In bài này
Hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật-Mỹ: khu vực - hôm nay, chiến lược - ngày mai
Thứ Sáu, 19/02/2010 - 2:32 PM
Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường - mô hình của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ. Quyết định của TT Mỹ Barack Obama không triển khai trận địa thứ ba của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở Ba Lan và Czech được Washington ca ngợi như một cử chỉ thiện chí nhằm tạo bầu không khí thuận lợi trong các cuộc đàm phán với Nga về việc ký kết hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới. Tuy nhiên, bước đi này của Nhà Trắng có thể còn có những nguyên nhân khác.

Những nguyên nhân đích thực

Có cảm tưởng là nguyên do đầu tiên khiến Mỹ từ bỏ kế hoạch xây dựng các mục tiêu phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Czech là Washington không muốn chọc tức Moskva, còn công việc nghiên cứu mới cặn kẽ cấu trúc của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ do cộng đồng chuyên gia Mỹ tiến hành và cuối cùng là việc xác định những phương hướng phát triển mới NMD có xét đến các thành tựu công nghệ tiên tiến hiện nay.

Theo các tài liệu công khai, nhiều chuyên gia Mỹ nghiêng về đánh giá cho rằng NMD hiện tại không bảo đảm bảo vệ trước một cuộc tấn công tên lửa. Chỉ có thể nâng cao hiệu quả của hệ thống sau khi thay đổi cấu trúc và thành phần của nó với dự trù triển khai mấy hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD) cấp khu vực ở những hướng dễ bị tên lửa tấn công nhất với nhiệm vụ đánh chặn tên lửa ngay ở giai đoạn bay đầu tiên.

Các chuyên gia Mỹ xuất phát từ quan điểm cho rằng, việc tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa chiến trường trên cơ sở các phát triển KHKT và công nghệ mới lên đến trình độ bảo đảm đánh chặn chắc chắn tên lửa xuyên lục địa (ICBM) sẽ tạo những tiền đề thực tiễn cho việc xây dựng tiếp đó hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược toàn cầu với các thành phần triển khai trên mặt đất, trên biển và trên không trung-vũ trụ bằng cách hợp nhất chúng dưới sự chỉ huy chiến đấu thống nhất.
Các hệ thống TMD cấp khu vực có thể bao gồm các thành phần khác nhau tuỳ thuộc vào tình hình thực tế, thậm chí kể cả thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ bằng các thành phần trên biển. Các lực lượng phòng thủ tên lửa trên biển cơ động hơn và được Mỹ phát triển từ cuối thập niên 1990.

Các nghiên cứu được tiến hành theo một số dự án các hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và các thành phần của chúng. Một trong những hệ thống có triển vọng nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa vùng biển bởi lẽ nói cho cùng thì nó có thể được sử dụng như một thành phần của hệ thống NMD nhiều tầng của Mỹ.

Washington và Tokyo hy vọng
dùng hệ thống TMD
để đánh chặn cả các tên lửa này
(Sách "Lực lượng tàu ngầm Nga")

Ban đầu, mục tiêu của hệ thống phòng thủ tên lửa vùng biển là đánh chặn đầu đạn của các tên lửa đường đạn ở giai đoạn bay cuối của chúng, nhưng trước khi đi vào khí quyển. Thực tế, nó dùng để bảo vệ các mục tiêu cố định, các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Hệ thống phòng thủ tên lửa vùng biển, về thực chất, sẽ là phương án hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa bảo vệ mục tiêu trên bộ.

Sau này, vì nhiều nguyên nhân, phạm vi của chương trình hệ thống phòng thủ tên lửa vùng biển được mở rộng thành một chương trình tổ hợp hơn nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa cấp khu vực triển khai trên biển có tên gọi hệ thống phòng thủ tên lửa vùng biển mở rộng.

Chương trình hệ thống phòng thủ tên lửa vùng biển mở rộng dự kiến xây dựng 2 tuyến phòng thủ tên lửa trên biển. Trên Thái Bình Dương, tuyến phòng thủ đầu tiên dự định được triển khai ở biển Nhật Bản ngay sát Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Tuyến thứ hai là tại các cửa ngỏ đi vào bờ biển phía Tây Thái Bình Dương của Mỹ để ngăn chặn các tên lửa đối phương vượt qua được tuyến thứ nhất.

Trong các nghiên cứu đã bắt đầu theo các chương trình trên đã đặt ra nhiệm vụ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển có khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn ở giai đoạn bay trung gian trước khi đi vào khí quyền và bằng cách đó bảo vệ được một vùng địa lý rộng lớn hơn.

Liên minh phòng thủ tên lửa

Tuy vậy, khái niệm hệ thống TMD của Mỹ và biến thể của nó là hệ thống phòng thủ tên lửa vùng biển mở rộng không được sự ủng hộ tích cực của các đồng minh NATO của Washington. Họ hiểu rằng, người Mỹ quan tâm đến việc xây dựng hệ thống TMD trước hết để bảo vệ lãnh thổ Mỹ.

Tokyo, đồng minh quân sự chủ yếu của Mỹ ở Viễn Đông, trong các cuộc đàm phán Mỹ-Nhật tiến hành từ giữa thập niên 1990 về vấn đề này, cũng tỏ ra thận trọng và tìm những lý do hình thức để từ chối tham gia cùng Mỹ trong dự án xây dựng hệ thống TMD.

Lập trường của Nhật Bản thay đổi hẳn vào năm 1998 sau khi CHDCND Triều Tiên phóng thử một tên lửa đường đạn bay qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Tháng 12.2003, chính phủ Nhật quyết định phát triển và triển khai vùng với Mỹ hệ thống phòng thủ tên lửa cấp khu vực (hệ thống TMD).

Theo giới lãnh đạo chính trị và quân sự Nhật Bản, việc thực hiện quyết định này sẽ cho phép triệt tiêu mối đe doạ không chỉ từ phía CHDCND Triều Tiên, mà cả từ Trung Quốc, nước mà ngoài ICBM đang sở hữu một lực lượng lớn tên lửa đường đạn tầm trung có tầm bắn bao trùm toàn bộ quần đảo Nhật Bản.

Ngay trong ngân sách năm 2004, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xin chi 142,3 tỷ yen để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Khái niệm của Nhật về hệ thống phòng thủ tên lửa dự kiến xây dựng 2 thành phần trên biển và trên bộ, tương ứng là 2 tuyến phòng thủ. Ngay từ khi bắt đầu xây dựng khái niệm này, Tokyo đã xuất phát từ việc hợp tác với Mỹ và chủ yếu là đã dự trù việc mua kỹ thuật của Mỹ, hợp tác chặt chẽ với Mỹ để sử dụng và chuẩn bị chiến đấu các phương tiện đó.

Cơ cấu hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật gồm 2 bộ phận cấu thành: trên biển và trên bộ, phần nào sao chép khái niệm hệ thống phòng thủ tên lửa vùng biển mở rộng của Mỹ. Thành phần trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật hiện gồm: 4 tàu khu trục lớp Kongo.

Chúng được trang bị các hệ thống chỉ huy-điều khiển Aegis, bao gồm các bộ xử lý và radar AN/SPY-1 cùng hệ thống tên lửa phòng không (TLPK) SM-3 (Standart, SM-3 block 1) được Mỹ đưa vào trang bị năm 2004.

Tên lửa chống tên lửa SM-3 block 1 có tầm đánh chặn hiệu quả tối đa trên 500 km, độ cao đánh chặn tối đa trên 250 km, tốc độ đến 4500 m/s. Tên lửa 3 tầng này có tổng trọng lượng gần 1500 kg, tầng đánh chặn nặng 15-18 kg.

Các tàu chiến trang bị hệ thống SM-3 block 1 theo đa số các kịch bản được triển khai ở khoảng cách tương đối gần các khu vực phóng tên lửa của đối phương trên các hướng tên lửa bay qua. Hệ thống TLPK SM-3 block 1 có khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn ở giai đoạn bay giữa (độ cao lớn). Khi được bảo đảm thông tin tốt, chúng có thể đánh chặn hiệu quả các tên lửa đường đạn kể cả khi phóng. Theo báo chí, các tàu khu trục lớp Kongo đã bắt đầu tuần tra tại các vị trí trên biển Nhật Bản.

Thành phần trên mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật bao gồm các đơn vị được trang bị biến thể mới nhất của hệ thống TLPK đã thể hiện hiệu quả trong thực chiến Patriot (Patriot Advanced Capability, PAC). Đó là hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa tầm gần PAC-3.

Các tên lửa chống tên lửa РАС-3 chủ yếu dùng để tiêu diệt các tên lửa chiến dịch-chiến thuật. Tuy nhiên, chúng có khả năng tiêu diệt các đầu đạn cơ động và tự dẫn của các hệ thống tên lửa chiến lược. Nhiệm vụ của thành phần mặt đất là bảo vệ các mục tiêu cụ thể, ví dụ thủ đô Nhật chống lại ICBM của đối phương vượt qua được thành phần trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nước Nga có lý do để lo lắng

Trên thực tế, cả 2 thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật hiện đã được hình thành và đi vào hoạt động ở mức độ nhất định. Chúng đang được mở rộng và phát triển. Đây là quyền của một nhà nước có chủ quyền. Hơn nữa hệ thống phòng thủ tên lửa là một hệ thống phòng thủ. Nhưng các nước láng giềng của Nhật Bản, cũng như các nước khác cũng có quyền và cần phải coi hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật như một bộ phận cấu thành quan trọng trong cán cân lực lượng chiến lược trên thế giới. Nhất là thành phần trên biển.

Theo các chuyên gia Nga, các tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis và hệ thống TLPK SM-3 block 1, khi triển khai ở cự ly nhất định so với các khu vực triển khai của các tàu ngầm của Hải quân Nga, có thể đánh chặn các tên lửa của chúng ở giai đoạn bay tích cực, kể cả ngay sau khi phóng.

Cần phải thấy rằng, trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực ký giữa Mỹ và Nhật Bản vào tháng 12.2004, hai bên đã cam kết thống nhất cá nỗ lực phát triển các phương tiện phòng thủ tên lửa hiệu quả hơn, cụ thể là tên lửa đánh chặn tiên tiến SM-3 block 2. Đồng thời, Nhật Bản cũng nhận trách nhiệm xây dựng hệ thống bảo vệ sensor hồng ngoại khỏi bị nung nóng trong khi bay ở tốc độ siêu vượt âm. Mỹ chịu trách nhiệm phát triển đầu đạn có tốc độ và khả năng sát thương vượt trội so với biến thể trước đó.

Theo các chuyên gia, tầm bắn của SM-3 block 2 có thể tăng lên đến 1500 km, tức là thực tế biến hệ thống này thành hệ thống chiến lược. Việc chế tạo tên lửa chống tên lửa SM-3 block 2 với tư cách một thành phần chính của hệ thống TMD do các chuyên gia Mỹ và Nhật tiến hành dự kiến hoàn thành trước năm 2018.

Họ cũng đang nghiên cứu hiện đại hoá hệ thống điều khiển chiến đấu Aegis để nâng cao cơ bản khả năng phát hiện và bám tên lửa, cũng như lọc các đầu đạn giả và đầu đạn thật. Để làm việc đó, dự kiến sẽ trang bị cho hệ thống thêm một phân hệ máy tính hiệu suất cao.

Có thể cho rằng, Mỹ và Nhật Bản đã phối hợp xây dựng hệ thống TMD ở Tây Thái Bình Dương. Theo mô hình này, trong tương lai, họ có thể xây dựng các hệ thống TMD khu vực với thành phần chính là hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển. Điều đó sẽ được thực hiện bằng cách từng bước tăng cường các lực lưọng, có thể là không cần nêu ra chức năng của chúng (ví dụ, ngoài Nhật Bản, Washington đang cung cấp các hệ thống Aegis cho Hải quân Tây Ban Nha là nhằm mục đích gì?).

Khi triển khai các lực lượng và phương tiện phòng thủ tên lửa trên các hướng có tên lửa đe doạ theo mô hình và giống với hệ thống TMD đang được xây dựng ở Đông Bắc Á, Mỹ và các đồng minh có thể trong quá trình kiểm nghiệm các công nghệ bổ sung chúng bằng thê đội triển khai trên vũ trụ, từng bước mở rộng khả năng chiến đấu của chúng. Cuối cùng, điều đó sẽ cho phép Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, có khả năng đánh chặn tất cả các loại tên lửa đường đạn từ khi phóng và bằng cách đó phá vỡ cán cân lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược.

Hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa đó sẽ được nâng lên trong quá trình cắt giảm số lượng tên lửa mang và đầu đạn hạt nhân của các quốc gia kẻ thù tiềm tàng của Mỹ. Và Washington đang tính đến chuyện đó và vì thế mà Mỹ đã rút khỏi hiệp ước về phòng thủ tên lửa vào năm 2002.

Dựa trên tiêu chí hiệu quả/chi phí, trước hết là mức độ tổn thất có thể ngăn chặn nhờ sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa, các chuyên gia Mỹ đi đến kết luận về tính ưu tiên cao của các hệ thống bảo vệ chống các phương tiện tấn công tên lửa, vũ trụ của các đối phương tiềm tàng. Điều đó đã góp phần lớn để Mỹ chấp nhận cắt giảm nhiều lần đầu đạ và tên lửa mang trong hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới đang được bàn thảo trong các cuộc đàm phán Nga-Mỹ ở Geneva.

Trong các điều kiện đó, nhiệm vụ của đoàn Nga là phải liên hệ chặt chẽ các phương tiện tiến công và phòng thủ chiến lược với nhau. Đồng thời, trong lĩnh vực hệ thống phòng thủ tên lửa, cần phải có sự minh bạch giống như sự minh bạch mà Mỹ đề xuất đối với các phương tiện tiến công.

Điều quan trọng là phải gắn việc cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược với yêu cầu Mỹ bảo đảm chắc chắn không nâng cao các thông số kỹ thuật phân biệt các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược và phi chiến lược đã được quy định trong biên bản ký năm 1997 giữa ngoại trưởng Nga Primakov và ngoại trưởng Mỹ Albright khi triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực.

  • Nguồn: Hôm nay khu vực, ngày mai chiến lược / Aleksandr Shlyntsov - nghiên cứu viên trưởng Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga; Nikolai Tebin nghiên cứu viên chính Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga // NVO.-19.2.2010.

NV