In bài này
Tổ chức ADMM+ sẽ là dấu ấn quan trọng trong hợp tác quốc phòng ASEAN
Thứ Tư, 28/04/2010 - 2:43 AM
Hội nghị cấp Thứ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADSOM) sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội vào ngày 28-4. Hội nghị này có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 4 (ADMM-4). Trước thềm Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người sẽ chủ trì ADSOM, đã dành cho Báo Quân đội nhân dân cuộc trả lời phỏng vấn.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người sẽ chủ trì ADSOM


PV: Hội nghị cấp Thứ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần này sẽ tập trung vào những chủ đề nào, thưa Thứ trưởng?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chủ đề xuyên suốt của các Hội nghị cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 4 tại Hà Nội trong năm 2010 là: “Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN vì một khu vực ổn định và phát triển”

Hội nghị cấp thứ trưởng lần này có nhiệm vụ tập trung chuẩn bị thật tốt cho ADMM-4 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Đặc biệt, Hội nghị sẽ chuẩn bị tài liệu, các điều kiện để ADMM-4 nghiên cứu, đi đến đồng thuận tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên. Đây là một diễn đàn rất quan trọng mà chúng ta dự kiến tổ chức tại Hà Nội gồm Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng các nước là Bên đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN. Ngoài ra, Hội nghị cấp thứ trưởng sẽ thống nhất về chương trình nghị sự, chương trình hoạt động và dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị cấp bộ trưởng.

Trong năm nay, ADMM sẽ có những định hướng hoạt động mới. Chúng ta sẽ tìm ra những nội dung, phương thức cụ thể hóa hợp tác, đi vào thực tiễn, bàn các phương thức nâng cao hợp tác quốc phòng trong các nước ASEAN với tinh thần đồng thuận, tạo hòa bình, ổn định cho khu vực. Nếu ADMM+ được tổ chức tại Hà Nội trong năm nay thì đây sẽ là một dấu ấn quan trọng trong hợp tác quốc phòng ASEAN.

- Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về cơ chế hợp tác ADMM+?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-16 vừa qua ở Hà Nội, lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất sẽ tổ chức ADMM+ với 8 nước gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Việc chọn lựa các nước này dựa trên 3 tiêu chí: Nước tham gia phải là Bên đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN; phải có ảnh hưởng và có quan hệ quan trọng với các thể chế quốc phòng ASEAN; có khả năng cộng tác với ADMM để tăng cường an ninh khu vực một cách thực chất.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thêm rằng, Hội nghị cấp bộ trưởng cộng hoạt động theo cơ chế mở. Như vậy, trong tương lai có thể có nhiều nước đối tác khác của ASEAN sẽ tham gia cơ chế hợp tác này nếu họ đạt được các tiêu chuẩn do ASEAN quy định, phải tự nguyện và được các thành viên ASEAN chấp nhận theo nguyên tắc đồng thuận.

Mong muốn của Việt Nam là sẽ tổ chức ADMM+ vào tháng 10 tới. Cho đến nay, qua tham vấn quan chức quốc phòng các nước ASEAN cũng như các nước dự kiến mời tham gia ADMM+, chúng ta đã nhận được nhiều câu trả lời rất tích cực. Ví dụ, trong cuộc gặp vừa qua với tôi, sau khi nghe về ADMM+ và việc Việt Nam mong muốn tổ chức Hội nghị đầu tiên tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã tán thành mở rộng và mong muốn Trung Quốc là nước đầu tiên mà ASEAN mời tham gia. Các nước khác như Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Australia… cũng có thái độ rất tích cực về vấn đề này.

- Khi ADMM+ thành hiện thực thì sẽ có nhiều cường quốc tham gia, xin Thứ trưởng cho biết ASEAN sẽ làm gì để giữ vai trò trung tâm của mình trong ADMM+?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết, phải khẳng định diễn đàn quan trọng nhất về hợp tác quốc phòng-an ninh của ASEAN vẫn là ADMM. Mọi nội dung được đưa ra các diễn đàn khác, trong đó có ADMM+, phải được sự đồng thuận của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Đó là nguyên tắc quan trọng nhất để giữ được tính độc lập, chủ động và vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ hai, từ trước đến nay, quan hệ giữa ASEAN với những đối tác lớn luôn có một nguyên tắc hàng đầu đó là tôn trọng độc lập của khối ASEAN. Thứ ba, điều này sẽ phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị cũng như cách điều hành Hội nghị cấp bộ trưởng, trong đó các hội nghị nhóm làm việc, các hội nghị cấp thứ trưởng đóng vai trò rất quan trọng.

Chúng ta đưa ra các nội dung vừa phù hợp với nhu cầu, khả năng của ASEAN đồng thời cũng đáp ứng được sự quan tâm của các nước ngoài ASEAN thì sẽ giữ được vai trò trung tâm của ASEAN và cũng tạo ra sự hấp dẫn đối với các nước ngoài ASEAN. Ví dụ, nếu ADMM+ được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, chủ đề dự kiến sẽ là trao đổi các nguồn lực giữa ASEAN với các nước đối tác để giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống để đáp ứng được nhu cầu của cả ASEAN và các nước đối tác.

- Thưa Thứ trưởng, liệu hoạt động của ADMM+ có trùng lặp với hoạt động của Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) hay không?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: ADMM+ và ARF là hai cơ chế mang tính chất khác nhau. ARF thuần túy là một diễn đàn để trao đổi thông tin về các vấn đề quốc phòng-an ninh. Còn ADMM+ là một diễn đàn nhằm trao đổi các nguồn lực quốc phòng của các nước ASEAN với các nước đối tác, đồng thời tìm kiếm các cơ chế hợp tác cả trên bình diện chiến lược cũng như cấp hành động nhằm làm cho các hoạt động hợp tác đạt hiệu quả cao.

Một mặt các nước ASEAN thu hút các nguồn lực, kinh nghiệm từ các nước đối tác để giải quyết các vấn đề an ninh trong nội khối ASEAN, nhất là đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống như đối phó với khủng bố, cướp biển, thảm họa thiên nhiên... Mặt khác, các nước ASEAN cũng sẵn sàng chia sẻ các nguồn lực, kinh nghiệm, thế mạnh của mình với các nước đối tác, tăng cường sự hiện diện, vai trò quốc phòng của Hiệp hội trong khu vực và trên thế giới. Tức là một bên chỉ có trao đổi thông tin, còn một bên là nghiên cứu các biện pháp cụ thể, hành động cụ thể để đóng góp cho hòa bình, ổn định cho khu vực dưới góc độ quốc phòng, an ninh.

- Nếu ADMM+ được đồng thuận tổ chức vào tháng 10 tới thì quỹ thời gian từ giờ tới đó không có nhiều. Thưa Thứ trưởng, liệu Việt Nam có kịp chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nếu tại ADMM-4, các bộ trưởng đồng thuận thống nhất tổ chức ADMM+ tại Hà Nội, trước hết chúng ta phải mời các nước đối tác. Thứ hai, chúng ta phải xây dựng chương trình nghị sự, tham vấn các nước để họ có sự chuẩn bị và đóng góp ý kiến. Thứ ba, chúng ta phải chuẩn bị trong nội khối ASEAN. Thứ tư là công tác tổ chức và lễ tân. Cuối cùng và cũng là cái khó nhất đó là chúng ta lựa chọn thời gian thích hợp để các Bộ trưởng Quốc phòng đến dự hội nghị được đầy đủ nhất.

Dù khối lượng công việc lớn như vậy nhưng tôi tin rằng, nếu các nước ASEAN đạt được sự đồng thuận, Việt Nam sẽ chuẩn bị và tổ chức tốt ADMM+. Ngay từ đầu năm, khi có chỉ thị của Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010, cũng như chỉ thị của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, các cơ quan chức năng đã chuẩn bị rất tích cực chủ động. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp chỉ đạo công việc này.

Trong giai đoạn hiện nay, khi tính chất toàn cầu hóa ngày càng mở rộng thì chúng ta không chỉ hợp tác với ASEAN, mà còn cùng với ASEAN mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài, với những nước lớn. Việc chúng ta tổ chức ADMM+ là một điểm nhấn trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, góp phần khẳng định với bạn bè quốc tế chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ và tinh thần trách nhiệm cao của chúng ta đối với hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Tôi tin tưởng rằng, với trách nhiệm và uy tín của mình, trong năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ thúc đẩy quá trình hợp tác quốc phòng-an ninh có hiệu quả trong nội bộ Hiệp hội cũng như với các nước đối tác vì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bảo Trung - Nguyễn Hòa (thực hiện)

  • Nguồn: QĐND, 26.4.2010.
NV