In bài này
Những tổ chức nào thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình?
Thứ Năm, 21/01/2010 - 3:08 PM
Thủ đoạn của người Mỹ ngày càng tinh vi hơn với cái gọi là "Con dao mềm" hay còn gọi là thủ đoạn "Rót nước trà vào chân tường", thông qua các biện pháp như chi viện kinh tế, tài trợ cho những phe phái đối lập tại các quốc gia để tiến hành chính biến.

Allen Weinstein và George Soros

Về chuyện lật đổ chính quyền của các quốc gia khác, người Mỹ luôn thể hiện tính chuyên nghiệp. Người ta nhắc nhiều đến vai trò của CIA trong các cuộc chính biến quân sự tại các nước ngoài. Tuy nhiên, vai trò đó chủ yếu được sử dụng trong thời gian Chiến tranh lạnh, còn giờ đây, thủ đoạn của người Mỹ ngày càng tinh vi hơn với cái gọi là "Con dao mềm" hay còn gọi là thủ đoạn "Rót nước trà vào chân tường", thông qua các biện pháp như chi viện kinh tế, tài trợ cho những phe phái đối lập tại các quốc gia để tiến hành chính biến.

Việc lên kế hoạch cho các thủ đoạn này được thực hiện bởi một nhóm cố vấn đặc biệt của chính phủ, thực chất đây là những cơ quan dân sự được Chính phủ Mỹ tài trợ trực tiếp. Từ Đông Âu, Mỹ Latinh và gần đây nhất là Myanmar, đằng sau tất cả những cơn bão chính trị mang tên “cách mạng màu sắc” này đều có hình ảnh của một cơ quan được mệnh danh là “CIA thứ 2” của Mỹ.

Vậy rốt cuộc cơ quan này hoạt động như thế nào? Để đạt được những mục đích chính trị đen tối của họ. Mới đây, tờ Global Times của Mỹ đã tiết lộ diện mạo thật của những “cơ quan cố vấn” này.

Quỹ quyên góp bảo vệ dân chủ

Trong những vụ lên kế hoạch và trực tiếp tham gia vào “các cuộc cách mạng màu sắc” thời gian qua, Chính phủ Mỹ đã thông qua hàng loạt tổ chức phi chính phủ được thành lập từ các nhóm cố vấn, chuyên gia và quỹ tiền tệ. Hầu hết những nhóm cố vấn này được Chính phủ Mỹ tài trợ trực tiếp, mặc dù trên danh nghĩa những cơ quan này được gọi là cơ quan cố vấn, thế nhưng thực chất, họ chính là những công cụ bí mật của Chính phủ Mỹ để thực hiện những sứ mệnh lật đổ chính quyền tại các nước đối địch.

Hiện nay, rất khó có thể thống kê chính xác được con số những cơ quan, tổ chức như vậy trên đất Mỹ, không chỉ hoạt động độc lập, mà mối quan hệ giữa những cơ quan này cũng khá phức tạp. Trong số đó, nổi lên một số tên tuổi như Quỹ Quyên góp bảo vệ dân chủ toàn quốc, Viện Nghiên cứu xã hội mở cửa và Quỹ Soros (Open Society Institute and Soros Foundations Network) do nhà tài phiệt George Soros lập lên và Phòng Nghiên cứu Gia đình tự do và Einstein.

Quỹ Quyên góp bảo vệ dân chủ toàn quốc (hay còn gọi là Quỹ Dân chủ quốc gia Mỹ) được Quốc hội Mỹ lập nên, toàn bộ nguồn vốn hoạt động của quỹ này đều được lấy từ ngân sách quốc gia Mỹ. Về hình thức, thì tổ chức này hoạt động dưới danh nghĩa tư nhân, nhưng trên thực tế lại là một cơ quan chính phủ, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phối hợp hành động với Quốc hội và CIA, do đó tổ chức này còn được gọi với một tên khác, đó là Cục Tình báo trung ương số 2.

Trong hệ thống của Quỹ Quyên góp bảo vệ dân chủ toàn quốc có 4 cơ quan liên quan, gồm: Phòng Nghiên cứu cộng hòa quốc tế của đảng Cộng hòa, Phòng Nghiên cứu dân chủ toàn quốc của đảng Dân chủ, Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân quốc tế của Hội Doanh nghiệp Mỹ và Trung tâm Lao động quốc tế và Đoàn kết quốc tế của Liên đoàn Lao động và tư sản Mỹ. Ngoài ra, còn có rất nhiều cái gọi là tổ chức phi chính phủ được quỹ này tài trợ, như Tạp chí dân chủ, Phong trào dân chủ thế giới, Diễn đàn nghiên cứu dân chủ quốc tế, Chương trình Quỹ giải thưởng Reagan - Fasel và Trung tâm Viện trợ báo chí quốc tế...

Năm 1982, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ lúc đó là Reagan đề xướng việc thành lập một cơ quan chuyên môn, nhằm thực hiện sứ mệnh “thúc đẩy nền dân chủ” trên phạm vi toàn thế giới. Năm sau, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Luật Ủy quyền Quốc hội”, và chi khoảng 31,3 triệu USD để lập lên Quỹ Quyên góp bảo vệ dân chủ toàn quốc và quyết định đặt trụ sở của tổ chức này tại thủ đô Washington. Nhiệm vụ của Quỹ Quyên góp chủ yếu là thực hiện những phi vụ mà Cơ quan Tình báo trung ương không được phép thực hiện do đi ngược lại với điều luật của Quốc hội, ví dụ như ủng hộ cho chính đảng của các nước khác.

Hàng năm, quỹ này đều nhận được tiền hoạt động từ ngân sách quốc gia Mỹ. Trong năm tài khóa 2004, số kinh phí của tổ chức này là 80,1 triệu USD, trong đó, 79,25 triệu USD được lấy từ nguồn ngân sách chính phủ, chỉ có một phần nhỏ trong số tiền khổng lồ đó thu được từ hoạt động quyên góp. Trong khi đó, 3 quỹ thường xuyên quyên góp tiền cho Quỹ Quyên góp bảo vệ dân chủ toàn quốc thực chất cũng chính là những công ty kinh doanh của chính phủ hoạt động dưới danh nghĩa tư nhân. Do đó, xét từ nguồn kinh phí của tổ chức này, thì đây là một cơ quan của chính phủ 100%.

Về tính chất, thì quỹ này là một tổ chức siêu đảng phái, một nửa số kinh phí có được từ Quốc hội Mỹ được cung cấp cho 4 cơ quan liên quan; phần còn lại được dùng để tài trợ cho các tổ chức khác hoạt động cùng mục đích. Quỹ này được điều hành bởi Kahl Goeshman. Người này từng là cố vấn cao cấp của Mỹ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và thư ký của đảng Dân chủ xã hội Mỹ. Trong số những Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm và tiền nhiệm của Quỹ này có Lee Hamilton, đồng Chủ tịch Ủy ban điều tra độc lập về sự kiện 11/9, Bill Frist, cựu lãnh đạo đảng chiếm đa số tại Thượng viện và Michael Fushan, một nhà lý luận nổi tiếng của phe bảo thủ...

Mạng lưới của Quỹ Quyên góp bảo vệ dân chủ toàn quốc có mặt trên toàn thế giới, hình thức hoạt động của nó cũng chẳng khác gì so với CIA, đối tượng nhắm đến của bọn họ là những tổ chức chính trị cánh hữu trên toàn thế giới. Một trong những người sáng lập ra quỹ này là Allen Weinstein từng nói: “Những việc mà chúng ta làm ngày hôm nay, đều là những việc mà CIA đã từng làm cách đây 25 năm”.

Một trong những vụ tham gia vào việc lật đổ chính quyền bên ngoài lãnh thổ Mỹ nổi tiếng nhất của Quỹ Quyên góp bảo vệ dân chủ toàn quốc là tại Venezuela sau khi ông Chavez thành lập chính phủ cánh tả.

Hoạt động chủ yếu của Quỹ này tại Venezuela là thông qua các thủ đoạn như cung cấp vốn, vị trí hoạt động và mời đến thăm Mỹ để ủng hộ các phe phái đối lập tích cực hoạt động lật đổ chính quyền của Tổng thống Chavez và liên minh chính đảng của ông, như cung cấp tiền vốn cho các chính đảng đối lập, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các cơ quan báo chí, cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, tổ chức công đoàn và khối doanh nghiệp; đào tạo nhân viên, đề xuất ý tưởng... nhằm thực hiện kế hoạch “can thiệp ngầm” đối với chính quyền Tổng thống Chavez.

Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, thì Quỹ này đã cung cấp số tiền lên đến 1,13 triệu USD cho Trung tâm Truyền bá tri thức kinh tế tự do và Điều hòa dân chủ, 2 tổ chức đối lập tại Venezuela, đồng thời trực tiếp tài trợ cho kế hoạch “Xây dựng cộng đồng chung Venezuela” của trung tâm này. Sau khi nhận được tiền tài trợ từ phía Mỹ, hai tổ chức này đã soạn thảo ra cái gọi là “Kế hoạch quốc gia chung”, tức “Kế hoạch quá độ”, mục tiêu của kế hoạch này là lật đổ chính phủ của ông Chavez, thành lập chính quyền đối lập.

Một tổ chức đối lập khác của Venezuela là “Welcome join!” cũng đã nhận được khoản tiền tài trợ là 50.000 USD, số tiền này được dùng để tập hợp chữ ký của những người phản đối ông Chavez, nhằm thực hiện âm mưu bãi bỏ chức vụ của Tổng thống đương nhiệm thông qua hình thức bỏ phiếu biểu quyết trên toàn quốc, nhưng âm mưu này đã thất bại hoàn toàn.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2006, Quỹ Quyên góp bảo vệ dân chủ toàn quốc cũng đã tìm mọi cách để ngăn cản ông Chavez tái đắc cử, nhưng một lần nữa họ lại phải nhận thất bại.

Phòng nghiên cứu xã hội mở

Khác với Quỹ Quyên góp bảo vệ dân chủ toàn quốc được lập nên bởi Chính phủ Mỹ, Phòng Nghiên cứu xã hội mở được thành lập lên bởi nhà tài phiệt quốc tế Geogre Soros. Có trụ sở tại New York, Quỹ Soros dưới sự điều hành của Geogre Soros thực chất là một cơ quan có những mối quan hệ đặc biệt và khá phức tạp với Chính phủ Mỹ. Ngoài ra, Soros còn cho thành lập lên hai chương trình mang tên “Sáng kiến về xã hội mở tại Tây Phi” và “Sáng kiến xã hội mở tại Nam Phi”.

Mặc dù không có quan hệ chính thức với Chính phủ Mỹ, thế nhưng mục tiêu “thúc đẩy dân chủ”, lật đổ chính quyền các quốc gia đối lập... của Phòng Nghiên cứu xã hội mở, tức Quỹ Soros lại khá giống với mục tiêu của Chính phủ Mỹ hiện nay, do đó, giữa tổ chức này và Chính phủ Mỹ thường xuyên có những cuộc “đi đêm” đầy bí ẩn?

Hiện nay, Quỹ Soros đều có các chi nhánh tại châu Âu, châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi, thế nhưng tên của những chi nhánh này lại khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh của nước sở tại mà họ đứng chân. Hoạt động của quỹ này đã vươn tới trên 60 quốc gia và khu vực trên thế giới. Hình thức hoạt động của những chi nhánh này đều được chi phối, chỉ đạo bởi Phòng Nghiên cứu xã hội mở, sau khi kế hoạch được đề ra, các chi nhánh của quỹ này tại nước sở tại có toàn quyền thực hiện kế hoạch, chi phí hàng năm của hai tổ chức này lên đến 900 triệu USD.

Phòng Nghiên cứu xã hội mở và Quỹ Soros tuyên bố rằng, tôn chỉ hoạt động của họ là “ra sức thúc đẩy việc xây dựng kết cấu cơ sở và hạ tầng cơ sở của một xã hội mở”. Thế nhưng, các nhà phân tích cho rằng, “xã hội mở” thực chất chỉ là một chiêu bài, viện trợ và cứu nghèo chẳng qua cũng chỉ như tấm “vải xô” nhằm che đậy ý đồ muốn khơi dậy “làn sóng dân chủ kiểu Mỹ” tại những quốc gia mà theo họ là “không đủ dân chủ” và “có thể cướp đi giá trị đích thực của xã hội Mỹ bất cứ lúc nào”.

Năm 1990, Quỹ của Soros đã cho thành lập một quỹ mang tên Quỹ Phục hưng quốc tế tại Ukraina, hoạt động thực chất của Quỹ này là “tuyên truyền dân chủ kiểu phương Tây”. Đến năm 2004, Quỹ này đã đầu tư số tiền khoảng 82 triệu USD cho Quỹ Phục hưng quốc tế. Ngoài việc cho thành lập trụ sở của Quỹ ngay tại thủ đô Kiev, Soros còn cho thành lập lên 24 các chi nhánh tại 24 khu vực khác trên lãnh thổ Ukraina

Năm 1992, Quỹ của Soros đã có mặt tại Moldova với mục đích duy nhất là “thúc đẩy các quan niệm giá trị của phương Tây”; năm 1993, quỹ này bắt đầu để ý đến Kyrgyzstan, một nơi được mệnh danh là “Hòn đảo dân chủ tại Trung Á”, mục tiêu trọng điểm của họ tại đất nước này là tài trợ cho các hoạt động báo chí độc lập, và nhanh chóng tạo được ảnh hưởng trên các lĩnh vực như y tế, văn hóa và giáo dục; từ năm 1994 đến năm 1997, quỹ  này nhanh chóng vươn tới các quốc gia như Gruzia, Kazakhtan, Uzebekistan, Azakbaizan và Armenia. Trong số những quốc gia này, thì khu vực Kavkaz được coi là địa bàn chiến lược của tổ chức này.

Tại Nga, ngoài tổ chức tư nhân của Soros còn có gần 10 cái gọi là cơ quan nghiên cứu. Mục đích hoạt động của Phòng Nghiên cứu xã hội mở và Quỹ Soros tại các quốc gia SNG là tuyên truyền cái gọi là nền dân chủ và quan niệm giá trị tự do kiểu Mỹ, nhằm phục vụ cho âm mưu thành lập lên hệ thống chính quyền thân Mỹ.

Cuối năm 2004, tại Ukraina nổ ra cuộc “Cách mạng màu sắc”. Theo tiết lộ của một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ thì trong cuộc cách mạng này, Phòng nghiên cứu xã hội mở và Quỹ Soros có một vai trò hết sức quan trọng, bởi sau đó, người trở thành Tổng thống của nước này, ông Yushenko chính là một thành viên trong Hội đồng quản trị của phòng nghiên cứu này.

Năm 2005, tại Kyrgyzstan cũng nổ ra cuộc "cách mạng màu sắc". Trên thực tế, kẻ đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng này chính là Phòng Nghiên cứu xã hội mở tại Kyrgyzstan đã sớm thúc đẩy cá gọi là “dân chủ” theo kiểu phương Tây

  • Nguồn: ANTG, 04.03.2008.
Anh Tiến (tổng hợp)