In bài này
Tôn Tử Binh pháp. Thiên thứ nhất: Kế Sách
Thứ Bẩy, 06/03/2010 - 12:09 PM
Tôn tử nói: Chiến tranh là đại sự của quốc gia, quan hệ tới việc sống chết của nhân dân, sự mất còn của nhà nước, không thể không khảo sát nghiên cứu cho thật kỹ.
Cho nên, phải dựa vào năm mặt sau đây mà phân tích, nghiên cứu, so sánh các điều kiện tốt xấu giữa hai bên đối địch, để tìm hiểu tình thế thắng bại trong chiến tranh: Một là Đạo, hai là Thiên, ba là Địa, bốn là Tướng, năm là Pháp.

Đạo là chỉ việc chính trị, đạo nghĩa, phải làm cho nguyện vọng của dân chúng và vua nhất trí với nhau, đồng tâm đồng đức. Có như vậy, trong chiến tranh mới có thể bảo nhân dân vì vua mà chết, vì vua mà sống, không sợ hiểm nguy.

Thiên là thiên thời, nói về ngày đêm, trời râm trời nắng, trời lạnh trời nóng, tức tình trạng về khí hậu thời tiết.

Địa là địa lợi, nói về đường sá xa gần, địa thế hiểm yếu hay bằng phẳng, khu vực tác chiến rộng hẹp, địa hình phải chăng có lợi cho tiến công, phòng thủ, tiến tới, thối lui.

Tướng là tướng soái, tức nói về tài trí, uy tín, lòng nhân ái, lòng can đảm, sự uy nghiêm của người tướng.

Pháp là pháp chế, nói về tình trạng tổ chức, biên chế, sự quy định về hiệu lệnh chỉ huy, sự phân chia chức quyền của tướng tá, sự cung ứng vật tư cho quân đội và chế độ quản lý...

Tình huống về năm mặt nói trên, người tướng soái không thể không biết. Chỉ khi nào hiểu rõ và nắm chặt được những tình huống đó thì mới có thể giành được sự thắng lợi. Không thật sự hiểu rõ và nắm chắc được thì không thể đắc thắng.

Cho nên phải từ bảy mặt sau mà tính toán, so sánh những điều kiện đôi bên giữa địch và ta để tìm hiểu tình thế thắng bại trong chiến tranh. Tức là phải xem xét: Vua bên nào có nền chính trị được lòng dân hơn? Tướng soái bên nào có tài năng hơn? Thiên thời địa lợi bên nào tốt hơn? Pháp lệnh bên nào được quán triệt hơn? Thực lực quân đội bên nào mạnh hơn? Binh sỹ bên nào được huấn luyện thành thục hơn? Thưởng phạt bên nào nghiêm minh hơn?

Căn cứ vào những điều đó, ta có thể tính toán mà biết trước được ai thắng ai thua. Nếu chịu nghe mưu kế của ta, để cho ta chỉ huy tác chiến thì chiến tranh có thể thắng lợi, ta sẽ ở lại; Nếu không chịu nghe mưu kế của ta, cho dù có dùng ta để chỉ huy tác chiến, chiến tranh tất nhiên bị thất bại, ta sẽ rời đi (nguyên tác: "Tướng thinh ngã kế, dụng chi tất thắng, lưu chi; tướng bất thinh ngã kế, dụng chi tất bại, khứ chi").

Nếu kế sách có lợi và được chấp thuận, còn phải tìm cách tạo ra tình thế có lợi để làm điều kiện phụ trợ bên ngoài cho việc tiến hành chiến tranh. Thế, tức là căn cứ vào tình huống phải chăng có lợi để mà có hành động tương ứng.

Dùng binh đánh giặc là hành động dối trá (nguyên tác: "Binh giả, quỷ đạo giã" là câu cửa miệng rất nổi tiếng của các vị tướng). Thông thường, nếu có thể tấn công thì giả như không thể tấn công, muốn đánh như giả như không muốn đánh, muốn hành động ở gần nhưng giả như muốn hành động ở xa, muốn hành động ở xa nhưng lại giả như muốn hành động ở gần. Lấy lợi mà dụ kẻ tham, chiến thắng kẻ loạn, phòng bị kẻ có thực lực, tránh kẻ thù mạnh, khiêu khích kẻ hay giận dữ. Địch khinh thường thì làm chúng thêm kiêu, địch nhàn hạ thì làm chúng vất vả, địch đoàn kết thì làm chúng ly tán.

Tấn công kẻ thù lúc chúng không phòng bị, hành động khi chúng không ngờ tới (nguyên tác: "Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý").

Tất cả những điều nói trên đều là sự khôn khéo để thủ thắng của nhà quân sự, nhưng lại không thể quy định trước một cách máy móc. Phàm trước khi khai chiến, đoán được thắng là do tính toán đầy đủ.Trước khi khai chiến mà đoán không thắng là do tính toán không chu đáo. Tính nhiều hơn tính ít, huống hồ không tính toán gì. Quan sát đủ các mặt đó, ai thắng ai bại có thể đoán trước được.
 

KẾ THIÊN
Tôn Tử viết: "Binh giả, quốc chi đại sự. Tử sinh chi địa, tồn vong chi đạo, bất khả bất sát dã.

Cố kinh chi dĩ ngũ sự, hiệu chi dĩ kế, nhi sách kỳ tình: Nhất viết đạo, nhị viết thiên, tam viết địa, tứ viết tướng, ngũ viết pháp.

Đạo giả, kim dân dữ thượng đồng ý, cố khả dĩ dữ chi tử, khả dĩ dữ chi sinh, nhi bất khả uý nguy.

Thiên giả, âm dương hàn thử thời cơ dã.

Địa giả, cao hạ viễn cận hiểm dị quảng hiệp tử sinh dã.

Tướng dã, trí tín nhân dũng nghiêm dã.

Pháp giả, khúc chế quan đạo chủ dụng dã.

Phàm thử ngũ giả, tướng mạc bất văn, tri chi giả thắng, bất tri giả bất thắng. Cố hiệu chi dĩ kế, nhi sách kỳ tình. Viết: Chủ thục hữu đạo? Tướng thục hữu năng? Thiên địa thục đắc? Pháp lệnh thục hành? Binh chúng thực cường? Sĩ tốt thục luyện? Thưởng phạt thục minh? Ngô dĩ thử tri thắng phụ hĩ.

Tướng thính ngô kế, dụng chi tất thắng, lưu chi. Tướng bất thính ngô kế, dụng chi tất bại, khứ chi.

Kế lợi dĩ thính, nãi vị chi thế, dĩ tá kỳ ngoại; thế giả, nhân lợi nhi chế quyền dã.

Binh giả, nguỵ đạo dã. Cố năng nhi thị chi bất năng, dụng nhi thị chi bất dụng, cận nhi thị chi viễn, viễn nhi thị chi cận. Lợi nhi dụ chi, loạn nhi thủ chi, thực nhi bị chi, cường nhi tị chi, nộ nhi náo chi, ti nhi kiêu chi, dật nhi lao chi, thân nhi li chi. Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý. Thủ binh gia chi thắng, bất khả tiên truyền dã. 

Phù vị chiến nhi miếu toán thắng giả, đắc toán đa dã; vị chiến nhi miếu toán bất dụng giả, đắc toán thiểu đa. Đa toán thắng, thiểu toán bất thắng, nhi huống ư vô toán hồ! Ngô dĩ thử quan chi, thắng phụ kiến hĩ".

BÌNH GIẢI:

Thiên Kế sách - chương đầu tiên của Tôn Tử Binh pháp, mở màn chỉ rõ chiến tranh là đại sự quan hệ đến sinh tử tồn vong của quốc gia, nên có thái độ thận trọng. Tiếp theo, Tôn Tử luận bàn về 5 phương diện phải khảo sát của chiến tranh.

Thứ nhất là Đạo. Theo cách nói hiện nay nghĩa là tiến hành cuộc chiến tranh đó có phải là chính nghĩa hay không, có được lòng người hay không? Đắc Đạo thì nhiều người giúp đỡ, thất Đạo thì ít người giúp đỡ. Chỉ có chiến tranh chính nghĩa mới có trên dưới đồng lòng, đồng tâm cùng sống chết, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù.

Thứ hai là Thiên thời. Khí trời nóng, lạnh hết sức quan trọng đối với sự thành bại của chiến tranh. Trong các chiến lệ cổ kim, thời tiết đều đóng vai trò cực kỳ trọng yếu.

  • Nguồn:

1 - vnthuquan.net.
2 - Tôn Tử binh pháp & 36 kế / Lỗ Trung Kiệt (Duy Hinh dịch).-Thanh Hoá: Thanh Hoá, 2008, 695tr.