In bài này
'Không để ASEAN bị chia rẽ để bảo vệ chủ quyền'
Thứ Ba, 11/05/2010 - 7:14 AM
"Xây dựng tinh thần đoàn kết là quan trọng nhất trong ASEAN, không để khối bị chia rẽ, phân hóa và để làm sao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước", Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trao đổi báo chí.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: "Việt Nam chủ trương không liên minh quân sự cũng như không gia nhập tổ chức quân sự ở khu vực cũng như thế giới". Ảnh: P.V

- Trong hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vừa qua, các nước nhìn nhận thế nào về vấn đề an ninh khu vực?

- Các bộ trưởng đã họp 3 lần và thống nhất đến năm 2015 sẽ xây dựng cộng đồng ASEAN theo 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa.

An ninh khu vực ASEAN có cả thách thức truyền thống (chiến tranh, xung đột vũ trang) và phi truyền thống mà không quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết, phải có hợp tác trong khối và đồng thời hợp tác với các nước ngoài khối.

Với vai trò chủ tịch trong năm 2010, Việt Nam đề xuất vấn đề an ninh trong khu vực quan trọng nhất là phải giữ được môi trường hòa bình. Với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở các khu vực biển, đảo trên biển Đông cần thực hiện đầy đủ DOC, tức là giữ nguyên hiện trạng, không mở rộng tranh chấp lấn chiếm; đàm phán hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế; cam kết không được dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Mất ổn định khu vực thì sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới vì ở đây có tuyến đường hàng hải mậu dịch đứng thứ nhì thế giới, mỗi ngày có 150-200 tàu bè lớn qua lại.

Việt Nam cũng chủ trương mở rộng hợp tác an ninh phi truyền thống như vấn đề cướp biển (nóng bỏng nhất ở eo biển Malacca); buôn bán người; buôn lậu ma túy; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển, diễn tập; xây dựng quân đội: cần có nghiên cứu học hỏi các nước bạn và ngược lại, đào tạo cán bộ.
 
- Các quốc gia trong khối chia sẻ với Việt Nam như thế nào về vấn đề an ninh truyền thống?

- An ninh truyền thống bao gồm chiến tranh, xung đột lãnh thổ, vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ... Một số nước trong ASEAN còn đang tranh chấp lãnh thổ như giữa Thái Lan - Campuchia hay trên biển Đông với 5 nước 6 bên. Các nước phải hợp tác với nhau, cam kết thực hiện DOC (giữa Trung Quốc ký với ASEAN), không ai được dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, không mở rộng lấn chiếm... Phải đàm phán hòa bình để giải quyết các vấn đề lịch sử để lại.

Việt Nam chủ trương giảm đối đầu, tăng cường hợp tác. Việt Nam không tham gia liên minh quân sự cũng như không gia nhập tổ chức quân sự ở khu vực cũng như thế giới; không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự và dùng lãnh thổ Việt Nam để chống lại các nước khác.

- Trước các vấn đề tranh chấp biển Đông, các nước ASEAN có động thái gì, thưa Bộ trưởng?

- Trong trao đổi bên lề cũng có những ý kiến lo ngại nhưng theo quan điểm của chúng tôi, xu thế hiện nay là hòa bình, hợp tác. Các nước láng giềng và chúng ta cùng chia sẻ quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với phát triển về quốc phòng để bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và phục vụ phát triển kinh tế.

Hiện nay xây dựng tinh thần đoàn kết là quan trọng nhất trong ASEAN, không để khối bị chia rẽ, phân hóa và để làm sao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước mình

- Bộ trưởng nhắc tới việc đoàn kết quốc phòng, vậy ông đánh giá thế nào về quan hệ cá nhân với người đồng cấp ở các nước trong khối?

- Quan điểm của tôi về xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa các bộ trưởng quốc phòng cũng rất quan trọng nên mỗi năm chúng tôi gặp nhau 2 lần và rất thân thiện. Đây là dịp ngồi lại để bàn thảo những cơ hội, giải pháp để hợp tác, hiểu biết nhau hơn, xây dựng niềm tin... Xây dựng quan hệ cá nhân cũng vì mục tiêu chung.

Ngoài ASEAN, quan hệ của chúng ta với bộ trưởng quốc phòng các nước cũng rất tốt như với Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Dự kiến giữa tháng 12 tôi sẽ thăm Mỹ, Pháp, để tăng cường hợp tác song phương...

- Trong diễn đàn hợp tác quốc phòng ASEAN vừa qua, vấn đề hợp tác hải quân trong khối được đặt ra như thế nào?

- Hợp tác hải quân giữa các nước ASEAN rất tốt. Chúng ta có hợp tác tuần tra chung trên biển với hải quân Thái Lan, Campuchia và hiện đã thiết lập đường dây nóng giữa hải quân Việt Nam với hải quân Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Philippines.

Sắp tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei. Hợp tác quốc phòng, hải quân sẽ thúc đẩy hợp tác khác phát triển, đặc biệt là giữ được hòa bình và an ninh trên biển.

- Trong chiến lược quốc phòng của Việt Nam trong thời gian tới, lực lượng hải quân có vị trí như thế nào?

- Chúng ta đã công khai tuyên bố xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Từng bước hiện đại có nghĩa là khi kinh tế khá lên sẽ từng bước trang bị cho quân đội sao cho có thực lực, đủ sức để bảo vệ đất nước. Bất cứ quốc gia nào khi phát triển kinh tế bao giờ cũng lo cho củng cố quốc phòng bảo vệ đất nước, chứ không phải chạy đua vũ trang.

Chúng ta ưu tiên trước hết cho hải quân, phòng không - không quân rồi mới đến các binh chủng khác. Từ nay tới năm 2020, chúng ta đặt vấn đề nghiên cứu, để đối tác sản xuất thêm các loại phương tiện hiện đại, nằm trong chiến lược.

Việt Anh - Nguyễn Hưng ghi
 

  • Nguồn: VNE, 17.11.2009