In bài này
Súng trường tiến công thế hệ mới XK11 KNR của Hàn Quốc
Thứ Tư, 28/04/2010 - 9:10 AM
Trong các chương trình phát triển súng trường tiến công thế kỷ XXI, chỉ có dự án “Súng trường mới của Triều Tiên” (Korean New Rifle - KNR) là đến đích sớm nhất khi từ năm 2009, Lục quân Hàn Quốc (HQ) bắt đầu đưa STTC tự động thế hệ mới ХК11 vào trang bị.

Đi sau, đến trước

Từ thập kỷ 1980, một số nước trên thế giới bắt đầu tiến hành các dự án phát triển bộ trang bị chiến đấu cho người lính thế kỷ XXI, mà trọng tâm là súng trường tiến công (STTC) [hoặc súng trường xung kích, trong tiếng Anh là assault rifle] thế hệ mới cho lính bộ binh. Nhiều nước như Mỹ, Pháp, Singapore và Thuỵ Điển đã theo đuổi các dự án phát triển STTC thế hệ mới trong một thời gian dài.

Nổi bật trong các dự án đó là súng trường OICW của Mỹ (kết hợp súng trường động năng 5,56 mm và súng phóng lựu 20 mm) bắt đầu được biết đến vào đầu những năm 2000 với cái tên ХМ29, nhưng đã nhanh chóng nổi danh là “cái máy xay tiền” do tiến độ chậm và chi phí liên tục tăng. Các thông số khối lượng-kích thước quá lớn đã chôn vùi ý tưởng ban đầu là chế tạo một loại súng thông minh và hiệu quả thay thế cho hệ súng trường М16 + súng phóng lựu kẹp nòng М203.

Súng M16A1 gắn súng phóng lựu M203 40mm

Một loại súng đáng chú ý là súng trường kết hợp Neon do Ba Lan phát triển từ năm 2007. Súng này khá giống cả súng XM29 và XK11, trừ điểm khác biệt là dùng súng phóng lựu cỡ 25 mm hoặc 40 mm (kết cấu kiểu tháo lắp để khi cần có thể thay nhanh các nòng cỡ 25 mm và 40 mm cho nhau), còn súng trường cũng bắn đạn 5,56 mm NATO. Ba Lan dự định chế tạo cho Neon các loại đạn lập trình đặc biệt để kết hợp với hệ thống điều khiển bắn máy tính hoá sẽ cho phép lính bộ binh tiêu diệt nhiều loại mục tiêu cả ở địa hình trống trải lẫn ẩn nấp trong hầm hào, công sự, nhà cửa, công trình; thậm chí còn dự kiến sử dụng các loại tên lửa mini cho loại súng này.

Tuy nhiên, trong các chương trình đó, chưa nước nào đưa được dự án súng bộ binh tiên tiến đến giai đoạn sản xuất loại và đưa vào trang bị cho quân đội, chỉ có dự án “Súng trường mới của Triều Tiên” (Korean New Rifle - KNR) là đến đích sớm nhất khi từ năm 2009, Lục quân Hàn Quốc (HQ) bắt đầu đưa STTC tự động thế hệ mới ХК11 vào trang bị. 
 

Súng trường tiến công ХК11
(Website Bộ Quốc phòng Hàn Quốc)

Súng XK11 KNR

Từ năm 2000, HQ bắt đầu phát triển vũ khí bộ binh tương lai trong khuôn khổ chương trình KNR. Trước đó, HQ đã tự nghiên cứu chế tạo được các kiểu STTC К1, К2 и К3 và từ năm 1984, các kiểu súng đó trở thành loại vũ khí cá nhân cơ bản của quân đội HQ.

Mới đây, Bộ Quốc phòng (BQP) HQ đã chính thức tuyên bố hoàn thành thử nghiệm súng XK11 và các mẫu thử nghiệm đã thoả mãn tất cả các yêu cầu đặt ra. Cơ quan Phát triển Quốc phòng HQ (Agency for Defense Development  - ADD) chủ trì thiết kế XK11, và quân đội HQ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm cường độ cao ХК11 trong 15 tháng ròng.

Súng đã được đánh giá cao theo tất cả 47 yêu cầu mà Bộ Tư lệnh Lục quân HQ đặt ra đối với vũ khí bộ binh tương lai. Tháng 2/2008, một báo cáo đã được đệ trình lên lãnh đạo BQP HQ và năm 2009, XK11 sẽ được đưa vào sử dụng thử ở nhiều đơn vị với biên chế 1 khẩu/1 trung đội. Kể từ năm 2010, các đơn vị lục quân dự kiến sẽ trang bị hàng loạt súng này, các loại STTC khác sẽ bị loại khỏi trang bị và đưa vào kho.

Về khái niệm thiết kế, ХК11 gần giống khái niệm súng bộ binh cá nhân tiên tiến OICW (Objective Individual Combat Weapon program) của Mỹ được phát triển cho các đơn vị bộ binh Lục quân Mỹ.

 
 

Mẫu súng XM29 OICW của Mỹ

ХК11 là một loại vũ khí kết hợp “2 trong 1” độc đáo: 1 súng trường bắn đạn thông thường 5,56x45 mm tiêu chuẩn NATO với hộp đạn 30 viên và 1 súng phóng lựu tích hợp ở phía trên nòng súng trường, bắn đạn lựu tạo mảnh đặc biệt cỡ 20 mm kiểu HEAB nổ trên không với hộp đạn 6 viên.

Giải pháp gắn kẹp súng phóng lựu vào nòng súng trường để tăng uy lực cho vũ khí bộ binh cá nhân không phải là mới. Nó đã được Mỹ và Liên Xô áp dụng từ lâu ở các mẫu súng nổi tiếng: M16 gắn súng phóng lựu M203 40 mm và AKM, AK-74 gắn súng phóng lựu GP-25, GP-30 40 mm. Nhưng ở các mẫu này, súng phóng lựu gắn dưới nòng súng trường, có bộ phận cò súng riêng, có thể tháo lắp, súng chỉ chứa được 1 viên đạn, bắn xong lại phải lắp đạn, thao tác nạp đạn, tác xạ có nhiều bất tiện thì ở XK11, nó được tích hợp hoàn toàn với súng trường thành một thể, dùng chung một bộ cò súng nên người lính có thể bằng một lần nhấn cò súng bắn đồng thời vào mục tiêu cả 1 viên đạn 5,56 mm và 1 viên đạn lựu 20 mm, hộp đạn lựu 20 mm chứa được 6 viên. 
 
Theo các chuyên gia HQ, ХК11 có tính năng vượt trội so với các loại súng tương tự hiện có trên thế giới về tất cả các thông số và với khả năng bắn loại đạn HEAB có hiệu quả sát thương mạnh, nó có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới trong quân sự ở lĩnh vực liên quan đến bộ binh.

Loại đạn tạo mảnh 20 mm HEAB nổ trên không được sử dụng để sát thương sinh lực ẩn nấp trong công sự, sau bờ hào, tường, tức là tiêu diệt mục tiêu từ trên cao là hướng hiệu quả nhất vì đây chính là hướng người lính bộ binh sơ hở nhất. XK11 sẽ đặc biệt hiệu quả trong tác chiến đô thị vì có thể bắn loại đạn đặc biệt có khả năng xuyên qua tường nhà.

Mẫu súng XK-11, hộp đạn 20 mm và kết quả bắn đạn 20 mm (MBC)

Quy trình sử dụng đạn tạo mảnh 20 mm như sau: sau khi đưa súng trường vào chế độ chiến đấu, máy đo xa laser xác định khoảng cách đến mục tiêu, hệ thống ngắm kết hợp tiến hành sục sạo, bắt mục tiêu và hiển thị lên màn hình. Trên cơ sở dữ liệu nhận được, xạ thủ đưa ra quyết định nổ súng và bấm cò. Vào thời điểm đó, hệ thống ngắm tự động xác định cự ly chính xác lần cuối tới mục tiêu bị bắn và phát lệnh cho ngòi nổ của đạn lựu tạo mảnh 20 mm.

Viên đạn 20 mm bay tới mục tiêu và phát nổ ở độ cao 3–4 m trên khu vực mục tiêu, văng ra các vật thể sát thương sinh lực đối phương. Ngoài ra, ХК11 còn có thể bắn loại đạn xuyên giáp đặc biệt 20 mm nổ chậm dùng để tiêu diệt sinh lực trong hầm hào, nhà cửa, xe thiết giáp hạng nhẹ. Viên đạn lựu xuyên qua vỏ giáp hay tường nhà, rồi nổ bên trong và gây thương vong nặng nề bằng mảnh cho sinh lực đối phương.

XK11 được trang bị hệ thống ngắm bắn máy tính hoá rất tiên tiến, bao gồm: màn hình, máy đo xa laser, máy tính đường đạn và một hệ thống ngắm kết hợp 2 kênh quang và hồng ngoại. Trước đây, chỉ có các hệ thống pháo và xe thiết giáp hoặc ít ra là tổ hợp súng phóng lựu mới có thể được trang bị hệ thống ngắm như vậy.

Toàn bộ thông tin được hiển thị trên màn hình nhỏ kết nối với màn hình số của hệ thống hiển thị thông tin gắn trên mũ sắt người lính có khả năng hoạt động hiệu quả cả ngày và đêm. Hệ thống ngắm máy tính hoá của ХК11 có thể kết nối với các hệ thống điều khiển tác chiến được phát triển theo khái niệm “chiến tranh mạng”.

BQP HQ khẳng định, XK11 được chế tạo hoàn toàn dựa trên các công nghệ nội địa với chi phí khoảng 18,5 tỷ won, tức là hơn 18 triệu USD một chút; ХК11 có giá không quá 16 triệu won (tức là gần 16.000 USD) một khẩu.

Một số tính năng kỹ-chiến thuật chủ yếu của XK11: Khối lượng: 6,1 kg; Chiều dài: 860 mm; Hộp đạn 5,56x45 mm NATO: 30 viên đạn; Hộp đạn lựu HEAB 20 mm: 6 viên; Tầm bắn hiệu quả của súng trường: 460–500 m, của súng phóng lựu: 300 m.
 
 
 

Maket súng XK11 KNR (Agency for Defense Development)

Một số nhược điểm

Trong quá trình thử nghiệm, XK11đã bộc lộ một số nhược điểm. Khi dùng thử hộp đạn 100 viên 5,56 mm, XK11 không thể liên tục bắn loạt dài vì bị hỏng do không chịu được cường độ bắn cao như vậy, nên chỉ sử dụng được hộp đạn 20-30 viên.

Khối lượng súng không đạn 6,1 kg cũng là quá nặng với một súng cá nhân cơ bản của lính bộ binh. XK11 sử dụng máy đo xa laser để đo cự ly tới mục tiêu, nhưng khi tác xạ chống mục tiêu không thấy rõ như bộ binh đối phương ở tư thế nằm và trong công sự, sẽ rất khó xác định cần hướng tia laser vào điểm nào, hơn nữa ở góc chiếu nhỏ, tia laser phản xạ từ mặt đất sẽ cho sai số đo khá lớn.

Mặt khác, đạn lựu 20 mm kích nổ từ xa trên không chỉ hiệu quả với 25-30% số mục tiêu ẩn nấp thường gặp, lý tưởng nhất là sinh lực ẩn nấp sau tường thấp. Đạn 20 mm nặng gần 100 gam, trong đó các mảnh đạn chỉ chiếm giỏi lắm 50 gam nên không đủ uy lực tạo bán kính sát thương lớn.

Theo tính toán, ở khoảng cách 2,5 m, xác suất tiêu diệt mục tiêu của đạn là khoảng 60%, còn ở khoảng cách 5 m thì chỉ là 10%. Vì thế, lính bộ binh đối phương ở khoảng cách 5 m trở lên so với điểm nổ của đạn lựu 20 mm ХК11 sẽ tương đối an toàn. Mỹ cũng vấp phải vấn đề tương tự điều đó và đã phải tăng cỡ đạn lựu, nhưng kết quả là đã làm chuyển hướng chương trình OICW thành chế tạo súng phóng lựu tự động tiên tiến ХМ25 cỡ 25 mm và súng trường động năng Х8 5,56 mm, còn súng ХМ29 đã bị xếp xó năm 2004.

Bởi vậy, sau khi đưa vào trang bị cho Lục quân HQ, ХК11 sẽ khó trở thành vũ khí bộ binh cá nhân cơ bản của lính bộ binh mà sẽ được sử dụng làm vũ khí tăng cường với biên chế mỗi trung đội hay tiểu đội 1 khẩu, còn những người lính còn lại sẽ vẫn phải dùng đến STTC К3 và М16. Song với việc đưa XK11 vào trang bị từ năm 2010, quân đội HQ sẽ trở thành quân đội đầu tiên trên thế giới sử dụng súng trường bắn đạn tạo mảnh như một vũ khí tiêu chuẩn trong quân đội./.

PM