In bài này
Ấn Độ trang bị tên lửa chiến lược Nirbhay cho Su-30MKI
Thứ Ba, 11/05/2010 - 12:13 PM
Ấn Độ dự định trang bị tên lửa hành trình chiến lược tiên tiến Nirbhay cho các máy bay tiến công Su-30MKI. Với Nirbhay, các tiêm kích Su-30MKI sẽ trở thành phương tiện tiến công chiến lược (Nirbhay dự đoán có thể mang cả đầu đạn hạt nhân).

Tuy tính năng của tên lửa chưa được tiết lộ, song các quan chức Ấn Độ nói đến tầm bắn 800-1000 km (500-620 dặm).

Hình ảnh giả định của tên lửa hành trình Nirbhay (2.bp.blogspot.com)

Biến thể Nirbhay phóng từ máy bay sẽ bắt đầu được phát triển ngay sau khi việc chế tạo Nirbhay triển khai trên mặt đất hoàn thành. Tên lửa Nirbhay phóng từ máy bay sẽ là một trong những thành phần cấu thành bộ ba hạt nhân của Ấn Độ.

Khi được nhận vào trang bị, Nirbhay sẽ cho phép Không quân Ấn Độ (IAF) nâng cao đáng kể khả năng tiến công chiến lược của mình. Nirbhay cho phép tấn công hạt nhân chính xác và nhanh chóng vào các mục tiêu đối phương mà máy bay mang không phải bay vào lãnh thổ đối phương, vốn có thể được phòng không bảo vệ. Hiện vũ khí chiến lược của IAF chỉ là bom hạt nhân không điều khiển. IAF có thể có tên lửa hành trình Popeye II của Israel mua năm 1998, song không có số liệu chính xác về số lượng và máy bay mang. Hơn nữa, tầm bắn chỉ là 80 km nên có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, việc lắp đầu đạn hạt nhân trong thân tên lửa hành trình vốn có không gian hạn hẹp là một thách thức kỹ thuật lớn đối với Ấn Độ.

Tên lửa hành trình dưới âm tầm xa Nirbhay có ứng dụng công nghệ tàng hình do Phòng thí nghiệm Các hệ thống tiên tiến (Advanced Systems Laboratory), thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ DRDO (Defense Research and Development Organization - DRDO), tại  Hyderabad, nghiên cứu chế tạo. Cấu trúc chung, thiết kế hệ thống động cơ và các nghiên cứu khí động học đã hoàn tất.

Có ý kiến dự đoán maket của tên lửa hành trình này sẽ được trưng bày tại Triển lãm hàng không vũ trụ AeroIndia năm 2011. Xe bệ phóng di động dành cho biến thể Nirbhay phóng từ mặt đất đang được Development Establishment (Engineering) ở Pune thuộc DRDO phát triển.

Không loại trừ Nirbhay sẽ bị chậm tiến độ vì một số dự án của Ấn Độ có tiếng là kỷ lục về thời gian như xe tăng Arjun (34 năm), tiêm kích Tejas (nghiên cứu chế tạo từ năm 1983, tháng 4.2010, Ấn Độ kéo dài thời hạn phát triển đến 31.12.2018, tức là đến 35 năm). Một số dự án khác có thêm cả vấn đề chất lượng, ví dụ Arjun tiến triển chậm do quá nhiều khuyết điểm kỹ thuật được phát hiện liên tục trong các cuộc thử nghiệm của quân đội trong gần 10 năm, tên lửa đường đạn Prithvi có trong trang bị có thể mang đầu đạn hạt nhân thỉnh thoảng cũng trục trặc, vụ thử hệ thống phòng thủ tên lửa thàng 3.2010 thất bại do Prithvi phóng hỏng.

Ấn Độ muốn đẩy nhanh dự án Nirbhay, phần lớn do Pakistan tăng cường quân sự. Tháng 3.2010, Ấn Độ thử nhiều tên lửa đường đạn đáp lại tuyên bố của Mỹ chuyển giao cho Pakistan 14 tiêm kích mới F-16 Fighting Falcon. Chế tạo tên lửa hành trình có tầm bắn 1000 km là một phần trong chiến lược của New Delhi tạo ra ưu thế vượt trội trước các loại vũ khí tiên tiến của Islamabad. Nirbhay sẽ tăng cường sức mạnh chiến lược của IAF.

Pakistan hiện đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất Babur có thể là với sự hỗ trợ mạnh của Trung Quốc và tên lửa hành trình tầm ngắn hơn Ra’ad có lẽ có sự hỗ trợ của Nam Phi. Babur và Ra’ad được tiết lộ lần lượt vào năm 2005 và 2007. Tình trạng trang bị của 2 loại tên lửa này hiện chưa rõ.

Việc Ấn Độ phát triển tên lửa hành trình Nirbhay được ông Vijay Kumar Saraswat, Giám đốc DRDO, cố vấn khoa học của Bộ trường Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ vào tháng 4.2010. Nirbhay có lẽ đã được bắt đầu phát triển ít nhất từ 5 năm trước. Dự kiến, các vụ thử nghiệm đầu tiên của Nirbhay sẽ diễn ra trước cuối năm 2010, tên lửa sẽ lần đầu tiên giới thiệu với công chúng tại AeroIndia-2011.

Nirbhay sẽ là vũ khí thứ ba do Ấn Độ tự chế tạo để trang bị cho Su-30MKI, sau sau tên lửa hành trình siêu âm BrahMos (chế tạo dựa trên tên lửa 3M55 (SS-N-26) của hãng Mashinostroenie, Nga) và tên lửa không-đối-không có điều khiển tầm trung Astra. Nirbhay có tầm bắn xa gấp 3 lần BrahMos.

Một quan chức công nghiệp Ấn Độ cho hay, biến thể Nirbhay phóng từ trên không “đang ở giai đoạn phát triển ban đầu” và đã có “các kế hoạch cho nó, song không phải là lập tức”.

Nirbhay có lẽ sẽ có cấu trúc của một tên lửa hành trình thông thường với cánh kiểu tự bung bố trí ở phần giữa thân và cánh đuôi hình chữ thập. Nirbhay có lẽ sẽ có cấu trúc của tên lửa hành trình thông thường với cánh nâng ở giữa thân kiểu tự bung và cánh đuôi hình chữ thập. Do yêu cầu phải có khả năng phóng được từ contenơ nên động cơ turbine quạt nhiều khả năng sẽ được lắp trong thân.

Tiêm kích Su-30MKI tối tân của Không quân Ấn Độ

Hiện chưa rõ Ấn Độ sẽ dùng loại động cơ turbine phản lực nào cho tên lửa này. Năm 2006, họ đã ký hợp đồng với công ty Saturrn của Nga về việc cung cấp và sản xuất tại chỗ động cơ 36MT, song tình trạng hợp đồng này ra sao thì chưa rõ.

Cũng có những phỏng đoán cho rằng, Ấn Độ đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của Israel.

Do Nirbhay, theo một số nguồn tin, có chiều dài là 6 m, nên một máy bay Su-30MKI có thể lắp 1 hoặc 2 tên lửa. Để tăng tầm bay cho Su-30MKI, 1 tên lửa Nirbhay có thể được treo giữa các bầu động cơ.

Đây cũng là phương án treo tên lửa hành trình BrahMos trên Su-30MKI. Nếu Ấn Độ quyết định trang bị cho mỗi Su-30MKI 2 tên lửa Nirbhay thì mỗi công-xon cánh sẽ được lắp 1 tên lửa.
 
New Delhi cũng chưa tiết lộ Nirbhay sử dụng hệ dẫn nào để dẫn giai đoạn giữa và giai đoạn cuối. của Glonass. Tuy nhiên, trong năm nay, Ấn Độ và Nga đã ký hợp đồng, theo đó, Ấn Độ sẽ được quyền tiếp cận tín hiệu chính xác cao của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu chính xác cao GLONASS của Nga.

Su-30MKI có thể mang các tên lửa không-đối-đất tầm trung Kh-59M (AS-18 Kazoo) do Nga chế tạo. Biến thể Nirbhay mang đầu đạn thông thường của với độ chính xác cần thiết sẽ là vũ khí tấn công chính xác tầm xa bổ sung cho Kh-59M.

Ấn Độ đang cùng với Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ trên không, từ mặt đất và từ biển BrahMos. Các biến thể BrahMos phóng từ mặt đất và từ biển đã được Ấn Độ nhận vào trang bị. Biến thể phóng từ trên không dùng để chống hạm và mục tiêu mặt đất sẽ bắt đầu được thử nghiệm vào cuối năm 2010 và đưa vào trang bị cho Su-30MKI  của IAF vào năm 2012. BrahMos sẽ là tên lửa đầu tiên của IAF có thể diệt mục tiêu ở cự ly 300 km, song không thể mang đầu đạn hạt nhân. Các tên lửa không-diện hiện có của IAF chỉ có tầmm bắn không quá 100 km.

Ấn Độ dự định mở rộng các loại vũ khí trang bị cho Su-30MKI, loại tiêm kích sẽ chiếm phần lớn máy bay của IAF. Năm 1996-1998, Ấn Độ đặt mua của Nga 50 Su-30MKI, sau đó đặt hàng thêm 40 chiếc. Ấn Độ cũng có giấy phép sản xuất 140 Su-30MKI cho đến năm 2017.

Đầu tháng 10.2009, Ấn Độ tuyên bố ý định mua thêm  50 chiếc nữa. Tháng 3.2010, được biết Nga và Ấn Độ đang đàm phán cung cấp 42 Su-30MKI. Hiện IAF có 104 máy bay này, đến trước năm 2015 sẽ tăng lên đến 230. Việc mua sắm Su-30MKI nằm trong chương trình hiện đại hóa IAF tiêu tốn hơn 100 tỷ USD trong 12 năm tới.

  • Nguồn: aviationweek 10.5.10; MP, 10.5.10; lenta, 11-12.5.10; bharat-rakshak.com; 2.bp.blogspot.com.
PM