In bài này
J-15 và giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc
Thứ Hai, 07/06/2010 - 5:34 AM
Tạp chí quân sự uy tín Kanwa Asian Defence xuất bản ở Canada và Hongkong số tháng 5.2010 đưa tin Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương, Trung Quốc đã tự làm nhái được máy bay tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga.

Su-33 Flanker-D hạ cánh trên tàu sân bay

Bản sao chép này có tên J-15 được chế tạo đựa trên cơ sở mẫu máy bay chế thử Т10К-3 của Liên Xô mà Bắc Kinh có được từ Ukraine.

Vậy là cuối cùng các kỹ sư Trung Quốc cũng đã giải quyết được vấn đề cánh gập của tiêm kích trên hạm mà trước đây họ không mò ra được bí quyết.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ J-15 đã bay thử hay chưa. Có nguồn tin lại khẳng định J-15 đã bay thử ngày 31.8.2009.

Dự kiến, sau khi thử nghiệm tại nhà máy, J-15 sẽ được chuyển cho trung tâm không quân tại Yanlian vì hải quân Trung Quốc không có trung tâm thử nghiệm riêng cho máy bay hải quân.

Trước đây, Trung Quốc đề nghị mua của Nga 50 Su-33, sau đó giảm xuống còn 2 chiếc mà họ cần để nghiên cứu kỹ hơn các tính năng bay-kỹ thuật của máy bay.

Lo ngại mất công nghệ và còn nhớ bài học với J-11 (sao chép Su-27), Nga đã từ chối thương vụ này.

Tham vọng tàu sân bay

Trung Quốc đã hơn 20 năm phát triển tàu sân bay của mình. Để học hỏi kinh nghiệm và bí quyết công nghệ, họ đã mua 4 sân bay thải loại của nước ngoài là Melburn (Australia) mua năm 1994 và các tuần dương hạm chở máy bay Varyag, Minsk và Kiev của Liên Xô trước đây từ Ukraine và Nga.

Theo dự báo của Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới (TsAMTO), đến trước năm 2020, Trung Quốc dự định đóng từ 4-6 tàu sân bay lượng giãn nước gần 65.000 tấn, tức là cùng cỡ tàu Varyag. Các cụm tàu sân bay dự kiến sẽ được triển khai ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Ông Korotchenko nhận định: "Để đóng được tàu sân bay của mình, Bắc Kinh sẽ phải giải quyết các vấn đề kỹ thuật cực kỳ phức tạp, trong đó có vấn để bảo đảm tính tương thích của các hệ thống trên tàu và chiến đấu khác nhau. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ buộc phải cầu cứu Nga hay Ukraine cung cấp một bộ phận thiết bị".

Hơn nữa, ngoài những khó khăn kỹ thuật liên quan đến bản thân việc đóng tàu sân bay, Trung Quốc còn vấp phải những vấn đề nan giải khác về kinh nghiệm vận hành, khai thác, đào tạo phi công và nhất là chế tạo máy bay chiến đấu triển khai trên tàu sân bay.

Sở hữu tàu sân bay không có ý nghĩa gì nếu không bảo vệ được nó, tức là phải xây dựng được lực lượng bảo vệ hùng hậu để chống các mối đe dọa của tàu ngầm, tàu nổi, tên lửa, ngư lôi… Không có ưu thế trên biển, nhất là trên không, hạm đội tàu sân bay khổng lồ của Nhật Bản trong Thế chiến II đã trở thành mồi ngon của không quân Mỹ và lần lượt bị đánh đắm.

Không có máy bay trên hạm, tàu sân bay chỉ là “con hổ không nanh vuốt”. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi mua sắm và chế tạo tiêm kích trên hạm trở thành dự án trọng điểm của chương trình tàu sân bay Trung Quốc. 

Đánh cắp công nghệ Su-27

Chịu lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ và phương Tây (hiện chỉ có Mỹ và Pháp sản xuất tiêm kích trên hạm), Trung Quốc không còn cách nào khác là phải tìm cách tiếp cận công nghệ Nga theo cả 2 cách sao chép trái phép và hợp pháp. Cái đích mà Trung Quốc nhắm đến là phải chế tạo được tiêm kích trênhạm tương tự Su-33 của Nga.

Bước đầu tiên để làm việc đó là họ phải làm chủ công nghệ Su-27 vốn là nền tảng để chế tạo Su-33. Sự thiển cận, “tham bát bỏ mâm” của người Nga đã tạo điều kiện dễ dàng cho Trung Quốc.

Năm 1992, Nga bắt đầu cung cấp Su-27SK cho Trung Quốc theo hợp đồng bán 76 chiếc tiêm kích này. Năm 1995, Nga bán cho Trung Quốc giấy phép trị giá 2,5 tỷ USD sản xuất 200 chiếc nữa và Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương (Trung Quốc) bắt đầu lắp ráp Su-27SK bằng linh kiện của Nga từ năm 1996 với tên gọi J-11 (J-11A). Theo hợp đồng này, các máy bay phải được trang bị hệ thống avionics, radar và động cơ của Nga.

Đến hết năm 2003, Nga đã chuyển giao 95 bộ linh kiện cho J-11, nhưng sau khi đã nắm được bí quyết công nghệ sản xuất, Trung Quốc lập tức từ chối ký hợp đồng tiếp theo cho 105 chiếc còn lại với lý do máy bay có khả năng chiến đấu hạn chế. Trung Quốc bắt đầu tăng dần tỷ trọng các linh kiện do họ tự sản xuất ở J-11, song động cơ AL-31 và thiết bị avionics vẫn nhập từ Nga. Tỷ trọng công nghệ và linh kiện Trung Quốc đã tăng từ 70-75% lên đến hơn 90% vào năm 2007. Công ty AVIC-I chính thức hoàn thành phát triển động cơ WS-10 Taihang có tính năng gần với AL-31F vào năm 2006.

Cuối cùng, năm 2008, báo chí đưa tin Trung Quốc đã làm nhái được Su-27 - đó là J-11B trang bị hệ thống avionics và các hệ thống khác do Trung Quốc chế tạo - bản sao chép gần như toàn bộ và chính xác Su-27SK. - và bắt đầu sản xuất loạt J-11, đồng thời có ý định bán cho các nước thứ ba.

Thế mà trước đó, năm 2003, Richard Fisher, chuyên gia của Trung tâm chính sách an ninh của Mỹ, tiết lộ Trung Quốc đang chế tạo mẫu J-11 hoàn toàn của Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ mất 10 năm mới làm được việc đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga cho rằng, Trung Quốc vẫn chưa sản xuất loạt được J-11 và động cơ của họ không đủ độ tin cậy.

Đàm phán mua Su-33 và chế tạo J-15

Su-33 là tiêm kích trên hạm đa năng, dùng để thực hiện các nhiệm vụ như giành ưu thế trên không, phòng không hạm tàu, không trợ và trinh sát. Su-33 được nhận vào trang bị Hải quân Nga năm 1998 và đang được triển khai trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Từ năm 2006, Trung Quốc đã đàm phán để mua 30-50 chiếc Su-33 Flanker-D của Nga. Sau đó, Trung Quốc đề nghị Nga bán 12-14 chiếc với điều kiện giao trước 2 chiếc để “làm quen”. Nga nói phương án này không thể chấp nhận vì với đơn đặt hàng ít như vậy thì thu chả bù chi để mở lại dây chuyền sản xuất mà yêu cầu Trung Quốc phải mua 12-14 chiếc Su-33 cấu hình tiêu chuẩn để trang bị cho phi đội huấn luyện và 36 chiếc cải tiến. Hơn nữa, Nga nghi ngờ Trung Quốc có âm mưu đánh cắp công nghệ Su-33 sau khi tìm hiểu được những thay đổi ở máy bay này so với mẫu chế thử Т-10K mà họ mua của Ukraine.

Sau khi phát hiện Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận về sở hữu trí tuệ, làm nhái Su-27SK, Nga từ chối bán Su-33 cho Trung Quốc mặc dù đàm phán vẫn tiếp diễn đến năm 2009. Năm 2009, Nga lại từ chối bán Su-33 cho Trung Quốc, kể cả sau khi Bắc Kinh đề xuất mua 14 chiếc vì phía Nga cho rằng, phải bán ít nhất 24 chiếc mới bù đắp được chi phí sản xuất.

Tính năng của Su-33
Su-33 là tiêm kích trên hạm thế hệ 4, thực hiện chuyến bay đầu vào năm 1987, thử nghiệm từ năm 1991-1995, sản xuất loạt tại nhà máy ở Komsomolsk trên sông Amur từ năm 1992, bàn giao để sử dụng thử từ năm 1993 và chính thức nhận vào trang bị ngày 31.8.1998.

Su-33 dùng để phòng không hạm tàu chống các phương tiện tiến công đường không của đối phương. Máy bay có thiết kế kiểu 3 tầng cánh với cánh ngang phía trước lắp trên gờ gốc cánh. Su-33 được lắp cánh gập và cánh ổn định, hệ thống tiếp dầu trên không với ống hút dầu kiểu  thò thụt.

Su-33 được trang bị 1 pháo lắp trong, 1 tên lửa chống hạm Moskit và các tên lửa không-đối-không. Máy bay được trang bị hệ thống ngắm tiên tiến, gồm một đài radar và một hệ thống định vị quang học cho phép tấn công máy bay địch ở chế độ im lặng vô tuyến hoàn toàn.

Trong buồng lái có lắp các thiết bị lái-đạo hàng cho phép bay và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong mọi thời tiết. Thông tin được hiển thị trên màn hình chính diện. Phi công được trang bị hệ thống chỉ thị mục tiêu NSTs-1 gắn trên mũ bay. Hệ thống này cho phép điều khiển các đầu tự dẫn tên lửa bắt các mục tiêu theo kính ngắm trên mũ phi công.
Su-33 được cho là có ưu thế hơn các tiêm kích trên hạm F-14 và F/A-18 của Mỹ.

Song song với cuộc đàm phán kéo dài với Nga để mua Su-33, Trung Quốc cũng ráo riết phát triển mẫu sao chép Su-33 để triển khai trên các tàu sân bay tương lai của họ.

Năm 2005, Trung Quốc mua được một trong những mẫu chế thử đầu tiên của tiêm kích trên hạm Su-33 là T-10K-3 từ Ukraine và sử dụng nó để phát triển tiêm kích hải quân J-15.  J-15 dự kiến sẽ được triển khai trước hết trên tàu tàu sân bay Thi Lang (tàu Varyag trước đây) mà Trung Quốc đang sửa chữa, cải tiến tại cảng Đại Liên. Trung Quốc mua tàu sân bay Varyag lớp Đô đốc Kuznetsov đóng dở của Ukraine vào năm 1998.

Đánh giá J-15

Ngày 4.6.10, Giám đốc Trung tâm TsAMTO, thành viên Hội đồng xã hội thuộc Bộ Quốc phòng Nga, đại tá Igor Korotchenko khẳng định, tiêm kích trên hạm J-15 của Trung Quốc sẽ không thể cạnh tranh với tiêm kích Su-33 của Nga trên thị trường thế giới bởi vì nó thua xa máy bay Nga.

"Máy bay làm nhái J-15 của Trung Quốc khó có thể có tính năng như tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga, và tôi không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể quay lại đề nghị Nga bán cho họ một lô lớn Su-33", ông I. Korotchenko cho biết.

Ông Korotchenko cho rằng, Trung Quốc khó có thể giải quyết được các vấn đề kỹ thuật liên quan đến thiết kế cánh gập và phát triển động cơ tin cậy cho máy bay, mặc dù mẫu chế thử J-15 đầu tiên được cho là đã thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 31.8.2009 và sử dụng động cơ turbine quạt WS-10 của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia TsAMTO, mẫu T10K không thể là cơ sở để tạo ra các công nghệ mới vì đây là một trong những mẫu đầu tiên và chỉ được sử dụng trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu chuẩn bị sản xuất Su-33. Do đó, trong kết cấu của nó có nhiều điểm chưa hoàn thiện mà sau này đã được khắc phục. Thông tin nói rằng, các chuyên gia Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề cơ cấu cánh gập là khó tin.

Bên cạnh đó, việc phát triển động cơ cho tiêm kích trên hạm là vấn đề kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Mà chế tạo động cơ máy bay chiến đấu là điểm yếu nhất của công nghiệp chế tạo máy bay Trung Quốc. Hiện thời, Trung Quốc không thể chế tạo động cơ đúng nghĩa cho tiêm kích mặt đất, bởi vậy phải mua động cơ của Nga. Chế tạo động cơ cho máy bay trên hạm còn khó khăn hơn nữa về mặt kỹ thuật, ông Korotchenko nói.

TsAMTO nhận định, Trung Quốc rất cần tiêm kích trên hạm kiểu Su-33 để phục vụ chương trình đóng tàu sân bay của họ.

Vì thế, một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc cố tình tiết lộ việc chế tạo J-15 là để buộc Nga nhượng bộ trong đàm phán bán Su-33 cho Trung Quốc.

Ngược lại, Nga cũng sẵn sàng bán Su-33 miễn là có lợi vì thực tế công nghệ Su-33 đã lạc hậu và Hải quân Nga đang dự định mua 26 chiếc MiG-29К/KUB để thay thế Su-33 trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và các tàu sân bay tương lai của Nga khi Su-33 bị loại khỏi trang bị vào năm 2015. Tuy thua kém Su-33 về tầm bay và tải trọng vũ khí, MiG-29K vượt trội về trang thiết bị avionics và vũ khí nhờ có thể mang nhiều loại tên lửa không-đối-diện và bom có điều khiển.

Sau đó, Nga sẽ đưa vào trang bị biến thể trên hạm của tiêm kích thế hệ 5 T-50 (dự kiến chế tạo trước năm 2020)./.

Nhân Vũ