In bài này
Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh trên bộ với Nga?
Thứ Bẩy, 19/06/2010 - 11:43 AM
Bố trí binh lực của quân đội Trung Quốc cho thấy họ coi Nga là một trong những đối tượng tác chiến chủ yếu.

Nguồn nhân lực vô tận biến quân đội Trung Quốc thành một quân đội thực sự đáng sợ, còn nhờ vào việc làm chủ các loại phương tiện kỹ thuật mới, nó trở nên bất khả chiến bại. Trung Quốc có khả năng đèp bẹp bằng quân số bất kỳ đối phương nào trong một cuộc chiến quy ước trên bộ. Bố trí binh lực của quân đội Trung Quốc cho thấy họ coi Nga là một trong những đối tượng tác chiến chủ yếu.

Lục quân đã, đang và vẫn sẽ là nền tảng sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc bởi lẽ số dân khổng lồ, hơn nữa là việc quá thừa mứa nam giới ở độ tuổi thanh niên mang lại cho bộ chỉ huy quân đội Trung Quốc một nguồn lực hiếm có mà lãnh đạo chính trị-quân sự các nước khác đến mơ cũng không thể có. Thậm chí là với sự lạc hậu nhất định về kỹ thuật so với quân đội nhiều nước, Trung Quốc vẫn có thể đè bẹp bằng số lượng mọi địch thủ mà họ gặp trong một cuộc chiến tranh quy ước trên bộ. Việc Trung Quốc coi ai là đối phương thì chỉ cần xem xét việc bố trí các cụm binh lực của họ.

Mạnh nhất trong 7 đại quân khu của Trung Quốc là các đại quân khu với bộ tư lệnh đặt tại Bắc Kinh và Thẩm Dương, giáp giới với Nga (đại quân khu Bắc Kinh nhằm đối phó với quân khu Siberia của Nga, còn đại quân khu Thẩm Dương nhằm vào quân khu Viễn Đông của Nga).

Hai đại quân khu này nắm giữ 4 trong 9 sư đoàn tăng và 6 trong 9 sư đoàn cơ giới, 6 trong 12 lữ đoàn tăng của lục quân Trung Quốc. 2 sư tăng và 1 lữ 1 tăng khác thuộc biên chế đại quân khu với bộ tư lệnh đặt tại Lan Châu (nằm ở phía Tây Trung Quốc, hướng vào Trung Á, Mông Cổ và Siberia ở phía Tây hồ Baikal), còn 1 sư tăng và 1 sư cơ giới, 2 lữ tăng và 1 lữ cơ giới duy nhất của quân đội Trung Quốc trong biên chế của đại quân khu Tế Nam nằm ở miền trung Trung Quốc và là lực lượng dự bị chiến lược cho các đại quân khu Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu và Nam Kinh.

Riêng tập đoàn quân 38 của đại quân khu Bắc Kinh chính là trường thử để tập dượt các thủ đoạn và phương pháp sử dụng các loại phương tiện kỹ thuật chiến đấu mới.

Pháo binh của tập đoàn quân này được tự động hóa hoàn toàn và có độ chính xác không thua kém pháo binh Mỹ và vượt trội pháo binh Nga.

Lực lượng tăng-giáp được đổi mới nhanh, tốc độ tiến công của lực lượng này, như kinh nghiệm các cuộc tập trận cho thấy, là cao hơn của quân đội Nga. Ví dụ, trong biên chế tập đoàn quân 38 có sư đoàn tăng số 6 tự động hóa hoàn toàn, được trang bị các xe tăng Туре 96.

Tốc độ tiến công của tập đoàn quân 38 đạt 1.000 km/tuần lễ (150 km/ngày đêm).

Tập đoàn quân này còn có lữ đoàn tên lửa phòng không số 4, đơn vị phòng không hiện đại nhất của Trung Quốc (trong đó có 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không Tor).

Trường thử thứ hai để thao luyện các phương pháp mới sử dụng lục quân là đại quân khu dự bị Tế Nam, trong đó có các sư đoàn kiểu mẫu, được trang bị tối tân nhất là sư tăng số 8 và sư bộ binh cơ giới nhẹ số 127.

Các đơn vị cơ động còn lại của lục quân Trung Quốc (các sư đoàn tăng và cơ giới) thuộc biên chế đại quân khu Nam Kinh vốn có nhiệm vụ chính là đánh chiếm Đài Loan. Bố trí ở đây là 2 sư cơ giới đổ bộ đường biển, lữ xe tăng bơi duy nhất và lữ đặc nhiệm đổ bộ duy nhất. Tổng quân số của các đơn vị này là 25.000 quân. Tính cả lính thủy đánh bộ thì hải quân Trung Quốc sở hữu đội quân lính thủy đánh bộ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Yếu nhất là các đại quân khu với bộ tư lệnh đặt tại Thành Đô và Quảng Châu, giáp giới với Ấn Độ và Đông Dương. Các đại quân khu này không có lấy 1 sư đoàn tăng hay cơ giới nào, tức là bộ chỉ huy quân đội Trung Quốc không dự tính tiến hành các hành động tiến công trên hướng Nam.

Lực lượng của các đại quân khu này chủ yếu là các sư bộ binh cơ giới (bộ binh trước đây), loại hình đơn vị cổ lỗ nhất của lục quân Trung Quốc.

Ở các đại quân khu khác, đa số các sư đoàn này được chuyển thành các lữ đoàn. Việc chuyển từ sư đoàn sang lữ đoàn diễn ra khá nhanh, mặc dù không thể tuyệt đối hóa quá trình này.

Trung Quốc không định chuyển các sư đoàn tăng và cơ giới vốn là sức mạnh đột kích chủ lực của lục quân thành các lữ đoàn.

Trong trang bị của lục quân Trung Quốc hiện có gần 10.000 xe tăng chủ lực (450 chiếc Туре 90II, 1.200 Туре 96, 200 Туре 98, 400 Туре 88С, 500 Туре 88В, 1.000 Туре 80, 500 Туре 79, 200 Туре 69, 5500 Туре 59) và 2.000 tăng hạng nhẹ (1.200 Туре 62, 800 Туре 63).

Có thể liệt vào lại hiện đại là các loại tăng Туре 90II, Туре 96 và Туре 98, trong đó Type-98 được cho là không thua kém các loại tăng tốt nhất của phương Tây (М1А2, Leopard-2А6). Cả 3 loại tăng này được trang bị pháo 125 mm giống như loại lắp trên các loại xe tăng Nga (kể từ Т-64А).

Tất cả các loại tăng còn lại của lục quân Trung Quốc là những biến thể cải tiến bất tận dựa trên xe tăng T-54 được Liên Xô chế tạo vào cuối thập niên 1940 (mà mẫu sao chép trực tiếp của T-54 là Туре 59), bởi vậy chúng có tính năng chiến đấu thua xa các loại xe tăng tốt nhất của phương Tây và Nga.

Các loại xe thiết giáp khác (đến 3.000 xe chiến đấu bộ binh, 100 xe chiến đấu đổ bộ đường không, không dưới 8.000 xe bọc thép chở quân) hoặc là các mẫu sao chép các mẫu của Liên Xô hoặc cải tiến từ chúng, hoặc là do Trung Quốc tự phát triển (đôi khi có sử dụng công nghệ phương Tây).

Cũng có thể nói như vậy về pháo binh Trung Quốc (đến 15.000 khẩu pháo, trong đó có 1.200 pháo tự hành, đến10.000 khẩu cối, đến 4.000 hệ thống rocket phóng loạt).

Trung Quốc rất chú trọng pháo phản lực mà sức mạnh của nó người Trung Quốc đã nếm trải trong trận đánh thứ hai giành đảo Damansky trong cuộc xung đột biên giới với Liên Xô.

Họ đã phát triển nhiều hệ thống rocket phóng loạt hạng nặng (Туре 83, А-100, WM-80, WS-1 cỡ từ 273-320 mm. Có thể sánh với chúng về uy lực chỉ có hệ thống MLRS của Mỹ và Smerch của Nga.

Trong trang bị của lục quân Trung Quốc còn có đến 8.000 hệ thống tên lửa chống tăng và khoảng chừng đó pháo chống tăng, 150 hệ thống tên lửa phòng không cơ động (Tor, HQ-7, HQ-61, LY-60, PL-9D), đến 15.000 pháo phòng không (cỡ từ 23-100 mm).

Tuy nhiên, số lượng pháo phòng không lớn như thế cũng không thể bù đắp cho việc thiếu hụt các hệ thống tên lửa phòng không, bởi vậy phòng không của lục quân Trung Quốc không đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Nhưng xét tới tình trạng suy sụp của Không quân Nga thì lực lượng phòng không như vậy cũng có thể đủ cho Trung Quốc.

Lực lượng máy bay lục quân Trung Quốc rất đa dạng, gồm có các loại trực thăng của Nga (128 Mi-17, 30 Mi-8), của Mỹ (22 S-70C) và châu Âu (100 НС-120, 110 Z-9 [SA-365], 8 SA-342, 30 Z-11, 10 Z-8 [SA-321]).

Đối với một quân đội to lớn như của Trung Quốc thì số lượng trực thăng như vậy hiển nhiên là không đủ. Quan trọng nhất là đến nay, quân đội Trung Quốc vẫn không có trực thăng tiến công và đây chính là nhược điểm cốt tử của họ.

Lục quân Trung Quốc được huấn luyện rất tích cực, một số khía cạnh còn gây lo ngại.

Ví dụ, tháng 9.2006, họ đã tiến hành cuộc tập trận quy mô chưa từng có dài 10 ngày của các đại quân khu Thẩm Dương và Bắc Kinh.

Trong cuộc tập trận này, các đơn vị của 2 đại quân khu Thẩm Dương đã thực hiện cuộc hành quân đường dài 1.000 km đến địa bàn đại quân khu Bắc Kinh để giao chiến huấn luyện với các đơn vị của đại quân khu này. Việc chuyển quân được tiến hành bằng phương tiện biên chế cũng như bằng đường sắt.

Mục tiêu diễn tập là thao dượt các kỹ năng cơ động ở xa nơi đóng quân cho các binh đoàn lục quân và nâng cao trình độ chỉ huy bảo đảm hậu cần cho quân đội.

Một kịch bản tập trận như vậy chỉ có thể xem là sự chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Nga, nhất là khi họ thao luyện hành động tác chiến tiến công chứ không phải phòng thủ.

Đối với Đài Loan, cũng như Đông Nam Á hay bán đảo Triều Tiên thì kịch bản trên chẳng có ý nghĩa gì vì chiều sâu chiến trường tương đối nhỏ và các điều kiện tự nhiên-khí hậu khác.

Họ tập dượt các chiến dịch tiến công sâu trên bộ, ở địa hình rừng núi thì đối tượng của Trung Quốc chỉ có thể là Nga và Kazakhstan.

Bề mặt địa hình nơi tập trận cũng giống như ở vùng Zabaikal, còn 1.000 km chính là khoảng cách từ biên giới Nga-Trung dọc con sông Argun đến Baikal.

Tuy nhiên, đại quân khu Lan Châu của quân đội Trung Quốc đối diện với Kazakhstan không hề tham gia cuộc tập trận đó. Tiến hành diễn tập chính là các đại quân khu Thẩm Dương và Bắc Kinh giáp giới Nga.

Nguồn: Aleksandr, Khramchikhin // Chaskor, 17.3.2009.


 

Đại Việt