In bài này
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Thứ Tư, 20/01/2010 - 5:44 PM
Nhà nghỉ cán bộ lão thành cách mạng Đại Lải sương chiều bàng bạc trải trên cánh rừng thưa, thoảng mùi hương thơm dìu dịu của các loài hoa nở cánh khi chiều về. Những giọt mưa ngâu chảy rì rầm hòa cùng tiếng kể chuyện đều đều của cụ Phí Văn Bái (tức Phan Kỳ Đức)...

Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914-1986)

Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ nhà cho biết đó là Lê Trọng Tố. Tôi ngờ ngợ đã gặp anh này từ trước ở đâu đó. Sau mới nhớ, anh Tố là một cầu thủ đá bóng giỏi của đội Eclair (Tia chớp) ở vị trí tiền vệ. Anh đá rất hay với những pha lấy bóng rất kỹ thuật, tài cản bóng và khéo léo dắt bóng vào khu vực ít đối phương để đồng đội tung hoành dễ dàng trước khung thành đội bạn.

Anh Trần Ất, một người bạn dạy chữ Quốc ngữ buổi tối với tôi từ năm 1938 ở chùa Hộ Quốc làng Thanh Nhàn cho biết: Anh Lê Trọng Tố là con cụ Đồ Lê, người đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Khi phong trào bị đàn áp, cụ về làng Thanh Nhàn mở lớp dạy chữ Nho, anh Trần Ất là trưởng tràng (lớp trưởng).

Năm 1926, cụ Đồ Lê và Nhượng Tống đã tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh mới tạ thế, tại đền Hai Bà Trưng làng Đồng Nhân. Năm sau nổi lên sự kiện bài thơ “Chiêu hồn nước” của Phạm Tất Đắc. Cứ cuối mỗi buổi học, cụ Đồ Lê lại dạy cho học trò của mình học thuộc lòng 10 câu thơ trong bài.

Sau khi biết anh Lê Trọng Tố là con một gia đình yêu nước, tôi nhờ gia đình cơ sở cách mạng đưa báo Cứu Quốc và báo Cờ giải phóng cho anh. Anh Tố rất vui và mong được nhận báo luôn. Mùa đông năm 1943, đồng chí Lưu Đức Hiểu (tức Lưu Quyên), trước là Bí thư Thành ủy Hà Nội, vượt ngục Sơn La về Hà Nội biết chuyện này đã bảo tôi giao việc thử thách anh Tố, nếu kết quả tốt thì kết nạp vào tổ chức Mặt trận. Đầu tiên anh Lê Trọng Tố mua hai tín phiếu của Việt Minh...

Theo chỉ thị của đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Ban Cán sự Hà Nội - tôi và đồng chí Nguyễn Trí Uẩn chuẩn bị ra một tờ báo: tờ Khởi nghĩa. Qua người em trai của anh Lê Trọng Tố là Lê Quý Giả (sau Cách mạng tháng Tám 1945 đổi tên là Trịnh Quý Đông, làm Bí thư Tỉnh ủy Đảng Dân chủ tỉnh Hưng Yên, Đại biểu Quốc hội khóa I) - một thanh niên Cứu quốc trong tổ do anh Nguyễn Trí Uẩn phụ trách - vận động anh Tố nhận để cơ sở in bí mật tại nhà anh ở phía ngoài đê sông Hồng giữa những hàng cây um tùm kín đáo, xung quanh toàn người lao động đi làm suốt ngày. Không chỉ riêng anh mà cả chị vợ là Nguyễn Thị Mùi (tức Nguyễn Thị Minh Sơn) nhận lời và người em trai chị cùng tham gia, về sau là Thượng tướng Lê Ngọc Hiền. Anh chị còn nuôi hai người làm việc trong nhà in và bảo vệ chu đáo. Bây giờ nhắc lại thấy đơn giản, nhưng lúc ấy, dưới quyền thực dân Pháp, đó là công việc nguy hiểm vô cùng. Nếu không phải gia đình có nhiệt tình với cách mạng thì anh em hoạt động gặp rất nhiều khó khăn.

Việc thử thách đã có kết quả tốt, tôi và ông Nguyễn Trí Uẩn báo cáo lên ông Lê Quang Đạo - Bí thư, và ông Vũ Quý - Ủy viên Ban Cán sự Đảng Hà Nội (Khi ông Lê Quang Đạo đi công tác xuống Hải Phòng, ông Vũ Quý làm Quyền Bí thư). Hai ông Lê Quang Đạo và Vũ Quý quyết định đồng ý kết nạp Lê Trọng Tố vào Mặt trận Việt Minh...

Anh Nguyễn Thế Cát là người gặp anh Tố nói chuyện trực tiếp về Mặt trận. Vì anh Lê Trọng Tố là quân nhân nên đi đâu cũng thu hút sự chú ý của mọi người. Tôi và anh Nguyễn Trí Uẩn suy nghĩ nhiều, cuối cùng đi đến thống nhất: mời anh Tố đến nhà hát cô đầu ở phố Khâm Thiên, tuyên bố công nhận Lê Trọng Tố gia nhập Mặt trận Việt Minh. Sau đó đề nghị đồng chí Vũ Quý chuyển anh Tố vào hoạt động trong tổ chức Binh sĩ Cứu quốc.

Sau Cách mạng tháng Tám, mỗi người được Đảng phân công công tác một nơi khác nhau. Tôi được cử làm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Ninh Bình, rồi được điều động lên Cục Địch vận – Tổng cục Chính trị. Ông Lê Trọng Tố đổi tên thành Lê Trọng Tấn tham gia quân đội, làm Trung đoàn trưởng E209 (Sông Lô), rồi Tư lệnh Đại đoàn 312.

Đầu những năm 60, một hôm tôi ở trong ngõ nhà anh Giang Đức Tuệ đi ra phố Lý Nam Đế - cụ Phí Văn Bái kể tiếp - một chiếc xe ôtô lướt qua rồi dừng lại. Cửa xe mở ra, một vị đeo quân hàm cấp tướng mời tôi lên xe: anh Lê Trọng Tấn. Anh đưa tôi về nhà anh ở 36C Lý Nam Đế. Sau khi nhờ đồng chí bảo vệ đưa tôi vào phòng khách, còn mình đi cất tài liệu và rửa mặt, anh trở ra ôm tôi rất lâu. Anh hỏi từng anh em cùng hoạt động trước ngày Nhật đảo chính Pháp. Riêng tôi, anh nói nhỏ: “Anh Bái trong chỉnh quân, chỉnh huấn, cải cách ruộng đất có làm sao không?”.

Anh dẫn tôi xuống nhà dưới thăm chị đang ốm. Anh hỏi chị: “Bà có nhớ ai đây   không?”. Chị Nguyễn Thị Mùi (tức Nguyễn Thị Minh Sơn) nắm tay tôi, mỉm cười, khẽ nói: “Anh Phí Văn Bái cùng anh Văn Cao xuống nhà ta nhiều lần”. Khi tiễn tôi về, trước khi ra cổng, anh nhờ tôi hỏi thăm từng người và hẹn một ngày gần sẽ gặp nhau đầy đủ.

Lúc chia tay ra về, anh Lê Trọng Tấn hẹn sau khi về già, đất nước thống nhất hòa bình, nghỉ hưu, có thời gian rảnh rỗi chúng tôi sẽ gặp nhau cùng tâm sự những nỗi truân chuyên đã trải qua. Tiếc thay anh mất đột ngột trên cương vị công tác, công việc còn dang dở, ước mong của anh chưa vẹn tròn...

Cụ Phí Văn Bái trầm ngâm, một thoáng im lặng bao phủ khắp căn phòng: “Chúng tôi rất tự hào về anh Lê Trọng Tấn, một vị chỉ huy quân sự  tài ba trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, một con người luôn được nhân dân quý mến, kính trọng và cảm phục. Mọi người nhớ anh là Đại tướng Lê Trọng Tấn, còn tôi luôn nhớ anh là một đồng chí có tình cảm chân thành với bạn bè, đồng đội”

Bức ảnh Tướng Lê Trọng Tấn tìm thấy ở căn cứ giặc 

Đại tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy kiên cường,
lỗi lạc; người bạn chiến đấu chí thiết (lời của đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Quanh tôi là không khí im mát và tĩnh lặng trong ngôi nhà tưởng niệm đại tướng Lê Trọng Tấn. Ngôi nhà khá khang trang giữa làng Yên Nghĩa quê hương đại tướng là công sức của làng của  dòng họ và đơn vị  chung tay xúm vào.

Gian chính  giữa là nghiêm  ngắn nơi thờ cúng đại tướng với bức tượng đồng  bán thân đúc khéo toát lên vẻ uy dũng nhưng hồn hậu kèm đôi câu đối Đại tướng huân danh hương đăng nguyện duy trì chững chạc/Tượng đồng truy tặng Lê  môn tưởng ký ức công lao (Huân nghiệp tướng tài khói hương luôn bền nối. Tượng đồng đặt trước cửa họ Lê luôn ghi nhớ công lao).

Gian bên cạnh cùng phối thờ là những bài vị nghiêm ngắn mà coi kỹ tôi lấy làm lạ và càng ngạc nhiên hơn khi đọc hai hàng câu đối Quang Thuận Lê triều thử địa dịch truyền tam tiến sĩ/ Cung tần Trịnh phủ my kiều đặc biệt nhất Dương phi.

Nhà tưởng niệm đại tướng mà lại phối thờ những tam tiến sĩ những Phủ Trịnh với Dương phi là sao? Câu đối trên có thể tạm hiểu Quang Thuận triều Lê mãi lưu danh ba ngài tiến sĩ/ Phủ Trịnh ngời rạng vẻ mỹ miều của bà Chúa họ Dương.

Sau này, khi hỏi lại tôi mới hay, chả biết phong thủy lẫn thế đất làng Yên Nghĩa huyện Hoài Đức nay là Hà Tây vượng lẫn đắc địa ra sao mà bà  Chúa Dương Thị Ngọc Hoan vợ chúa Trịnh Sâm, quê mãi huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, phủ chúa ở Thăng Long thiếu chi dinh thự mà lại lập hẳn cả một hành cung đồ sộ ở đây?

Khi sống bà đã làm nhiều việc ân đức cho làng cho vùng tỷ như để lại 30 mẫu ruộng để nuôi lính tráng phục dịch lẫn  người nghèo (tên gọi ruộng bà Chúa nay vẫn còn) nên khi mất, làng lập đền thờ khói hương mãi đến giờ! (Có thể hành cung của bà chúa được đặt ở đây là do một nhánh lớn của chúa Trịnh Căn trước bà hơn một trăm năm  đã sinh cơ nghiệp ở làng này? Mà hậu duệ là cụ Trịnh Doanh, người đang dẫn tôi thăm nhà tưởng niệm. Nhà cụ Doanh nói riêng cũng như Yên Nghĩa nói chung là nơi nuôi giấu che chở cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ và các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt… trong suốt  một thời gian dài).

Ba ông tiến sĩ của làng Yên Nghĩa là Nguyễn Tông, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ  xuất thân khoa thi Quý Mùi (1463). Con ông là Nguyễn Vũ, đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa thi Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh thống (1499) rồi đến cháu ông là Nguyễn Thước, đỗ Hội nguyên đệ tam giáp tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547). Một nhà mà ba ông cháu cha con cùng đỗ tiến sĩ có lẽ cũng hơi bị hiếm.

Đất này lại là một mảnh của vương triều phong kiến có niên đại lâu nhất lịch sử Việt Nam văng đến tận đây nên có lý khi rước những nhân vật có tên trong  sử làng sử nước ấy cùng phối thờ với đại tướng?

Nhưng cũng còn một cái lý nữa là cụ Doanh có nêu ra một tồn nghi là có nhiều ý kiến khẳng định Đại tướng Lê Trọng Tấn viễn tổ chính là chúa Trịnh Căn (?) Bằng cớ là ba anh em ruột của đại tướng Lê Trọng Tấn  là Lê Mạnh Hồ (cả), Lê Trọng Tấn (tức Tố, thứ hai) và Trịnh Quý Đông (út).

Cụ Đồ Lăng thân sinh còn cẩn trọng cho ba anh em mang tên lót là những từ chỉ thứ tự thời tiết của một mùa. Mạnh là đầu mùa. Trọng là giữa và Quý là cuối! Điều đặc biệt là người em thứ ba này lại mang họ Trịnh  nên chả phải là ngẫu nhiên khi có việc phối thờ này?

Cụ Doanh còn trích hẳn một tư liệu trong cuốn Họ Trịnh và Thăng Long (NXB Văn hoá Dân tộc, 2000) của hai nhà nghiên cứu Bỉnh Di và Trịnh Quang Vũ ở trang 111 đã khẳng định đại tướng là hậu duệ của dòng chúa Trịnh Căn.

Nếu đúng như cụ Doanh nói thì có lẽ cái việc tìm lẫn khẳng định đích thực họ cho đại tướng Lê Trọng Tấn xin kính chuyển các nhà nghiên cứu xem xét giải quyết?

Xin trở lại câu chuyện của cụ Doanh kể rằng cơ quan Xứ ủy hồi ấy đóng tại nhà cụ có một người nữ cán bộ trẻ đẹp năng nổ xông xáo gan dạ tên là Bích Vân còn có tên nữa là Hoàng Ngân (sau này một đội nữ du kích anh hùng của vùng đồng bằng Bắc Bộ đã mang tên người nữ cán bộ gan dạ ấy và đã từng lập nhiều chiến công xuất sắc).

Chị Bích Vân từ lâu đã có cảm tình với đồng chí Hoàng Văn Thụ. Bài thơ  mà anh Hoàng Văn Thụ tặng chị Bích Vân rồi chị Bích Vân thuộc lòng sau đây chính là do thân mẫu cụ Doanh kể lại vì đã trực tiếp chứng kiến tình cảm ấy cũng như nhiều lần Bích Vân nằm ổ rơm cùng cụ, chuyện trò tỉ  tê như hai mẹ con!

Hai trái tim mình đã kết tinh/ Chỉ vì nghĩa vụ phải làm thinh/ Mối thù đế quốc to em nhỉ/ Cướp cả giang san cả ái tình. Tấm gương hy sinh tiết  liệt của người Cộng sản Hoàng Văn Thụ ở trường bắn Tương Mai năm 1944 đã cắt đứt mối lương duyên  hồi ấy hẳn còn manh nha của đôi trai tài gái sắc này?

Cũng nói thêm, thân mẫu cụ Doanh là Nguyễn Thị Tụy, người được Hoàng Văn Thụ trực tiếp kết nạp  vào Đảng năm 1940. Xin trở lại với anh lính khố đỏ Lê Trọng Tấn (tức Tố) của thôn Nghĩa Lộ của làng Yên Nghĩa này.

Thời gian tham gia lính khố đỏ, Lê Trọng Tấn đã đóng đến chức đội nên dân làng Yên Nghĩa thường gọi là Đội Tố. Nắm chắc đội Tố là con một nhà Nho thanh bần của làng vì bị bắt ép vào lính nên tổ chức Đảng đặt ra nhiệm vụ giáo giục cảm hoá Đội Tố…

Thời gian ấy, đơn vị của Đội  Tố đang đồn trú gần sân bay Tông (Sơn Tây) nên cũng gần làng Yên Nghĩa. Chị Bích Vân tức Hoàng Ngân khi đó đang phụ trách công tác phụ vận kiêm binh vận của Xứ ủy Bắc Kỳ và một số nhân mối khác  được giao nhiệm vụ cảm hoá giáo dục  Đội Tố…

Chắc công việc ấy phải khá vất vả công phu lẫn khéo léo  thì sau này chúng ta mới được đọc những dòng sau trong lý lịch trích ngang của đại tướng Lê Trọng Tấn: “…đồng chí được giác ngộ cách mạng đầu năm 1944 và tham gia Việt Minh.

Trong thời kỳ này đồng chí về quê nhà Yên Nghĩa tham gia các hoạt động cách mạng ở địa phương. Đến tháng 8 năm 1945 đồng chí được cử làm ủy viên quân sự trong ủy ban khởi nghĩa Hà Đông. Cuối năm này đồng chí được kết nạp vào ĐCS Đông Dương… "

Chao ôi, tôi thầm nghĩ, nếu không có sự giác ngộ cảm hóa ngày ấy, nếu không có cách mạng, nếu không có quân đội cách mạng cùng con mắt xanh của Anh Văn ngày ấy thì khó mà có những vị thế như Đại đoàn trưởng một đại đoàn chủ lực lúc 34 tuổi.

Năm 1954, chỉ huy đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1958 là đại tá, hiệu trưởng trường sĩ quan lục quân. Năm 1961 là thiếu tướng Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Năm 1964 với bí danh Ba Long là Phó tư lệnh LLVTGPMNVN. Năm 1972 là tư lệnh chiến dịch Bình Trị Thiên.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa Xuân 1975 là Phó tư lệnh chiến dịch kiêm tư lệnh các cánh quân phía Đông. Năm 1980 là Thượng tướng và Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN hàm đại tướng năm 1984. Cái chết đột ngột mà như người xưa nói là bất đắc kỳ tử (chết mà chưa đến cái chết ấy) khiến huân nghiệp của vị đại tướng quê ở làng Yên Nghĩa này đã vĩnh viễn dừng lại ngày mồng 5 tháng 12 năm 1986!

…Tại một góc nhà lưu niệm, tôi dừng lại lâu hơn trước một bức ảnh đen trắng cỡ 18x24cm có nhiều khoảng đã mờ và loang lổ… Rọi cả đèn ngó kỹ mới rõ hình đại tướng mặc thường phục, quần xắn cao, đi dép cao su đúc, loại dép râu phổ biến của quân giải phóng. Đại tướng đầu ngẩng cao ánh mắt như nhìn vào một phía xa… Bên cạnh đại tướng là khoảng gì đó như những luống rau.

Rìa bức ảnh là một dòng ngay ngắn Ba Long, Phó R. Bên những dòng chữ vắn tắt Bức ảnh này Mỹ Ngụy chụp để nhận dạng tướng Lê Trọng Tấn thời gian hoạt động ở chiến trường miền Nam… Mỹ Ngụy chụp? Mà lại nhận dạng là thế nào?

Chừng như thấy vẻ phân vân băn khoăn của khách tham quan, cụ Doanh giọng hồ hởi cho tôi hay, người nhặt được tấm ảnh này nhà cũng gần đây… Và người đàn ông tóc húi ngắn vẻ rắn rỏi, chủ căn nhà mái bằng xây cất cũng đã lâu thoáng vẻ ngạc nhiên khi thấy đám khách không mời mà đến này! Nhưng khi cụ Doanh vừa ngỏ lời anh đã à, à vẻ rất niềm nở.

…Khoảng đêm 26 rạng ngày 27 gì đó của tháng 3 năm 1975, đơn vị đặc công của Lê Văn Viêm, tên ông chủ nhà, thuộc tiểu đoàn 403, sư đoàn 305 tập kích vào căn cứ sân bay và cảng Chu Lai.

Trận đánh diễn ra mau chóng và thắng lợi. Đơn vị của Viêm sau khi làm chủ chiến trường trong lúc thu dọn chiến lợi phẩm, Viêm đã tìm thấy trên bàn làm việc của viên chỉ huy căn cứ có một cuốn album khá dày…

Tò mò Viêm giở coi thì trang đầu có một dòng chữ viết khá đậm đại ý: Những nhân vật cỡ bự của Cộng quân. Nhớ coi kỹ để nhận người… Trong cuốn album ấy anh Viêm thấy nhiều ảnh lắm. Cái mờ cái rõ. Có nhiều cái chụp đã lâu.

Nhờ có những dòng ghi bên cạnh mà Viêm biết được nhiều người như Trịnh Đình Thảo, Trần Độ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Định v.v… Là người cùng làng với Tướng Lê Trọng Tấn (nhà ông Viêm cách nhà Tướng Lê Trọng Tấn khoảng gần 100 mét. Trước khi vào bộ đội năm 1971, hồi nhỏ có mấy lần Viêm gặp Tướng Tấn về làng có bận rẽ qua nhà Viêm chơi) mà Viêm nhận ra ngay bức ảnh này.

Viêm lột tấm ảnh ra cất vào ba lô. Tiếc cuốn album sau này không biết lạc đâu mất nhưng may tấm ảnh vẫn còn. Năm 1978, một lần về quê, Tướng Lê Trọng Tấn rẽ qua nhà Viêm chơi. Anh Viêm đưa tấm ảnh này ra…

Tướng Tấn nhíu mãi cặp mày mà vẫn không nhớ ra tấm hình này ông chụp vào hoàn cảnh nào? Ai chụp? Không hiểu sao tấm ảnh này lại rơi vào tay địch nhỉ? Anh Viêm còn nhớ Tướng Tấn nói vui có khi địch nó chụp được mình cũng nên ?! Và sau đó Tướng Tấn có xin lại tấm ảnh ấy!

Rời nhà anh Viêm, chúng tôi rẽ vào một ngôi nhà ngói năm gian thâm thấp. Nếp nhà cụ đồ Lăng, thân sinh đại tướng ngày trước lợp rạ nay đã được lợp ngói. Nghe nói hồi một đơn vị cũ của đại tướng xin làm con đường vào làng nhưng đại tướng không đồng ý.

Anh em đành tặng đại tướng mái ngói này vậy! Vâng, chú Tấn nhà tôi sinh ở ngôi nhà này đấy ạ… Chất giọng niềm nở của bà Căn, con gái của ông Lê Mạnh Hồ người con trai cả của cụ Đồ như làm ấm thêm căn nhà cổ. ấm áp như hương khói bốn mùa không dứt trong ngôi nhà mà vị tướng tài của nước Nam ta đã cất tiếng khóc chào đời!

Thanh minh năm Dậu

Kiều Mai Sơn (ghi)