In bài này
Trung Quốc tìm cách vô hiệu hóa liên minh quân sự Nhật-Mỹ
Thứ Sáu, 25/06/2010 - 3:40 AM
Trung Quốc đang mưu toan vô hiệu hóa những khả năng mà hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ mang lại cho hai nước này.

Sự tăng cường nhanh chóng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và ý đồ rõ ràng của nước này tìm cách ngăn cản quyền tiếp cận của Hải quân Mỹ đến vùng Tây Thái Bình Dương đang đe dọa cán cân sức mạnh ở Đông Á.

Tàu sân bay hạt nhân George Washington của Mỹ đang vào cảng Yokosuka

Sự căng thẳng gia tăng trong khu vực này được thể hiện rõ ràng tại phiên họp của các ngoại trưởng Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc ở Gyeongju (Hàn Quốc) ngày 15.5.2010.

Mặc dù chủ đề chính của cuộc gặp là thảo luận sự cố chìm tàu corvette Cheonan của Hàn Quốc, nhưng giữa các ngoại trưởng Nhật Bản và Trung Quốc đã xảy ra cuộc đấu khẩu gay gắt cho thấy những lo ngại chiến lược đang được che giấu.

Ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada đã nói với đại diện Trung Quốc, “trong số các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, chỉ có Trung Quốc đang tăng cường tiềm lực hạt hạt nhân của mình”.

Tuyên bố này thực sự làm ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nổi giận. Không bật micro, ông này nói: “Chúng tôi không làm cái gì khiến Nhật phải lo lắng, nhất là khi Nhật nằm dưới sự bảo vệ của chiếc ô hạt nhân của Mỹ”, rồi rời phòng họp.

Trung Quốc đang sở hữu khoảng 400 đầu đạn hạt nhân so với 5000 có trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên.

“Chúng tôi tiếp tục duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình ở mức tối thiểu cần để bảo đảm an ninh đất nước chúng tôi”, vụ trưởng vụ thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ma Zhaoxu nói.

Mặc dù có những tuyên bố trấn an đó, Trung Quốc đang lặng lẽ tăng cường khả năng tấn công hạt nhân tầm xa khi đưa vào trang bị các tên lửa đường đạn xuyên lục địa mới, trong đó có Dong Feng [Đông Phong] 31A (DF-31A) với tầm bắn 14.000 km.

Nhật Bản nằm trong tầm sát thương của các tên lửa đường đạn tầm trung DF-21C của Trung Quốc, ngoài ra họ cũng đang phát triển loại tên lửa đường đạn chống hạm mới. Trung Quốc còn tiếp tục xây dựng các căn cứ ngầm cho tên lửa hạt nhân ở vùng núi các tỉnh Hà Nam và Sơn Tây nhằm bảo vệ chúng trước các đòn tiến công phủ đầu.

Phát triển các tên lửa hiện đại là bộ phận quan trọng sống còn của chiến lược “ngăn chặn tiếp cận” của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các tàu sân bay Mỹ tiến vào các vùng biển gần khi xảy ra đối đầu Mỹ-Trung vì vấn đề Đài Loan.

“Nếu chúng ta đặt các cụm tàu sân bay Mỹ và các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản nằm trong tầm sát thương của các tên lửa của chúng ta thì các hạm đội Mỹ sẽ không thể tự do tiến vào phía Tây Thái Bình Dương. Như vậy, chúng ta sẽ làm cho hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ trở nên vô dụng”, một nguồn thân cận với giới quân sự Trung Quốc cho biết.

Các tàu ngầm cũng là trụ cột quan trọng khác của chiến lược ngăn chặn tiếp cận. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phát triển lớp tàu ngầm Song tiên tiến, cùng với các tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga) có các động cơ ít ồn, khiến cho các tàu ngầm này khó bị phát hiện.

Các công nghệ mới đã cho phép Trung Quốc bắt đầu chiến thuật triển khai tàu ngầm mạnh bạo hơn nhiều. Một số quan chức quân sự Trung Quốc đã nói với các đồng nghiệp Mỹ rằng, 2 tàu ngầm Trung Quốc liên tục tuần tra gần bờ biển nước Mỹ.

Tháng 10.2006, một tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc đã nổi lên gần bờ biển Okinawa, chỉ cách tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ gần 8 km. Tàu sân bay Mỹ này đã không phát giác được sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc và đã nằm trong tầm bắn của ngư lôi trên tàu ngầm Trung Quốc.

Tháng 4.2010, hải quân Trung Quốc lại diễu võ giương oai khi 10 tàu, trong đó có 2 tàu ngầm lớp Kilo đã đi qua giữa đảo lớn  Okinawa và đảo Miyakojima. Một trực thăng Trung Quốc đã bay chỉ cách 1 tàu chiến của Hải quân Phòng vệ Nhật Bản 90 m trong vụ này.

Ngày 11.6.2010, trong cuộc gặp Đoàn Lực lượng Phòng vệ Nhật tại Bắc Kinh, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (Liang Guanglie) đã nói rằng, cuộc hành quân này chỉ là một phần của cuộc diễn tập huấn luyện và không vi phạm luật pháp quốc tế.

"Mặc dù các máy bay trinh sát của Lực lượng Phòng vệ Nhật thường xuyên bay vào (không phận) Hoàng Hải (giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên), quân đội Trung Quốc không gây trở ngại cho chúng. Chúng tôi hy vọng, phía Nhật cũng không giám sát chúng tôi quá chặt chẽ như thế," ông Lương nói.

Tuy nhiên, một nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh nói cuộc diễn tập có động cơ sâu xa hơn: “Cuộc hành quân [của tàu chiến Trung Quốc] là để thể hiện cho Nhật và Mỹ thấy sự cải thiện khả năng chống tiếp cận của Trung Quốc tại biển Hoa Đông”.

Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, các tàu khu trục Trung Quốc đã bị phát hiện gần đảo Miyakojima và Okinotorishima 5 lần từ năm 2008.

Tuy nhiên, một sĩ quan Nhật có mặt tại cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã nói rằng, “chúng tôi đã cảm thấy rằng, Trung Quốc đã giành được ưu thế và sức mạnh hải quân Trung Quốc đã lớn hơn của Nhật”.

Các sĩ quan Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc tăng cường quân sự là nhằm giải quyết vấn đề Đài Loan.

Mục tiêu chính của sự tăng cường khẳng định chiến lược đó không phải Nhật mà là Mỹ, nước đang bán vũ khí cho Đài Loan. Song Trung Quốc nhận thấy các cuộc va chạm tình cờ với Nhật ở biển Hoa Đông có thể là tác động phụ của chính sách này.

Liên quan đến khả năng thiết lập liên minh quân sự Nhật-Hàn thì trong lĩnh vực này có sự phản đối mạnh từ phía Seoul do sự chiếm đóng của Nhật Bản đối với bán đảo Triều Tiên thời Thế chiến II.

Cũng có sự lo ngại rằng, cả Trung Quốc cũng phản đối liên minh này. Bên cạnh đó, người ta cũng hiểu rằng, để bảo vệ lợi ích của Hàn Quốc thì họ cần phải tăng cường hợp tác quân sự với Nhật.
 
Một sĩ quan Hàn Quốc nói rằng: “Liên minh quân sự Hàn-Nhật khó có khả năng xảy ra, nhưng cả 2 nước chúng tôi cần duy trì quan hệ hữu nghị ở mức độ cao”.

  • Nguồn: China seeks to neutralize Japan-U.S. security treaty / THE ASAHI SHIMBUN, 21.6.2010; MP, 21.6.2010.
PM