thiệp của Mỹ ở eo biển Đài Loan trở nên quá đắt đỏ, và căn cứ quân sự Yulin mở rộng năng lực của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mức độ nợ và thương mại cũng là vấn đề. Mỹ buộc phải đối xử với Trung Quốc một cách tôn trọng nếu không nước này sẽ phải đối mặt với khám phá không mấy vui vẻ về sự hạn chế trong sức mạnh Mỹ.

Nguyên nhân thứ hai lí giải mối quan tâm của Mỹ là từ sự lo lắng về Đông Nam Á vốn là nơi cung cấp cơ hội cho Mỹ gia tăng thanh thế ở khu vực với chi phí rẻ và rủi ro thấp nhằm đóng vai trò toàn cầu là người canh giữ hòa bình. Mỹ có thể biện hộ bằng sự hiện diện hải quân ở Tây Thái Bình Dương.

Có vẻ như khó có thể có xung đột tại Biển Đông, Mỹ có thể dễ dàng đóng vai trò là một người bạn đầy sức mạnh của khu vực. Cái giá duy nhất phải trả là điều này sẽ chọc giận Trung Quốc.

Việc này sẽ không tạo nên sự thù địch với Trung Quốc bởi vì Mỹ không ủng hộ một bên tuyên bố chủ quyền nào và trên thực tế, Mỹ chỉ đề nghị về hợp tác hòa bình.  Nhưng sự cọ xát giữa siêu cường mang tính phòng thủ và cường quốc khu vực là rất rõ ràng.

Cùng với việc Ngoại trưởng Clinton rời Đông Nam Á, sự chú ý của Mỹ cũng rời đi với bà. Nước Mỹ sẽ trở lại với mối lo trong nước như sự cố tràn dầu, cuộc bầu cử nghị viện sắp tới và tới các vấn đề ở Iraq, Afghanistan và Pakistan. Nhưng các vấn đề thể hiện tập trung ở Biển Đông vẫn còn đó. Đông Nam Á phải làm gì để tiếp tục thích ứng với sự tăng trưởng của Trung Quốc? Liệu Trung Quốc có tự điều chỉnh nền ngoại giao của mình để giảm thiểu mối lo của các đối tác? Mối quan ngại khu vực Đông Nam Á sẽ gắn kết thế nào với những mối quan ngại và căng thẳng toàn cầu?

Ngay cả khi vấn đề hợp tác hòa bình ở Biển Đông được giải quyết, những thách thức lớn hơn về việc quản lý mối quan hệ bất đối xứng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng vẫn còn nguyên vẹn.

  • Nguồn: Brantly Womack, GS Chính trị học, ĐH Virginia, Mỹ // VNN, 29.7.10.
Brantly Womack