In bài này
UTA 772 - Thảm kịch bị lãng quên
Thứ Hai, 18/01/2010 - 7:55 PM
Chiếc máy bay DC-10 chuyến UTA 772 nổ tung trên sa mạc Sahara vào năm 1989, thời điểm dư luận đang dồn sự chú ý vào sự kiện Lockerbie một năm trước đó. Chính vì những tranh cãi quanh vụ này mà Pháp đang ngăn cản việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Libya.

Xác chiếc máy bay chuyến UTA 772 sau khi bị nổ ở vùng sa mạc Sahara, thuộc Niger
Năm 1999, Libya đã đồng ý trả tổng cộng 35 triệu USD, mặc dù họ chưa bao giờ chính thức thừa nhận trách nhiệm về thảm kịch UTA 772.

Nhưng mức này lại thấp hơn nhiều so với số tiền 10 triệu USD cho mỗi nạn nhân Lockerbie mà Tripoli mới đây đồng ý với Washington và London, để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Paris lấy làm bất bình, đòi giành lại công bằng, và đe doạ sẽ dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Hiện nay, Libya đang tiến hành thương thuyết với Pháp. Vụ việc đã khiến cho Mỹ bực bội, gọi Pháp là "đạo đức giả".

Vào ngày 19/9/1989, chiếc máy bay của UTA từ Congo Brazzaville (Trung Phi) đi Paris. Nó nổ tung trên bầu trời sa mạc Sahara ở miền nam Niger, làm tất cả 170 người, trong đó 54 công dân Pháp, thiệt mạng. Sau khi kiểm tra 15 tấn xác máy bay, người ta phát hiện dấu vết của chất nổ pentrite ở phần khoang trước.

Ngoài ra, các nhà điều tra tìm thấy một mảnh bảng mạch điện màu xanh, chính là thiết bị hẹn giờ nổ. Một công ty marketing sau đó cho biết một người Libya đã đề nghị họ cung cấp 100 thiết bị như vậy. Vụ Lockerbie cũng được lần ra manh mối theo cách này.

Các nhà điều tra còn tuyên bố “một trong những tên khủng bố tham gia vụ tấn công đã nhận tội”. Đó là một nhân vật thuộc phe đối lập ở Congo, từng giúp một trong 6 bị can Libya nói trên tìm người đưa valy chứa thuốc nổ lên máy bay. Theo tài liệu của bên nguyên hiện theo đuổi vụ kiện, Tripoli muốn trả thù Paris, vì Pháp từng bênh vực Chad trong một vụ tranh chấp lãnh thổ với Libya.

Họ còn khẳng định chính phủ Libya tìm cách đánh lạc hướng thẩm phán điều tra Pháp, khi nói dối rằng một trong các nghi phạm đã chết. Tripoli cho vị thẩm phán xem một chiếc valy Samsonite giống như cái được đưa lên máy bay, mà theo lời họ thu được từ một nhóm đối lập ở Libya.

Nhưng điều đó chỉ xác nhận rằng chính Tripoli đang nắm trong tay với một chiếc valy như thế. Ngoài ra, 2 nhân viên tình báo Libya (một người có bí danh là Piebald) khai với cơ quan tình báo Anh MI6 rằng đích thân ông Gaddafi đã ra lệnh tiến hành vụ tấn công.

Theo phán quyết của một toà án Paris năm 1999, 6 người Libya bị xử tù chung thân vắng mặt (Libya từ chối giao nộp các bị can). Một trong số này là Abdullah Sanussi, em rể của Gaddafi và là người đứng đầu tổ chức tình báo đối ngoại của Libya. SOS Attentats - tổ chức bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân khủng bố tại Pháp - đòi xét xử ông Gaddafi, nhưng theo toà, nguyên thủ quốc gia được quyền miễn truy tố.

Thân nhân của những người thiệt mạng trong vụ UTA 772 chưa bằng lòng với phán quyết này. SOS Attentas đã chuyển hồ sơ cho phía luật sư đại diện các gia đình 7 nạn nhân người Mỹ. Trong số các nạn nhân có Bonnie Barnes Pugh, phu nhân của Đại sứ Mỹ ở Chad. Lúc đó, bà đang trên đường về nhà để chuẩn bị đám cưới con gái. Hồi tháng 10 năm ngoái, các gia đình ở Mỹ khởi kiện lên toà án cấp địa phương ở Washington DC, đòi Libya phải bồi thường 2,2 tỷ USD.

Pháp đã không liên kết với Mỹ và Anh để cùng thương thuyết chuyện bồi thường với Libya. Paris có lẽ không muốn phụ thuộc vào Washington và đồng minh thân thiết nhất của Mỹ. Nhưng chính điều này đã dẫn tới hậu quả là UTA 772 trở thành chuyến bay bị lãng quên.

  • Nguồn: VnExpress, 20.8.2003 (Theo BBC)
Minh Châu