In bài này
Scandal gián điệp ảnh hưởng ở Phần Lan: "Danh sách Tiitinen"
Thứ Bẩy, 10/04/2010 - 9:51 PM
Vụ scandal chính trị gia Phần Lan làm việc cho tình báo Đông Đức Stasi dường như đang gần đến hồi kết.

Trụ sở SUPO

Toà án hành chính tối cao Phần Lan đã bắt đầu xử kín về vụ án được gọi là "Danh sách Tiitinen" được cho là có những thông tin về các chính trị gia đã làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức Stasi trong những năm 1970-1980.

Nữ phóng viên kênh 4 truyền hình Phần Lan Susanna Reinboth và lãnh đạo Cục Cảnh sát An ninh Phần Lan SUPO (Suojelupoliisi, cơ quan phản gián) đã nộp đơn đề nghị làm việc này.
 
Vụ án nêu trên từ lâu đã xôn xao dư luận Phần Lan. Đến nay vẫn còn nhiều tình tiết chưa được biết đến. Còn những cái được biết đến thì lại chứa không ít những thông tin không thể xác nhận, bịa đặt và im lặng. Hơn nữa, điều này cũng dễ hiểu vì đây đang nói về hoạt động của các cơ quan tình báo vốn biết giữ các bí mật của mình. "Danh sách của Tiitinen" cũng không phải ngoại lệ.

Năm 1990, không lâu trước khi thống nhất nước Đức, Cơ quan tình báo Liên bang của CHLB Đức BND đã chuyển cho Cục trưởng Cảnh sát An ninh Phần Lan Seppo Tiitinen một tài liệu mật lấy từ kho lưu trữ của Stasi có ghi tên tuổi các nhà hoạt động nhà nước Phần Lan được cho là làm việc cho tình báo Đông Đức.

Danh sách này dựa trên thông tin nhận được từ cựu chỉ huy tình báo Stasi tại Helsinki Ingolf Freier, người trong những năm 1986-1989, đã hoạt động dưới bình phong đại sứ quán CHDC Đức với cương vị bí thư thứ nhất dưới cái tên Hans Pfeiler và năm 1989 đã đào ngũ sang CHLB Đức.

Huy hiệu SUPO

Tiitinen (vì vậy tài liệu có tên "Danh sách Tiitinen") lập tức báo cáo với Tổng thống Phần Lan Mauno Koivisto (1982-1994). Tổng thống sau khi xem danh sách đã chỉ thị đưa tài liệu vào két sắt của Cục trưởng SUPO và không thực hiện bất kỳ hành động nào.

Chính phủ Phần Lan cũng có lập trường như vậy cả với việc CIA trong khuôn khổ chiến dịch Rosenholz ("Polysandr") đã chuyển cho Phần Lan vào năm 2000 một phần các file hồ sơ lưu trữ của Stasi, trong đó có tên tuổi cũng những người đã có tên trong "Danh sách Tiitinen". Đồng thời, không hề báo cho Tổng thống, SUPO đã tiến hành giám sát một số nghi can.

Tuy vậy, vào tháng 9.2002 vì lý do nào đó thông tin đã bị rò rỉ. Đài phát thanh và đài truyền hình Phần Lan, sau đó vào tháng 10 là tờ báo lớn nhất Helsingin Sanomat đã nêu tên một người Phần Lan mà hồ sơ đang bị SUPO điều tra vì nghi là gián điệp cho CHDC Đức và dường như có tên trong "Danh sách Tiitinen".

Đó là trợ lý thân cận về đối ngoại của Tổng thống Martii Ahtisaari (1994-2000), người kế nhiệm Koivisto vào năm 1994, giáo sư, nhà ngoại giao cao cấp Alpo Rusi. Dư luận cho rằng, việc này được thực hiện nhằm ngăn cản việc bầu Rusi vào nghị viện trong cùng năm đó. Rusi đã kiện SUPO ra toà và yêu cầu nhà nước bồi thường 500000 euro vì những cáo buộc sai lầm và thiệt hại tinh thần (ông đã thắng kiện và được bồi thường), đòi công bố đầy đủ "Danh sách Tiitinen", nhưng bị từ chối.

Alpo Rusi

Các đơn kiện của Rusi và vấn đề giải mật "Danh sách Tiitinen" đã được các toà án các cấp xem xét nhiều lần. Tháng 6.2008, toà án hành chính Helsinki đã quyết định giới thiệu danh sách với các nhà báo. Lãnh đạo SUPO không làm việc đó lấy cớ vì lợi ích an ninh đất nước, việc hợp tác với các cơ quan tình báo nước ngoài và bảo vệ đời tư công dân.

Tuy vậy, tình thế có thể mau chóng thay đổi. Tháng 9.2007, cựu Tổng thống Mauno Koivisto, người mà tháng 11.2003 còn khẳng định quan điểm không tán thành, trong cuộc phỏng vấn với báo Helsingin Sanomat đã ủng hộ việc giải mật "Danh sách Tiitinen" và nói rằng thiệt hại do việc giữ bí mật sẽ lớn hơn là việc công bố nó. Tiitinen cũng đồng ý với điều đó.

Nay thì vụ việc đã được chuyển cho Toà án hành chính tối cao để ra phán quyết trước giữa tháng 5.2010. Đương kim Cục trưởng SUPO Ilkka Salmi đã nói rằng, cơ quan của ông sẽ buộc phải công khai "Danh sách Tiitinen" nếu như Toà án hành chính tối cao đưa ra quyết định đó.

Thực tế, tại toà được biết rằng, Cơ quan tình báo Đức BND trong các cuộc tiếp xúc mới đây với SUPO đã phản đối dự định đó. Chính quyền Đức hiện im lặng, mặc dù đại sứ CHLB Đức tại Phần Lan Hans Schumacher từ năm 2007 đã tuyên bố rằng, vấn đề "Danh sách Tiitinen" là công việc nội bộ của Phần Lan và CHLB Đức không có liên quan gì.

Tại Phần Lan đã nhiều lần bùng nổ các cuộc tranh luận dữ dội xung quanh vụ "Danh sách Tiitinen". Các chính trị gia và thường dân Phần Lan có ý kiến khác nhau về vấn đề này. 2/3 người Phần Lan ủng hộ giải mật "Danh sách". Trong 167 nghị sĩ được kênh 4 đài truyền hình Phần Lan trưng cầu ý kiến, có 107 người ủng hộ, chỉ có 27 người phản đối. Tổng thống Taria Halonen, Thủ tướng Matti Vanhanen và nhiều bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Tuija Brax cũng ủng hộ xu hướng công khai, mặc dù họ cũng kêu gọi không được vội vàng trong việc tế nhị này.

Vậy thì "Danh sách Tiitinen" bí ẩn đã gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa ở Phần Lan này là gì vậy? Nó có đáng được chú ý như vậy không?
Những thông tin về nội dung tài liệu do cựu chỉ huy Stasi tại Helsinki chuyển giao cho Cục trưởng SUPO vào năm 1990 khá ít ỏi và nhiều khi trái ngược.

Xét theo những thông tin hiện có, đó chẳng qua là danh sách chính trị gia Phần Lan mà viên chỉ huy Stasi đã gặp gỡ. Hơn nữa, số người cũng dao động từ 18-20. Trong số những chính trị gia nổi bật nhất có nhắc đến các cựu chủ tịch Đảng Xã hội dân chủ (SDPF) Kalevi Sorsa và Paavo Lipponen, các cựu bộ trưởng Ulf Sundquist và Matti Ahde (cũng như các nhân vật xã hội dân chủ khác). Trong tài liệu không nói gì cụ thể về "hoạt động cho CHDC Đức" của họ là gì, mà chỉ nhắc đến "các cuộc tiếp xúc". Những gì còn lại là phỏng đoán rất khó kiểm tra, xác minh. 

Paavo Lipponen

Ví dụ, ông А. Rusi đã nêu ở trên trong cuốn sách "Nước cộng hoà lạnh" của mình khẳng định rằng, Paavo  Lipponen từng là điệp viên Stasi từ năm 1969 và có bí danh hoạt động là "Mungo XV/326/71". Bản thân Rusi như một số người khẳng định cũng có tên trong danh sách điệp viên của tình báo CHDC Đức. Ông này thậm chí đã trình cho toà án bản danh sách của mình gồm 12 người đã cung cấp thông tin cho tình báo Đông Đức, trong đó dĩ nhiên là không có tên ông mà chỉ nhắc đến tên anh cả của ông ta Jukka.

Hoàn toàn có khả năng là các chính trị gia Phần Lan được nhắc đến trong các "danh sách" của Tiitinen và Rusi, trong hồ sơ Rosenholz thực sự đã có liên hệ thường kỳ ở mức độ khác nhau với các chỉ huy trung tâm tình báo Stasi mà có thể là không biết họ trên thực tế đang giao tiếp với ai.

Trên cơ sở đó, họ được liệt vào "các điệp viên ảnh hưởng" của CHDC Đức tại Phần Lan (mặc dù trên thực tế, đó là điều khó xảy ra nếu xét đến việc các chỉ huy trung tâm tình báo của CHDC Đức thường có chức vụ ngoại giao không cao khiến họ khó tiếp cận các lãnh đạo cấp cao Phần Lan).

Thực tế, Tổng thống Urho Kekkonen (1956-1982) còn có quan hệ thân thiết gắn bó hơn nhiều với các chỉ huy tình báo KGB làm việc dưới bình phong đại sứ quán Liên Xô tại Helsinki và theo như một số nhà nghiên cứu Phần Lan khẳng định, thậm chí còn có mật danh Timo (không có tư liệu khẳng định việc này). Nhưng ông đã sử dụng các tiếp xúc không chính thức phục vụ lợi ích riêng của mình và lợi ích của đất nước Phần Lan.

Vì thế, theo ông Yuri Stepanovich Deryabin, Giám đốc Trung tâm Bắc Âu, Viện Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đại sứ Liên bang Nga tại Phần Lan (1992-1996) thì chuyện ầm ĩ xung quanh "Danh sách Tiitinen" là vô bổ. Hy vọng là việc công bố nó sẽ đặt dấu chấm hết cho mọi đồn đoán và làm an lòng công luận Phần Lan. Chỉ có điều chưa rõ là ai có lợi ở sự ầm ĩ này. Liệu đây chỉ là việc SUPO muốn giữ thanh danh của bộ đồng phục của mình và khẳng định vai trò đặc biệt, không thuộc quyền kiểm soát của nhà nước của cơ quan này trong xã hội Phần Lan, vai trò mà các cơ quan tình báo ở tất cả các nước, kể cả Nga đang muốn có?

  • Nguồn: Danh sách "lạnh" cho "nước cộng hoà lạnh" / Yuri Stepanovich Deryabin // NVO, 9.4.2010.
GL