In bài này
Long hổ tranh hùng: Tàu làm thịt Nga
Thứ Năm, 25/02/2010 - 11:46 AM
Nếu có khi nào xảy ra một cuộc xâm lược quân sự quy mô lớn ở dạng “truyền thống” chống lại Nga thì tới 95% (nếu như không phải là 99,99%) kẻ xâm lược sẽ là Trung Quốc.

Sự quá tải dân số khổng lồ của nước này cộng với kinh tế phát triển nhanh đang tạo ra một tổ hợp các vấn đề cực kỳ phức tạp. Sự liên hệ lẫn nhau của các vấn đề này là giải quyết những vấn đề này lại làm trầm trọng những vấn đề kia. Trung Quốc (TQ) về khách quan không có sức sống trong đường biên giới hiện tại.

TQ sẽ trở nên lớn hơn nhiều nếu như không muốn nhỏ hơn nhiều. TQ có thể không tránh khỏi việc bành trướng ra ngoài để giành giật tài nguyên và lãnh thổ, thực tế là thế. Có thể nhắm mắt làm ngơ trước thực tế ấy, song không thể tránh khỏi nó.

Ngoài ra, không cần phải tưởng tượng ra là hướng bành trường chủ yếu của TQ sẽ là Đông Nam Á. Ở đó có khá ít lãnh thổ và tài nguyên, trong khi đó lại có rất đông dân cư bản địa. Một tình hình trái ngược - rất nhiều lãnh thổ, tài nguyên cực kỳ dồi dào, dân cư quá thưa thớt - ở Kazakhstan và phần châu Á của Nga. Và đây chính là hướng mà TQ sẽ bành trướng tới. Hơn nữa, vùng lãnh thổ ngoại Ural của Nga bị TQ coi là lãnh thổ của họ.

Có thể viết thêm một bài báo dài để trình bày ngắn gọn các quan niệm lịch sử tương ứng của TQ. Chỉ người hoàn toàn không hiểu thế nào là TQ và người TQ mới có thể cho rằng, vấn đề biên giới giữa Liên bang Nga và TQ đã được giải quyết.

Trong 7 đại quân khu, 2 đại quân khu mạnh nhất với bộ tư lệnh ở Bắc Kinh và Thẩm Dương giáp giới với Nga. Đại quân khu Bắc Kinh nhằm vào quân khu Siberia, còn đại quân khu Thẩm Dương nhằm vào quân khu Viễn Đông của Nga.

  • Thuộc biên chế 2 đại quân khu này là 4 trong 9 sư đoàn xe tăng và 6 trong 9 sư đoàn cơ giới, 6 trong 12 lữ đoàn tăng của lục quân TQ.

  • Thêm 2 sư đoàn tăng và 1 lữ đoàn tăng nằm trong biên chế đại quân khu Lan Châu (ở miền Tây TQ, nhằm vào Trung Á, Mông Cổ và Siberia ở phía Tây hồ Baikal), còn 1 sư đoàn tăng, 1 sư đoàn cơ giới, 2 lữ tăng và 1 lữ cơ giới duy nhất của quân đội TQ thuộc biên chế đại quân khu Tế Nam. Đại quân khu Tế Nam nằm ở trung tâm TQ và là hậu bị chiến lược cho các đại quân khu Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu và Nam Kinh.

Cả Mỹ và Nga đều không có các tên lửa tầm trung như DF-21C của TQ. 
Đối với Nga, các tên lửa này là tên lửa chiến lược vì từ lãnh thổ TQ
chúng có thể với tới hầu như mọi mục tiêu quan trọng sống còn của Nga

 
Dĩ nhiên, đối với TQ thì tốt nhất là hình thức bành trướng hòa bình (bằng kinh tế và nhân khẩu). Song cũng hoàn toàn không loại trừ hình thức chiến tranh. Điều đặc biệt rõ là trong những năm gần đây, quân đội TQ tiến hành các cuộc tập trận mà không thể có cách diễn giải nào khác là việc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược chống lại Nga, hơn nữa quy mô các cuộc tập trận (phạm vi không gian và số quân) liên tục tăng.

Đồng thời, rõ ràng là Nga chưa nhận thức được rằng, từ lâu Nga đã mất đi không chỉ ưu thế số lượng mà cả chất lượng đối với TQ về vũ khí trang bị. Thời Liên Xô, chúng ta có cả 2 ưu thế ấy và điều đó, như “làn sóng nhỏ” giành đảo Damansky đã cho thấy (ý nói cuộc xung đột lãnh thổ Xô-Trung thập niên 1960), đã bù lại trước ưu thế sinh lực rất lớn của TQ.
 

Lựu pháo tự hành PLL-05 120 mm của TQ sao chép các giải pháp chính của lựu pháo tự hành Nona-S 120 mm của Nga

Bậc thầy về đánh cắp công nghệ

TQ đã sống rất lâu với những gì Liên Xô cho họ trong thập niên 1950-đầu thập niên 1960. Tuy vậy, sau khi quan hệ với phương Tây ấm lên, họ đã tiếp cận được một số mẫu vũ khí trang bị của Mỹ và châu Âu, còn từ cuối thập niên 1980 thì bắt đầu mua vũ khí trang bị tối tân của Liên Xô, còn sau đó là của Nga, nhờ đó về nhiều loại vũ khí, họ “đã nhảy vọt” một thế hệ.

Ngoài ra, TQ luôn có tuyệt kỹ đánh cắp công nghệ. Trong thập niên 1980, tình báo TQ thậm chí đã lấy được các bản vẽ đầu đạn hạt nhân tối tân W-88 trang bị cho tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm Trident-2 của Mỹ. Còn vũ khí trang bị thông thường thì TQ thường đánh cắp với số lượng lớn.

Ví dụ, chẳng thấy ai nói Nga đã bán cho TQ các hệ thống rocket phóng loạt Smerch hay hơn nữa là giấy phép sản xuất chúng. Ấy vậy mà trong quân đội TQ xuất hiện ban đầu là hệ thống rocket phóng loạt  А-100 rất giống Smerch, còn sau đó là PHL-03 là bản sao chép hoàn toàn của nó. Hệ thống pháo tự hành Туре 88 (PLZ-05) rất giống hệ pháo Msta mà Nga cũng lại chưa từng bán cho TQ. Nga cũng chưa bao giờ bán cho TQ giấy phép sản xuất hệ thống tên lửa phòng không (TLPK) S-300, song điều đó chẳng hề cản trở TQ sao chép nó với cái tên HQ-9.

Bên cạnh đó, họ cũng đánh cắp thành công của người Pháp hệ thống TLPK Crotale, tên lửa chống hạm Exocet, hệ thống pháo tàu М68….

Kết hợp các công nghệ nước ngoài và thêm chút ít gì đó của mình, công nghiệp quốc phòng TQ bắt đầu chế tạo được những mẫu vũ khí khá độc đáo: hệ thống pháo-TLPK Туре 95 (theo nguyên bản, loại này còn có tên là PGZ-04, song theo sinodefence lại là PGZ-95), các pháo tự hành PLL-05 và PTL-02, xe chiến đấu bộ binh ZBD-05…
 

Các tên lửa chống hạm YJ-62A có tầm bắn 280 km - sự hăm dọa đối với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ

Chế tạo tại TQ

Nhìn tổng thể, như đã nói ở trên, trên thực tế về tất cả các chủng loại vũ khí thông thường, ưu thế chất lượng của Nga chỉ còn là quá khứ. Ở đâu đó, TQ thậm chí còn vượt Nga, ví dụ về máy bay không người lái và vũ khí bộ binh. TQ đang dần thay thế súng AK bằng các súng trường tự động tối tân chế tạo theo sơ đồ Bullpup (cái tẩu) dựa trên thiết kế súng АК và các súng trường phương Tây (FAMAS, L85).

Hơn nữa, mặc dù một số chuyên gia cho rằng, TQ đang ở thế phụ thuộc công nghệ vào Nga như nhà cung cấp vũ khí chủ yếu (nghĩa là TQ không thể tấn công Nga), đó là sự ảo tưởng hoàn toàn.
 

Hệ thống rocket phóng loạt tầm xa PHL-03.
Bạn hãy tìm ra 5 khác biệt với Smerch

TQ đã mua của Nga hoàn toàn là những vũ khí dùng để tác chiến chống Đài Loan và Mỹ (hiện tại, Bắc Kinh đang nghiêm túc vạch kế hoạch cho một chiến dịch đánh chiếm hòn đảo Đài Loan). Rõ ràng là cuộc chiến tranh hải quân giữa TQ và Nga hầu như không thể xảy ra vì chẳng bên nào cần đến nó. Chiến tranh sẽ mang tính chất trên bộ. Trong khi đó, không thể không thấy rằng, TQ không mua của Nga vũ khí trang bị gì cho lục quân của họ bởi vì một khi xảy ra chiến tranh với Nga, chính vũ khí trang bị đó sẽ được sử dụng.

Thậm chí trong lĩnh vực không quân, TQ cũng đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Họ đã mua của Nga một số lượng hạn chế máy bay tiêm kích Su-27 - chỉ vẻn vẹn 76 chiếc, trong đó có 40 Su-27UB. Từ tương quan giữa máy bay chiến đấu và huấn luyện chiến đấu hiếm có đó, hoàn toàn thấy rõ là Su-27 của Nga được mua để huấn luyện phi công. Sau đó, như ta đã biết, TQ từ chối sản xuất theo giấy phép Su-27 bằng linh kiện Nga sau khi đã sản xuất được 105 chiếc trong 200 chiếc dự kiến.

Đồng thời, họ cũng đã sao chép máy bay tiêm kích này và bắt đầu sản xuất không giấy phép nó với cái tên J-11B lắp động cơ, vũ khí và thiết bị điện tử hàng không do họ chế tạo. Hơn nữa, nếu như hoạt động sao chép các mẫu vũ khí Liên Xô của TQ trong thập niên 1960 đặc trưng là sao chép thô thiển thì J-11B xét theo các thông tin hiện có hầu như không thua kém gì Su-27.
 
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31A. Theo CIA, tên lửa này có thể bằng phát đạn đầu tiêu diệt một tàu sân bay đang di chuyển ở cự ly đến 12000 km. Không một tên lửa Nga nào có khả năng đó

Có thể thấy rằng, gần đây hợp tác kỹ thuật quân sự của TQ với Nga đang chấm dứt. Một phần, có thể lý giải là công nghiệp quốc phòng Nga suy thoái nhanh đã không còn khả năng mời chào TQ những vũ khí và trang bị mà họ cần. Cách lý giải khác là Bắc Kinh đang xem xét khả năng khai chiến chống Nga trong tương lai gần.

Bởi lẽ J-11B về tính năng kỹ-chiến thuật gần như tương đương Su-27, còn J-10 chế tạo trên cơ sở máy bay Lavi của Israel có sử dụng các công nghệ của Nga và của TQ hoàn toàn có thể sánh với MiG-29 nên Nga chẳng hề có ưu thế chất lượng gì hết trên không trung. Còn ưu thế số lượng thì sẽ chắc chắn thuộc về TQ, nhất là khi xét đến sự tan rã hoàn toàn của hệ thống phòng không Nga, mà trước hết lại chính là ở Viễn Đông. Về Su-30, TQ có ưu thế áp đảo: TQ có 120 chiếc, Nga có 4 chiếc.

Nhược điểm chính của không quân TQ là không có các máy bay cường kích và trực thăng tiến công thông thường, nhưng đây không phải là tai họa lớn với họ bởi vì tình hình còn tồi tệ hơn với Nga.
 

Hệ thống TLPK HQ-7B mẫu sao chép trái phép hệ thống Crotale của Pháp

Hiệu ứng số đông

Các loại xe tăng tốt nhất của TQ - Туре 96 và Туре 99 (chính là Type 98С) - trên thực tế chẳng hề thua kém gì các xe tăng tốt nhất Т-72B, Т-80U, Т-90 của Nga. Hơn nữa, tất cả chúng đều là “họ hàng gần gũi", bởi vậy và tính năng kỹ-chiến thuật của chúng cũng rất gần nhau.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên cáo việc thủ tiêu thực tế bộ đội xe tăng Nga. Xe tăng cho toàn nước Nga sẽ chỉ còn 2000 chiếc. Hiện tại, TQ cũng có chừng đó xe tăng hiện đại. Còn có các loại xe tăng cũ  (Туре 59 đến Туре 80) được chế tạo dựa trên Т-54 của Liên Xô đông đảo hơn nhiều (không dưới 6000). Chúng khá hiệu quả khi tác chiến chống xe chiến đấu bộ binh BMP, xe bọc thép chở quân BTR, cũng như để tạo ra “hiệu ứng số đông”.

Hoàn toàn có khả năng bộ chỉ huy quân đội TQ sử dụng chính các xe tăng này cho đòn tấn công đầu tiên. Chúng kiểu gì cũng gây ra tổn thấy nào đó cho Nga, mà quan trọng nhất là hút về mình các phương tiện chống tăng của Nga, sau đó là đến đòn tiến công bằng xe tăng hiện đại nhằm vào bên đã bị tiêu hao và suy yếu. Bên cạnh đó, ở trên không thì các máy bay tiêm kích cũ kiểu J-7, J-8 cũng có thể tạo ra “hiệu ứng số đông” tương tự.
 

Xe chiến đấu bộ binh lội nước ZBD-05 phát triển cho lính thủy đánh bộ - sự đau đầu đối với Đài Loan

Tức là về các mẫu vũ khí hiện đại, quân đội Nga và TQ hiện nay gần như ngang nhau (chất lượng và số lượng), và nó đang chắc chắn (và không quá chậm) biến thành ưu thế của quân đội TQ. Trong khi đó quân đội TQ có một “màn chắn” to lớn bằng các mẫu vũ khí còn “ngon”, rất thích hợp để làm “vật hy sinh” để tiêu hao lực lượng phòng thủ của quân đội Nga.

Do TQ có một vấn đề hiếm có là “thiếu cô dâu” nên việc mất mấy trăm ngàn nam thanh niên đối với lãnh đạo TQ không phải là vấn đề mà còn là việc tốt. Cũng chẳng phải là vấn đề khi “thanh lý” trong chiến đấu mấy ngàn xe tăng thiết giáp đã lỗi thời.
 

Hệ thống pháo-TLPK PGZ95 với pháo sao chép mẫu SIDAM-25 của Italia,
còn tên lửa sao chép mẫu TLPK vác vai Igla-1 của Nga

Ngay hiện tại, chỉ 2 trong 7 đại quân khu của quân đội TQ là Bắc Kinh và Thẩm Dương tiếp giáp với Nga cũng đã mạnh hơn toàn bộ quân đội Nga (từ Kaliningrad đến Kamchatka). Còn trên chiến trường tiềm tàng (Zabaikalie và Viễn Đông), lực lượng các bên đơn giản là không nên so sánh, TQ vượt trội Nga không phải mấy lần mà mấy chục lần.

Hơn nữa, việc chuyển quân từ phía Tây trong tình huống chiến tranh thật sự sẽ hầu như không thể, bởi vì biệt kích của TQ chắc chắn sẽ cắt đứt tuyến đường trục xuyên Siberia lập tức ở nhiều điểm trên toàn chiều dài của nó, còn các tuyến đường khác với khu vực phía Đông thì Nga không có (bằng đường không có thể vận chuyển người, nhưng không vận chuyển được trang bị nặng).
 

Tăng chủ lực Type 98 của TQ

Xe tăng của TQ cũng rất nhanh

Bên cạnh đó, cả về huấn luyện chiến đấu, nhất là ở các đơn vị, binh đoàn được trang bị hiện đại nhất, quân đội TQ cũng vượt Nga từ lâu. Chẳng hạn, tập đoàn quân 38 của đại quân khu Bắc Kinh, pháo binh đã hoàn toàn tự động hóa, về độ chính xác thì còn thua kém pháo binh Mỹ, song lại vượt trội so với pháo binh Nga. Tốc độ tiến công của tập đoàn quân 38 đạt 1000 km trong 1 tuần (150 km trong 1 ngày đêm).

Vì vậy, trong chiến tranh thông thường, quân đội Nga không có cơ hội nào hết. Đáng tiếc là cả vũ khí hạt nhân cũng không bảo đảm chắc chắc cứu vãn được tình thế bởi vì TQ cũng có vũ khí hạt nhân. Đúng là hiện tại Nga có ưu thế về lực lượng hạt nhân chiến lược, nhưng nó đang bị cắt giảm nhanh. Trong khi đó, Nga không có tên lửa đường đạn tầm trung, còn TQ lại có chúng và điều đó gần như xóa bỏ sự tụt hậu về tên lửa đường đạn xuyên lục địa (sự tụt hậu này cũng đang giảm đi).

Tương quan lực lượng về vũ khí hạt nhân chiến thuật thì chưa rõ, chỉ có điều phải hiểu rằng, Nga phải sử dụng nó ngay trên lãnh thổ của mình. Liên quan đến việc trao đổi các đòn đánh bằng lực lượng hạt nhân chiến lược thì tiềm lực của TQ là quá đủ để tiêu diệt các thành phố lớn ở phần lãnh thổ châu Âu của Nga mà TQ không cần (ở đó có đông người và ít tài nguyên). Có những nghi vấn rất mạnh rằng, vì hiểu điều đó nên Kremlin sẽ không dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Bởi vậy, kiềm chế TQ bằng vũ khí hạt nhân cũng ảo tưởng như nói họ phụ thuộc công nghệ vào Nga.


Hãy học tiếng Trung đi là vừa.

VNH