In bài này
Đánh giá sức mạnh quân sự và công nghiệp quốc phòng Trung Quốc
Thứ Bẩy, 09/01/2010 - 11:41 PM
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng cuộc diễu binh ở Bắc Kinh ngày 1.10.2009 kỷ niệm 60 năm quốc khánh sẽ thể hiện sự thành công của chính sách “4 hiện đại hóa” đối với quân đội nước này.

Sự kiện này là nhằm cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ quân sự đã đưa đất nước này vào hàng ngũ các cường quốc tiên tiến nhất về quân sự trên thế giới.

Tất cả trang thiết bị quân sự được trưng bày ở Bắc Kinh đã tạo ra được ấn tượng mong muốn đối với công chúng ái quốc Trung Quốc (TQ), còn một số nhà quan sát phương Tây thì nay ồn ào bàn tán về Quân giải phóng nhân dân TQ mới được hiện đại hóa.

Một cái nhìn thận trọng hơn về khả năng quân sự của TQ cho thấy, chẳng có mấy cơ sở cho cả sự lạc quan lẫn báo động quá thái - tùy thuộc vào thái độ của người quan sát đối với nước này - về vị thế của TQ như một đại cường quân sự.

Thành quả của tình bạn lớn mới

Trong gần 3 thập kỷ từ khi quan hệ Xô-Trung đổ vỡ đầu thập niên 1960 đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, TQ chôn chân trong sự lạc hậu công nghệ. Sau khi dòng trang bị quân sự hào phóng chảy từ Moskva bị ngừng đột ngột vào năm 1961, quân đội TQ đành bám với công nghệ cổ lỗ của Liên Xô thời những năm 1950.

Các máy bay tiêm kích phản lực lỗi thời MiG-19 Farmer sản xuất theo giấy phép của Liên Xô (ký hiệu của TQ là J-6) vẫn là xương sống của lực lượng tiêm kích TQ. Việc trang bị các biến thể đầu của MiG-21 Fishbed (J-7) diễn ra rất chậm chạp và khổ sở.

Họ đã sản xuất ra cả đống máy bay ném bom Il-28 (H-5) Beagle cộng với một số ít máy bay ném bom tầm xa Tu-16 (H-6) Badger. Loại trực thăng piston Mi-4 (Z-5) Hound vẫn là loại trực thăng chủ lực của TQ, T-54 (TQ đặt tên là T-59) vẫn là tăng chủ lực chính, và S-75 (HQ-2) vẫn là tên lửa phòng không (TLPK) chủ yếu của TQ. Hải quân TQ dựa trên các thiết kế những năm 1950 của Liên Xô hoặc chỉ là sao chép thô thiển.

Công nghệ tên lửa đường đạn TQ cũng dựa trên các tên lửa đầu tiên của Liên Xô như R-2 (SS-2), R-11 (SS-1B) và R-12 (SS-4) mà Nikita Khrushchev tặng cho TQ.

Các nỗ lực chế tạo vũ khí của TQ chỉ nhằm tạo ra những thứ kỳ cục kém cỏi như máy bay tiêm kích J-8 Finback và tàu ngầm lớp Minh, hoặc cải tiến một cách cẩu thả các loại xe tăng, tên lửa đã lỗi thời ngay từ trước khi chúng rời khỏi bàn vẽ thiết kế.

Động lực chính trong nỗ lực của công nghiệp quốc phòng (CNQP) TQ vì thế là nhằm trộm cắp các thiết kế mới hơn của Liên Xô mà Bắc Kinh mua lậu qua các nước thứ ba. Đó là cách TQ sao chép tăng chủ lực T-72 vào cuối thập niên 1980, cũng như xe chiến đấu bộ binh BMP-1, lựu pháo tự hành và lựu pháo kéo 122 mm và 152 mm, hệ thống rocket phóng loạt 122 mm Grad, tên lửa chống tăng Malyutka (AT-3), và tên lửa phòng không vác vai Strela-2 (SA-7).

Trong thập kỷ 1980, TQ được phép tiếp cận có mức độ với phương Tây do có chung sự thù địch với Liên Xô. Nhờ thế, họ đã tiếp cận được một số công nghệ phương Tây.

Pháp bán cho TQ giấy phép sản xuất trực thăng Super Frelon (Z-8) và Dauphine (Z-9), cũng như hệ thống TLPK Crotale. 


Italia cũng bán cho TQ giấy phép sản xuất một hệ thống TLPK khác là Aspide. TQ cũng đã mua một số hệ thống vũ khí khác từ Pháp và

Italia, ký với các công ty Mỹ các hợp đồng trang bị thiết vị điện tử hàng không cho máy bay TQ.

Một đối tác chủ chốt khác là Israel và nước này đã là công cụ trong việc phát triển máy bay tiêm kích mới J-10 của TQ.

Tuy nhiên, sự kiện Thiên An Môn tháng 6/1989 đã nhanh chóng chấm dứt các hoạt động nhập khẩu công nghệ quân sự từ phương Tây của TQ, và đẩy CNQP nước này vào một sự cô lập công nghệ mới.

Thật may cho TQ, quan hệ với Liên Xô đã đột ngột thay đổi tốt lên vào thời gian đó và các hợp đồng quốc phòng mới với Moskva tiếp nối ngay sau đó. Năm 1991, TQ ký những hợp đồng đầu tiên mua vũ khí hiện đại của Liên Xô, trong đó có 24 máy bay tiêm kích Su-27 Flanker và 2 tàu ngầm thông thường Project 877EK (lớp Kilo class).

Sự đột phá này cực kỳ quan trọng đối với TQ. Không phải là phóng đại khi nói rằng, các vũ khí và công nghệ quốc phòng hiện đại của Nga mà TQ mua được sau năm 1991 đã là cốt lõi của chương trình hiện đại hóa quân đội TQ và tiến bộ của CNQP TQ những năm gần đây. Đối với TQ, Nga trở thành nguồn cung cấp thừa mứa hầu như tất cả các loại công nghệ vũ khí hiện đại.

Nhờ có số lượng lớn các máy bay tiêm kích Su-27 và Su-30 từ Nga (tổng cộng 178 chiếc vào năm 2005), không quân TQ đã nhảy vọt từ máy bay chiến đấu thế hệ 2 sang thế hệ 4. Việc sản xuất Su-27 (J-11) tại Thẩm Dương theo giấy phép năm 1996 cũng có ý nghĩa như vậy đối với lĩnh vực chế tạo máy bay TQ vốn đã tiếp cận được thiết bị điện tử hàng không, radar, động cơ và tên lửa hàng không hiện đại.

Động cơ phản lực hiện đại của Nga đã trở thành mối lợi thực sự cho các nhà sản xuất máy bay chiến đấu TQ vốn yếu ớt do không có các loại động cơ mạnh hiện đại. TQ cuối cùng cũng đã sản xuất loạt được chỉ 2% máy bay tiêm kích mà họ có - là J-10 và FC-1 lắp tương ứng các động cơ turbine quạt AL-31FN và RD-93 của Nga.

Ngoài 4 tàu khu trục Project 956 (lớp Sovremennyi), các xưởng đóng tàu Nga cũng đã đóng tổng cộng 12 tàu ngầm thông thường Project 636 và Project 877 (lớp Kilo) cho TQ Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, hải quân TQ đã thực sự có được một số tàu chiến hiện đại với trang bị thủy âm, radar, ngư lôi và tên lửa chống hạm siêu âm (Moskit và Club) tiên tiến. Các tàu khu trục Project 956 là những tàu chiến đầu tiên của hải quân TQ được trang bị các hệ thống TLPK tầm trung.

Điều có tầm quan trọng hơn việc mua những vũ khí đơn lẻ do Nga sản xuất là TQ đã lấy và mua được giấy phép nhiều công nghệ quân sự của Nga và sử dụng chuyên gia quân sự Nga để thiết kế một số loại vũ khí mới, thực tế nhiều khi là trọn vẹn các hệ thống vũ khí cho mình.

Trong thập niên 1990 và đầu thập kỷ đầu của thiên niên kỷ 21, nhiều nếu không nói là hầu hết các Viện thiết kế và cơ sở nghiên cứu quân sự của Nga làm việc cho TQ, khách hàng chính của họ. Kết quả là nhiều hệ thống vũ khí mới nhất của TQ được phát triển trong thập kỷ qua mang nhiều dấu ấn của các hệ vũ khí gốc của Nga.

Một ví dụ là tháp xe Bakhcha-U của xe chiến đấu bộ binh TQ ZTD-05 đã tham gia diễu binh ngày 1/10/2009. Tháp xe này do Viện Tula KBP của Nga thiết kế cho TQ, sử dụng khoang chiến đấu của xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Nga làm điểm khởi đầu. Nhà máy chế tạo máy Kurgan đã tham gia vào việc phát triển phần còn lại của xe này, cũng như việc sản xuất loạt. Điều tương tự cũng xảy ra với xe chiến đấu không vận ZBD-03 của TQ.

Các hệ thống pháo mới nhất của TQ là các biến thể sản xuất theo giấy phép và cải tiến nhỏ của các thiết kế Nga - và ngay cả việc cải tiến đó cũng có thể do các công trình sư Nga thực hiện. Trong đó có khoang chiến đấu của lựu pháo tự hành 155 mm PLZ-05 (biến thể của 2S19M1 Msta-S của Nga), pháo/cối tự hành 120mm PLL-05 (2S23 Nona-SVK), và PHL-05, hệ thống rocket phóng loạt 300mm dựa trên hệ 9K58 Smerch của Nga.

TQ cũng đã mua giấy phép chế tạo đạn pháo có điều khiển bằng laser Krasnopol, các hệ thống tên lửa chống tăng phóng bằng nòng pháo tăng Basnya, Refleks-M và Bastion, và súng phóng rocket phun lửa bộ binh RPO-A. Loại khung gầm xe mới nhất của TQ rõ ràng là khung gầm xe MAZ sản xuất sao chép theo giấy phép.

Một lĩnh vực dính líu khác của Nga cần được đề cập riêng và phát triển các hệ thống TLPK mới nhất của TQ. Cho đến gần đây, TQ bế tắc vô vọng với hệ TLPK cũ rích S-75 (SA-2) có từ thời bắn hạ U-2 của Francis Gary Powers (đầu những năm 1960).

Từ năm 1996, TQ đã mua 28 tiểu đoàn TLPK S-300PMU1/2 (SA-20). Hơn nữa, họ còn phát triển một biến thể riêng của hệ TLPK Nga là HQ-9 với sự hỗ trợ của hãng Almaz-Antey của Nga - mặc dù TQ vẫn gặp khó khăn trong việc sản xuất loạt. Các hệ thống HQ-16 và HQ-17 cũng có vẻ là thiết kế của Nga. TQ còn dựa vào sự trợ giúp của Nga để phát triển các hệ thống TLPK tầm ngắn (ngoài việc mua các hệ thống Tor của Nga) và các đài radar.

Về vũ khí hàng không, TQ đã trở thành khách hàng nhập khẩu chính các loại tên lửa không-đối-không và không-đối-diện của Nga. Họ cũng bắt đầu liên kết sản xuất tên lửa chống radar Kh-31P/KR-1 (AS-17) (về thực chất chỉ là lắp ráp tại TQ). Hãng MNPO Agat của Nga cũng đã phát triển loại đầu tìm radar chủ động cho tên lửa không-đối-không mới nhất PL-12 của TQ.

Những nhà thiết kế các loại tên lửa hành trình hàng không và mặt đất mới nhất của TQ cũng được cho là đã sử dụng sự giúp đỡ của Nga, cũng như một số công nghệ liên quan và tên lửa hành trình Kh-55 (AS-15) mua từ Ukraine.
Nga được biết là đã tham gia sâu vào việc phát triển và hoàn thiện các máy bay tiêm kích J-10 và FC-1 của TQ. Viện thiết kế Yakovlev của Nga đã tham gia phát triển máy bay huấn luyện mới L-15 của TQ với dấu hiệu rõ ràng là sao chép Yak-130.

Hải quân TQ cũng có bước nhảy vọt lớn nhờ mua vũ khí và công nghệ Nga. Họ đã mua một số hệ vũ khí và radar cho các tàu khu trục và frigate như các hệ thống TLPK Rif-M (SA-N-20) và Shtil-1 (SA-N-12) (Shtil-1 có 1 biến thể phóng thẳng đứng).

Bản thân các tàu khu trục Type 051C và 052B do TQ đóng để trang bị các hệ vũ khí được mua nói trên cũng được thiết kế với sự tham gia của Viện thiết kế tàu Severnoye của Nga. Viện này dường như cũng tham gia thiết kế các lớp tàu khu trục Type 052C và frigate Type 054 của TQ, còn Viện thiết kế Rubin thì tham gia thiết kế các tàu ngầm mới của TQ.

Trong thập niên 1990, Nga đã bán cho TQ toàn bộ các bản vẽ thiết kế và tài liệu kỹ thuật của tàu sân bay hạng nặng Varyag. Viện thiết kế Nevskoye thực tế cũng đã thiết kế toàn bộ một tàu sân bay hạng trung cho TQ, một sự kiện được công bố hơi phô trương trong báo cáo hàng năm của họ năm 2008. TQ cũng đã mua giấy phép sản xuất hệ thống pháo hải quân AK-176 76 mm của Nga, và các công ty Nga đang phát triển các loại ngư lôi và thủy lôi cho hải quân TQ.

Rõ ràng Nga đã là nguồn lực chính cho sự cải cách công nghệ của quân đội TQ, điều đã không tránh khỏi sự chú ý của các chuyên gia theo dõi cuộc diễu binh ngày 1/10/2009. Ít nhất có 12 trong các hệ thống vũ khí chủ chốt trưng bày trên quảng trường Thiên An Môn hôm đó có nguồn gốc là thiết kế Liên Xô và Nga. Nga vừa là nguồn cung cấp vũ khí chính, vừa là viện thiết kế chủ chốt cho TQ trong hơn 15 năm qua.

Cố gắng tự lực

Tuy nhiên, trong vài năm qua, rõ ràng là sự hợp tác CNQP Nga-TQ đang suy giảm. Trong thập niên 1990, TQ là khách hàng nhập khẩu chính của vũ khí Nga, chiếm tới ½ lượng vũ khí xuất khẩu của Nga trong năm 2004-2005. Vào năm 2007, con số đó giảm đi chỉ còn 25%.

Dự kiến trong giai đoạn 2008-2010 chỉ còn 12-17%. TQ đã hầu như ngừng mua các hệ thống vũ khí trọn vẹn từ Nga. Nay họ chỉ quan tâm đến các bộ phận, phân hệ, động cơ và kỹ nghệ. Một khi đợt chuyển giao cuối cùng các hệ thống TLPK S-300PMU2 vào năm 2010, xuất khẩu vũ khí Nga có thể còn giảm hơn nữa. Bắc Kinh đã quyết định không tiếp tục lắp ráp theo giấy phép các máy bay tiêm kích Su-27.

TQ dường như đã có tất cả những công nghệ mà họ muốn từ Nga và chiến lược của họ nay là phát triển các hệ thống vũ khí của mình dựa trên nguồn chất xám của Nga này. Mặt khác, Nga rõ ràng đã thận trọng không bán cho TQ những vũ khí tối tân nhất của mình. Điều thú vị là một số trong những vũ khí đó Moskva đã sẵn sàng bán cho India, chứ không phải cho TQ. Về thực chất, hợp tác CNQP Nga-TQ đã đạt đến trần của nó.

Hơn nữa, TQ thực sự tin rằng, hiện giờ, trong nhiều lĩnh vực, công nghệ của họ đủ tiên tiến mà không cần sự trợ giúp của Nga. Điều đó dẫn đến những nỗ lực trắng trợn sao chép một số hệ vũ khí của Nga mà không mua giấy phép sản xuất. Ví dụ điển hình nhất là máy bay tiêm kích “tự phát triển” J-11B của TQ sản xuất tại Thẩm Dương, thực chất không có gì khác mà là bản sao chép trái phép Su-27 trước đây TQ lắp ráp bằng các bộ linh kiện của Nga.

Tuy vậy, “thành tựu” đặc biệt này thực tế càng làm nổi bật những hạn chế của CNQP TQ. Đến nay, dường như mới chỉ có vài mẫu J-11B được chế tạo. Những nỗ lực của TQ nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào các động cơ phản lực của Nga vẫn vô hiệu. Động cơ turbine quạt công suất lớn WS10A của TQ được thiết kế để thay thế các động cơ AL-31F của Nga trên 2 loại máy bay tiêm kích J-10 và J-11B (bản thân động cơ này cũng có thể là bản sao phép một phần của động cơ AL-31F) vẫn đang vấp phải những vấn đề nan giải. Tất cả những điều này buộc Bắc Kinh dẹp lòng tự hào sang một bên để tiếp tục ký những hợp đồng mới mua các động cơ AL-31FN cho máy bay tiêm kích chủ yếu tối tân nhất J-10 của họ.

Có vẻ là trong khi vẫn là nguồn duy nhất cung cấp những bộ phận thiết yếu, Nga vẫn giữ được quyền kiểm soát đối với nhiều chương trình vũ khí quan trọng thiết yếu của TQ. Và nhiều hệ thống vũ khí “tự phát triển” hay sản xuất theo giấy phép của TQ vẫn phải dựa vào nguồn cung cấp thiết bị từ Nga. Khả năng của TQ triển khai sản xuất loạt trong nước xem ra cực kỳ bất định đối với một số hệ thống tên lửa hiện đại và đặc biệt là TLPK.

Việc nghiên cứu kỹ khả năng quân sự và những hệ thống vũ khí mới nhất của TQ dẫn đến một số kết luận khác mà TQ, không nghi ngờ gì nữa, sẽ không muốn nghe. Một vấn đề rõ ràng là chức năng và thiết kế kém của một số hệ thống vũ khí của TQ mà xem ra như chưa được hoàn thiện.

Một vấn đề khác là việc bắt chước máy móc các thiết kế của nước ngoài, điều nói lên việc thiếu vắng những ý tưởng độc lập về công nghệ, chiến lược và chiến thuật tác chiến. Đó là những lỗ hổng trong những lĩnh vực quan trọng của khả năng quân sự TQ.

Phòng không ở những khu vực của TQ không được bảo vệ bằng các hệ thống TLPK S-300PMU1/2 do Nga sản xuất thật là tệ hại. Phòng không chiến trường cũng vẫn bất xứng một cách đáng thương.

Khả năng chống tăng vẫn chỉ là phôi thai và nước này không hề có trực thăng chiến đấu; dự án trực thăng tiến công Z-10 đang ì ạch, bế tắc vì không có động cơ tự sản xuất cho nó.
Tiềm lực tiến công của không quân TQ vẫn rất hạn chế và chiếm số đông trong đội máy bay của họ là những thiết kế thập kỷ 1960.

Khả năng của hải quân TQ phòng ngự trước các tàu ngầm hiện đại được đánh giá là rất thấp và có nhiều dấu hiệu quan trọng biểu thị đây chẳng qua là một hạm đội bảo vệ bờ biển.

Cuối cùng, đa phần vũ khí trang bị của lục quân TQ đã lỗi thời. Một nhúm các loại xe mới chạy qua lăng Mao Trạch Đông không thể làm thay đổi bức tranh lớn hơn. Có chưa tới 300-350 chiếc xe tăng chủ lực tối tân nhất Type 99 được chế tạo trong thập kỷ qua. Để có thể thay thế các xe tăng đồ cổ T-59 vốn đang chiếm số đông trong lực lượng xe tăng, TQ đã buộc phải duy trì sản xuất các loại xe tăng rẻ tiền, thô sơ và lạc hậu một cách đau khổ Type 96.

Cách tiếp cận này, tức là sản xuất ra vài mẫu trông có vẻ hiện đại để phô diễn trong khi đa phần sản phẩm thuộc diện đồng nát cũ kỹ hình thức chải chuốt, minh họa cho thực trạng của CNQP TQ hiện nay. Ngay cả nhà máy sản xuất máy bay Thành Đô, nơi đang chế tạo các máy bay tiêm kích mới nhất J-10, cũng vẫn tiếp tục ra lò mẫu máy bay J-7G, biến thể nâng cấp tý chút của MiG-21 già cả.

Trong khi đó, xe tăng Type 99 là một ví dụ tốt nói lên trình độ thực sự của công nghệ quân sự TQ. Nó có nguồn gốc từ Type 90, loại xe vốn chỉ là bản sao chép được cải tiến sâu của xe tăng T-72 cũ kỹ. Các website và diễn đàn mạng (forum) quân sự TQ, cũng như một số nhà quan sát phương Tây, những người thừa nhận những giá trị bề ngoài này, đều ngợi ca Type 99. Họ mô tả nó như một xe tăng đẳng cấp thế giới, một vài người còn đi xa đến mức coi nó vượt trội so với xe tăng T-90A của Nga.

Sự thực thì hệ thống vỏ giáp của tháp xe tăng mới nhất và thần kỳ nhất TQ thật vô cùng kém cỏi. Do lựa chọn thiết kế tồi mà độ dày của vỏ giáp ở góc 30-35 độ chỉ là 350 mm, trong khi chỉ số này ở các xe tăng mới nhất của Liên Xô/Nga là khoảng 600 mm ở mọi góc độ.

Vỏ giáp trên nóc phía trước xe cũng yếu ớt và xe tăng vẫn kế thừa điểm yếu ở khu vực cửa nóc và khe lắp pháo của các thiết kế xe tăng cũ của Liên Xô. Kích thước của tháp xe Type 99 làm cho hệ thống giáp bảo vệ lắp liền không thể có sự cải thiện lớn nào - biến thể mới nhất Type 99A1 cho thấy điều đó.

Đồng thời, quyết định sử dụng động cơ diesel mạnh, nhưng cồng kềnh MTU của Đức đã buộc các nhà thiết kế TQ phải kéo dài xe tăng thêm 1 m, đưa trọng lượng xe lên tới 54 tấn mặc dù đã phải có những hy sinh về sức mạnh vỏ giáp. (Ngoài ra, việc sử dụng động cơ nhập khẩu, hoặc lắp ráp chúng bằng linh kiện nhập khẩu có lẽ là lý do chủ chốt khiến đến nay mới chỉ có rất ít xe tăng Type 99 được chế tạo). So với các thiết kế tăng mới nhất của Nga, Type 99 là một xe tăng cồng kềnh hơn với vỏ giáp yếu hơn, năng lực thấp bởi kỹ thuật kém.

TQ còn dựa quá nhiều vào việc cóp nhặt sao chép thô thiển, máy móc các chi tiết thiết kế riêng biệt nhưng lại thường khó tương hợp tốt với nhau. Việc sao chép này chẳng biến thành lợi thế nào so với các thiết kế nguyên bản nước ngoài và trong nhiều trường hợp dẫn tới những vấn đề không ngờ. So với kinh nghiệm to lớn của các nhà thiết kế xe tăng Liên Xô/Nga, người TQ mới chỉ chập chững những bước đi ban đầu và điều đó thực sự rõ ràng.

Cuối cùng, xin nói đôi lời về tiềm lực hạt nhân của TQ. Với tất cả những thành tựu của CNQP TQ, nước này vẫn là nước kém cỏi trong 5 cường quốc hạt nhân chính thức về tiềm lực hạt nhân chiến lược.
Bắc Kinh có không quá 40 tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) và khoảng 120 tên lửa đường đạn tầm trung. Số lượng các ICBM nhiên liệu rắn mới DF-31A (CSS-9) sản xuất mỗi năm thấp ở mức 1 con số.

TQ chỉ có 1 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn (SSBN) lớp Type 092 mang 12 tên lửa đường đạn cổ lỗ JL-1. Tàu ngầm nay chưa từng ra khơi hoạt động. Họ có 2 SSBN mới đóng xong lớp Type 094 SSBN, nhưng các tên lửa JL-2 dự kiến trang bị cho tàu vẫn đang ở giai đoạn phát triển. Điều đó có nghĩa là kho vũ khí hạt nhân TQ không có thành phần triển khai trên biển có hiệu quả tác chiến.

Không quân TQ, trong khi đó, lại không có máy bay ném bom chiến lược. Họ buộc phải hài lòng với máy bay H-6 (có tới 100 chiếc), bản sao chép máy bay ném bom tầm xa cổ lỗ Tu-16 của Liên Xô. Một số trong các máy bay này hiện được trang bị tên lửa hành trình DH-10. Điều đó làm cho chúng trở thành phương tiện uy lực hơn, nhưng vẫn còn kém quá xa so với một máy bay ném bom chiến lược thật sự.

Chương trình của TQ phát triển các tên lửa hạt nhân chiến lược thế hệ mới rõ ràng đang vấp phải những khó khăn nghiêm trọng. Trong khi đó, kho tên lửa hạt nhân hiện có, do hạn chế về công nghệ, không có đủ tiềm lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu thấp. Lực lượng này cũng rất dễ bị tổn thương trước đòn tiến công hạt nhân từ Mỹ hoặc Nga.

Điều đó có nghĩa là kho vũ khí hạt nhân của TQ không phù hợp với cả vai trò tiến công phủ đầu hoặc tiến công trả đũa (ví nó khó sống sót qua cuộc tấn công phủ đầu của đối phương). Và nếu Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa đường đạn dù là hạn chế thì hiệu quả của khả năng răn đe hạt nhân còn giảm đi nhiều nữa.

Ban lãnh đạo TQ (kể cả những người cầm đầu ngành CNQP) cũng như thường dân TQ có vẻ đang phấn chấn vô lối với những tiến bộ hình thức về sức mạnh quân sự. Bị mê hoặc bởi những xe tăng, tên lửa được sơn hào nhoáng, những người vẫy cờ TQ muốn phớt lờ một thực tế là những thành tựu về công nghệ quân sự của đất nước họ thật mỏng manh, phập phù và ít ỏi. Và điều quan trọng nhất là những thành tựu đó chủ yếu dựa trên các nguồn nhập khẩu từ Liên Xô và Nga, chứ không phải là công nghệ của chính họ.

TQ đã thành công trong việc nhập khẩu nhiều loại chất xám quân sự từ Nga, nhưng sẽ còn lâu CNQP TQ  mới thực sự hấp thụ được những chất xám đó. Ngay cả khả năng sao chép thô thiển công nghệ mua được của TQ cũng vẫn còn những dấu hỏi.

Chiến lược hiện nay thu hẹp hợp tác CNQP với Nga có thể sẽ quay lại ám ảnh TQ và bộc lộ sự ốm yếu đằng sau cái mã công nghệ cao của quân đội nước này. Và khi đó Bắc Kinh sẽ lại phải một lần nữa cầu cứu sự giúp đỡ nước láng giềng  phương Bắc (Nga).

Đại Việt