In bài này
Những đóng góp to lớn của lực lượng Công an nhân dân
Thứ Năm, 21/01/2010 - 3:38 PM
Liên tiếp thất bại ở miền Nam nước ta, tháng 8/1972, Mỹ đứng trước 3 sự lựa chọn: một là đạt được giải pháp trước khi bầu cử; hai là leo thang chiến tranh phá hoại sau khi bầu cử; ba là tiếp tục chiến tranh.

Sau khi cân nhắc, đế quốc Mỹ đã lựa chọn kết hợp thực hiện phương án một và phương án hai, nghĩa là tìm cách thỏa thuận với ta trước  ngày bầu cử, nhưng chưa ký kết hiệp định để sau khi thắng cử sẽ đánh ta một đòn mạnh, buộc ta phải nhân nhượng theo điều kiện có lợi cho Mỹ. Đây là một âm mưu rất xảo quyết và thâm độc của Mỹ.

Từ ngày 19 đến ngày 23/10/1972, Kissinger gặp Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn, nhưng ngày 24/10, ông ta không đến Hà Nội để ký tắt Hiệp định như đã thỏa thuận.

Trước thái độ lật lọng của Mỹ, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên quyết giữ vững nguyên tắc cơ bản là  quân Mỹ phải rút khỏi miền Nam, đồng thời vạch trần âm mưu của chúng trước dư luận trong nước và thế giới.

Tại Hội nghị Paris, trong 2 phiên họp riêng thứ 21 và 22 (cuối tháng 11/1972) giữa ta và Mỹ, phía Mỹ đưa ra hàng loạt yêu sách ngang ngược, đòi ta sửa đổi 120 chỗ trong văn bản Hiệp định. Chúng còn hăm dọa: “Mỹ sẽ hoạt động quân sự trở lại” nếu ta không nhân nhượng.

Ngày 30/11/1972, Tổng thống Richard M.Nixon họp với Kissinger cùng với một số quan chức khác trong Bộ Quốc phòng và Bộ Tham mưu liên quân Mỹ, chủ trương mở một đợt ném bom thật mạnh bằng B52 vào Hà Nội từ 3 đến 6 ngày.

Ngày 14/12/1972, chính quyền Nixon chính thức thông qua kế hoạch mở cuộc tập kích B52 vào Hà Nội. Những tin tức đó được ta phát hiện và có kế hoạch chuẩn bị đối phó.

Ngày 16/12/1972, nhiều tốp máy bay Mỹ  trinh sát Hà Nội, Hải Phòng và hệ thống các sân bay ở miền Bắc. Ngày 17/12, máy bay Mỹ mở đợt đánh phá khiêu khích và thả thủy lôi xuống vùng biển Hải Phòng.

Lúc 19h40’ ngày 18/12/1972, Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay B52 trút bom xuống thủ đô Hà Nội, mở đầu cuộc tập kích bằng không quân với quy mô  lớn chưa từng thấy ra phía Bắc vĩ tuyến 20 với mật danh “Lainơ Bếch cơ II”.

Đế quốc Mỹ đã tập trung toàn bộ lực lượng không  quân tại căn cứ ở Thái Lan và tàu sân bay ở vịnh Bắc Bộ, gồm 193 máy bay B52 và hàng trăm máy bay chiến đấu hiện đại khác. Chúng chọn Hà Nội làm mục tiêu đánh phá chủ yếu, lấy Hải Phòng cùng với khu vực giao thông đường sắt phía bắc sông Hồng làm mục tiêu đánh phá bổ trợ.

Mục đích cuộc tập kích nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng của miền Bắc, đánh phá có tính hủy diệt gây khủng khiếp trong nhân dân, tạo nên hậu quả tàn phá lớn khiến ta phải khắc phục lâu dài. Bằng cách đó, chúng buộc ta phải trở lại bàn thương lượng trên thế yếu và phải hạ thấp một số điều khoản của Hiệp định, tạo sự có lợi cho Mỹ.

Cuộc tập kích chiến lược bằng không quân kéo dài trong 12 ngày (từ 18/12 đến 29/12/1972), Mỹ đã sử dụng 729 lần chiếc B52, 1.900 lần máy bay cường kích đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Mô, Kép, Thái Nguyên.

Riêng ở khu vực Hà Nội, địch tập trung tới 444 lượt chiếc máy bay B52 và hơn 1.000 lượt chiếc máy bay cường kích đánh vào 830 điểm, hơn 1.000 lượt đánh vào các khu dân cư, khu kinh tế, văn hóa, giáo dục (trong đó có 39 khối phố nội thành, 3 thị trấn, 78 xã ngoại thành).

Cảnh sát nhân dân khắc phục hậu quả
các đợt ném bom của Mỹ

Hệ thống bệnh viện của thành phố và trung ương hầu hết bị đánh phá, nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhà ga bị thiệt hại nặng, 2.289 người bị giết hại, hơn 1.500 người bị thương, hơn 13.000 ngôi nhà bị phá hủy.

Dưới sự lãnh đạo kiên quyết và kịp thời của Đảng, quân và dân miền Bắc đặc biệt là quân dân thủ đô Hà Nội đã giáng trả đế quốc Mỹ những đòn trừng phạt đích đáng.

Với tinh thần cảnh giác cao, quyết tâm lớn, các lực lượng Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ, dân phòng, dân quân tự vệ và nhân dân, bám sát vị trí chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải, tham gia cứu thương, cứu sập, tuần tra canh gác, phòng cháy chữa cháy...

Trong suốt ngày đêm 19/12, Công an Hà Nội cùng Sở Giao thông vận tải và Hội đồng Phòng không thành phố vận động, tổ chức đưa 547.895 người ra khỏi nội thành và các khu vực trọng điểm ở ngoại thành đến nơi sơ tán nhanh gọn, trật tự.

Các đơn vị phòng cháy, chữa cháy luôn luôn sẵn sàng chiến đấu không quản ngày đêm, bom đạn có lệnh là lên đường làm nhiệm vụ ngay. Đội Phòng cháy chữa cháy Phan Chu Trinh có ngày 5, 6 lần ra trận, có trận kéo dài nhiều giờ, cứu được nhiều tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Đội Cảnh sát bảo vệ cầu phà thuộc Phòng Cảnh sát giao thông ngày đêm bám trụ, đứng vững trên vị trí chỉ huy giao thông đảm bảo giao thông, thông suốt an toàn trong mọi tình huống. Đặc biệt, Tổ cảnh sát bến phà Khuyến Lương đã phối hợp với bộ đội và dân quân bắt sống giặc lái Mỹ.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã trực tiếp hướng dẫn quần chúng xuống hầm trú ẩn, tuần tra bảo vệ, cứu người bị thương, bị sập hầm, cứu hàng trăm nóc nhà, hàng chục kho hàng bị cháy.

Mục tiêu máy bay Mỹ tập trung đánh phá là các kho xăng dầu, các tàu nước ngoài ở cảng Hải Phòng, Bến Thủy (Nghệ An), những nơi tập trung kho tàng, tài sản, phương tiện vận chuyển, khu đông dân và các trục đường giao thông quan trọng.

Ở những nơi ấy đều có Lực lượng Công an ngày đêm bảo vệ. Các lực lượng phòng cháy, chữa cháy Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An... đã chiến đấu dũng cảm, dập tắt nhiều dám cháy do máy bay Mỹ gây ra, bảo vệ kho tàng, tàu thuyền, tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đã dũng cảm ngoan cường bám địa bàn, bám sát mục tiêu bảo vệ, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phá bom tìm những luồng vận chuyển mới. Dù cho địch đánh phá rất ác liệt, công tác bảo vệ giao thông vận chuyển, chi viện cho tiền tuyến vẫn được bảo đảm.

Trong chiến đấu với bom đạn Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã nêu gương dũng cảm, tận tụy, quên mình. Tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Văn Vân (cảnh sát khu vực thuộc Đồn Công an số 23, khu Hai Bà Trưng), đồng chí Tô Đình Tường (cảnh sát khu vực của khu Đống Đa) đã xông pha trong bom đạn, quên mình cứu dân bị nạn, đồng chí Phan Điện Biên đã dũng cảm nhảy lên toa xe lửa đang cháy, giật chốt cho toa xe bị cháy tách khỏi toa hàng để bảo vệ tài sản Nhà nước.

Tại Hải Phòng từ đêm 18/12 đến 29/12, đế quốc Mỹ cho nhiều máy bay (có cả B52) đánh phá ác liệt trung tâm thành phố và các xã ven biển, hải đảo. Suốt 12 ngày đêm chiến đấu, Lực lượng Công an Hải Phòng vẫn kiên cường bám trụ, bám địa bàn, bám dân, chiến đấu với máy bay Mỹ.

Sáng ngày 20/12/1972, Đồn 34 Công an nhân dân vũ trang Hải Phòng bắn rơi 1 máy bay F6 của Mỹ. Đây là chiếc máy bay thứ 21 bị Công an nhân dân vũ trang Hải Phòng bắn rơi trên vùng trời thành phố.

Trong đêm 20/12, tàu Jozepconrad (Balan) bị máy bay Mỹ bắn cháy, Đội Phòng cháy chữa cháy của Sở Công an Hải Phòng cùng Đồn Cảnh sát cảng, Trạm Công an nhân dân vũ trang bảo vệ cảng đã tập trung cứu chữa tàu, đưa thủy thủ bị thương lên bờ cấp cứu, đưa thủy thủ bị chết đến nơi khâm liệm chu đáo, cứu sống phần lớn sĩ quan, thuyền viên của tàu.

Sau 12 ngày đêm ném bom Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác, Mỹ không những không đạt được mục tiêu chủ yếu của cuộc tập kích chiến lược mà còn bị thất bại nặng nề, 81 máy bay hiện đại Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, 5 chiếc F111 bị bắn rơi, nhiều giặc lái bị chết, 43 tên bị bắt sống, trong đó có 33 giặc lái B52. Quân và dân Hà Nội lập công đầu, hạ 25 máy bay B52.

Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ đã bị quân và dân ta đánh bại hoàn toàn. Chiến thắng oanh liệt này còn có ý nghĩa to lớn, làm tan vỡ ý đồ “đàm phán trên thế mạnh” của Mỹ.

Ngày 30/12/1972, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ phía bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại biểu của Chính phủ ta để bàn việc ký Hiệp định Paris.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết tại Paris (Pháp). Trong chiến công chung của quân và dân hai miền Nam - Bắc, có sự đóng góp to lớn của Lực lượng Công an nhân dân.
(Trích “Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam 1954-1975”).

  • Nguồn: ANTG, 11.01.2008.