In bài này
Quân đội Trung Quốc (1). Những thông tin cơ bản
Thứ Ba, 23/02/2010 - 10:50 PM
Quân đội lớn nhất thế giới dưới sự kiểm soát của chính đảng lớn nhất thế giới sẽ xây dựng một quốc gia lớn nhất thế giới, không chỉ về mặt dân số mà cả về mặt diện tích.
Việc nghiên cứu Quân Giải phóng nhân dân TQ (QGP), tên chính thức của quân đội TQ, gặp nhiều khó khăn bởi vì tổ chức này đóng kín với mọi nghiên cứu ở bên ngoài hơn rất nhiều nền kinh tế hay lĩnh vực xã hội của một đất nước vốn không cởi mở cho lắm. Được công khai chỉ là những tin tức về các cơ quan lãnh đạo cao cấp và tổ chức chung của QGP (tổ chức theo quân binh chủng và lãnh thổ). Bởi vậy, nguồn thông tin chi tiết hơn về quân đội TQ thường là các nguồn tin tình báo của phương Tây.

Lãnh đạo quân đội TQ là Quân uỷ Trung ương (QUTƯ) nhà nước (cơ quan này được giao quyền xây dựng luật trong lĩnh vực quân sự), về hình thức là tách khỏi ĐCSTQ và trực thuộc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) TQ. Tuy vậy, QUTƯ nhà nước và QUTƯ của ĐCSTQ thường chỉ do cùng một người đứng đầu, thành phần các cơ quan này theo hiến pháp năm 1982 hoàn toàn giống nhau. Đồng thời, chức vụ chủ tịch QUTƯ trên thực tế được coi là vị trí quan trọng nhất ở TQ. Chỉ sau khi nắm giữ chức vụ này, một người mới có thể được coi là nhà lãnh đạo toàn quyền của TQ.

Trong thành phần UBTƯ ĐCSTQ, các sĩ quan cao và trung cấp chiếm hơn 20%. Quân đội TQ nằm dưới sự kiểm soát của lãnh đạo ĐCSTQ và được sử dụng không chỉ để phòng thủ đất nước chống ngoại xâm, mà còn để giải quyết các nhiệm vụ nội địa có tính chất cảnh sát.

QUTƯ thực hiện quyền lãnh đạo đối với 4 quân chủng (lực lượng pháo binh 2 (tên lửa hạt nhân chiến lược), lục quân, không quân, hải quân) và 7 đại quân khu (Các đại quân khu này chỉ huy các đơn vị lục quân thuộc biên chế của mình. Bộ tư lệnh các đại quân khu đặt tại Bắc Kinh, Thẩm Dương, Tế Nam, Nam Kinh, Lan Châu, Quảng Châu và Thành Đô) thông qua Bộ tổng tham mưu (trừ lực lượng pháo binh 2 do QUTƯ lãnh đạo trực tiếp) và 3 tổng cục (chính trị, hậu cần, trang bị). Việc di chuyển 1 đơn vị trên 1 tiểu đoàn phải được phép của QUTƯ. Điều đó cũng liên quan đến mọi hoạt động di chuyển quân qua ranh giới các đại quân khu.

Bộ quốc phòng TQ thực hiện lãnh đạo hàng ngày đối với công tác xây dựng quân đội và nằm trong cơ cấu của Quốc vụ viện (chính phủ) TQ. Tổng cục Chính trị lãnh đạo công tác đảng-công tác chính trị và tuyên huấn trong quân đội TQ. Các tổ chức đảng có mặt trong tất cả các đơn vị và binh đoàn, không có chữ ký của chính uỷ thì không một mệnh lệnh nào, kể cả mệnh lệnh chiến đấu, có hiệu lực.

Quân đội TQ áp dụng chế độ tuyển quân nghĩa vụ. Tuổi nhập ngũ là 18 tuổi. Thời hạn nghĩa vụ là 2 năm. Do thừa nhiều nhân lực ở độ tuổi nhập ngũ nên việc tuyển quân có tính lựa chọn. Các cấp chỉ huy có điều kiện nhận vào quân đội những người tốt nhất, cho phép kết hợp các yếu tố tích cực của chế độ nghĩa vụ và chế độ hợp đồng. Trong quân đội TQ có chế độ phục vụ hợp đồng kéo dài từ 3-30 năm, chế độ phục vụ siêu thời hạn dài từ 8-12 năm đã bị huỷ bỏ.

Quân số quân đội TQ dần giảm từ 4,238 triệu quân năm 1985 xuống còn 2,300 triệu vào năm 2006.

Nam thanh niên từ 18-35 tuổi không được gọi nhập ngũ thì được đưa vào lực lượng dự bị trong hệ thống dân binh mà quân số hiện là 36,5 triệu. Đây được xem là lực lượng dự bị sẵn sàng chiến đấu có tổ chức của quân đội TQ và là cơ sở cho chiến tranh du kích.

Bộ phận của quân đội TQ làm các nhiệm vụ có tính nội địa (bảo vệ biên giới, tài nguyên thiên nhiên, các mục tiêu nhà nước và kinh tế quan trọng nhất, hạ tầng, các trại giam, nhà tù, duy trì an ninh nội địa...) là Cảnh sát nhân dân vũ trang được thành lập tháng 6.1982 với quân số hiện là 1,5 triệu quân. Lực lượng này cũng được phiên chế các đơn vị quân đội TQ, trong đó có một số sư đoàn bộ binh. Cảnh sát nhân dân vũ trang trực thuộc QUTƯ và Quốc vụ viện.

Một bộ phận cấu thành của Cảnh sát nhân dân vũ trang là quân đoàn sản xuất-xây dựng đóng ở khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ. Đơn vị này làm nhiệm vụ xây dựng các loại công trình, làm nông nghiệp, bảo đảm hậu cần cho các đơn vị của đại quân khu Lan Châu, trong những tình huống nhất định có thể đảm nhiệm vụ trò dự bị vũ trang cho các đơn vị này.

Việc phân định chức năng giữa quân đội TQ, Cảnh sát nhân dân vũ trang và dân binh là nền tảng khái niệm "hệ thống các lực lượng vũ trang 3 thành phần nhất thể" có hiệu lực từ năm 1983 và là bộ phận cấu thành của học thuyết quân sự TQ.

TQ đang tăng nhanh chi phí quân sự nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội TQ trong điều kiện chiến tranh kỹ thuật cao. Tốc độ tăng chi phí quân sự cao gấp 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, là 14-18%/năm. Nếu như năm 2001, chi phí quân sự của TQ tương đương 17,4 tỷ USD, thì năm 2009 đạt đến 70,2 tỷ USD. Hơn nữa, tất cả các nhà nghiên cứu nước ngoài không có ngoại lệ đều thống nhất cho rằng, con số chi phí chính thức bị hạ thấp so với chi phí thật 1,5-3 lần bởi vì số tiền này không bao gồm các khoản chi phí nhập khẩu vũ khí và nguồn thu từ xuất khẩu, chi phí cho vũ khí hạt nhân và lực lượng hạt nhân chiến lược, cho Cảnh sát nhân dân vũ trang, trợ cấp cho công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu phát triển.

Ở giai đoạn cải cách đầu tiên, quân đội TQ đã được quyền hoạt động thương mại, điều chưa từng có trên thế giới hiện nay. Hoạt động này bao trùm 72 ngành, trong đó có hộp đêm, giao dịch bất động sản, các xí nghiệp khai thác. Theo đánh giá của phương Tây, quân đội TQ quản lý 15000 xí nghiệp với thu nhập hàng năm 18 tỷ USD. Hoạt động thương mại của quân đội hầu như không chịu sự kiểm soát của các cơ quan chính phủ, bởi vậy ở đây việc kinh doanh bất hợp pháp, như buôn lậu, dễ dàng hơn nhiều. Nạn tham nhũng đạt đến quy mô rất lớn, bởi vậy, hoạt động thương mại trong quân đội TQ đã bị cấm vào năm 1998.

Các mặt mạnh của quân đội TQ là nguồn nhân lực gần như vô tận, sở hữu lực lượng hạt nhân chiến lược và vũ khí huỷ diệt lớn, cũng như tên lửa đường đạn các tầm, quy mô địa lý đất nước rộng lớn tạo ra ưu thế chiều sâu chiến lược, sẵn sàng chịu tổn thất lớn (ví dụ, trong chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, tổn thất của TQ là 42000 theo số liệu của Việt Nam và 20000 theo số liệu của chính TQ). Xét về quân số, các lực lượng vũ trang TQ đứng đầu thế giới (2,25 triệu quân, dự bị động viên 208,1 triệu người), đứng thứ ba thế giới (sau Nga và Mỹ) về số lượng xe tăng (7600 chiếc), đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) về số lượng máy bay chiến đấu (gần 4000 chiếc), đứng đầu thế giới về tổng số tàu ngầm nguyên tử đa năng và tàu ngầm diesel.

Mặt yếu của quân đội TQ là trang bị cổ lỗ: phần lớn vũ khí trang bị (hơn 70% xe tăng, hơn 80% máy bay chiến đấu) được chế tạo dựa trên các mẫu vũ khí trang bị của Liên Xô thời những năm 1950-1960, nên không đáp ứng các yêu cầu hiện đại. Cũng có thể nêu lên vấn đề bảo đảm hậu cần kém, sự phát triển yếu ớt của các phương tiện thông tin liên lạc, điều khiển, trinh sát, tác chiến điện tử. Tuy vậy, gần đây, TQ cải thiện khá nhanh cơ cấu chất lượng của quân đội bằng cách mua từ Nga những mẫu vũ khí trang bị hiện đại nhất. Họ cũng đang sản xuất vũ khí tự chế mà thường là kết hợp các công nghệ của Nga và phương Tây (ví dụ tăng Туре-96, máy bay tiêm kích J-10).

Ngoài ra, TQ bằng mọi cách hợp pháp và bất hợp pháp mua sắm các công nghệ quân sự tối tân nhất (cả của Nga lẫn của phương Tây). Một số nhà bình luận thậm chí cho rằng, ngay từ năm 2002, TQ đã tạo được sự đột phá về công nghệ và trong nhiều lĩnh vực đã vượt qua Nga.

Các phần tiếp theo sẽ trình bày chi tiết về biên chế chiến đấu của quân đội TQ theo các quân chủng, quan điểm của lãnh đạo TQ và quân đội TQ về tình hình thế giới, các kế hoạch chiến lược và khái niệm mà quân đội TQ đi theo trong quá trình bành trướng tương lai của mình.

 

GL