In bài này
Chiến công xuất sắc của Lực lượng An ninh miền Nam
Thứ Năm, 21/01/2010 - 3:12 PM
Ngày 15/12/1967, Ban An ninh Khu Sài Gòn - Gia Định thành lập đơn vị an ninh vũ trang với nhiệm vụ đánh vào các mục tiêu được phân công là Tổng nha Cảnh sát và Nha Cảnh sát đô thành. Lực lượng trinh sát vũ trang cũng được tăng cường, biên chế thành 2 đội làm nhiệm vụ tiêu diệt bọn tình báo đầu sỏ, cảnh sát ác ôn...

Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trị thiên - Huế tặng cờ với 8 chữ:
"Tấn công nổi dậy anh dũng kiên cường" cho Công an
TP. Huế - xuân 1968

Từ tháng 6/1967, căn cứ diễn biến thực tế trên chiến trường, Bộ Chính trị cho rằng những thắng lợi to lớn, toàn diện của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc đã làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, đẩy chúng vào thế lúng túng, bị động cả về chiến lược và chiến thuật.

Bộ Chính trị cho rằng, phía ta, thế và lực đang có những phát triển cho phép đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn.

Trên cơ sở thế trận đã hình thành, sau khi nghiên cứu những điều kiện chính trị, quân sự của ta và địch, cả trong nước và trên thế giới, tháng 12/1967, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết về “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. (Nghị quyết sau đó được Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương thông qua).

Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp Tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”. Thời gian tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy được chọn vào dịp tết Nguyên đán Mậu Thân 1968.

Mục tiêu Tổng tiến công và nổi dậy nhằm đập tan mưu đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chịu thua về quân sự, chấm dứt chiến tranh xâm lược, tạo điều kiện cho ta giành độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 15/12/1967, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 32/CT về nhiệm vụ, phương hướng công tác an ninh trong thời gian tới.

Bản chỉ thị nêu rõ: “Hướng vào các đô thị, thị xã, thị trấn và các vùng xung yếu, phối hợp với các lực lượng vũ trang khác và lực lượng chính trị của quần chúng đẩy mạnh trừ gian, diệt ác và bộ máy kìm kẹp, hạ uy thế của địch, tạo thế cho phong trào cách mạng của quần chúng nổi dậy, tiến lên tiêu diệt cơ quan đầu não, các tổ chức cảnh sát, tình báo của Mỹ - ngụy, các đảng phái phản động của địch một cách triệt để, góp phần đánh sụp ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giành chính quyền về tay nhân dân, tích cực nắm vững tình hình địch, tích cực chuẩn bị lực lượng chuyên môn để truy kích địch, bảo vệ chính quyền cách mạng”.

Cuối năm 1967, Thường vụ Trung ương Cục quyết định lập khu trọng điểm gồm Sài Gòn - Gia Định và một phần của các tỉnh phụ cận do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó bí thư Trung ương Cục trực tiếp làm Bí thư, đồng chí Võ Văn Kiệt - Ủy viên Trung ương Cục làm Phó bí thư. Mỗi phân khu bao gồm một số quận, huyện của Sài Gòn - Gia Định và một phần đất các tỉnh lân cận. Riêng Phân khu 6 được gọi là phân khu trung tâm gồm toàn bộ nội thành Sài Gòn - Gia Định.

Thực hiện quyết định của Thường vụ Trung ương Cục, An ninh Sài Gòn - Gia Định được tổ chức thành 6 phân khu. Ban An ninh Trung ương Cục đưa cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ tăng cường cho an ninh 6 phân khu do các đồng chí Ngô Quang Nghĩa, Đinh Văn Tùng, Tư Thông, Sáu Thanh, Năm Trà và Hướng Anh làm trưởng đoàn, xuống nhập với 6 mũi tiến công của 6 phân khu. Ban An ninh Trung ương Cục và Ban An ninh các địa phương đều có sự chuyển hướng về tổ chức, về chỉ đạo, nhằm tăng cường cho các chiến trường chính và khu trọng điểm.

Đồng chí Phan Văn Đáng (Hai Văn) Phó bí thư Trung ương Cục và đồng chí Bùi Thiện Ngộ, cán bộ Ban Nghiên cứu của Ban An ninh Trung ương Cục về Tây Nam Bộ để chỉ đạo tổng tiến công và nổi dậy. An ninh Trung ương Cục điều động đồng chí Thái Doãn Mẫn, Phó ban An ninh miền Tây Nam Bộ về tham gia Ban lãnh đạo an ninh đặc khu Sài Gòn - Gia Định.

Đi đôi với việc chuyển hướng tổ chức, bố trí lực lượng, các mạng lưới thông tin liên lạc, cơ yếu cũng được triển khai thông suốt từ an ninh Trung ương Cục với an ninh các đặc khu, phân khu và tỉnh trực thuộc. Ban Thường vụ Trung ương Cục phân công đồng chí Phạm Thái Bường (Ba Đình) Thường trực Trung ương Cục phụ trách Ban An ninh Trung ương Cục.

Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã họp thảo luận kế hoạch và bố trí tổ chức, lực lượng cho 6 phân khu. Khu ủy quyết định thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương I có các đồng chí Huỳnh Văn Bánh (Năm Tấn), Bùi Quang Hảo (Hai Mỏ) và đồng chí Tam Phước tham gia, để trực tiếp chỉ đạo các mũi tiến công phía đông và phía bắc thành phố. Bộ Tư lệnh tiền phương II, có các đồng chí Nguyễn Tài (Tư Trọng), Thái Doãn Mẫn (Tám Nam) tham gia chỉ đạo các mũi tiến công phía tây nam thành phố.

Ngày 15/12/1967, Ban An ninh Khu Sài Gòn - Gia Định thành lập đơn vị an ninh vũ trang với nhiệm vụ đánh vào các mục tiêu được phân công là Tổng nha Cảnh sát và Nha Cảnh sát đô thành. Lực lượng trinh sát vũ trang cũng được tăng cường, biên chế thành 2 đội làm nhiệm vụ tiêu diệt bọn tình báo đầu sỏ, cảnh sát ác ôn, góp phần chiếm lĩnh các mục tiêu thuộc các cơ quan đàn áp của địch.

An ninh khu còn xây dựng được Nguyễn Sơn, trợ lý trưởng của Cảnh sát quận 6 ngụy, làm cơ sở điệp báo. Nguyễn Sơn đã cung cấp cho ta tình hình hoạt động của cảnh sát quận và âm mưu của địch chuẩn bị tổ chức “Ủy ban Phượng hoàng”. Có những cơ sở ta xây dựng trong số lái xe ôtô như cơ sở anh Tư Thông của đồng chí Hai Phong đã nhiều lần nhận và vận chuyển vũ khí, đạn dược, chất nổ mà kẻ địch không phát hiện được.

Trước giờ nổ súng, sự chuẩn bị của ta  đã hoàn tất. Bộ máy tình báo, gián điệp, mật vụ của địch không phát  hiện được.

Ngày 29/1/1968, các lực lượng bắt đầu xuất phát từ Ba Thu thuộc Long An (cách Sài Gòn 60km về phía nam) hành quân mất hai ngày đêm, đến 14 giờ ngày 31/1 (tức ngày mồng 1 tết Mậu Thân) thì đến địa điểm tập kết tại Long Cang (Long An). Tại đây, lực lượng được chia làm 3 mũi tiến vào thành phố.

Mũi 1: Gồm 12 đồng chí an ninh vũ trang do 2 đồng chí Trung và Tăng chỉ huy, có nhiệm vụ bảo vệ, dẫn đường đưa một bộ phận Bộ Tư lệnh tiền phương II (cánh nam) vào trường đua Phú Thọ Hòa quận 11.

Mũi 2: Do đồng chí Tư Nước và Sáu Thông phụ trách tiến vào huyện Bình Chánh và quận 8.

Mũi 3: Do 2 đồng chí Bảy Dư và Bảy Xinh phụ trách, chiến đấu bảo vệ Bộ chỉ huy của thành phố.

Mũi tiến công thứ nhất vào thành phố do nữ giao liên Đoàn Lệ Phong dẫn đường. 12 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phân đội an ninh vũ trang có nhiệm vụ bí mật đưa một bộ phận Bộ Tư lệnh tiền phương II luồn sâu vào trung tâm thành phố, đến trường đua Phú Thọ Hòa an toàn. Vừa tới nơi thì địch phát hiện. Đồng chí Võ Văn Kiệt ra lệnh cho  đoàn cán bộ phải nhanh chóng cơ động đến Cầu Tre. Còn 12 chiến sĩ an ninh vũ trang chốt lại tại chợ Thiếc (trường đua Phú Thọ Hòa) chiến đấu kìm chân địch để các đồng chí trong Bộ Tư lệnh tiền phương II chuyển ra khu vực an toàn.

Bộ Tư lệnh tiền phương II vừa di chuyển thì một tiểu đoàn biệt động quân và cảnh sát dã chiến có xe cơ giới yểm trợ ồ ạt tiến vào trường đua Phú Thọ Hòa. Các chiến sĩ ta đánh trả quyết liệt, kìm chân địch. Cuộc chiến đấu kéo dài 3 ngày liền, đơn vị an ninh vũ trang  đã tiêu diệt tại chỗ 50 tên, bắn cháy 10 xe (có 5 xe bọc thép), bẻ gãy cuộc tiến công của địch.

Bị thiệt hại nặng, chúng tăng cường biệt động quân mở cuộc phản công lần thứ hai, đổ quân bao vây chặn ngả đường Âu Cơ đến bót Lữ Gia, vòng qua hai đồn cảnh sát ngang trường đua Phú Thọ Hòa đến ngã ba đường Tân Phước.

Mặc dù lực lượng quá chênh lệch nhưng được nhân dân giúp đỡ, che chở, 12 đồng chí an ninh vũ trang  đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, tiêu diệt thêm 70 tên địch, bắn cháy 7 xe cơ giới. Trận chiến đấu quyết liệt diễn ra suốt 5 ngày đêm liền, 10 đồng chí của ta hy sinh, còn 2 đồng chí Trung và Tăng lùi về phòng ngự tại nghĩa địa Phú Thọ Hòa. Địch tăng cường 1 tiểu đoàn biệt động quân, 1 trung đội cảnh sát dã chiến cùng xe tăng bao vây và phản công liên tiếp 1 ngày đêm. Hai đồng chí của ta đã chiến đấu dũng cảm, bắn cháy 1 xe tăng, bắn bị thương 1 xe khác, diệt toàn bộ số lính trên xe.

Bị thiệt hại, địch điên cuồng cho máy bay  bắn xối xả vào trận địa. Hai đồng chí Trung và Tăng bị thương nặng, bị địch bắt. Chúng dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn, nhưng các đồng chí vẫn kiên cường không khai báo. Cuối cùng, chúng giở thủ đoạn hèn hạ, mang 2 đồng chí đi thủ tiêu.

Hơn 8 ngày chiến đấu anh dũng, 12 cán bộ, chiến sĩ Phân đội an ninh vũ trang T4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho  Bộ Tư lệnh tiền phương II.

Phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, hai đội an ninh vũ trang được thành lập có nhiệm vụ phối hợp cùng các tiểu đoàn mũi nhọn đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát và Nha Cảnh sát đô thành.

Đội 1 gồm 15 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Tám Hội chỉ huy cùng một bộ phận của Bộ Tư lệnh tiền phương II xuất phát từ ngày 26/1/1968, đến ngày 4/2/1968 thì vào tới đường Hậu Giang (quận 6). Đơn vị đã triển khai đội hình, chiến đấu quyết liệt, diệt 37 cảnh sát, trong đó có tên Phó ty Cảnh sát quận 6. Sau đó đơn vị chuyển sang Phú Hữu, phối hợp chiến đấu với Tiểu đoàn 6 Bình Tân, tiêu diệt ổ đại liên của địch tại căn nhà ba tầng gần chùa Phú Hữu. Vừa chống càn, đơn vị vừa diệt ác, diệt 28 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác. Đơn vị có 7 đồng chí hy sinh và 4 đồng chí bị thương.

Ngày 5/2, Đội 2, đơn vị I an ninh vũ trang Khu trọng điểm do đồng chí Anh chỉ huy, bắt đầu xuất phát theo sát Bộ Tư lệnh tiền phương I, hành quân qua nhiều đồn bốt địch, đến ngày 19/1/1968 thì vào đến Phú Thọ Hòa phối hợp với các đơn vị khác diệt 25 tên  cảnh sát, mật vụ, ác ôn. Sau đó, đơn vị phối hợp với 10 đoàn chống càn diệt 1 đại đội địch, bắn cháy 8 xe M113, bắn rơi 2 trực thăng. Ngày 28-2, trên đường rút về căn cứ đến Mỹ Hạnh, Đức Hòa (Long An) thì gặp địch, cán bộ, chiến sĩ của đội đã chiến đấu diệt 1 ổ biệt kích 10 tên. Cùng lúc đó, Đội an ninh vũ trang huyện Bình Chánh Phân khu II phối hợp với bộ đội địa phương bắn B40 và gài lựu đạn vào xe địch, diệt một số tên Mỹ, 13 tên ngụy (có cả cảnh sát, tình báo) và 4 tên khác bị thương.

Cùng với Lực lượng An ninh Sài Gòn - Gia Định, chấp hành lệnh Tổng tiến công và nổi dậy, từ 30/1/1968 trở đi, Lực lượng An ninh Bến Tre, Kiến Phong, Sa Đéc, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Minh Hải, Cà Mau, Tuyên Đức, Kon Tum, Quảng Đà, Quảng Nam, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Trị Thiên-Huế... đã phối hợp với bộ đội, nhân dân đồng loạt tiến công vào các thành phố, thị xã, tiêu diệt bộ máy ngụy quyền và cảnh sát ngụy... gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

Kết thúc đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng an ninh đã phối hợp với các lực lượng vũ trang khác bắt, diệt 15.135 tên địch, trong đó có 1.359 tên tình báo các loại, 35 tên CIA, 1.766 cảnh sát, 632 bình định nông thôn, 269 an ninh quân ngụy, 492 ác ôn. Trong số bị diệt có 3.409 tên đầu sỏ, bắt giam, khai thác 1.579 tên cảnh sát, tình báo, ngụy quyền, đảng phái phản động... bắt giáo dục, khống chế 1.871 tên, phần lớn là tề xã, bộ máy đàn áp của  địch từ tỉnh xuống xã ở một số địa phương tan rã, nhất là tại Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Vĩnh Long. Ta giải phóng hầu hết các nhà lao (trung tâm cải huấn) và trại giam, giải thoát 6.678 cán bộ và đồng bào yêu nước, tham gia phá vỡ 4.200 ấp chiến lược, giải phóng 1,4 triệu dân. Hệ thống ngụy quyền  cùng bộ máy kìm kẹp của địch ở nhiều vùng  nông thôn đồng bằng, rừng núi đã bị phá vỡ. Chương trình bình định của chúng thất bại.

Ngày 1/3/1968,  Mỹ đã phải cho Mc Namana thôi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ngày 22/3/1968, Mỹ quyết định đưa sang miền Nam Việt Nam 24.000 quân. Ngày 31/3/1968, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào, cử đại biểu đến bàn đàm phán với ta ở Paris.

Quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, sau Tổng tiến công và nổi dậy đợt 1, Lực lượng An ninh miền Nam đã tranh thủ thời gian củng cố tổ chức, tăng cường quân số và trang bị vũ khí, phương tiện công tác, chiến đấu.

Đêm mồng 4, rạng ngày 5/5/1968, quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam đồng loạt tiến công 31 thành phố, thị xã, 58 thị trấn, quận lị, mở đầu đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

Qua hai đợt tổng tiến công, lực lượng của ta ở nhiều nơi bị tổn thất một phần, nhưng với tinh thần cố gắng và nỗ lực, vẫn mở tiếp đợt 3 gây thêm cho địch một số thiệt hại trên khắp chiến trường miền Nam.

Qua 3 đợt tổng tiến công và nổi dậy, các lực lượng An ninh miền Nam đã góp phần cùng quân và dân cả nước loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên địch, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn xe thiết giáp, phá hỏng 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu xuồng chiến đấu, tiêu diệt và bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu, 1.200 ấp chiến lược bị phá, vùng kiểm soát của địch ở nông thôn tan rã từng mảng.

Thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta năm 1968 với những đóng góp xứng đáng của Lực lượng An ninh miền Nam có ý nghĩa chiến lược, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải hủy bỏ kế hoạch “Tìm diệt và bình định” chuyển sang chiến lược phòng ngự bị động “quét và giữ”, phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, góp phần quan trọng vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

  • Nguồn: ANTG, 03.03.2008.
Hải Giang (theo Lịch sử CAND)