In bài này
Việt Nam sẽ chi 4 tỷ USD để hiện đại hoá hệ thống phòng không quốc gia?
Thứ Bẩy, 03/04/2010 - 6:33 PM
Hợp đồng bán vũ khí phòng không cho Việt Nam trị giá 4 tỷ USD là điều Nga trông đợi sau các hợp đồng cung cấp máy bay Su27SK, Su-30MK2V, tàu chiến Svetlyak, Molnya, tên lửa phòng không S-300PMU1, tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion Yakhont, tàu ngầm Kilo...

 

Từ trên xuống dưới: Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1,
máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2, hệ thống tên lửa bờ biển chống hạm cơ động Bastion/Yakhont, tàu tên lửa Tarantul III (Molnya) Projekt 1241.8, frigate tàng hình Gepard 3.9 (Projekt 1166.1), tàu ngầm Kilo (Projekt 636)

Ngày thứ năm, 25.3.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov thông báo quyết định giúp đỡ Việt Nam về mặt quân sự. Theo lời ông, Hà Nội sẽ nhận đuợc tín dụng để xây dựng căn cứ tàu ngầm và mua sắm các vũ khí trang bị khác của Nga.

Serdyukov đã đàm phán về vấn đề này với người đồng nhiệm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh. Đồng thời, Nga cũng trông chờ thêm 1 hợp đồng lớn nữa với Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã thăm Việt Nam từ ngày 22-24.3.2010. Việt Nam hiện là một trong những nước dẫn đầu về hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, trong tương lai có thể giữ vị trí thứ hai sau Ấn Độ về khối lượng vũ khí mua của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga trước chuyến thăm đã nhận xét rằng, "kể từ năm 2008, lượng hàng quân dụng Việt Nam mua của Nga gia tăng bền vững".

"Năm 2008, khối lượng các hợp đồng đã ký lần đầu tiên trong suốt lịch sử hợp tác đã vượt quá 1 tỷ USD, năm 2009 là 3,5 tỷ USD, trong quý I.2010, khối lượng đã đạt trên 1 tỷ USD. Trong thời kỳ này, đã ký các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Không quân, Phòng không và Hải quân Việt Nam", - hãng Interfax dẫn nguồn cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga.

CHXHCN Việt Nam luôn là đối tác quan trọng trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự ban đầu là của Liên Xô, sau là của Nga.

Kể từ thời chiến tranh giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp, vũ khí Liên Xô liên tục được cung cấp cho Việt Nam, ban đầu là qua Trung Quốc, còn sau khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng thì cung cấp trực tiếp. Đỉnh cao cung cấp vũ khí trang bị diễn ra thời kháng chiến chống Mỹ 1964-1975.

Chiến tranh kết thúc, quân đội Việt Nam đứng thứ ba thế giới về quân số khi đó được trang bị vũ khí do Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ sản xuất. Vũ khí Mỹ chủ yếu là chiến lợi phẩm và vũ khí trang bị của quân đội nguỵ Sài Gòn.

Nhờ Việt Nam, Liên Xô đã nhận được một số mẫu vũ khí hiện đại của Mỹ như máy bay cường kích А-37, tiêm kích F-5, trực thăng, động cơ. Tất cả đều có ích cho công nghiệp Nga trong việc nghiên cứu kinh nghiệm của kẻ thù tiềm tàng.

Trước khi quan hệ Việt-Trung trở nên căng thẳng vào năm 1978 dẫn tới cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, trong đó Moskva đứng về phía Hà Nội, Việt Nam đã nhận được vũ khí trang bị theo 2 kênh.

Sau chiến tranh chống Mỹ, kênh Trung Quốc hầu như đóng lại, mặc dù Việt Nam từng nhận được từ Trung Quốc khá nhiều vũ khí, ví dụ như các máy bay MiG do Trung Quốc chế tạo. Từ đó, Liên Xô và Nga trở thành kênh cung cấp hầu như độc quyền cho quân đội Việt Nam.

Một mặt là tuy không bị cô lập quốc tế, song vì chưa bình thường hoá quan hệ với Mỹ nên Hà Nội không thể mua vũ khí ở các kênh khác. Vấn đề bình thường hoá quan hệ với Mỹ đã được giải quyết xong vào tháng 11.2003, khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phạm Văn Trà thăm chính thức Mỹ. Hai bên đã đạt được các thoả thuận cụ thể về hợp tác quân sự, còn ban lãnh đạo chính trị Việt Nam đã lần đầu tiên công khai đánh giá tích cực sự tham gia của Mỹ vào việc duy trì ổn định trong khu vực. Từ đó, đa số các "cửa hàng vũ khí" ở các nước trên thế giới đã mở ra với Hà Nội, nhưng Việt Nam cơ bản vẫn thuỷ chung với các nhà cung cấp và vũ khí Nga.

Cuối thập niên1990, đầu những năm 2000, Nga đã cung cấp cho Việt Nam 36 máy bay tiêm kích Su-27SK, các hệ thống tên lửa phòng không, nhiều tàu xuồng, trực thăng, đạn dược. Tuy nhiên, một phần đáng kể vũ khí trang bị của Việt Nam hiện đã cũ, cần phải thay thế hay hiện đại hoá. Ví dụ, một phần đáng kể xe tăng là các loại T-59/T-62 của Trung Quốc, có từ trước năm 1979, và Т-54/Т-55 của Liên Xô.

Cũng có các mẫu của Mỹ như xe tăng hạn nhẹ М-42 và hạng trung М-48, cũng như các xe tăng hiện đại nhất là gần 500 Т-72 mua trong thập niên 1990 ở Ba Lan.

Tình hình cũng tương tự với máy bay chiến đấu. Phần lớn không quân là máy bay thế hệ 3 như MiG-21, MiG-23 và cường kích Su-22. Đã đến lúc thay thế các trang bị này bằng các loại hiện đại hơn.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, giai đoạn mới hợp tác Việt-Nga bắt đầu vào năm 2008, khi doanh số hợp tác kỹ thuật quân sự lần đầu tiên vượt quá 1 tỷ USD. Khi đó, theo tin của tờ Vzglyad, hai bên đã ký kết hợp đồng bán tên lửa chống hạm Kh-35U Uran để trang bị cho các tàu tên lửa của Việt Nam, các tàu cảnh giới Projekt 10410 Svetlyak và xuồng tên lửa cỡ lớn Projekt 1241 Molnya.

Tổng cộng, theo lời Bộ trưởng Serdyukov, trong năm 2008-2009, Nga và Việt Nam đã ký các hợp đồng trị giá 4,5 tỷ USD, bao gồm 12 máy bay tiêm kíchей Su-30МК2, 8 máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130, các tàu tên lửa Molnya, các frigate Gepard và 6 tàu ngầm Projekt 636.

Năm 2001-2002, các xí nghiệp Nga đã nhận được hợp đồng đóng 8 xuồng tên lửa Projekt 1241.8, 2 frigate Projekt 1166.1 và 1 hệ thống tên lửa bờ biển Bastion. Nhưng có lẽ lớn nhất là hợp đồng mua 6 tàu ngầm điện-diesel Projekt 636 Varshavyanka (NATO gọi là Kilo cải tiến - Improved Kilo) ký ngày 15.12.2009 trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trị giá 2 tỷ USD.

Hợp đồng này còn bao gồm cả việc đào tạo các thuỷ thủ đoàn Việt Nam, cung cấp trang thiết bị cần thiết khác và nay là cả cơ sở hạ tầng trên bờ cho các tàu ngầm này.

Nhiều khả năng các tàu ngầm này sẽ là biến thể tiến công 636М, trang bị hệ thống tên lửa vạn năng Club-S. Ở biến thể này, tính năng của tàu ngầm tiệm cận khả năng của tàu ngầm tên lửa đa năng. Đây là hợp đồng lớn nhất kể từ hợp đồng bán 8 tàu ngầm cùng lớp ký với Trung Quốc năm 2002, và có lẽ là hợp đồng lớn nhất của Rosoboronoexport kể từ năm 2007.

Theo lời Bộ trưởng Serdyukov, thì sắp tới sẽ có cả các hợp đồng lớn về vũ khí phòng không. Trong đàm phán, phía Việt Nam rất quan tâm tới các phương tiện phòng không Nga.
"Họ quan tâm hầu như tất cả những gì chúng ta có: các hệ thống tên lửa phòng không Tor, Buk, S-300, - ông Serdyukov nói. - Có những thứ chúng ta sẵn sàng bán kể cả ngay từ số đang có (của Bộ Quốc phòng Nga)", - hãng RIA Novosti đưa tin.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga có đủ số lượng S-300 các đời đầu dư ra sau khi quân đội Nga chuyển sang các vũ khí hiện đại hơn, cũng như một số hệ thống Buk. Nhưng hợp đồng lớn có thể sẽ được ký là việc cung cấp cho Việt Nam hệ thống tổ hợp phòng không quốc gia trị giá gần 4 tỷ USD. Nếu hợp đồng này được ký, Việt Nam sẽ đứng thứ hai sau Ấn Độ trong các đối tác mua vũ khí Nga, thế chân cho Trung Quốc.

Không loại trừ, sớm hay muộn cũng xuất hiện vấn đề Nga trở lại căn cứ Cam Ranh mà quân đội Liên Xô/Nga và Việt Nam sử dụng chung  trong giai đoạn 1979-2002. Năm 2001, Nga quyết định không kéo dài hiệp định với Việt Nam và rút khỏi căn cứ này trước thời hạn và tháng 5.2002, những quân nhân Nga cuối cùng đã rời Cam Ranh. Tình huống này hoàn toàn logic căn cứ vào tham vọng đưa hạm đội Nga trở lại đại dương thế giới của nước Nga.

  • Nguồn: Căn cứ cho sự hợp tác / Gennady Nechayev // VZ.-25.3.2010