In bài này
Chủ tịch Hoàng Sa lên tiếng vụ bản đồ sai sự thật
Thứ Bẩy, 13/03/2010 - 10:52 PM
Liên quan đến việc Tạp chí National Geographic Society (Hội Địa lý quốc gia Mỹ) đăng bản đồ thế giới trực tuyến, trong đó quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa có chữ “China”, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ cho hay Đà Nẵng đang liên lạc với Hội này và các cấp cao hơn để có hướng giải quyết cụ thể.

Đại sứ quán Mỹ: Không phải là quan điểm của Chính phủ Mỹ

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội khẳng định: “Hội Địa lý quốc gia là một công ty tư nhân và không liên kết gì với Chính phủ Mỹ, do đó các tài liệu do công ty đưa ra không phản ánh chính sách của Chính phủ Mỹ”.

Đại sứ quán Mỹ cũng nói rõ Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh luận pháp lý của các bên đang tranh chấp chủ quyền ở vùng biển trên và khuyến khích Trung Quốc cùng các đối tác trong ASEAN giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình và theo luật quốc tế.

Theo Tuổi Trẻ

Trả lời báo Khoa học & đời sống, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ nói: "Việc Hội địa lý Quốc gia Mỹ phát hành bản đồ như thế cũng không được coi là bằng chứng khẳng định chủ quyền Biển Đông. Bản đồ đó chỉ thuộc dạng tài liệu tham khảo".

Ông Ngữ khẳng định: "Theo Công ước quốc tế, mỗi quốc gia có quyền ấn định lãnh hải của mình là 12 hải lý kể từ đường cơ sở, vùng tiếp giáp lãnh hải rộng 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế được quy định với chiều rộng là 200 hải lý. Thềm lục địa cũng được tính cho đến 200 hải lý.

Như vậy, Việt Nam có chủ quyền trên một vùng biển khá rộng lớn, khoảng 1 triệu km2 ở Biển Đông. Với tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa, Nhà nước Việt Nam khẳng định lập trường thuộc về Việt Nam theo tuyên bố năm 1977, Công ước 1982 cũng như trong các tuyên bố chính thức khác".

Trước đó, Tạp chí National Geographic Society (Hội Địa lý quốc gia Mỹ) đăng bản đồ thế giới trực tuyến, trong đó quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa có chữ “China”.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ.
Ảnh: VNN

Các bạn đọc Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long ngay sau đó đã viết thư phản đối gửi tới Ban biên tập của Tạp chí này. Lá thư nhấn mạnh: "Việc ghi tên “China” vào quần đảo Hoàng Sa được xem như sự tự ý chấp nhận có tính thiên vị, nếu không nói sai trái, của National Geographic Society đối một vấn đề còn đang trong vòng tranh chấp giửa hai quốc gia. Hành động tự ý này sẽ ảnh hưởng đến những suy luận có tính cách pháp lý quốc tế trong nhiều năm. Chúng tôi viết thư này vì National Geographic Society là một tổ chức uy tín và những bản đồ do National Geographic Society phát hành có thể sẽ được dùng làm tài liệu tham khảo".

Sau khi VietNamNet trích đăng thư ngỏ, hàng trăm ý kiến độc giả từ khắp trong nước và nước ngoài gửi về ủng hộ nội dung bức thư.

Bạn đọc Trịnh Đình Hòa (Thanh Hóa) viết: "Tôi rất sửng sốt vì nhận được thông tin này, đồng thời hết sức đồng tình về thư phản đối của các bạn Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long. Cảm ơn các bạn đã có ý kiến kịp thời và cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích cho chúng tôi.

Theo anh Hòa, việc Tạp chí National Geographic Society (Hội Địa lý quốc gia Mỹ) đăng bản đồ thế giới trực tuyến, trong đó quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa có chữ “China”" thực sự là việc làm thiên vị, thiếu trách nhiệm, không tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến việc giải quyết tình trạng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, và làm tổn thương đến tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Mỹ.

"Tôi phản đối và đề nghị các bạn đọc khác cùng lên tiếng phản đối Tạp chí National Geographic Society, yêu cầu Tạp chí này sửa lại tên gọi vùng biển Hoàng Sa cho đúng với thực tế lịch sử", bạn đọc Trịnh Đình Hòa đề nghị.

Bạn đọc Vinh Hòa (Nha Trang) gửi lời cảm ơn các bạn Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá và Lê Quang Long vì đã cảnh giác, nhanh chóng phát hiện và phản đối rất nghiêm túc: "Cảm ơn VietnamNet đã đưa tin, người Việt Nam chúng ta, bất kỳ ở đâu, phải luôn có ý thức bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước mình dưới mọi hình thức".

Cho rằng đây là một việc hệ trọng, liên quan đến chủ quyền biển đảo của quốc gia, bạn đọc Thanh Minh (TP.HCM) bày tỏ ý kiến: "Tất cả những gì phát hành/in ấn ngày hôm nay, vài chục năm sau đều là tư liệu lịch sử để chứng minh/khẳng định chủ quyền lãnh thổ", .

Bạn đọc Lê Văn Tuyên đang sống tại Hoa Kỳ bày tỏ: "Là một người Việt Nam, mang quốc tịch Hoa Kỳ, tôi bày tỏ sự phẫn nộ trước việc làm sai trái thiếu thiện chí của tạp chí National Geographice Society do Hội Địa lý Hoa Kỳ ấn bản về quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý từ nhiều thế kỷ về chủ quyền trên quần đảo này. Trong khi chờ một giải pháp quốc tế về một Biển Đông hoà bình, tạp chí National Geographice Society phải rút ngay bản đồ sai trái và thiếu thiện chí này ra khỏi ấn bản".

Anh Hữu Trung từ Quảng Ngãi viết thư đến VietNamNet khẳng định: "Nếu Hội Địa lý quốc gia Mỹ là một hiệp hội khoa học uy tín thì không thể không biết sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng sa của Việt Nam vào giữa ban ngày. Nếu Hội cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, chúng ta nên tổ chức thu thập chữ ký phản đối. Đây là trách nhiệm của chúng ta với tiền nhân, những trai tráng Lý Sơn quê tôi bỏ mình trên biển khi đi làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa từ ngày xưa".

Cao Nhật