In bài này
Hệ thống tên lửa phòng không S-300P
Thứ Bẩy, 27/03/2010 - 5:38 PM
Họ tên lửa phòng không S-300 được coi là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới. Trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không S-300, Nga đã phát triển hệ thống tối tân S-400 có khả năng sử dụng cả các tên lửa mới lẫn các tên lửa của hệ S-300. Hiện có trong trang bị của Nga, Ukranie, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Slovakia, Hungaria, Bulgaria, Hy Lạp, Algeria, Iran, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.

S-300P

Hệ thống tên lửa phòng không S-300P

Ký hiệu: S-300P. Tên gọi của NATO: SA-10 Grumble/SA-20 Gargoyle 

Phân loại: Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung/xa

Các đặc điểm

- Phóng tên lửa thẳng đứng;

- Phóng 2 tên lửa vào 1 mục tiêu; 

- Thời gian triển khai/thu hồi ngắn.

Lịch sử

Họ tên lửa phòng không S-300 được coi là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới. Hệ thống này bắt đầu được phát triển trong thập niên 1960, khi quân đội Liên Xô yêu cầu chế tạo một hệ thống tên lửa phòng không đa kênh tầm trung cơ động có khả năng bảo vệ không phận chống các cuộc tập kích ồ ạt của máy bay hiện đại sử dụng vũ khí có điều khiển.

Họ tên lửa phòng không S-300  do Viện TsKB Almaz phát triển để thay thế các hệ thống tên lửa phòng không thế hệ 1 S-75 (SA-2) trong biên chế bộ đội phòng không quốc gia Liên Xô nhằm trang bị cho các đơn vị phòng không một hệ thống tên lửa phòng không đa kênh cơ động, cho phép đối phó với các cuộc tập kích đường không ồ ạt.

Hệ thống được thử nghiệm trong thập niên 1970. Nhằm đánh lạc hướng đối phương, trong các tài liệu, hệ thống tên lửa phòng không mới được ghi tên là S-75М6, nghĩa là biến thể hiện đại hoá tiếp theo của hệ thống già nua đã bước vào trực chiến từ cuối thập niên 1950.

Nhiệm vụ kỹ thuật yêu cầu phát triển 3 biến thể của hệ thống là S-300P dành cho phòng không, S-300V dành cho lục quân và S-300F để trang bị cho tàu chiến của hải quân.

Các hệ thống dành cho phòng không và hải quân chủ yếu nhằm đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình, còn hệ thống dành cho lục quân phải có khả năng lớn trong việc đánh chặn tên lửa đường đạn để làm nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.

Hiện nay, các hệ thống S-300 là nền tảng phòng không của Nga và lục quân Nga, cũng như đang được tiêu thụ tốt trên thị trường thế giới. Trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không S-300, Nga đã phát triển hệ thống tối tân S-400 có khả năng sử dụng cả các tên lửa mới lẫn các tên lửa của hệ S-300.

Hiện được trang bị cho bộ đội phòng không-không quân Nga (họ S-300P) và lục quân (họ S-300V).

Các hệ thống S-300PS và S-300PM được xuất khẩu với tên gọi S-300PMU và S-300PMU1/2.

Những thử nghiệm đầu tiên: Trong thập niên 1970.

Nhận vào trang bị: S-300PT: 1978; S-300PS: 1982; S-300PM: 1993.

Các nước sử dụng: Nga, Ukranie, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Slovakia, Hungaria, Bulgaria, Hy Lạp, Algeria, Iran, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.

RIAN, Infografika, Yevgeny Ivanov

Tính năng kỹ-chiến thuật của S-30PM (với tên lửa 48N6)

Tầm bắn, km: 5-150;

Độ cao diệt mục tiêu: m: 10-27000;

Tốc độ mục tiêu: đến 1800 m/s (đến 2800 m/s khi bắn theo chỉ thị mục tiêu);

Số lượng tên lửa bám được, quả: đến 12;

Số lượng mục tiêu có thể bắn: đến 6;

Thời gian triển khai/thu hồi, phút: 5/5;

Số lượng tên lửa trong một hệ thống, quả: 48.

Tính năng kỹ-chiến thuật của tên lửa 48N6

Kích thước: chiều dài x đường kính, m: 7,5 x 0,519;

Trọng lượng, kg: 1800-1900;

Trọng lượng phần chiến đấu, kg: 145;

Tầm bắn, km: 150;

Tốc độ, m/s: đến 2100;

Quá tải, g: 25.

  • Nguồn: RIAN.
VNH