In bài này
Mối đe dọa của tên lửa đường đạn chống hạm DF-21C của Trung Quốc
Thứ Ba, 13/07/2010 - 3:50 AM
Gần đây, Lầu Năm góc nêu lên ngày càng nhiều vấn đề cần phải tìm ra các biện pháp tương xứng để đối phó với sức mạnh gia tăng nhanh chóng của quân đội Trung Quốc.

Mới đây, lý do mới để Washington “quan ngại” và tạo ra vòng xoáy thảo thuận mới tại thủ độ Mỹ là việc chế tạo cho hải quân Trung Quốc một loại tên lửa đường đạn không phải dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên bờ ở tầm xa mà để đối phó với các tàu nổi cỡ lớn, các binh đoàn tàu chiến và các đoàn tàu vận tải.

Hiển nhiên là Mỹ nhìn thấy ở loại vũ khí mới mối đe dọa trực tiếp đối với các tàu sân bay và các cụm tàu sân bay xung kích của họ, bởi lẽ hạm đội Trung Quốc không có đối thủ “mặt nước” hiện nay cũng như trong tương lai gần.

Thông tin nghèo nàn

Cái làm các vị đô đốc Mỹ cực kỳ lo lắng là tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM) của Trung Quốc DF-21C (CSS-5 Mod 3, một số nguồn nêu tên khác là DF-21D). Theo các nguồn khác nhau, tên lửa này hoặc là đã được chế tạo và đang chuẩn bị cho gai đoạn thử nghiệm bay và các thử nghiệm khác, hoặc là còn đang ở giaii đoạn phát triển cuối cùng.

Các nhà phân tích Hải quân Mỹ đã cảnh báo Bộ Chỉ huy Hải quân Mỹ và giới lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ về khả năng Trung Quốc sở hữu tên lửa này từ năm 2004 - trong một bản báo cáo được soạn thảo hồi đó có tiêu đề “Những thách thức trong lĩnh vực hải quân”.

Trong tài liệu này, có nêu: “Trung Quốc có ý định bảo đảm cho mình khả năng tiêu diệt các tàu mặt nước, kể cả các cụm tàu sân bay xung kích, tại các vùng biển xung quanh Đài Loan bằng cách sử dụng các tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật phi hạt nhân”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ASBM dùng để trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động, còn việc bảo đảm cho các tên lửa đường đạn có được các phẩm chất của tên lửa chống hạm có thể thực hiện bằng cách thay thế phần chiến đấu trên mẫu tên lửa đường đạn cơ sở bằng phần chiến đấu có khả năng cơ động được trang bị hệ tự dẫn radar và/hoặc hồng ngoại.

Chưa rõ là nền khoa học và tổ hợp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc ở giai đoạn hiện tại có khả năng phát triển một sản phẩm như vậy không, song cần lưu ý: nếu như tên lửa sẽ được trang bị đầu đạn thông thường chứ không phải hạt nhân thì chỉ có đầu tự dẫn radar và/hoặc hồng ngoại mới có thể bảo đảm hiệu quả chiến đấu cao chống mục tiêu mặt nước cơ động cho tên lửa. Ngược lại thì không bõ công.

Lượng thông tin về tên lửa chống hạm DF-21C hiện còn rất nghèo nàn, chỉ biết rằng, tên lửa đường đạn mặt đất DF-21, biến thể đầu tiên của nó bắt đầu được phát triển từ thập niên 1960 và chỉ hoàn thành vào giữa thập niên 1980, được chọn làm cơ sở để chế tạo ASBM.

Đến nay, theo các nguồn tin khác nhau, quân đội Trung Quốc đã nhận vào trang bị khoảng 60-80 tên lửa và gần 60 bệ phóng cơ động. Tên lửa có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân.

ASBM của Trung Quốc là tên lửa 2 tầng nhiên liệu rắn, trọng lượng phóng dư đoán gần 15 tấn, tầm bắn gần 1.200-2.000 km (theo một số nguồn, tầm bắn thậm chí lên tới 2.500 km). DF-21C được trang bị đầu đạn xuyên nặng 500 kg và có khả năng sử dụng thông tin chỉ thị mục tiêu từ các nguồn bên ngoài mà theo giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc thì nguồn ưu tiên là các trạm radar ngoài đường chân trời triển khai trên bờ, cho phép phát hiện và phân loại chính xác các tàu mặt nước cỡ lớn ở cự ly đến 3.000 km tính từ đường bờ biển. Sai số vòng tròn xác suất là khoảng 10 m, nên bảo đảm chắc chắn bắn trúng vào mục tiêu như tàu sân bay nguyên tử của Mỹ.

Lầu Năm góc khẳng định Trung Quốc đã tiến hành vụ thử nghiệm đầu tiên ASBM vào năm 2005.


Người tiên phong - tên lửa đường đạn chống tàu sân bay R-27K của Liên Xô

Các nhà phân tích Mỹ cũng như báo chí chính trị và chuyên ngành nước ngoài nói rằng, Trung Quốc đã lần đầu tiên chế tạo được tên lửa đường đạn chống hạm. Điều đó được miêu tả như một bằng chứng rõ ràng mới cho thấy những thành tựu của Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học và công nghiệp, khả năng của các nhà khoa học, công trình sư, kỹ sư Trung Quốc “tìm tòi những phương pháp và phương tiện phi truyền thống đối phó với sức mạnh quân sự phương Tây”.

Song họ quên mất rằng, tên lửa đường đạn chống hạm đầu tiên có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt nước cỡ lớn và các binh đoàn tàu chiến đã được Liên Xô phát triển từ những năm 1960-1970. Đó là tên lửa đường đạn R-27К thuộc thành phần hệ thống tên lửa phóng từ tàu ngầm D-5.

Nghị quyết số 386-179 ngày 24.4.1962 của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đưa ra quyết định chế tạo tên lửa này. D-5 dự định trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử Projekt 667А và các tàu ngầm nguyên tử tiên tiến Projekt 705B (Projekt 705B sau được đổi thành Projekt 687, nhưng không được thực hiện).

Cơ quan phụ trách chính phát triển tên lửa và hệ thống nói chung là SKB-385 do V.P. Makeyev lãnh đạo.

Đặc điểm của hệ thống tên lửa mới là tính đa năng. Phương tiện chiến đấu của hệ thống mà các công trình sư Nga phải phát triển không chỉ là tên lửa đường đạn tấn công mặt đất (R-27), mà cả tên lửa đường đạn R-27К trang bị hệ tự dẫn radar thụ động và dùng để tiêu diệt có lựa chọn các mục tiêu mặt nước của đối phương như “đội hình tàu sân bay”, “đoàn tàu vận tải” hay “binh đoàn tàu chiến”.

Ngoài ra, các tên lửa mới phải được nạp tại nhà máy các thành phần nhiên liệu có thể cất trữ lâu là AT (tetroxide nitơ) và UDMH (Unsymmetrical dimethylhydrazine), rồi được làm kín trong am-pul cách ly trên tên lửa đường đạn. Điều đó đã cho phép tăng cơ bản thời hạn cất trữ tên lửa trên phương tiện mang, trong các hầm phóng tên lửa, cũng như góp phần cải thiện các tính năng khai thác của tên lửa.

R-27 là tên lửa đường đạn 1 tầng nhiên liệu lỏng với phần chiến đấu đơn khối kiểu tách, có vỏ làm kín hàn toàn phần bằng hợp kim nhôm-magiê và trọng lượng gần 6.500 kg.

Tên lửa lần đầu tiên được trang bị hệ dẫn quán tính mà các phần tử nhạy cảm của nó được lắp trên một bệ ổn định bằng con quay. Không tồn tại khoang thiết bị như một thành phần độc lập của thiết kế mà máy móc của hệ thống điều khiển và dẫn nằm trong không gian làm kín tạo ra bởi đáy trên hình bán cầu của thùng chứa chất oxy hóa.

Động gồm 2 khối: khối chính và khối lái. Khối chính có lực đẩy 23 tấn được đặt chìm trong thùng chứa nhiên liệu, trên đáy dưới của nó có lắp khối lái có lực đẩy 3 tấn.

Ngày 13.3.1968, hệ thống tên lửa D-5 với tên lửa đường đạn R-27 được nhận vào trang bị Hải quân Liên Xô. Hệ thống tên lửa này chỉ được trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử lớp Projekt 667А vốn được đặt biệt danh “Vanya Washington” vì nó rất giống với các tàu ngầm mang tên lửa George Washington xuất hiện trước đó trong Hải quân Mỹ.

Được chế tạo dựa trên tên lửa R-27, tên lửa đường đạn chống hạm 2 tầng R-27K (SS-NX-13) có trọng lượng phóng gần 13,25 tấn, chiều dài 9 m, đường kính 1,5 m (các thông số kích thước tương tự tên lửa cơ sở R-27).

Tầm bắn tối đa của R-27K lên tới 900 km mà theo Bộ Tư lệnh Hải quân Liên Xô là đủ để tiêu diệt các mục tiêu mặt nước cỡ lớn cơ động.

Phần chiến đấu của tên lửa kiểu đơn khối, được điều khiển ở đoạn bay thụ động theo thông tin của thiết bị quan sát radar thụ động và được xử lý bằng máy tính trên khoang.

Phần chiến đấu được dẫn giai đoạn cuối vào mục tiêu cơ động theo bức xạ radar của mục tiêu bằng cách bật 2 lần động cơ tầng 2 ở đoạn bay ngoài khí quyển.

Cách thức sử dụng tác chiến tên lửa chống hạm R-27K như sau:

- mục tiêu được độc lập phát hiện hoặc được phát hiện nhờ sự hỗ trợ của các nguồn bên ngoài, chuẩn bị phần tử bắn, tiến hành phóng tên lửa;

- tầng 1 tên lửa tách ra, sau đó tắt động cơ đẩy;

- xác định tọa độ mục tiêu;

- tiến hành hiệu chỉnh đường bay lần đầu tiên, cập nhật quỹ đạo mục tiêu (ở đoạn bay ngoài khí quyển);

- hiệu chỉnh đường bay lần thứ hai (khi tên lửa đang lao xuống);

- phần chiến đấu đi vào khí quyển và sau đó tiêu diệt mục tiêu.

Năm 1974, R-27K được đưa vào sử dụng thử nghiệm trong Hải quân Liên Xô và được trang bị cho 1 tàu ngầm. Sau đó, chương trình này không được phát triển tiếp vì Hải quân Liên Xô dựa vào việc chế tạo các tên lửa hành trình chống hạm hiệu quả hơn có tầm bắn khá lớn, có độ chính xác diệt mục tiêu cao và khả năng lọc, lựa chọn mục tiêu tốt.

Tuy nhiên, kể cả hồi đó lẫn hiện nay vẫn chưa có quốc gia nào có trong tay các phương tiện triển khai trên hạm có thể đánh chặn đầu đạn tên lửa đường đạn đang tấn công. Chính điều đó làm các vị đô đốc Mỹ lo lắng vì họ hiểu rằng, nếu Trung Quốc có được mấy chục hệ thống tên lửa như vậy thì bất kỳ chiến dịch nào có trù tính đến việc di chuyển tiếp cận các cụm tàu sân bay xung kích của Mỹ đến gần bờ biển Trung Quốc trong tầm bắn của tên lửa mới cũng là sự tự sát.

Chỉ thị mục tiêu ngoài đường chân trời

Điều mà Bộ Chỉ huy Hải quân Mỹ đặc biệt lo ngại là việc để bảo đảm sử dụng tác chiến hệ thống tên lửa mới, Trung Quốc đã cải tiến thích ứng một số loại máy bay không người lái cũng như đưa lên quỹ đạo các vệ tinh mà trong các nhiệm vụ của chúng có cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cho tên lửa. Các vệ tinh do thám này được trang bị các hệ thống quang-điện tử và radar khẩu độ tổng hợp.

Ngoài ra, có thể sử dụng làm nguồn cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cả đài radar trinh sát ngoài đường chân trời.

Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, ngay từ năm 2001, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo radar như vậy với khả năng phát hiện và phân loại mục tiêu với độ chính xác cao ở cự ly 800-3.000 km trong sector 60 độ. Các trạm phát và thu của radar này được bố trí phân tán cách nhau khoảng 100 km.

Theo các chuyên gia và với những bức ảnh vệ tinh chụp các vùng duyên hải Trung Quốc mà họ đưa ra chứng minh thì mẫu chế thử một radar như vậy đã được chế tạo và thử nghiệm, nhưng nay đã bị tháo dỡ, trong khi việc xây dựng một đài radar ngoài đường chân trời thực sự vẫn chưa hoàn tất.

Tuy vậy, trong trường hợp radar này được đưa vào sử dụng thì căn cứ vào vị trí các thành phần của radar, có thể khẳng định rằng Trung Quốc sẽ đặt dưới sự kiểm soát vùng biển rộng lớn giữa Nhật Bản và Philippines.

Đài radar trinh sát ngoài đường chân trời thứ hai được triển khai trên bờ biển Trung Quốc, cách thành phố Thâm Quyến khoảng và sử dụng nguyên lý vật lý khác - điều đó cho phép phân tán tramj phát và trạm thu cách nhau chỉ 2,65 km.

Hơn nữa, các tính toán được thực hiện dựa trên các bức ảnh vệ tinh có thể tiếp cận rộng rãi hiện có này có lẽ là  những thông tin duy nhất về cả 2 hệ thống radar ngoài đường chân trời của Trung Quốc.

  • Nguồn: Vladimir Shcherbakov, VPK, N.23 (339), 16-22.6.2010.

  •  

 

ĐV