In bài này
Tên lửa phòng không trên thị trường thế giới
Thứ Năm, 24/06/2010 - 3:37 PM
Các cuộc chiến tranh hiện đại khẳng định tầm quan trọng của các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ trong việc đạt được các mục tiêu chính trị-quân sự cuối cùng của đối kháng vũ trang và sự gia tăng vai trò của phòng không/phòng thủ tên lửa nói chung.

Điều đó thúc đẩy các nước tăng cường mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không. Quan tâm đến các hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ chống tên lửa chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật và gần đây là đến cả các phương tiện phòng không mục tiêu chống đạn pháo, cối và tên lửa (phương Tây gọi là các hệ thống bảo vệ lực lượng Force Protection) đã trở thành một xu hướng quan trọng. Việc mở rộng nghiên cứu và mua sắm các hệ thống này đang diễn ra.

Hệ thống tên lửa/pháo phòng không Pantsir của Nga

Mệnh lệnh của thời cuộc

Các xu hướng phát triển hệ thống tên lửa phòng không quan trọng là nâng cao tính đa kênh mục tiêu của chúng và nâng cao khả năng tiêu diệt các mục tiêu tốc độ cao, trong đó có các mục tiêu đường đạn, tức là tạo ra khả năng giải quyết các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.

Các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa (tầm bắn >100 km) và tầm trung (tầm bắn từ 20-100 km) hiện được xem là phương tiện phòng thủ chống tên lửa đường đạn tầm bắn dưới mức xuyên lục địa (tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật và tầm trung), tên lửa hành trình. Chúng cũng đang được hoàn thiện nhằm mở rộng khả năng tiêu diệt số lượng tối đa các mục tiêu khí động.

Các hệ thống tên lửa phòng không tầm gần (đến 10 km) và tầm ngắn (từ 10-20 km) đang được phát triển chủ yếu theo hướng tạo cho chúng khả năng tiêu diệt vũ khí chính xác cao, đạn pháo và tên lửa tầm ngắn (kể cả đạn rocket phóng loạt). Một khuynh hướng mới là tích hợp các hệ thống tên lửa phòng không thuộc các dải tầm khác nhau thành một tổ hợp.

Sự phản ánh của xu hướng này là việc chế tạo các hệ thống tên lửa-pháo phòng không kết hợp tầm gần và tầm ngắn, lĩnh vực mà Nga đang dẫn đầu với các hệ thống Tunguska và Pantsir.

Do sự phát triển của các phương tiện chế áp phòng không, người ta ngày càng chú trọng hơn đến việc chế tạo các hệ thống vũ khí phòng không tầm gần và tầm ngắn trang bị các phương tiện phát hiện và dẫn thụ động, cũng như tên lửa hoàn toàn tự dẫn (hồng ngoại hoặc radar chủ động), cho phép thực hiện nguyên lý bắn-quên.

Mặt khác, sự phát triển của các hệ thống phòng vệ thụ động trên các máy bay và trực thăng cũng khiến người ta tiếp tục quan tâm đến các hệ thống phòng không với hệ dẫn lệnh (đặc biệt là lasr) giúp cho tên lửa không bị tác động của mồi bẫy.
Các hệ thống phòng không thuộc vào loại phương tiện kỹ thuật chiến đấu phức tạp nhất, và khả năng tự sản xuất các hệ thống này là một chỉ số của sự phát triển công nghiệp quốc phòng của một quốc gia.

Việc chế tạp các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa công nghệ cao nhất cần được coi là những thành tựu cao nhất của công nghệ cao quân sự, đòi hỏi làm chủ ở trình độ công nghiệp những công nghệ tiên tiến nhất và những khoản đàu tư to lớn cho công tác nghiên cứu phát triển.

Vì thế, tự phát triển các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa hiện chỉ có Mỹ và Nga; các nước Tây Âu thì đang thực hiện các chương trình hợp tác, còn các nước khác thì thực hiện việc này với sự trợ giúp của Mỹ (Israel, Nhật Bản) hoặc Nga (Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc).

Các hệ thống phòng không tầm gần và tầm ngắn cũng đòi hỏi trình độ phát triển khoa học và kỹ thuật rất cao.

Các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung

Dẫn đầu vững chắc trên thị trường thế giới ở phân khúc các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung là Mỹ với các hệ thống tên lửa phòng không thuộc họ Patriot, và Nga với các hệ thống S-300P và nay là S-400.

Vị thế dẫn đầu hiển nhiên về doanh số bán thuộc về Mỹ khi họ đã bán được cho 12 nước (Đức, Hy Lạp, Israel, Jordanie, Tây Ban Nha, Kuwait, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất [UAE], Saudi Arabia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản). Tính đến nay, đã có tới 140 đại đội Patriot đã được sản xuất hoặc đặt hàng.

Nếu tính đến việc Mỹ bắt đầu bán biến thể РАС-3 (kể cả việc hiện đại hóa ở hầu như tất cả các nước khách hàng các biến thể đầu của Patriot lên trình độ РАС-3), có thể thấy rằng, Mỹ mưu toan mở rộng và củng cố vị thế của mình.

Khối lượng các hệ thống РАС-3 và các mẫu đời cuối của РАС-2 trong 10-15 năm tới sẽ là hàng chục tỷ USD, mà hợp đồng siêu khủng trị giá 9 tỷ USD mới ký với UAE chứng tỏ rõ ràng cho điều đó.

Mỹ cũng đã phát triển và bắt đầu xúc tiến ra thị trường hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường THAAD và (cùng với Đức và Italia) hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung MEADS sử dụng tên lửa РАС-3.

Về phía Nga, hệ thống tên lửa phòng không thuộc họ S-300P đang giữ vai trò sản phẩm đầu tàu của công nghiệp quốc phòng Nga trong lĩnh vực phòng không. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các hệ thống S-300P hầu như tập trung chủ yếu vào Trung Quốc (từ năm 1997-2009, Nga đã cung cấp 27 tiểu đoàn S-300P các kiểu), còn việc bán vài tiểu đoàn cho Cyprus (Hy Lạp) và Việt Nam thực chết chỉ có tính đơn lẻ.

Chỉ có hợp đồng ký năm 2006 cung cấp cho Algeria 4 tiểu đoàn S-300PMU2 mới thực sự là cú đột phá bên ngoài phạm vi Đông Nam Á, song chưa rõ là sau đó có sự tiếp tục quy mô lớn ở các nước khác hay không.

Hơn nữa việc xuất khẩu các hệ thống S-300P đang gặp khó khăn nghiêm trọng bởi các cản trở chính trị mà ví dụ điển hình là việc phong tỏa trên thực tế vào năm 2009 hợp đồng cung cấp 5 tiểu đoàn S-300PMU1 cho Iran.

Hệ thống tên lửa phòng không  S-300V hầu như chưa thế xuất khẩu được, nếu không tính đến vụ TT Nga Yeltsin bán 1 hệ thống cho Mỹ năm 1995 (hiện không loại trừ khả năng cung cấp S-300VE cho Venezuela).

Hiện nay, Nga tuyên bố sẵn sàng xuất khẩu hạn chế hệ thống tên lửa phòng không mới nhất S-400. Theo các chuyên gia, triển vọng xuất khẩu thực tế các hệ thống này là rất lớn.

Ban đầu, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk cũng gặp thất bại về xuất khẩu, khi mà Nga chỉ bán được hệ thống này (3 tiểu đoàn) cho Phần Lan để trừ nợ. Hiện tại, tình thế bắt đầu thay đổi theo hướng tốt lên khi Nga bắt đầu xuất khẩu các hệ thống Buk cải tiến trang bị tên lửa 9М317 - các hệ thống này đã được bán cho Cyprus, Syria và nay dự kiến xuất khẩu sang một nước nữa.

Ngoài ra, tên lửa 9М317 cũng được xuất khẩu trong khuôn khổ các chương trình hiện đại hóa để hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không Kvadrat.

Các hãng Nga cũng đang tham gia chế tạo các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mới cho nước ngoài. Ví dụ, các xí nghiệp của tập đoàn Almaz-Antei đã hỗ trợ Trung Quốc phát triển hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (tương tự S-300P), và hiện đang cung cấp các tên lửa 9М317 cho hệ thống tên lửa phòng không của Trung Quốc chế tạo với sự giúp đỡ tích cực của Nga là HQ-17.

Almaz-Antai cũng đã phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm trung KM/SAM cho Hàn Quốc mà thực tế là biến thể của hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến Vityaz của Nga.

Bản thân Vityaz với series tên lửa 9М96 vốn được dự định sử dụng cho hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf, cũng cần được coi như một trong các món hàng chào bán tương lai của Nga trên thị trường thế giới.

Một hướng xuất khẩu nữa của Nga ở phân khúc hệ thống tên lửa phòng không tầm trung là xúc tiến ra thị trường các biến thể hiện đại hóa của hệ thống tên lửa phòng không phổ dụng S-125 cũ của Liên Xô. Riêng ở Nga đã có sự cạnh tranh giữa Almaz-Antei (biến thể Pechora-2А) và công ty OAO “Oboronitelnye systemy” (biến thể S-125-2М Pechora-2M).

Đến nay, các hệ thống tên lửa phòng không cũ ở nhiều nước không chỉ được hiện đại hóa theo các phương án này mà các xí nghiệp Nga còn ký hàng loạt hợp đồng cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không cải tiến sang những nước không có S-125 trong trang bị (Myanmar, Venezuela).

Trong những năm tới, trông đợi sẽ có sự mở rộng các nhà cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa và gia tăng cạnh tranh.

Trước hết cần lưu ý đến sự trở lại thị trường hoành tráng sắp tới của các nhà sản xuất châu Âu (tập đoàn MBDA) với sản phẩm mới, có tiềm năng rất mạnh là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung SAMP/T với tên lửa Aster 30, cũng như hệ thống MICA VL.

Một đối thủ mạnh khác là Israel, nhất là khi họ chào bán ra thị trường thế giới các hệ thống tên lửa phòng thủ tên lửa tầm ngắn và tầm trung Stunner (Kela David) và Iron Dome (Kippat Barzel) do công ty Rafael đang nghiên cứu chế tạo, cũng như khi họ thành công trong dự án hợp tác với Ấn Độ phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm/ trung/xa Barak 8.

Hiện Israel đã có hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 2 (Hetz) hợp tác với Mỹ phát triển, song không thể xuất khẩu do sự phản đối của Mỹ.

Cuối cùng, phải dự kiến cả sự xuất hiện với tư cách nhà cung cấp đáng gờm các phương tiện phòng không của Trung Quốc vốn trước đó mất hút ở phía sau - bước đi đáng kể đầu tiên là chào bán các hệ thống tên lửa phòng không KS-1A và HQ-9.

Trong khi đó, rõ ràng là thị trường hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, công nghệ cao tầm xa và tầm trung, lại có thêm khả năng phòng thủ tên lửa (S-300, S-400, Patriot tất cả các loại và trong tương lai là SAMP/T) vẫn phân mảng rất mạnh theo dấu hiệu chính trị.

Bản thân việc lựa chọn mua các hệ thống đó đã và vẫn là một vấn đề có tính chính trị rất cao và về thực chất là không cho phép sự cạnh tranh thực sự tự do, còn việc xuất khẩu các hệ thống này sẽ vẫn gặp phải những hạn chế về chính trị.

Các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm gần

Do tương đối đơn giản và rẻ tiền, ở phân khúc thị trường các hệ thống tên lửa phòng không này, sản phẩm chào bán rộng rãi hơn nhiều và sự cạnh tranh cũng gay gắt hơn.

Hiện nay, có thể coi việc chào bán các mẫu vũ khí mới chủ yếu sử dụng tên lửa phòng không có điều khiển là loại cải tiến từ tên lửa không-đối-không lắp đầu tự dẫn radar chủ động, đôi khi được tăng cường bằng các tên lửa không-đối-không tự dẫn bằng hồng ngoại là xu hướng phát triển chính của các hệ hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn (và một phần tầm trung). Tất cả các loại tên lửa này đều cho phép thực hiện nguyên lý bắn-quên.

Thuộc vào các hệ thống này là SLAMRAAM (Mỹ) và NASAMS (Mỹ-Nauy), cả 2 hệ thống này sử dụng các tên lửa nổi tiếng AIM-120 AMRAAM (Mỹ), MICA VL (châu Âu), cũng như Spyder (Israel).

Có thể trông đợi sự gia tăng nhanh chóng việc bán ra các hệ thống tên lửa phòng không này và chúng sẽ chiếm thị phần không nhỏ trong thập kỷ tới.

Nga đang tiếp tục xúc tiến ra thị trường thế giới các hệ thống phòng không tầm ngắn hiệu quả cao dùng hệ dẫn lệnh. Trước hết đó là các hệ thống tên lửa phòng không series Tor (đã bán cho Trung Quốc, Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập, Iran), cũng như các hệ thống pháo/tên lửa phòng không thuộc các họ Tunguska (đã cung cấp cho Ấn Độ và Maroc) và Pantsir -S1 (UAE, Syria, Algeria).

Việc chế tạo Pantsir, hệ thống đã lập tức được tiêu thụ mạnh trên thị trường và cũng đã được đưa vào trang bị của Không quân Nga, là một thành tựu lớn của Viện thiết kế KBP Tula. Hơn nữa, đây lại là dự án đầu tiên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga ngay từ đầu được tiến hành bằng tiền và phục vụ nhu cầu của một khách hàng nước ngoài (UAE) và điều quan trọng không kém là nó đánh dấu một cú đột phá lớn của các hệ thống phòng không Nga vào thị trường một quốc gia thân phương Tây truyền thống.

Liên quan đến các phương tiện phòng không tầm gần thì xu hướng chủ yếu ở đây là chế tạo các hệ thống với cụm bệ phóng hoặc bệ phóng trên giá bắn các tên lửa phòng không hiệu quả cao của các hệ thống tên lửa phòng không mang vác (MANPADS) hiện đại.

Ví dụ, các tên lửa Stinger nổi tiếng đang được sử dụng cho hệ thống tên lửa phòng không tự hành Avenger của Mỹ lắp trên khung gầm ô tô HMMWV đang được sản xuất hàng loạt và xuất khẩu rộng rãi, cũng như ở hàng loạt các sản phẩm tương tự của các nhà sản xuất khác. Hiện trên thị trường có một số lượng lớn các hệ thống phòng không mang cụm bệ phóng cơ động kiểu này.

Bên cạnh đó, trong 15 năm gần đây, Mỹ đã hạn chế mạnh việc xuất khẩu các hệ MANPADS Stinger của họ vì lo ngại chúng sẽ lọt vào tay khủng bố và các chế độ chống Mỹ.

Các hệ thống này thực tế chỉ được cung cấp cho các đồng minh thân cận nhất của Washington trong số các nước phát triển. Mỹ từ chối bán các hệ MANPADS thậm chí cho các quốc gia đang phát triển hữu hảo nhất mà chỉ chào bán cho họ các hệ thống tự hành Avenger dùng tên lửa Stinger.

Trái lại, Nga đang xuất khẩu rộng rãi các hệ MANPADS họ Igla. Vì thế, hiện nay, các hệ thống này hầu như là mặt hàng hiện đại được chào bán duy nhất trong số các hệ thống tên lửa phòng không mang vác trên thị trường thế giới (nếu không tính các hệ MANPADS của Trung Quốc hay của Anh, vốn phần nhiều chỉ là hàng nhái Igla).

Các hệ MANPADS hiện đại của Pháp (Mistral 2), Anh (Starstreak) và Thụy Điển (RBS-70, RBS-90) không hoàn toàn là mang vác mà đúng hơn là các hệ thống tên lửa phòng không mang vác kiểu lắp trên giá phóng.

Tuy vậy các quốc gia thuộc hầu như mọi định hướng chính trị đều quan tâm mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không MANPADS. Việc Nga có các sản phẩm chào bán dạng giá phóng (Dzhigit) và cụm bệ phóng (Strelets) sử dụng các tên lửa của các hệ MANPADS của Nga càng củng cố chỗ đứng của Nga ở phân khúc thị trường này.

Nhìn chung, có thể nói rằng, gần đây, Nga sau một thời kỳ tạm lắng đang mở rộng thị phần hệ thống tên lửa phòng không của mình. Đó trước hết là do khả năng cạnh tranh cao của các sản phẩm chào bán của Nga trong lĩnh vực vũ khí phòng không và trước hết là do Nga có các sản phẩm chào bán bao trùm toàn bộ phổ các hệ thống thuộc tất cả các loại, các tầm - từ các hệ thống series S-300 và S-400 cho đến các hệ MANPADS.

Bên cạnh đó, ở một số phân khúc, các sản phẩm chào bán của Nga hầu như là độc nhất trên thị trường thế giới, ví dụ các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn tự hành lắp trên khung gầm bọc thép (series Tor) hay các hệ thống pháo/tên lửa phòng không (Pantsir-S1 và Tunguska).

Yếu tố mang tính cạnh tranh quan trọng thứ hai là các hệ thống của Nga có ưu thế về giá so với các loại tương tự của phương Tây. Mặc dù cần trông đợi rằng, các ưu thế thày sẽ giảm đi và có khi biến mất khi mà giá thành và chi phí nhân công trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga tăng lên.

Cuối cùng, ưu thế thứ ba của Nga là tính trung dung về chính trị trong các sản phẩm chào bán. Nó thể hiện ở sự sẵn sàng cảu các nhà cung cấp Nga bán những hệ thống phòng không hiện đại và tinh vi nhất hầu như cho mọi quốc gia mà không có sự phân biệt lớn về chính trị vốn đặc trưng cho chính sách xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Yếu tố cuối cùng này khiến các đơn chào hàng của Nga trở nên đặc biệt hấp dẫn, ví dụ ở phân khúc MANPADS.

Các hệ thống phòng không mới của Nga cũng dẫn đầu vô điều kiện về doanh số bán trên thế giới. Việc cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không đã qua sử dụng là không đáng kể mặc dù tình hình đang thay đổi một chút do Đức bắt đầu bán các hệ thống đã qua sử dụng (chẳng hạn, Đức đã xuất khẩu sang Hàn Quốc), cũng như do Nga cung cấp các biến thể cải tiến của các hệ thống S-125 и S-300P (S-300P cải tiến được bán cho Belrarus và Kazakhstan).

Đồng thời, thị trường hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không đang có sự bùng nổ thật sự. Trước hết đó là do các hệ thống mới có giá đắt, khiến cho nhiều nước không thể mua chúng nên buộc phải cố duy trì các hệ thống cũ kỹ hiện có. Trong khi đó, hiện đang có nhu cầu hiện đại hóa lớn nhất là nhiều hệ thống tên lửa phòng không vẫn còn hiệu quả chiến đấu do Liên Xô sản xuất (Kvadrat, Osa, Strela-10, S-125, S-200) mà Liên Xô từng cung cấp rất nhiều cho các đồng minh thuộc khối Hiệp ước Varsava trước đây và các nước thế giới thứ ba thân hữu.

Hiện nay, ở đây, các hãng Nga đang vấp phải sự cạnh tranh mạnh về các đơn chào hàng hiện đại hóa từ phía nhiều quốc gia hậu XHCN như Ukraine, Belarus và Ba Lan.

Trong số các hệ thống của phương Tây, có được sự phổ dụng như vậy chỉ có hệ thống tên lửa phòng không tầm trung nổi tiếng HAWK của Mỹ, nhưng hiện nay, tiềm năng hiện đại hóa của nó hầu như đã cạn kiệt và việc cải tiến chỉ có thể là theo hướng thay hoàn toàn tên lửa (chẳng hạn bằng tên lửa AMRAAM), mà về thực chất thì phương án này có chi phí gần như mua các hệ hệ thống tên lửa phòng không mới.

Các xu hướng chính:

- thị trường hệ thống tên lửa phòng không hiện đại tất cả các loại có sự gia tăng đáng kể;

- thị trường hệ thống tên lửa phòng không có tính phân mảng về địa lý và chính trị;

- cạnh tranh quốc tế gia tăng trong thời gian tới;

- các hệ thống tên lửa phòng không mới sẽ dẫn đầu về xuất khẩu;

- thị trường các chương trình và gói hiện đại hóa gia tăng đột biến;

- sự quan tâm đến các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không mục tiêu chống đạn pháo, cối và tên lửa gia tăng đáng kể.

  • Nguồn: Mikhail Barabanov, Tổng biên tập tạp chí Moscow Defense Brief // AN, N.16(206), 28.4.2010; VPK, N.15 (21.4.10-27.04.10).

Gold Lion